Tuấn Khanh - Tháng bảy tro bụi
9.9.15
Tháng bảy âm lịch ngày gần cạn, ngôi chùa nhỏ gần nhà gửi thư lần chót nhắc các gia đình có hài cốt thân nhân nhớ làm trọn bổn phận làm con.
Thư của chùa nhắc nhở chung, bởi rất nhiều gia đình sau khi gửi hài cốt cha mẹ vào chùa, kể như là trọn bổn phận. Quanh năm có những hương phần bụi bám dầy, không còn thấy rõ mặt người. Thậm chí, có những phần nằm im không ai thăm viếng đến cả chục năm.
Sư ông kể đã có lần, chùa phải kêu gọi bá tánh giúp đỡ, đem hàng trăm hương phần như vậy, chở lên tàu, đưa ra sông làm lễ rãi đi. Những tro bụi còn lại của những người quá cố, quanh năm không còn ai thăm viếng, có cái chuột chạy làm ngã, đổ bể, không có ai dựng lại. Tro rãi trên sông, bay đi theo gió, đôi khi có thể còn tự do và đỡ buồn tủi hơn năm im ở góc nào đó để gánh vác cho vinh danh hiếu tử cho người còn sống.
Tất cả rồi chỉ là tro bụi, thậm chí là tro bụi trong trí nhớ của người đang sống. Phật dạy mọi thứ thật vô thường nhưng có chứng kiến, mới thấy vô thường không chỉ ở nhục thân, mà vô thường đeo dẳng trinh đời người, tạo ra muôn vàn vô nghĩa cho đến khi ta giật mình nhận ra.
Trong những câu chuyện võ hiệp kỳ tình phiêu lưu của nhà văn Kim Dung, thường những cái kết truyện của ông luôn làm người đọc nao nao, vì nhận ra sau những cuộc bể dâu, ngay cả người đạt được tất cả cũng muốn lìa bỏ vì thấy mọi thứ trên cõi nhân gian đều như tro bụi. Vinh quang, tước vị, quyền lợi, tài sản... tất cả như những cái bẫy để con người nhận diện ra mình đê tiện hay hèn hạ mức nào.
Trương Vô Kỵ chỉ mong rõ bỏ mọi thứ, để chỉ được kết thúc cuộc đời vô danh kẻ chân mày cho người đẹp Triệu Minh. Thiên hạ vô địch Dương Quá thì chỉ mong bước ra khỏi nhân gian, mong được sống và chết trong im lặng để không còn nghe tiếng lao xao trần thế. Trong một lần trả lời với báo chí, nhà văn Kim Dung nói rằng trong các mối tình mà ông dựng nên - Dương Quá và Tiểu Long Nữ là đôi danh hiệp mà ông thích thú vì thách thức mọi lề thói và đạo đức giả tạo của nhân gian, vì có sống cho vừa lòng ai, thì cuộc đời cũng như giấc mộng trôi về tro bụi.
Tháng bảy nhắc người ta về hiếu đạo, nhắc người ta rằng mọi thứ về cuộc đời rồi sẽ đến lúc như tro bụi, vô nghĩa. Dẫu vật nài, giành cho được về phần mình, thì rồi cũng về cõi hư vô.
Vua Quang Trung khi lên ngôi Hoàng Đế năm 1788, để thị uy đã quật mộ thân phụ của vua Gia Long rồi vất bỏ xuống sông. Đến năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh giành lại vương quyền, đã quật mộ và nghiền nát hài cốt của anh em Nguyễn Huệ để rửa hận. Lịch sử như một bài hát khôn cùng về cõi người và tro bụi.
Tháng bảy liêu xiêu, nghe người ta nói nhiều về được và mất. Có người buồn vì thấy mất tên trong một bản in, có người mất vì thêm những dấu sắc trong một áng văn của mình.
Nhưng khó mà biết, ai là người được, ai là người mất. Có khi tên không còn được khắc bảng, nhưng được nhớ mãi trong lòng người. Có khi mất một chỗ ngồi tiểu lộ, lại thấy đại lộ thênh thang rộng mở trước mắt mình. Trong bài hát Những gì sẽ mang theo vào cõi chết của Phạm Duy, ông cũng để lại những chú giải về cuộc được mất với đời này: "không đem theo với tôi được giới hạn tiếng anh hùng, tôi không đem theo với tôi được tượng đồng bia đá trắng".
Kẻ ác có làm tất cả để thoả mãn cho mình, tương lai cũng chỉ là tro bụi. Vạn lý trường thành xây nên bằng khôn xiết bao xương máu dân lành, giờ chỉ là chỗ bán vé vào mua vui cho lũ trẻ. Có những triều đại độc tài, giết chết ai đó chỉ bằng một vài con chữ, rồi ngày sau quyền lực đó chỉ còn là tro bụi, bêu danh cho đời sau phỉ nhổ.
Chuyện kể rằng Tào Tháo đi đánh giặc xa, lương thực không đủ, quân lính oán thán và suy sụp tinh thần. Muốn quân không loạn, Tào Tháo thuyết phục quan giữ kho lương rằng hãy nhận giùm tội tham nhũng, nhưng bù lại sẽ được phát thẻ để vợ con được ăn lộc suốt đời. Ngày quan giữ kho bị chém và tin rằng mình là một anh hùng cứu nước, thì cũng là lúc vợ con của ông được phát thẻ hưởng lộc. Thẻ mua tro bụi ấy, thẻ gì?
Tháng bảy dành cho những giờ phút nghĩ lại. Có thể Sư ông không sai khi tiễn những tro cốt vô danh vào thế giới. Có thể đó là sự giải thoát cuối cùng mà những hương phần đó, vốn đã phải chịu đựng bấy lâu nay cho vỏ bọc hiếu nghĩa của con cái, cho phần còn sót lại, cứ phải bấu víu cuộc đời thường. Tiếng đọc kinh đều đều như lời chúc bình an cho lộ trình mây trắng. Thật an nhiên.
Chúng ta có là tro bụi, hay đang mãi miết đuổi theo tro bụi không?
Tuấn Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét