2 thg 11, 2012

Chiều cuối tuần ( thứ sáu, 2/11/2012) mình chép tặng các bạn 2 bài thơ của Vương Trọng. Chúc anh em vui vẻ.

 

Bên mộ cụ Nguyễn Du

Tưởng rằng phận bạc Ðạm Tiên
Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Ðiền nằm đây
Ngẩng trời cao, cúi đất dày
Cắn môi tay nắm bàn tay của mình
Một vùng cồn bãi trống trênh
Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề
Hút tầm chẳng cánh hoa lê
Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non
Xạc xào lá cỏ héo hon
Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi
Lặng im bên nấm mộ rồi
Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm

Không cành để gọi tiếng chim
Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời
Không vầng cỏ ấm tay người
Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu

Thanh minh trong những câu Kiều
Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân
Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân
Phong trần còn để phong trần riêng ai
Bao giờ cây súng rời vai
Nung vôi, chở đá tượng đài xây lên
Trái tim lớn giữa thiên nhiên
Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa...


 

Mỵ Châu

Khi quay lại chém con sau yên ngựa
An Dương Vương người đã suy nghĩ gì ?
Hay cùng đường ai cũng là giặc cả
Nên nghe lời mách bảo của Kim Quy

Kẻ thù ở sau lưng dù lời thần đi nữa
Người phải trông bằng đôi mắt của mình
Công chúa Mỵ Châu nép sau cha run sợ
Khi nửa trời khói lửa binh đao

Lông ngỗng rơi, lông ngỗng rơi trắng lối
Dứt áo như dứt thịt da mình
Phút ly loạn chàng đâu chẳng tới
Trọng Thủy ơi! thiếp đã xa thành

Nước mắt rơi xoay tròn cơn gió
Lưng cha cùng lưng ngựa đẫm mồ hôi
Lông ngỗng hết thiếp sẽ rời lưng ngựa
Làm chiếc lông cuối cùng đợi chàng đấy, chàng ơi !

Và bất ngờ An Dương Vương quay lại
Tưởng có lời an ủi của Vua cha
Mỵ Châu ngẩng mặt nhìn chờ đợi
Từ trời cao một đường kiếm sáng lòa.

Không phải lông ngỗng rơi mà đầu lăn xuống đất
Nằm cuối đường như dấu chấm câu
Sao bị chém, Mỵ Châu không hề biết
Máu tụ thành sỏi đỏ đất Hoan Châu

Đã là Vua lại có thần mách bảo
Tưởng sáng suốt hai lần và công lý gấp đôi
Mà người chết không hiểu vì sao mình chết
Thì oan hồn còn đập cửa muôn đời

Mấy ngàn năm dâu bể lỡ bồi
Lúc yên bình và cả khi giặc giã
Xin đừng trách Mỵ Châu thêm nữa
Yêu chân thành thật có tội gì đâu.

(1943)

20 thg 8, 2012

Tầm vóc của con người được thể hiện như thế nào?
Tầm vóc của một con người thể hiện trong tầm nhìn của người ấy chứ không thể hiện ra vật chất người ấy đang có. Tầm nhìn là cái nhìn trong đầu, không phải là cái nhìn ngoài mắt thịt. Tầm nhìn có thể được thể hiện thông qua hình thức một ước mơ có liên quan đến khả năng làm việc, cống hiến của mình.
 
Ảnh minh họa. Nguồn COIZ
Ảnh minh họa. Nguồn COIZ.


Tầm nhìn của chúng ta rộng, hẹp, cao, thấp, nông, sâu ra sao?

Dưới đây là một cuộc đối thoại tôi đưa ra để quí vị thấy tầm nhìn của người trả lời, hay thế giới trong đầu óc của người đó.

Anh A hỏi anh B:
A: Đời sống kinh tế của anh bây giờ thế nào?

B: Tôi đang tìm việc làm.

A: Có nhà cửa gì chưa?

B: Đang ở nhà thuê.

A: Tiền ở đâu thuê nhà?

B: Cha mẹ giúp đỡ. Bây giờ tôi cần kiếm việc làm để trả tiền thuê nhà.
A: Vậy khi anh có việc làm, có khả năng trả tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, mơ ước kế tiếp của anh là gì?

B: Tôi cố gắng kiếm nhiều tiền hơn để mua một căn nhà.

A: Nếu anh đã có căn nhà, mơ ước tiếp theo của anh là gì?
B: Tôi cố gắng làm sao cho con cái ăn học thành tài, tốt nghiệp đại học, và có cuộc sống riêng. Lúc đó tôi hết trách nhiệm với nó.

A: Vậy anh có nhà cửa xong, con anh học đại học xong, có cuộc sống riêng rồi, mơ ước kế tiếp của anh là gì?
B: Tôi trở thành triệu phú đô la.

A: Anh được hai ba triệu đô la tiền mặt rồi, mơ ước kế tiếp của anh là gì?

B: Đi chơi đây đó cho vui.

Quí vị thấy đó, bức tranh trong đầu thể hiện tất cả tầm nhìn của người ấy, quyết định phong độ, phong cách và thể hiện luôn khả năng của người ấy.
Sáng tạo bức tranh trong đầu càng lớn càng tốt

Thông thường, các trường đại học ở Mỹ chọn sinh viên để đào tạo để trường được nổi tiếng. Tiêu chuẩn thứ nhất là anh phải đủ điểm hay gần đủ điểm của trường thì trường mới ngó đến anh. Tuy nhiên, bên cạnh điểm số, năng lực học tập của anh, người ta còn chú ý đến cái khác, quan trọng hơn.
Nhiều khi anh đạt chưa đủ điểm, nhưng thông qua một cái đơn anh gởi cho trường, thông qua thành tích hoạt động của anh ở một trường nào đó, người ta thấy được tầm nhìn, tầm vóc lớn của anh. Và đây là điều quan trọng nhất để các trường ở Mỹ chọn lựa người tài – người có khả năng ăn nói tốt, có tầm nhìn rộng lớn toàn cầu, có tấm lòng biết nghĩ tới người khác, biết nghĩ tới xã hội.
Bên cạnh số điểm cao, đủ tiêu chuẩn thi, người ta bảo anh viết một đơn thể hiện nguyện vọng của anh về trường này, lý do nào anh chọn ngành học ở trường này. Anh bảo: “Tôi thích đại học này vì nó nổi tiếng về ngành mà tôi đang muốn theo. Đó là ngành y khoa. Tôi thích ngành học này và tôi có khả năng. Tôi tin mình có thể học tốt ngành này. Hiện nay đời sống kinh tế của gia đình tôi quá khó khăn, thế nên nguyện vọng của tôi sau khi tốt nghiệp là tìm được một công việc lương tối thiểu hai trăm rưỡi ngàn đô một năm. Đó là mơ ước lớn nhất của tôi.” Đọc xong nguyện vọng đó của anh, dù trường không từ chối nhưng người ta sẽ khinh anh. Nếu chỉ vừa đủ điểm thôi mà anh viết nguyện vọng như vậy, anh phải đóng thật nhiều tiền mới có thể học trường này được.
Nếu thiếu điểm nhưng anh có nguyện vọng rằng, “Mục tiêu, mơ ước lớn của tôi là sản xuất ra những loại thuốc điều trị bệnh ung thư vú cho phụ nữ. Sẽ không có người phụ nữ nào trên thế giới mắc bệnh này mà không khỏi bệnh. Tôi không nghĩ đến tiền, không nghĩ đến tiếng tăm của cá nhân mình, không nghĩ đến sự nghiệp trở thành một bác sĩ giỏi để được nổi tiếng. Tôi chỉ có hoài bão, mơ ước lớn lao ấy. Tôi rất buồn vì hiện nay trên thế giới nhiều người phụ nữ chưa trị được bệnh ung thư vú. Là phụ nữ, biết đâu chừng tôi cũng sẽ bị bệnh đó, do đó tôi quyết tâm theo đuổi ngành này để tìm cách chữa trị cho mọi người nữ trên thế giới này.”. Với nguyện vọng đó, người ta sẽ nhận anh ngay và cấp học bổng cho anh.
Giấc mơ anh cỡ nào, tầm nhìn anh cỡ nào và niềm vui của đời anh là gì? Quí vị phải tỉnh táo để nhìn thấy điều này trong đầu óc mình. Trong thời nào cũng vậy, người ta quí trọng những người có niềm vui với ước mơ phụng sự nhân loại. Đó là tầm vóc của con người, nhất là các bạn trẻ. Do đó, quí vị cố gắng sáng tạo bức tranh trong đầu mình càng lớn càng tốt.
Trong thời gian còn ở nhà trường, các bạn hãy vẽ những bức tranh lớn trong đầu óc của mình. Và tất cả mọi người, bất kể là nam hay nữ, bất luận chúng ta ở giai đoạn tuổi tác nào, hoàn cảnh kinh tế, học thức ra sao, chúng ta đều có khả năng để sáng tạo một giấc mơ trong đầu của mình. Giấc mơ ấy nói lên tầm vóc của chúng ta.
Vừa phát triển tầm nhìn, vừa tự do với quyền lợi

Đất nước của chúng ta, dân tộc của chúng ta cần nhiều người có những ước mơ lớn. Tổ tiên của chúng ta có nhiều người coi thường quyền lợi riêng tư như cụ Trần Nhân Tông. Chẳng lẽ là con cháu của các vị ấy mà chúng ta không giúp được? Sao tối ngày cứ nghĩ quanh quẩn đến quyền lợi riêng tư?
Phải thừa nhận rằng sống trong xã hội hiện nay, chúng ta bị một áp lực rất nặng nề. Một trăm người gặp chúng ta là cả một trăm người đánh giá chúng ta phải làm sao để có quyền lợi riêng. Điều này quả thật là rất đau lòng. Quí vị phải có khả năng phá vỡ thói quen ích kỷ đó. Hãy phát triển tầm nhìn từ đầu óc tự do với quyền lợi. Vừa phát triển tầm nhìn, vừa tự do với quyền lợi.
Muốn phát triển được sự tự do này, phương pháp quan trọng nhất là chúng ta phải luôn luôn biết rằng: quyền lợi dễ làm cho đầu óc của mình mất tự do. Chúng ta tránh được quyền lợi theo kiểu cũ nhưng có thể dính vào quyền lợi theo kiểu mới. Phải thận trọng!
Trước đây mình không được ai để ý, chú trọng, nhưng khi tầm nhìn mở ra, mình được nhiều người để ý, chú trọng và nó biến thành quyền lợi ngay. Trước đây khổ đau, bây giờ không khổ đau, nó sẽ biến thành quyền lợi ngay tức khắc. Trước đây nói không ai nghe, mình phải nghe người ta nói, bây giờ mình nói nhiều người nghe và người ta muốn nghe mình nói, coi chừng nó biến thành quyền lợi ngay lập tức. Nhiều người trân trọng, quí mến, tin tưởng mình, muốn lắng nghe mình thì một thứ quyền lợi, danh lợi khác bắt đầu. Phải coi chừng thứ quyền lợi mới này! Khi nó đã biến thành quyền lợi, cái nhìn của quí vị là cái nhìn từ quyền lợi chứ không phải cái nhìn từ cõi hạnh phúc tự do với quyền lợi nữa.
Mặc dù nó do sự mở mắt đem lại, do tình yêu đem lại nhưng phải coi chừng nó biến thành một thứ quyền lợi tinh vi vô hình. Coi chừng niềm vui, hạnh phúc và cái thấy mới từ sự mở tầm nhìn, mở mắt dẫn quí vị đi vào một thế giới quyền lợi khác. Rồi ở trong thế giới quyền lợi này, cái nhìn của mình về chính mình, về người khác không còn tự do nữa, và tầm vóc của mình sẽ nhỏ bé trở lại, sẽ đáng bị khinh bỉ.
Người ta sẽ thất vọng, sẽ mất niềm tin với mình và không còn ai tin mình nữa. ”Cực chẳng đã tôi mới sống với anh, với chị, chứ tôi không thể tin anh, tin chị được.” Khi nói chuyện, cư xử, chúng ta khó giấu được ảnh hưởng của một thứ quyền lợi mới đem lại cho mình. Và nếu chúng ta cứ lẩn quẩn mãi với quyền lợi, với lợi danh thì dân tộc của chúng ta sẽ ra sao?
Phải sáng tạo một tầm nhìn, tự do với kiến thức cũ

Chúng ta phải sáng tạo một tầm nhìn. Chúng ta hoàn toàn có khả năng khai mở một tầm nhìn rộng lớn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Con người chúng ta, tầm vóc, suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của chúng ta sẽ đi theo tầm nhìn này. Hãy quên đi những tầm nhìn cũ, những mối quan hệ cũ trước đây. Hãy bỏ nó qua một bên. Cố gắng mở tầm nhìn khác. Phải trở nên xa lạ với những kiến thức cũ của mình, với những gì mình đã biết.
Có tầm nhìn, có bức tranh lớn trong đầu óc mình, lúc nào quí vị cũng thấy đời sống của nhân loại này nằm trong bức tranh đó. Mà một trong những nội dung của tầm nhìn là chúng ta thể hiện lòng trắc ẩn của mình đối với đời sống khó khăn của con người. Nếu có vui thì chúng ta vui trong cái đó. Chúng ta sẽ có một cái vui riêng nữa là tự do được với quyền lợi cá nhân.
Hãy hành động bằng khả năng của chính mình, bằng lời cầu nguyện, bằng sự chia sẻ nhỏ nhất, bằng sự dạy dỗ con cái hãy nghĩ đến người khác… Vào quán uống cà phê, ăn một bữa sang trọng, chúng ta cố gắng nghĩ đến những người còn đang đau khổ trong đất nước của mình và trên thế giới.
Duy Tuệ
Nội dung được biên tập từ Audio “Liên hoa trí thấy tự do”
Postest: TQS, 20/8/2012

Cái đáng hưởng nhất lại bí mật nhất!
Người nào thưởng thức được cuộc sống một cách sâu thẳm, người ấy sẽ đi vào một thế giới huyền bí không có chữ viết, không có ngôn ngữ, không có âm thanh, không có tiếng nói. Rất thú vị!
Để đầu óc của mình thật sâu, thật sắc sảo, thật minh mẫn và hưởng lợi ích từ sự sâu thẳm và sắc sảo này, quí vị phải tập thông cảm và phát triển tình yêu vô điều kiện. Đây không phải là loại tình yêu chiếm hữu để thỏa mãn, chẳng hạn thỏa mãn lời nói, nụ cười, cảm xúc, cảm giác, sự khoe khoang… Nó là một loại tình yêu, tình thương mà chúng ta không nói được, không có chữ gì để đặt tên cho nó. Đó là cái đáng hưởng nhất. Tất cả chúng ta đều xứng đáng và đều có khả năng hưởng nó.
Người ta yêu mình, mình yêu lại; người ta thương mình, mình thương lại; người ta quý mình, mình quý lại. Đó là chuyện rất bình thường. Trong sự thương qua thương lại đó, mình cũng thưởng thức được niềm vui. Nhưng nếu người ta ghét mình, thù mình, trù ém mình mà mình thương được người ta, lúc ấy quí vị mới thấy “đã” như thế nào. Nó sâu sắc vô cùng. Quí vị sẽ cảm thấy làm người thật tuyệt diệu!
Cái “đã” này không thể viết thành thơ, không thể sáng tác thành nhạc, không thể viết thành tiểu thuyết được. Nó làm cho quí vị câm lặng luôn. Bởi vì câm lặng là sống, là nhai, là nuốt, là hòa tan. Anh còn nói được thì anh là người nói, chứ không phải là người sống.
Lúc mình câm là lúc mình hòa vào trong một chân lý vĩ đại, hòa vào sự nhiệm màu vĩ đại của trời đất, của tạo hóa. Lúc ấy, quí vị sống thực sự, là thượng đế thực sự, là tạo hóa thực sự, là năng lực nhiệm màu thực sự. Lúc nó đi sâu vào như vậy, làm sao làm thơ, làm sao sáng tác nhạc, làm sao viết văn…?
Đa số con người chưa bao giờ có cơ hội biết được giá trị tuyệt đối của cuộc đời, bởi vì nó không được trình bày trong bất cứ một thứ sách vở nào. Nó mãi mãi là bí mật đối với con người. Nó chỉ dành cho người thực sự muốn sống, không dành cho người muốn giải quyết, hay thỏa mãn tâm lý của mình. Làm người mà không hưởng được điều quý giá này quả thật đáng tiếc lắm!
Duy Tuệ
(Nội dung được biên tập từ Audio “Ba chân lý” – 16/04/2011) do nhà Xuất bản VHTT và Công ty CPĐT Giáo dục Minh Triết phát hành
Postest: TQS, 20/8/2012
Tẩy đầu óc để nó luôn mới và sáng tạo
Nói tới tuổi trẻ, nói tới chuyện lập nghiệp là nói tới đầu óc sáng tạo. Đầu óc lúc nào cũng phải mới, mới từng giây phút để quí vị luôn là người sáng tạo. Muốn vậy, quí vị phải biết cách tẩy cái đầu của mình.
 
Cái gì làm đầu óc luôn cũ và cản trở sự sáng tạo?
Tôi đưa ra một số ví dụ thế này:
Anh đi xem tử vi, tin lá số tử vi nghĩa là anh đã để nó quyết định đời anh. Anh đi xem ông thầy bói, tin ông thầy bói nghĩa là anh để lời nói của ông thầy quyết định đời anh. Anh đọc một học thuyết hay một triết lý hay một lời nói nào đó của người ta, anh cho lời nói đó là đúng và anh cứ để mãi trong đầu, không bao giờ xóa được nó vì anh tin nó quá, nó đối với anh quan trọng quá vì anh cho rằng đó là chân lý, là sự thật.
Đi ra ngoài đường, đi họp, đi hội, đi làm việc, anh phải bấm ngày, bấm giờ, tuổi mẹo phải đi giờ tý, tuổi cọp phải đi giờ sửu chẳng hạn. Anh quá tin vào cái đó nên đầu của anh đã quá cứng ngắc rồi và anh không phải là một con người sáng tạo nữa.
Đầu năm anh đi in tiền đô la, in đủ thứ để đem cúng ở chùa, ở miếu để cầu may, cầu phước. Anh tin đầu năm tới chùa hái lộc sẽ hên, đóng được ấn sẽ hên, đi hướng này sẽ hên, mặc áo quần màu này sẽ hên. Anh tin cái đó quá mức và anh không thể bỏ chúng khỏi đầu của anh.
Tôi cũng mạnh dạn chia sẻ cho quí vị rằng nhiều hình ảnh trong sách vở của các truyền thống tâm linh mang tính tưởng tượng chứ không phải là sự thật, không phải là sự kiện anh có thể chứng minh được. Nhưng anh lại tin chúng là hoàn toàn đúng, một trăm phần trăm là sự thật. Sự tin tưởng này dễ làm cho trở thành con người sống với tưởng tượng, sống với ảo ảnh. Cho nên, đầu óc anh không thể sáng tạo được, anh không thể nào tin chính anh được và anh nghi ngờ chính mình.
Đầu anh lúc nào cũng cũ vì suốt bao nhiêu năm tháng, sáng, trưa, chiều, tối trong đầu anh có loại tin đó, lúc nào anh cũng tin nó, giữ nó. Đầu anh giống như một đống rác mà anh không có khả năng nghe được mùi hôi thối. Không có khả năng nghe được mùi hôi của đống rác này, làm sao anh có thể làm chủ được, có thể sáng tạo được gì trong cuộc đời của mình? Không thể được!
Bỏ các loại rác ra khỏi đầu để trí chủ phát triển
Nếu chưa hiểu được một cách sâu sắc những điều tôi nói, quí vị khoan vội đánh giá, khoan giận, khoan khó chịu. Hãy suy tư, lắng đọng tâm tư kiểm tra lại đời sống thực tế của mình có phải vậy không. Có phải đầu mình đúng là có chứa hàng loạt đống rác hay không?
Nếu có thì làm sao mình trở thành một người làm chủ được, làm sao có trí chủ được? Một người muốn làm chủ phải có trí chủ, muốn có trí chủ thì đống rác phải được dẹp ngay tức khắc. Phải bỏ được đống rác này đi thì trí chủ mới phát triển được. Trí phát ra từ đống rác không có giá trị gì hết. Đây là chuyện vô cùng quan trọng cho tuổi trẻ. Nếu quí vị không lưu ý tới chỗ này, quí vị sẽ không trở thành người có tầm cỡ quốc tế được, không thể lớn được.
Đối với cái thấy của tôi, nếu giải quyết được chuyện này, đầu óc của quí vị lúc nào cũng mới – sáng mới, trưa mới, chiều mới, tối mới. Đầu óc của quí vị sẽ mở ra thênh thang, quí vị sẽ có rất nhiều sáng tạo, sẽ tìm ra nhiều con đường để tồn tại và phát triển có lợi ích.
Duy Tuệ
Nội dung được biên tập từ Audio “Tuổi trẻ mang lại tiếng thơm cho dân tộc”
Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)

  postest: TQS, 20/8/2012


Chuyển tình cảm trói buộc sang tình cảm tự do
Hầu hết mỗi người chúng ta đều bị trói buộc - mình tự trói mình, mình bị người khác trói và mình tìm cách trói người khác. Tất cả đều trói nhau!
Tình cảm tự do. Ảnh minh họa Tình cảm luôn luôn biện minh. Ảnh minh họa.
Bị tình cảm trói buộc, đầu óc sẽ mù quáng
Đa số những người trung niên trong xã hội có bệnh tình cảm, dễ dẫn tới trói buộc trong các mối quan hệ. Cái thấy của mình không còn khách quan. Mình thấy bằng tình cảm rồi đem tình cảm đó để bảo vệ nhau.
Tình cảm có tính chất bao che, bảo vệ, sống chết với nhau trong sự mù quáng. Tình cảm luôn luôn biện minh.
Những người chơi với nhau lâu ngày phát sinh tình cảm rất lớn. Một người nọ chơi với một người ăn trộm lâu ngày, đến khi nghiện rồi, nảy sinh tình cảm rồi, người ấy không quan tâm đến chuyện ăn trộm của người kia và còn có khuynh hướng bảo vệ người kia nữa. Tình cảm buộc mình bảo vệ, cho mình lý trí theo cách của nó để bảo vệ lẫn nhau.
Khi đầu óc tự do, tình cảm sẽ nồng nàn
Hãy chuyển hóa tình cảm ấy sang tình yêu tự do. Tránh dính mắc về tình cảm không có nghĩa là mình không có tình cảm.
Trong cuộc sống của mình, tôi phải tự xử lý chính mình để giữ đầu óc luôn phát sinh sự tự do, duy trì ánh sáng tự do. Càng duy trì ánh sáng tự do chừng nào, tình yêu càng nồng nàn chừng đó, sự thấy ngày càng rõ hơn, tính trách nhiệm phát triển lớn hơn, lòng nhiệt thành của mình cao hơn, sức lực làm việc bền bỉ hơn. Vói ánh sáng tự do đó, tính bình đẳng của mình lúc nào cũng phát triển rất ổn định trong tất cả các mối quan hệ, và thời gian, không gian đều giống như nhau, không có sự phân biệt.
Duy Tuệ
Nội dung được biên tập từ Audio “Lòng bi mẫn của hiền giả Minh Triết” – 10/03/2011) do công ty CPĐT Giáo dục Minh Triết độc quyền phát hành
Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)

Posstest: TQS, 20/8/2012


Khi đã thấy chính mình
Khi đã thấy về chính mình, quí vị sẽ thương bản thân mình, sẽ thấy rõ tất cả mọi thứ. Quí vị sẽ không trách móc, phê phán ai được. Mình có điều gì đáng tự hào mà bàn luận về người khác? Còn tìm cách gặp nhau, bàn chuyện riêng với nhau, phê phán, đánh giá người khác là còn chưa thấy và chưa yêu thương bản thân mình thật sự.
 
Thành công
Đừng chứng minh mình thành đạt hơn người. Ảnh minh họa


Đừng tự hào, đừng chứng minh mình thành đạt hơn người
Khi thực sự thấy và thương chính mình rồi, quí vị sẽ mất hết tất cả sự tự hào. Mình chỉ thấy rõ mọi việc, phát tâm làm việc, phụng sự và không tự hào về việc mình làm. Khái niệm tự hào không thể xuất hiện khi mình thấy và yêu chân thật chính mình. Dù người khác cho mình điểm thật cao, mình không thấy có gì để tự hào, và cũng không dễ dàng gì chấp nhận sự cho điểm ấy. Ngay trong thâm tâm, mình đã từ chối chuyện ấy rồi.
Có gì đáng tự hào khi mình thấy và phát triển được tình yêu chính mình?! Do vậy, mình sẽ chấm dứt luôn tình trạng nỗ lực để chứng minh mình thành đạt hay hơn người. Nỗ lực ấy không có ý nghĩa gì hết.
Khi tiếp xúc với người khác, thấy người ta có vẻ gì đó tự hào, quí vị nhớ tránh xa người đó ra, bất kể người đó là ai. Bởi vì người ấy còn ở trong một thế giới mờ mịt, gần gũi họ quí vị sẽ bị lây bệnh đó và trí tuệ của quí vị sẽ không có cơ hội khai mở nữa.
Càng tự hào, càng đóng kịch thì càng lố bịch. Tính bản ngã, tính cá nhân phát triển kinh khủng sẽ đi kèm với lòng ích kỉ, tham lam, thủ đoạn và lừa dối. Những thứ này không có giá trị gì hết.
Công việc đáng làm nhất là mỗi ngày mình thương được bao nhiêu người, thông cảm được bao nhiêu người, làm được bao nhiêu công việc lợi ích. Mình sống có tự nhiên không? Cố gắng làm điều gì đó mất tự nhiên nghĩa là mình đang sống như một kẻ bệnh hoạn. Đầu óc bệnh hoạn dẫn đến hành động bệnh hoạn, không tự nhiên. Mình có thể được một nhóm người nào đó tôn vinh, nhưng sự thật mình đang chống lại luật tự nhiên của tạo hóa. Và chống lại tạo hóa là chống lại năng lực nhiệm màu tự nhiên trong đầu óc mình, có nghĩa là mình tự làm khổ mình. Dứt khoát mình phải khổ.
Tôi chia sẻ với quí vị nội dung như vậy để từ đây quí vị thấy lại mình rõ hơn.
Chúng ta tự do với thần linh
Tự do với thần linh bên ngoài là một trong những tự do quan trọng nhất, khó đạt nhất. Đó là thứ tự do gốc để đạt đến những thứ tự do khác, để dẫn đến tình yêu thực sự. Khi quí vị cho rằng có thần linh mà tự do được với thần linh, quí vị sẽ kinh ngạc trước một sự nhiệm màu của chính mình. Mình sẽ thương yêu chính mình và kinh ngạc với chính mình.
Quí vị tự do với niềm tin tâm linh và tự do với sự phỉ báng, chống đối niềm tin ấy. Tức là quí vị tự do với cả hai khuynh hướng. Hai khuynh hướng cực đoan này dẫn tới sự mất tự do cho chúng ta, nguy hiểm cho tâm hồn chúng ta. Người có đức tin về thần linh chống lại người không có đức tin về thần linh và ngược lại. Cả hai đều là nạn nhân của chính mình và cả hai cần phải được tự do.
Khi lệ thuộc vào thần linh, mình là nạn nhân của chính mình, hủy hoại giá trị làm người của mình mà mình không thấy.
Chúng ta sống trong cảm xúc tự do
Khi đầu óc tự do, mình có còn là một con người sống có xúc cảm hay không? Là con người, chắc chắn mình phải có xúc cảm, nước mắt phải chảy. Có nhiều loại nước mắt, trong đó có nước mắt của sự thương cảm, nước mắt của một tình yêu với quê hương dân tộc, nước mắt vì nỗi khổ đau của nhân loại, nước mắt của sự thấm đẫm niềm hạnh phúc sâu thẳm khi mình được làm người, nước mắt công khai, nước mắt bí mật…
Do đó, quí vị không sợ mất cảm xúc khi sống với đầu óc tự do. Quí vị có nước mắt của sự tự do, có cảm xúc của tự do. Khi cảm xúc của quí vị dâng trào lên trong trạng thái tự do, lúc ấy quí vị đang tan biến trong tạo hóa nhiệm màu, tan biến trong người khác, trong cỏ cây, trong không khí. Nói cách khác, khi ấy mình không còn thấy sự hiện hữu của chủ thể là mình nữa.
Cảm xúc khi hôn một người khác phái trong tình trạng hiện hữu chủ thể hoàn toàn khác với hôn một người khác phái mà chủ thể không hiện hữu, tức là đầu óc hoàn toàn ở trong trạng thái tự do. Bấy giờ, khái niệm chủ thể không tồn tại trong đầu óc của quí vị. Trong nụ hôn ấy không có niềm tự hào, sự cao sang, sự trưởng thành, sự khổ đau, sự tủi thân, sự thua thiệt về thân phận. Nó là một sự giao thoa đặc biệt. Nếu lúc ấy nước mắt chảy ra, nước mắt ấy có sức mạnh, linh thiêng và màu nhiệm.
Nhiều người chỉ có niềm vui về kiến thức, tài năng, quyền lực, tiền, gái, rượu, ăn uống, nhậu nhẹt, chơi bời… Không mấy ai được chiêm ngưỡng một thứ tuyệt hảo mà chỉ có loài người mới có, đó là thứ chỉ do tình yêu tự do sinh ra hay do trạng thái tự do hoàn toàn trong đầu óc sinh ra.
Duy Tuệ
Nội dung được biên tập từ Audio “Lòng bi mẫn của hiền giả Minh Triết” – 10-03-2011 do công ty CPĐT Giáo Dục Minh Triết độc quyền phát hành
Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)

Postest: TQS, 20/8/2012


Hãy xem cách đầu óc làm việc
Tôi đã thấy được nguyên nhân trực tiếp khiến đời sống tinh thần của chúng ta không được ổn định. Đó là do đầu óc của chúng ta chú trọng đến suy nghĩ, tin vào suy nghĩ và luôn luôn muốn suy nghĩ, lâu ngày đầu óc tạo thành một bệnh gọi là bệnh suy nghĩ.
Tôi chỉ ra vài điểm sau đây để quí vị thấy có nên tin vào suy nghĩ và tính toán của mình hay không.
Thứ nhất, xuất phát điểm của tất cả các phát minh trên thế giới này không phải do tính toán, suy nghĩ mà ra. Không có một nhà phát minh nào trên hành tinh do tính toán, suy nghĩ mà phát minh được những điều rất giá trị cho con người.
Thứ hai, chúng ta thường mất thời gian ra quyết định đối với những cái chúng ta biết nhiều. Chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để thanh lọc thông tin mà mình đã biết, rồi chần chừ tính tới tính lui, sau đó mới ra quyết định. Nói cách khác, mình căn cứ vào kinh nghiệm của mình để ra quyết định. Còn với những vấn đề mình không hề có một kinh nghiệm nào hết thì mình ra quyết định rất nhanh. Quyết định do ý tưởng, chứ không phải do não của mình làm một quá trình xử lý những thông tin mà trước đây mình đã nạp vào, hay đã có, đã trải qua.
Thứ ba, đứng trước một cái gì đó mà mình chưa hề biết, chưa hề có kinh nghiệm, quyết định của quí vị cực kì nhanh nhưng cũng rất chính xác. Trong khi những gì mình đã từng biết, mình lại quyết định chậm nhưng chưa chắc đã chính xác.
Tôi lấy vài ví dụ như vậy để quí vị mạnh dạn đừng tin vào tính toán và suy nghĩ của mình.
Tính toán khiến toàn bộ năng lực gần như bị tiêu hủy
Bạn D.N. có viết cho tôi một bức thư, nói rằng: “Khi con bắt đầu tính toán công việc gì đó, tự nhiên trong người con mất hết năng lực, người con yếu hẳn đi và cảm thấy khó chịu liền.” Đúng là như vậy, khi tính toán toàn bộ năng lực của mình gần như bị tiêu hủy.
Thế nên, mình lỡ mất cái gì hay chưa tìm ra được cái gì thì cứ kệ nó, đừng quá đau lòng, cũng đừng bị thúc bách phải tìm ra sớm. Đừng đau khổ, cũng đừng quá thúc bách. Phải kiên nhẫn, đầu óc đừng tính toán, đừng suy nghĩ nhiều. Nó hoàn toàn không có lợi gì cho mình cả - ăn cũng không ngon, đi ra ngoài giải trí cũng không giải trí được, người giống như chết rồi; bàn chuyện gì cũng bàn bậy; rồi con mắt mình không thấy đường và ra những quyết định luôn luôn sai lầm, dễ sập bẫy.
Không suy nghĩ, tính toán, mình có còn là con người?
Ban đầu cũng có một vài vị nói với tôi, “Nếu mình không toan tính, không suy nghĩ thì đâu phải là con người nữa thầy!”. Toan tính, suy nghĩ là con người, mà không toan tính, suy nghĩ vẫn là con người chứ, nhưng là con người cao cấp hơn, con người tốt, con người không bần tiện, không nhỏ mọn, không bế tắc. Toan tính, suy nghĩ là con người nhưng là con người bế tắc. Coi chừng dẫn tới sự đê hèn hoặc là liên tục sai lầm.
Khi khám phá ra chuyện này cách đây hơn mười năm, không bao giờ tôi tin và dựa vào tính toán và suy nghĩ của mình nữa. Mà đến giờ này tôi có chết đâu? Đến giờ này tôi chưa làm gì nguy hiểm cho chính tôi và cho người khác. Tôi là một nhân chứng sống.
Duy Tuệ
Nội dung được biên tập từ Audio “Ba chân lý” của tác giả Duy Tuệ, Cty CP Đầu Tư Giáo Dục Minh Triết độc quyền phát hành
Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)



Postest: TQS, 20/8/2012

Chân lý diệt khổ
Cuộc đời là cuộc đời, không khổ cũng không vui. Nếu ai tạm thời thấy khổ, phải biết rằng do mình đang suy nghĩ và tính toán nhiều quá nên mới có cảm giác khổ đau trong tinh thần.
Đừng ra điều kiện với niềm vui

Có rất nhiều người thiếu thốn về tiền bạc, người ta lao động suốt ngày nhưng không thấy đau buồn mà chỉ thấy cực. Tức là người ta làm việc nhiều nên cực thân chứ không có chữ khổ trong đầu. Khổ là do tính toán nhiều quá, suy nghĩ nhiều quá. Nếu bỏ suy nghĩ và tính toán đi thì chỉ còn cực thôi, không còn khổ. Nói đến cái khổ là nói đến cảm giác về tinh thần. Chấm dứt suy nghĩ, tính toán, đừng tin vào đó nữa thì cảm giác tinh thần này sẽ chấm dứt. Điều này dứt khoát là không sai.

Áp dụng phương pháp này chắc chắn sẽ hiệu quả. Niềm vui, may mắn sẽ đến với anh khi đầu óc anh chấm dứt sự đau khổ. Nhưng đừng tham vọng nhiều quá. Cái gì đến thì anh cứ nhận, đừng so đo tính toán, đừng ra điều kiện với những niềm vui, sự may mắn.

Tính gì cũng khổ hết!

Trong quá trình áp dụng, nếu anh để cái đầu bộc lộ thói quen tính toán vào là hỏng chuyện. Anh cứ nghĩ là anh tính hay, anh tính là hơn người ta, nhưng đó là sai lầm. Điều đó không khác gì anh đánh mất bao nhiêu cơ hội tốt lành, bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu giá trị vô hình dành cho anh, mà anh cứ nghĩ mình khôn. Chắc chắn anh không khôn tí nào, tôi dám cam đoan như vậy. Anh tính gì cũng khổ hết!

Thấy một người theo học phương pháp của mình đang vui, tôi biết rằng mình phải ngồi chờ người đang vui kia sẽ trải nghiệm những nỗi buồn, những điều khó chịu mà trong đó là một cảm giác bế tắc. Tôi ngồi chờ người đó sẽ trải nghiệm trạng thái đó. Tôi biết rằng nó sẽ đi như thế, nó không thể nào không đi như vậy được.

Quí vị nào hồi nhỏ ở nông thôn lụt lội mà đi cây cà kheo, đi lâu lâu thế nào cũng té. Nghe người học báo cáo: «Học vui lắm! Sung sướng lắm !», tôi cũng mừng, nhưng quí vị phải hiểu rằng tôi tiếp tục ngồi chờ người đó trải nghiệm những nỗi thất vọng sau đó. Vì tôi biết không có cách chi người ấy không tính toán. Đến một lúc nào đó, người đó sẽ ngồi tính toán điều gì đó, và người ấy đảo ngược lại hết toàn bộ, đánh giá ngược lại hết, thấy vấn đề ngược lại hết và dẫn tới sự bế tắc. Cách thức đầu óc người ấy làm việc dẫn người ấy tới sự bế tắc, thất vọng và cảm thấy không có niềm vui gì trong cuộc đời này hết, sao mình sống chán quá, sao làm người chán quá, không có một chút hi vọng gì.

Người ta cứ mãi như vậy, không bao giờ chịu buông sự tính toán ra khỏi đầu óc và không bao giờ chịu tiếp tục phát triển tình yêu thương của mình. Tình thương giống như một thứ gì đó tẩm trong người mình, làm người mình tươi mát. Bây giờ thiếu cái này nên nó không tươi nữa, nó héo nên đầu óc không thể sâu sắc, không thể sắc sảo, nhạy bén được, đầu óc không thể linh hoạt, không thể mở ra cái nhìn sâu thẳm được, đầu óc cùn dần và bị thâu tóm toàn bộ trong tình trạng toan tính. Kể cả toan tính tốt chứ không phải toan tính xấu, toan tính tích cực, toan tính chính đáng cũng dẫn tới sự bế tắc.

Phải kiên quyết!

Tôi thấy có một số vị theo học, ứng dụng xong, rồi quên hết. Nói tới, nói lui một hồi lại tin vào suy nghĩ, tính toán của mình là trúng, nhiều khi còn thấy ông thầy sai. Cho nên, cứ sàng tới sàng lui rồi lại tin chính đầu óc tính toán của mình, tin mình là người thành đạt nhất, người khôn nhất, ông thầy của mình cũng chỉ là xoàng thôi, không có gì hay lắm.

Tất cả quí vị phải kiên quyết. Khi thấy mình khó chịu trong người, thấy đầu óc rối bời, không được vui, không được hài lòng, thì biết chắc rằng trong sâu thẳm mình đang tính toán, đang suy tư một điều gì đó.
Duy Tuệ


Nội dung được biên tập từ Audio “Ba chân lý” của tác giả Duy Tuệ, Cty CP Đầu Tư Giáo Dục Minh Triết độc quyền phát hành

Postest: TQS, 20/8/2012
Postest: TQS, 20/8/2012

17 thg 8, 2012


1

Chuyện tình anh cu Đom- 1

Thuở bé đến giờ mình mới biết có người tên xấu như anh Đom. Mình hỏi anh, nói răng anh tên Đom. Anh kể nhà anh đã có 5 con trai, ba mạ anh ráng đẻ thêm một đứa nữa, hy vọng con gái. Ngày mạ  anh có chửa, chả biết mấy cô y tá hộ sinh ở trạm xá khám xét thế nào, khẳng định là con gái. Ba mạ anh mừng lắm, mổ heo ăn mừng. Đến ngày sinh, ba anh chầu chực suốt đêm bên cửa sổ. Nghe tiếng trẻ khóc ông nhóng cổ thò mồm qua cửa sổ, nói trai hay gái? Nghe bảo con trai ông cười cái hậc, nói đom! Từ đó anh có tên là cu Đom.
Khi mình lên thung lũng Chớp Ri thì anh cu Đom đã học xong lớp 7, chuẩn bị vào học lớp sư phạm 7+ 2, tức lớp 7 cộng hai năm trung cấp sư phạm là ra trường đi dạy, dốt dạy cấp một giỏi dạy cấp hai. Thời chiến tranh giáo viên thiếu kinh khủng, có lẽ giáo viên nhập ngũ quá nhiều mới có tình trạng đào tạo cấp tốc kiểu đó. Có đợt còn đào tạo sư phạm 10+3, tốt nghiệp lớp 10 học thêm ba tháng là thành cô thầy giáo cấp 2. Kinh.
Anh cu Đom ở xóm Cá, sát ngay xóm của mình, anh chọn học sư phạm 7+2 vì Trường trung cấp sư phạm Quảng Bình sơ tán lên thung lũng Chớp Ri, đóng sát ngay sau nhà anh. Nếu học tiếp lên cấp 3 anh phải vượt đèo Cao Mại ra phố huyện  cách nhà hơn hai chục cây số. Anh học sư phạm như học phổ thông, khi nào cũng một cuốn vở cuộn tròn nhét túi, chẳng thấy túi, cặp gì. Học đựợc nửa buổi anh bỏ lớp tót về nhà chơi với tụi mình, lắm khi anh bỏ học hai ba ngày không tới lớp. Phần vì anh ham chơi, đi học chẳng qua vì đỡ phải đi làm chứ anh chẳng thiết tha gì việc học hành, phần vì anh mê cô Lý.
Cô Lý là cô giáo 7+2 thực tập lớp trường mình. Cô ở cùng xóm với mình, xưa gọi bằng chị nay gọi bằng cô. Gọi bằng cô cho cô mừng thôi chứ cô chẳng dạy dỗ gì mình. Cô Lý hiền lành nhu mì nhưng xấu chết, đen thui từ đầu đến đuôi. Chả hiểu sao anh Đom mê cô Lý. Anh đẹp trai, đánh bóng chuyền giỏi lại biết thổi kèn armonica. Học sau cô Lý nhưng anh Đom còn hơn cô Lý một tuổi vì anh đúp mấy năm liền mới qua được lớp 7.
 Một hôm thấy anh Đom đứng đái, mình chạy lại đái gần anh, tranh thủ chiêm ngưỡng con cu rất hoành tráng của anh. Anh nói nhìn cái chi, lên lớp 7 là bằng cu tau thôi mà. Mình nói anh yêu cô Lý à? Anh nói yêu chớ sợ chi không yêu. Mình nói răng anh yêu cô Lý, anh  nói con nớ bụ to. Chợt anh vỗ vai mình đánh bốp, nói  a nhớ rồi, mi biết mần thơ phải không, duyệt tao bài thơ. Anh lôi ra bài thơ vừa sáng tác tặng cô Lý. “Ôi cái tên Minh Lý/ Tên em đẹp hết ý/ Lý ơi yêu anh tí/ Đêm nào anh cũng bí.” Mình ôm bụng cười rũ, nói anh mần thơ như ẻ. Anh trợn mắt lên, nói thằng ni nói chi rứa bay, thơ tau gieo vần êm như nhíp.
 Mình nói anh không biết mần thơ để tui mần cho. Anh ôm lấy mình ra sức nịnh nọt, nói mần giúp anh nghe, anh sẵn sàng cho mi tập giấy năm hào hai mới cứng. Mình nói anh đừng nịnh cô Lý, cô Lý ghét nịnh, phải dọa cô mới sợ. Anh hỏi dọa răng. Mình đọc ngay tức thì, nói nếu mà Lý chẳng yêu Đom/ thì Đế Quốc Mỹ thả bom xuống liền. Anh vỗ tay đánh bốp, nói oa chà hay chi hay ác! Anh chép ngay bài thơ. Hôm sau đưa mình tập giấy năm hào hai, nói cảm ơn mi, nhờ thơ mi tau sờ được bụ con Lý rồi.
Cô Lý ở gần nhà mình, chỉ cách một ngõ nhỏ. Mình vọt về kiểm tra xem anh Đom có nói láo hay không. Cô đang thái rau heo, mình chạy vào hỏi cô, nói cô đang yêu à. Cô cười, nói ừ. Mình hỏi cô yêu ai. Cô ngừng thái rau, mắt mơ màng, nói yêu một người đáng yêu.  Mình nhăn răng cười, nói em biết cô yêu ai rồi. Nghe vậy cô Lý tái mặt vội vàng ôm lấy mình, nói em đừng nói với ai cả nghe chưa. Ba cô ghét anh Đom lắm. Mình lại vọt đi tìm anh Đom, nói ba cô Lý ghét anh lắm đó.. Anh cười cái hậc, nói è he, mần cặc chi tau.
Mình đeo lấy anh Đom, đòi anh kể chuyện anh yêu cô. Anh kể hấp dẫn như các chú bộ đội kể chuyện đánh giáp la cà. Anh nói tau hun cái nghe chưa, hắn cho tau một tát nghe chưa, tau không sợ nghe chưa, tau đè hắn ra nghe chưa, hắn cho tau một đạp nghe chưa, tao xé đứt lai quần hắn rồi ngoạm hắn nghe chưa, hắn mềm dần như bún, he he rứa là xong om. Mình nói ngạm chỗ mô, anh nói chỗ hắn đi đái đó, thằng ngu. Mình nhăn răng cười, nói tởm tởm, anh ni tởm gớm bay. Anh đá đít mình, nói ngu, mi đúng là đồ con nít. Từ đó hễ gặp cô mình đều tưởng tượng anh Đom ngoạm cô thế nào. Nghĩ mãi không ra tại sao anh Đom ngoạm thì cô mềm dần như bún. Hi hi.
Một hôm đi học về thấy cô Lý ngồi bó gối dựa tường gạch, nước mắt hai hàng. Chắc ba cô vừa đánh cô. Hôm trước ba cô cầm dao rượt đuổi anh Đom, anh bỏ chạy vào rừng, chạy vòng vèo khiến ba cô đuổi đứt hơi. Anh lừa ba cô chạy vào khu rừng người ta hay bẫy heo. Ba cô sập bẫy, treo lủng lẳng suốt ngày trong rừng. May có người nghe tiếng kêu cứu không ông chết không ai biết.
Mình hỏi anh Đom, nói răng ba cô Lý ghét anh. Anh cốc đầu mình phát, nói thằng ni tò mò tọc mạch gớm. Mình túm áo anh, nói kể đi kể đi. Anh nói cả nhà con Lý căm thù nhà tau như căm thù Đế Quốc Mỹ, nghe chưa. Mình hỏi răng căm thù. Anh nói xưa ba con Lý tố cáo ba tau tham ô ba tạ thóc, ba tau trả thù bằng cách rặp cho được vợ ông ta, nghe chưa. Nay ông ta lên trường sư phạm tố cáo tố cáo ăn cắp mít nhà ông, tao trả thù bằng cách rặp cho được con gái ông ta, nghe chưa. Anh ngửa cổ cười he he he, nói  rứa đo rứa đo.
 Tất nhiên mình không dám kể chuyện này với cô Lý. Thấy cô khóc, mình cũng thương nhưng chẳng biết nói gì, không lẽ bảo cô bỏ quách anh Đom cho xong. Bỗng cô vùng dậy lao đầu đập tường liên tục, đập đến tóe máu đầu, vừa đập vừa hét chết đi cho rồi! Chết đi cho rồi! Mình sợ quá ôm lấy cô, khóc nói cô ơi đừng chết! Cô ơi đừng chết! Cô ôm đầu hét rất to. nói không, cô phải chết thôi, không ai cho cô sống đâu!
Mình nói với anh Đom, nói anh thôi yêu cô Lý đi cho rồi, tội cô lắm. Anh Đom cười, nói tại hắn yêu tau chớ, tau rặp được rồi, hắn bỏ càng khỏe xác tau. Tối mình về tìm các đọc trộm nhật kí cô, cô viết dài hàng chục trang. Bây giờ chẳng nhớ gì, chỉ nhớ câu: Đom ơi em không thể sống thiếu anh! Đom ơi là Đom ơi. Đom Đom Đom Đom…
Mình chạy tìm anh Đom, nói cô Lý nói không thể sống thiếu anh. Anh cười cái hậc, nói đàn bà con mô nỏ rứa, lẹo phát là dính như keo.. Mình không hiểu lắm, chỉ biết cô Lý coi anh Đom như người tình lý tưởng trong khi anh chẳng mấy quan tâm, chỉ kể chuyện làm tình với cô, đè cô ra sao, ngoạm cô thế nào và cười he he he.
Cô Lý thức trắng mấy đêm liền, rồi bỏ trốn, rủ cả anh Đom cùng đi. Thầy hiệu trưởng nói nhất định trốn vô rừng và huy động cả trường đi tìm. Mình vừa đi vừa gọi, nói anh Đom ơi anh Đom trốn mô ra đi, tụi em đói lắm rồi. Ba cô Lý cầm dao lùng sục khắp rừng, nói cha tổ mi vơ Đom, bắt được tau chặt mi ra ba khúc. Chuyện này ầm ĩ khắp thung lũng.
 Cuối cùng cô Lý và anh Đom cũng trở về. Cô Lý xanh như que củi, nằm ốm cả tháng trời, chỉ còn da bọc xương. Hết ốm thì bị chuyển trường, không đuổi dạy, chỉ chuyển trường thực tập  thôi. Mình hỏi anh Đom, nói cô Lý với anh trốn mô, sao tự nhiên bỏ về? Anh Đom nói chui vô hang Dơi chớ mô, ăn hết đồ ăn mang theo thì về chớ răng. Anh nói cô Lý mang theo bánh bích qui, thịt heo rừng nướng, xôi cả bọc to, ăn đã thôi. Anh khoa chân múa tay, nói chưa khi mô tau được ăn no như rứa, ngày sáu bữa, cơm no bò cưỡi ngày sáu phát, sướng cực, sướng cực. Anh lại ngửa cổ cười he he.
 Bỗng cái miệng anh dần ngậm lại, cô Lý như mọc dưới đất lên, nói anh vừa nói chi, nói lại nghe coi. Anh cười nhăn nhở, nói chi mô nói chi mô. Cô cho anh một tát nảy đom đóm rồi bỏ đi, đi mãi không thấy cô trở lại. Người ta bảo cô Lý ra suối Tranh tự vẫn nhưng không ai tìm ra xác.
(Còn nữa)
Nguyễn Q Lập.
Postest: TQS, 17/8/2012

Cheo5

Phận đàn bà 4

Hôm sau thằng cu Đui ra quán cà phê chờ mình từ sớm, nói cháu có tên Tây nhưng cháu thích người ta gọi cháu là cu Đui, như mẹ cháu tên Đóc Xấu vậy. Nó cười, so vai thè lưỡi, nói đã Xấu lại còn Đóc, nghe kinh. Nhưng tên rứa mới hay. Sau này mẹ cháu đổi tên nghe sến chết, chẳng hay ho chi. Mình hỏi bây giờ mẹ cháu tên gì. Cu Đui cười cái hậc, nói Hương Lan. Nó ngồi im không nói, lát sau khẽ thở dài, nói mẹ cháu bây giờ khác lắm rồi, chú nhận không ra mô. Mình hỏi ba cháu người Mỹ phải không. Nó gật đầu, nói chú có nhớ “ thằng phi công” nhảy xuống Xóm gái hoang không, ba cháu đó. Mình kêu to, nói a nhớ rồi nhớ rồi. Để chú kể cho mày nghe. Cu Đui vỗ đùi đánh đét, nói chú kể đi. Cháu hỏi ba mẹ cháu hoài không ai chịu kể.
Thì kể.
Xóm chỉ có 3 nhà. Ba người đàn bà trong một cái xóm rộng rinh không buồn mới là chuyện lạ. Ngày mải làm quên, tối buồn rũ ra. Nằm dài vuốt bụng chán thì vùng dậy lấy soong nồi gõ ầm ĩ, lại còn múa hát. Mụ Cà nói lối như ta đây là Lê Thị Cà, một lần tây hiếp đến già không quên, rồi gõ cái choeng! Chị Đóc Xấu, chị Mai nhảy nhảy gõ gõ choeng choeng! Mụ Cà hát này này ơi chị em ơi. Chị Đóc Xấu nói ơi, Chị Mai nói dá da. Mụ Cà hát lũ đế quốc vô cùng tàn ác, sức đã dai mà cặc lại to, thế nên ta phải căm thù, choeng! Chị Mai, chị đóc Xấu nhảy nhảy gõ gõ choeng choeng!
 Hát hò chán lại nằm vật ra, ba người ba góc, không ai nói với ai. Máy bay xoẹt qua.Mụ Cà vùng dậy nhảy dựng, hétvơ Đế quốc Mỹ nời, răng không thả phi công, toàn thả bom, ngu rứa ác rứa. Chị Đóc Xấu cũng nhảy lên, hét  ngu ngu!… ác ác! Chị  Mai nhảy chồm chồm, hét dá da… dá da!
Cu Đui nhăn răng cười, nói chú có bịa không đó. Mình nói yên để tao kể, đến đoạn ba mày nhảy xuống rồi.
 Mơ được ước thấy, phi công nhảy xuống Xóm gái hoang thật. Một đêm, bộ đội dưới cảng Gianh bắn trúng máy bay, chiếc F4H cháy rùng rùng, đâm đầu xuống chân núi sau làng Trung Thuần, dân các làng sung sướng reo vang. Ba chị cùng nhảy cà tẩng, lấy soong nồi gõ ầm ĩ. Chợt nghe cái bụp phía bàu sen, ngó ra thì thấy một cái dù đỏ xoè rộng trên bàu. Ba chị cùng tay dao tay kéo lao ra. Ba chị lần đầu được một cái dù trọn vẹn, lại dù đỏ, sướng ngây ngất.Cuốn xong dù thì thấy một cái đầu nhô lên, ba chị rú lên chực bỏ chạy.Cái đầu nói rốp rít xốp xít.Ba chị nhìn lại, hoá ra là một phi công Mỹ.
 Mụ Cà chĩa dao vào thằng Mỹ, nói dơ tay lên. Thằng Mỹ nói rốp rít xốp xít. Mụ Cà dơ dao đe, nói cha tổ mi, tau nói mi dơ tay lên. Thằng Mỹ cứ đứng trơ, nói rốp rít xốp xít. Chị Đóc Xấu nói Đế quốc Mỹ ngu chi ngu lạ. Chị Mai vung hai tay lên, nói dá da da, thằng Mỹ dơ hai tay lên liền. Mụ Cà, chị đóc Xấu trố mắt ngạc nhiên, nói con Mai nói chi mình không hiểu mà thằng Mỹ hiểu liền. Mụ Cà chỉ tay vào xóm, trợn mắt với thằng Mỹ, quát dá da da da! Thằng Mỹ vội vàng đi vào xóm liền. Mụ Cà cười, nói è he, tưởng răng, tiếng Mỹ dễ òm!
Cu Đui ôm bụng cười rũ, nói cháu nghi chú bịa lắm. Mình cốc đầu nó, nói muốn nghe tao kể thì chớ có hỏi thật hay bịa nghe chưa. Nó cười hì hì, nói dạ dạ.
 Mụ Cà nói giải nó lên huyện đội ngay, chị đóc Xấu nói cho nó tắm rửa ăn uống đã chị, tội. Chị Mai gật gật đầu nói dá da. Thằng Mỹ ăn cơm, chị Đóc Xấu  nói cơm, thằng Mỹ nói cóm, chị Đóc Xấu nói cơm ngon, thằng Mỹ nói cóm ngón. Chị Đóc Xấu nói canh, thằng Mỹ nói cắng. Chị Đóc Xấu nói canh ngon, thằng Mỹ nói cắng ngón. Mụ Cà  gật đầu khen thằng Mỹ, nói giỏi giỏi! Thằng Mỹ nói dòi dòi, mụ Cà nói dòi dòi cái  l. mạ mi, thằng Mỹ nói lón má ngón? Ba chị cườì nghiêng ngả.
 Chị đóc Xấu nói hay để nó ở đây vài buổi cho vui, mình nuôi nó như nuôi con chó Béc giê, có chi mô nà. Mụ Cà nói ý con Mai răng. Chị Mai gật đầu nói dá da. Chỉ có giường chị Đóc Xấu thằng Mỹ mới nằm vừa, chị Đóc Xấu để nhà cho thằng Mỹ ở, sang ngủ với mụ Cà. Nửa đêm chị Đóc Xấu trằn trọc không ngủ được. Mụ Cà hỏi răng không ngủ, chị Đóc Xấu nói nằm giường chị đau lưng lắm. Mụ Cà nói hay cho mi sang ngủ với thằng Mỹ? Chị Đóc Xấu cười rúc rích, ôm lưng Mụ Cà,nói tây hiếp chị ra răng. Mụ Cà nói sướng chơ răng. Chị Đóc Xấu nói sướng răng sướng răng, kể đi kể đi. Mu Cà vằn mắt lên, nói coi bộ mi mê thằng Mỹ rồi phải không? Chị Đóc Xấu cười hì hì, nói công nhận thằng Mỹ đẹp trai. Mụ Cà chỉ mặt chị Đóc Xấu, nói tao cảnh cáo mi nghe chưa, giai cấp mô có con cu của giai cấp đó, đừng có lộn xộn. Chị Đóc Xấu xịu mặt, nói chị nói rứa oan em, em căm thù Đế quốc Mỹ mà. Mụ Cà nói mi căm thù chớ bướm mi không có mắt, biết ai mà căm thù, ngu lắm!
 Rồi Mụ Cà chép miệng thở ra, nói mai tao lên huyện đội báo cho người ta lôi cổ hắn đi cho rồi. Chị Đóc Xấu nói răng rứa chị? Mụ Cà lườm chị Đóc Xấu, nói răng reo cái chi.  Hắn mới ở có một ngày mà l. tụi bay cứ nhóp nhép như mang cá mè. Cứ để hắn đây răng rồi cũng có chuyện.
 Mụ Cà lên huyện đội báo, tận trưa mới quay về. Vừa đến gần nhà chị Mai lao ra khoa chân múa tay, mặt mày tái mét, nói dá da da da…. dá da da da. Mụ Cà lật đật chạy vào nhà, vừa lúc thằng Mỹ và chị Đóc Xấu kéo quần lên. Mụ Cà xông tới tát thằng Mỹ tới tấp, nói cha tổ Đế quốc Mỹ cha tổ Đế quốc Mỹ. Chị Mai nhảy chồm chồm trước mặt thằng Mỹ, hai tay xỉa xỉa, nói dá da… dá da… dá da! Mụ Cà quay lại xốc cổ áo chị Đóc Xấu, nói mi hứa ra răng nói lại tau nghe. Chị Đóc Xấu ôm lấy Mụ Cà khóc, nói em chừa rồi em chừa rồi, đau lắm đau lắm.Từ ni em ẻ vô Đế quốc Mỹ.
Mình ngưng kể, cười, nói đó là sự tích vì sao cu Đui ra đời. Cu Đui cười ha hả, nói chuyện thì hay nhưng cái kết trật lấc. Chuyện đó xảy ra từ 1967 trong khi cháu sinh năm 1983. Mình trợn mắt há mồm, nói ủa, thế cái “ thằng phi công” không phải là ba mày à. Cu Đui nói thì ba cháu đó chứ ai nhưng cháu không phải kết quả trận hủ hóa năm đó. Năm 1980 ba cháu mới về làng Đông tìm mẹ cháu, đưa mẹ cháu sang Mỹ, ở Mỹ cho đến bây giờ.
Mình thắc mắc, nói thế ra mày sinh ra ở Mỹ, sống ở Mỹ lại nói tiếng làng Đông y chang người làng Đông là thế nào. Cu Đui xịu mặt cười nhạt, nói tại mẹ cháu cả. Mình hỏi tại thế nào. Nó cười nhạt nhìn mình rầu rầu, nói Cu Đui là tên cháu đặt, quê mình có câu xấu đui xấu cảy mà. Nhưng mẹ cháu không thích cái tên ấy, bả muốn quên cái tên Đóc Xấu. Từ khi được vương miện hoa hậu quí bà ở bang Ca Li mẹ cháu lại càng không  muốn có ai đó nhớ bả là người làng Đông. Điều đó làm ba cháu sợ. Ba cháu quyết làm cho cháu là người làng Đông thực sự, năm nào cũng đưa cháu về làng vài ba tháng. Hồi năm, sáu tuổi cháu còn sống ở đó cả năm trời.
Mình hỏi ba cháu làm gì. Cu Đui nói ba cháu là doanh nhân, nói như người Việt là đại gia, cũng nhờ thừa kế ông nội cháu. Ông nội cháu giàu lắm, một triệu phú.  Mình cười, nói mẹ mày đúng là chuột sa chĩnh gạo, sướng quá nhỉ.. Cu Đui không nói, nó chìa ra cái carvidit, nói chú cầm cái cạc của mẹ cháu, về nước gọi điện cho mẹ cháu. Bả đang ở Việt Nam. Mình nói sao mày không về nước theo mẹ. Cu Đui nói có chứ, năm nào cháu cũng theo mẹ về nước làm từ thiện. Chỉ tại chán mẹ cháu quá cháu mới bỏ đi chơi mấy nước Đông Nam Á, mặc kệ mẹ cháu muốn làm gì thì làm. Mình nói mẹ mày làm từ thiện hay quá, sao chán. Nó cười cái hậc, nói từ thiện gì đâu, mẹ cháu đang cố chứng minh là quí bà người Mỹ. Nó  thở hắt, nói sướng có bi kịch của cái sướng chú ạ.
 Về nước mình cố tìm cho được chị Đóc Xấu xem bi kịch của cái sướng là thế nào. Mình gọi điện cho chị, tất nhiên gọi chị bằng Hương Lan, nói em là cu Lập con thầy Đạng đây. Chị kêu lên, nói âu… súp rai súp rai (surprise). Chị xổ ra một lô hỗ lốn tiếng Việt tiếng Mỹ. He he hay rồi, mình vù về Thanh Hóa gặp chị ngay. Mình về Thanh Hóa, chị đang ở Ủy ban tỉnh. Mình mò tới, bảo vệ thấy ông quê quê què què không cho vào, nói mãi cũng không cho vào. Bỗng thấy chị đang đi ra với mấy người, đang  cười cười nói nói.  Mình dơ tay ra hiệu, chị một mình đi tới bắt tay mình, nói hai… phây mớt rai tơ ( Hi… famous writer).
Mình nói em vừa gặp thằng Cu Đui ở Sing, chị sững lại giây lát rồi cười, nói âu… bây bi (baby) của chị đó. Đến đây hình như chị không muốn nói chuyện với mình nữa, nhất là khi mình nhắc đến làng Đông. Chị nói cười nhàn nhạt, mắt dáo dác nhìn đi đâu. Sợ chị đi mất mình vội vàng hỏi chị, nói chị còn nhớ chị Mai không. Chị Mai bị cướp năm sào đất, bây giờ sống một mình khổ lắm. Chị chớp chớp mắt, nói à ha. Mình nói Mụ Cà cũng khổ lắm, mụ điên rồi chị ạ. Chị lại chớp chớp mắt, nói à ha. Chợt xe con đi vào, chị bỏ mình chạy tới, nói âu… hân hạnh hân hạnh, o nờ rịt o nờ rịt (honored)… Chị chui ngay vào xe đi thẳng vào trụ sở Ủy ban tỉnh, bỏ mình đứng trơ khấc ở cổng. Hu hu.
Nguyễn Quang Lập.
Postest: TQS, 17/8/2012


Phận đàn bà 3

 Ở xóm Bàu, tức Xóm gái hoang, ngoài Mụ Cà và chị Mai còn có chị Đóc Xấu. Mụ Cà và chị Mai mình đã kể rồi, bây giờ kể nốt chuyện chị Đóc Xấu cho đủ bộ. Chuyện chị Đóc xấu khá dài vì để dẫn tới cái hậu khá thú vị của chị không thể kể ngắn được. Mình rất muốn bỏ đi những gì mình đã kể trong Xóm gái hoang, chỉ sợ nếu không nhắc lại thì những người chưa đọc Xóm gái hoang sẽ không thấm được cái hậu của chị. Thôi thì nhắc lại vậy.
Nếu chị Đóc Xấu sinh ra trong thời nay chắc chắn chị sẽ nổi tiếng trong giới chân dài. Mặt chị đẹp như mặt Đức Mẹ, cao gần mét tám. Thời này có khi chị  đoạt vương miện hoa hậu á hậu cũng nên. Tiếc thay chị “ sinh nhầm thế kỉ”.Với một mét tám chị quá cao so với người cùng thời, bị người ta coi là dị dạng. Ba m chị nhiều năm hục hặc cũng vì chị càng ngày càng cao, mới 13 tuổi đã cao hơn hẳn đám trai làng, nhiều người nói è he Đóc Xấu con tây, không phải con Mẹt Huỳnh mô. Ba chị nghi m chị lấy Tây hoặc bị tây hiếp như mụ Cà. May chị càng lớn càng có nhiều nét giống ba chị, nên thôi.
Chị đi đâu, tụi con trai lén đi sau lưng, nhảy nhảy lên cho cao bằng chị, rồi bịt miệng cười với nhau.Chị biết, không thèm ngoái lại, mặt vênh lên vẻ bất cần. Nhưng tối về chị ra giếng ngồi bưng mặt khóc.
Có lần chị về chợ Ba Đồn, chợ phiên sáu đông nghịt thế mà chị đi đâu ai cũng thấy, cái đầu chị vượt lên cả ngàn người, chuyển động từ đầu chợ đến cuối chợ, ai nhìn cũng tức cười.Con trai Ba Đồn chạy rật rật theo chị trầm trồ chỉ trỏ, nói oa chà Đóc Xấu ăn chi cao rứa hè, con ni e lấy voi. Có người lấy vôi vẽ cái bướm dài ba gang trên cột điện, đề: Đây là l. Đóc Xấu.
Hai sáu tuổi rồi chẳng ai dám mang cau trầu đến hỏi, tuổi đó bị coi là ế chồng. Ba m chị lo lắng vô cùng, bữa cơm nào cũng càm ràm, nói răng con tui ế câm ế cảy ri hè. Chị bỏ bát ra giếng ngồi khóc. Ba mạ chị cũng khóc, họ vừa ăn vừa thút thít khóc. Thảm lắm. Ba m chị đánh tiếng khắp làng, nói ai muốn lấy Đóc Xấu tụi tui cho không, không cần cưới hỏi chi hết.Nhắn nhe từ đầu làng đến cuối xóm cũng chẳng ai thèm.
 Vừa lúc chiến tranh phá hoại miền Bắc, bom rơi đạn nổ khắp nơi. Hễ có máy bay, mọi người ba chân bốn cẳng chạy vào hầm, chị Đóc Xấu không chạy, ngồi bó gối giữa sân. Ba m chị dục xuống hầm, chị nói để con chết  bom cho xong, nhục lắm.
            Nhà ông Quắn ở Quảng Thuận lên sơ tán, chuyên nghề đúc soong nồi từ vật liệu máy bay. Nhà này rất giàu.Làng Đông hồi đó nhà nào có vài nghìn đồng, dăm mười cây vàng gọi là giàu sụ, nhà ông Quắn còn nhiều hơn thế. Họ có đứa con trai tên Hào cao 2m, trắng trẻo đẹp trai.Phải cái bị ngất ngơ, hình như bị down, suốt ngày ngồi ngạch cửa nhìn ra đường, thỉnh thoảng cười hậc cái, nói hay hè. Chẳng có gì cũng cười hậc cái, nói hay hè. Dòng họ ông Quắn chỉ mình ông là con trai.Đẻ ra thằng con ngất ngơ, vợ chồng ông lo lắm, sợ tiệt giống. Biết chị Đóc Xấu ế chồng, họ mừng húm, mang cau trầu đến hỏi liền.
            Lúc đầu chị Đóc Xấu cự nự không chịu, sau cả vợ chồng ông Quắn, cả ba m chị quì lạy như tế sao, chị tắc lưỡi cái thở hắt ra cái,  nói dạ, lấy thì lấy. Đám cưới chị Đóc Xấu một bò hai lợn, to nhất lịch sử làng Đông. Cu Miễn bây giờ là chủ nhịêm HTX,  làm chủ hôn, như kiểu MC bây giờ, tay gõ cọc cọc vào micro, nói alô alô trăng trên trời có khi tròn khi méo/ Xấu yêu Hào thật khéo lắm thay. Chị Đóc Xấu lần đầu son phấn, ngượng, mặt cúi gầm không dám nhìn ai. Anh Hào ngồi cạnh chị, ngơ ngác nhìn mọi người, cười hậc cái, nói hay hè.
Cu Miễn tay gõ cọc cọc vào micro, nói a lô a lô vui duyên mới không quên nhiệm vụ/  Xấu và Hào ưu tú cả hai/ người quốc sắc kẻ thiên tài/ tình trong hợp tác thuận, mặt ngoài hai họ ưa. Ông Quắc vỗ tay đôm đốp, nói đ. mạ Cu Miễn nói hay.
Rước dâu từ sân kho hợp tác, cô dâu chú rể cao lêu đêu nổi bật giữa đám rước. Mọi người nói ua chầu chầu giống tây hè, giống tây. Chị Đóc Xấu vấp cục đá ngã quị. Anh Hào đứng trố mắt nhìn. Mọi người nói kéo vợ lên tề,  Hào tề! Anh cứ đứng ngơ, cười  hậc cái, nói hay hè.
Đêm động phòng bà Quắc kéo chị Đóc Xấu ra sau hồi, nói có khi chồng con không biêt mần chi mô, con phải bày cho hắn nghe con. Chị Đóc Xấu  nói bày chị mạ. Bà Quắc làm động tác, nói đầu tiền mần ri nì ri nì, sau nó chịu rồi thì ri nì ri nì, nghe chưa. Chị Đóc Xấu ngượng nghịu cúi mặt, nói dạ. Bà Quắc ẩn chị Đóc Xấu nằm xuống, ngồi lên giật giật, nói rồi ri nì ri nì, nghe chưa. Chị Đóc Xấu nói dạ.Bà Quắc nhún nhún lắc lắc, nói rồi ri nì ri nì, nghe chưa. Chị đóc xấu nói dạ. Bà Quắc  vực chị Đóc Xấu ngồi dậy, vỗ vỗ lưng, nói cố lên con, mới đầu ngượng chút thôi, sau sướng mê man luôn, he he he.
Vợ chồng ông Quắc nằm phòng bên nín thở nghe trộm. Bà Quắc nói không biết con mình có làm ăn chi được không. Ông Quắc nói è he lo chi hè, chó mèo còn làm được nữa là người.Trong buồng, chị Đóc Xấu nằm ngửa chờ đợi, anh Hào ngồi bó gối nhìn chị lom lom, cười  hậc cái, nói hay hè. Chị Đóc Xấu chờ mãi không được, bèn trật vú ra, nói đây nì đây nì. Anh Hào đặt tay lên vú, cười hậc cái , nói hay hè. Chị Đóc Xấu trật bướm ra, nói đây nì đây nì.Anh Hào đặt tay lên bướm, cười  hậc cái, nói hay hè. Cứ để nguyên tay vú tay bướm, anh Hào ngồi nhìn lom lom, cười hậc cái , nói hay hè, rồi lăn ra ngủ như chết.
Cả tháng trời sáng nào bà Quắc cũng kéo chị Đóc Xấu ra sau hồi nói răng rồi răng rồi.Chị Đóc Xấu ứa nước mắt, nói không răng cả mạ ơi. Bà Quắc lại làm động tác, nói đầu tiền mần ri nì ri nì, sau nó chịu rồi thì ri nì ri nì, rồi ri nì ri nì. Chị Đóc Xấu ôm mặt khóc, nói mạ ơi cho con về nhà.
Không biết vợ chồng ông Quắc bàn bạc ra sao, tối đó ông Quắc vào buồng, vuốt lưng xoa đầu chị Đóc Xấu, nói thôi, con chịu khó để ba mần ví dụ cho chồng con coi. Lập tức ông bị ăn một cái tát rụng mất cái răng cửa. Ông Quắc ôm mồm nhăn nhó, nói hay để ba thuê đứa mô mần ví dụ.Ông lại ăn thêm một cái tát, rụng mất cái răng cửa nữa. Anh Hào nhìn  cái mồm đầy máu của ông Quắc, cười  cái hậc, nói hay hè. Chị ôm anh Hào khóc, nói ôi chồng ơi chồng ơi, chó mèo còn biết răng chồng tui không biết. Anh Hào cười hậc cái , nói hay hè.
Chị Đóc Xấu đùng đùng xách áo quần ra về, hai vợ chồng ông Quắc qùi xuống ôm chân chị khóc nói khoan khoan, còn nước còn tát con ơi! Chị Đóc Xấu lạy ông bà Quắc, một mình đi thẳng ra xóm Bàu. Trước đó chị có ghé qua nhà mình, móc túi đưa cho mạ mình ba đồng, nói cháu nợ thím bốn đồng, giờ mới có ba đồng, thím cầm tạm. Mạ mình dúi tiền vào túi chị, nói mi ra đó không tiền lấy chi mà tiêu, biết hỏi mượn ai. Chị lại dúi tiền vào tay mạ mình, nói cháu mượn thím quá lâu rồi, gặp thím ngượng lắm. Mạ mình cười lại dúi tiền vào túi chị, nói mi yên tâm từ ni không gặp tau nữa mô mà ngượng.Tưởng mạ mình nói chơi té ra thật. Từ khi chị ra xóm Bàu (1965) cho đến khi mạ mình mất (1996) chưa khi nào mạ mình gặp lại chị. Mình cũng thế, cho đến năm 2003.
 Khi đó mình đang ở Sing, thằng Sơn ( Nguyễn Thanh Sơn) đưa mình đi chữa bệnh ở bệnh viên Pakway. Bệnh chẳng chữa được, bù lại được bù khú với người Sing cũng vui. Buổi sáng mình thường ra uống quán cà phê cạnh khách sạn.  Quán này  cho mình ngồi uống cà phê hút thuốc ở vỉa hè. Ở Sing rất khó kiếm được cái quán được hút thuốc thoải mái như thế này, thành thử mình ôm lấy cái quán suốt ngày, mặc kệ thằng Sơn muốn đi đâu thì đi.
Cùng uống cà phê hút thuốc ở vỉa hè với mình là một thằng Tây chừng hai chục hai chục tuổi, chẳng biết người nước nào. Thằng này hút thuốc cũng kinh. Sáng nào cũng vậy mình với nó hai thằng hai góc, không ai nói với ai cứ rung đùi thì nhau phun khói thuốc. Một hôm bật lửa nó hết ga, nó đi tới chỗ mình, nói chú cho cháu mượn hộp quẹt. Nó nói tiếng Việt ngon trớt, nghe nằng nặng như tiếng miền Trung. Mình tấm tắc khen, nói anh học tiếng Việt khi nào mà nói sõi thế. Nó nhăn răng cười, nói cháu người làng Đông đây chú Lập ơi. Mình quá ngạc nhiên, nói oa chà, cháu con ai, răng biết chú? Nó lại nhăn răng cười, nói người làng Đông ai không biết chú. Nó bắt tay mình xiết chặt, nói bây giờ cháu phải đi, hẹn gặp chú  sáng mai tại đây. Nói rồi lật đật bỏ đi. Được vài bước nó dừng lại nhìn mình cười cười, nói à quên, cháu là cu Đui, con mẹ Đóc Xấu đó chú. Mình trợn mắt há mồm không biết nói sao.
Nó đi khuất rồi mà miệng mình cứ ngoác ra như miệng cá ngão, không sao gập lại được. Oa chà, đời thật lắm sự ngạc nhiên thú vị.
(Còn nữa)
Nguyễn Quang Lập
Postest: TQS, 17/8/2012


Phận đàn bà 2

Mình ra Huế dự liên hoan sân khấu. Cũng còn chẳng háo hức gì liên hoan liên heo, chỉ vì vở Mùa hạ cay đắng của mình từ  1987 hai lăm năm sau mới xuất hiện trở lại, mình muốn ra xem thế nào. Taxi vừa đến khách sạn vừa lúc một con Mẹc cũng trờ tới. Một người nhỏ thó đen thui ăn mặc sang trọng đeo kính trắng mở cửa xe bước ra. Ba bốn người đứng chực ở cửa khách sạn vội vã bước tới vồn vã rối rít bắt tay ông rồi lăng xăng lấy đồ của ông rật rật chạy theo ông. Lại có hai em chân dài, hình như người của khách sạn mang hoa đến tặng ông. Biết ngay đó không đại gia cũng quan lớn, nhìn mặt thấy quen không nhớ là ai.
Chú xe đưa ông chủ vào cầu tháng máy xong, quay ra hồ hởi bắt tay mình, nói cháu tên Thành con ông cu Diện. A anh Diện làng Đông, bạn học với anh Thắng mình. Chú lái xe cười hề hề, nói công nhận chú nhớ tài thiệt. Mình cười lắc đầu, nói cậu còn khen, mình nhớ mãi không ra sếp cậu là ai. Thấy quen mặt lắm nhưng chịu không thể nhớ. Cu Thành nói to giọng đầy hãnh diện, nói dạ đó là tiến sĩ nhạc sĩ nhà thơ Tương Như.  Mặt mình vẫn đực như ngỗng ỉa. Cu Thành ngó trước ngước sau, hạ giọng thì thầm, nói dạ tức là Cu Mèo. Ôi thôi bỏ mẹ rồi, hóa ra là Cu Mèo hi hi.
Không nhớ Cu Mèo hơn mình mấy tuổi. Đại khái khi mình học lớp năm thì anh đã học xong lớp 7 nhưng mình không gọi bằng anh, khi gọi Cu Mèo khi gọi bằng thằng. Con nít trong làng chẳng đứa nào ưa, Cu Mèo cũng chẳng ưa đứa nào. Một mình một chợ, Cu Mèo lang thang từ đầu làng đến cuối làng đi ghẹo gái. Chuyện chị Mai với anh Cu Mèo cả làng Đồng đều nhớ, mình cũng đã viết trong Xóm gái hoang.
Chị  Mai hơi thấp, múp máp, da trắng ngần, đặc biệt chị hát, ngâm thơ đều hay cả. Người thì gọi chị là Châu Loan xóm, người thì gọi Tường Vi xóm. Họp đội, họp xóm, họp đoàn, đám cưới đám hỏi  nhất nhất phải có chị hát mới xong. Mọi người nói Châu Loan mô rồi hè? Chị Mai đứng lên liền, nói đây đây. Người nóí ngâm bài rứa là hết đi Mai ơi. Người nói không không ẻ vô bài nớ, ngâm bài chào sáu mốt đỉnh cao muôn trượng tề.
 Chị Mai thuộc toàn thơ Tố Hữu thôi, mấy bài trong sách giáo khoa chị thuộc sạch. Hỏi nước mình có ai là nhà thơ, chị nói Trần Đăng Khoa với Tố Hữu, hỏi còn ai nữa không, chị nói từng nớ ngâm đã rã họng ra rồi, nhiều chi lắm. Đầu buổi ngâm thơ cuối buổi hát, hoặc ngược lại, khi nào cũng vậy ở đâu cũng vậy. Mọi người nói Tường vi mô rồi hè, chị Mai đứng lên liền, nói đây đây. Người nói hát bài Noọng ơi trăm ngàn nở hoa đi Mai ơi , người nói dở dở  quẹt quẹt, hát nắng toả chiều nay tề. Chị  hát say sưa, miệng hát ngực rung hấp dẫn vô cùng.
Có hai người mê chị, một là anh Toả bí thư chi đoàn, hai là Cu Mèo con trai cu Miễn. Mỗi lần chị Mai hát, anh Toả nhìn miệng chị không chớp, miệng mấp máy, người đu đưa, nói hay hè hay hè; cu Mèo nhóng cổ nhìn ngực chị rung rung, thè lưỡi liếm một vòng, nói đù mạ hát rứa mới hát chơ.Lại thè lưỡi liếm một vòng, miệng thít thít.  Nhưng chị Mai ghét Cu Mèo, chỉ yêu anh Tỏa thôi. Cu Mèo tức lắm, đứng dạng háng chặn đường chị Mai, nói tui thua cu Toả cái chi? Chị nói không, bỏ đi. Cu Mèo lại vượt lên chặn đường, nói tui tên Mèo, xấu phải không? Chị nói không, lại bỏ đi.
Tối cu Mèo trèo lên cây xoan sau hồi nhà chị Mai, dóng mồm xuống cửa sổ nhà chị kêu vơ Mai nời… tui ưng Mai rồi vơ Mai! Vơ Mai nời… cu Toả không bằng bãi cứt trâu, ưng hắn mần chi. Chị Mai đóng sập cửa sổ.Cu Mèo vừa rung cây vừa hát hờn căm bao lũ tham tàn… cu Toả!  Hát chán Cu Mè bắc loa tay hét to, Mờ eo meo huyền Mai! Mờ ai mai huyền Mèo. Tôi nào cũng ầm ĩ, không cho ai ngủ ngáy gì cả.
Buổi trưa nắng nóng chị Mai gánh lúa về, cu Mèo chặn đường, dạng háng nói ưng tôi đi, mai mốt tui làm lái xe tải tha hồ sướng. Chị Mai đang gánh lúa, mệt, nói ẻ vô, bỏ đi. Cu Mèo lại vượt lên trước, đứng dạng háng, nói ưng tui đi, mai mốt bọ tui lên xã, tui làm chủ nhiệm. Chị Mai đánh môi cái bịp, bỏ đi. Cu Mèo vẫn không chịu, lại vượt lên, đứng dạng háng, tụt quần nói, cu tui ri nì, Mai ưng không? Chị Mai vứt gánh lúa, chồm tới túm chim cu Mèo nghiến răng vặn, nói khoe cái cố tổ mi, khoe cái cố tổ mi. Cu Mèo kêu như cha chết.Nhưng từ đó Cu Mèo đi đâu cũng khoe, ní em Mai cầm cu tau rồi, khen cu tau đại chang,  bằng mười cu Tỏa.
Tết năm 1967, làng làm hội diễn văn nghệ ở đình làng. anh Toả chị Mai hát song ca bài Trước ngày hội bắn. Chị Mai mặc váy, cầm cái ô xoay xoay e thẹn, bắp chân trần trắng muốt, cười cái liếc cái, hát ai tin anh nóiAnh Toả mặc áo quần bộ đội, đội  mũ tai bèo, cười cái liếc cái, hát vì sao em nói nghe nào…Bà con nói ua chầu hầu hay hè hay hè. Cu Mèo đứng dậy quát  to, nói hay cái l. mạ bay! Bà con nói ua chầu chầu cu Mèo nói bậy quá hè. Cu Mèo mắt trợn tay chỉ, nói đồ xã viên biết chi! Rồi hát rống lên hờn căm bao lũ tham tàn… Mai Toả!
Mọi người nói ua châù chầu cu Mèo ỷ thế con chủ nhiệm mất trật tự quá hè. Cu Mèo nói đồ xã viên biết chi! Rồi lại hát cu cu Toả ơi, cu cu Toả ơi.. chim mi mô rồi, chim mi mô rồi… đọ tau cái coi. Bà con đòi đưa cu Mèo ra kiểm điểm, cu Miễn nói đồng chí cu Mèo nóng tính, có nói bậy nhưng xuất phát từ tấm lòng yêu thương xã viên nghèo như đồng chí Mai.  Rứa là tốt. Quan trọng là tấm lòng, không quan trọng cái lỗ mồm. Người nói tốt rứa a tốt rứa a, người không nói gì, người nói tốt rứa đo tốt rứa đo.
Ra tết anh Toả đi bộ đội. Cu Miễn đề nghị chị Mai làm bí thư chi đoàn, gánh vác cho người đi xa. Chị Mai nghe nói vậy thì nhận.Cu Miễn gặp riêng chị Mai, nói đồng chí cu Mèo chậm tiến, đồng chí nên gặp riêng nhắc nhở. Cu Mèo tức, nói răng bọ chê  tui chậm tiến? Cu Miễn cười cái hậc, nói tao tưởng mi muốn lấy con Mai. Rồi kéo tai Cu Mèo nói nhỏ như vầy như vầy… Tận dụng thế mạnh đi con.
Tối, chị Mai họp chi đoàn ở kho hợp tác, họp xong chị bảo cu Mèo ở lại nhắc nhở. Cu Mèo đè chị ra hiếp liền. Chị Mai xấu hổ không dám nói ai, chị quyết định quyên sinh. Chị đi một mạch xuống Quảng Thanh, ngồi đúng nơi “ tọa độ lửa” đợi máy bay tới thả bom. Chị không chết, bị một mảnh bom đâm đúng cuống họng, không nói được, nói gì cũng cứ dá da dá da.
Chị Mai ôm áo quần rời làng Đông về Xóm gái hoang ở với mụ Cà và chị Đóc Xấu thế nào, bắt được phi công Mỹ ra sao mình đã kể, có dịp sẽ nhắc lại. Hơn bốn chục năm rồi chẳng ai còn nhớ đến chị. Mình cũng quên. May gặp Cu Mèo bỗng nhiên nhớ lại hết.
Mình hỏi cu Thành, nói cháu có nhớ chị Mai không. Nó cười, nói thím Mai dá da da phải không? Chú muốn gặp mai đi theo cháu. Tiến sĩ nhạc sĩ nhà thơ Tương Như về Quảng Bình cắt băng khánh thành ngôi nhà  tình nghĩa cho thím Mai đó. A, lạ quá, Cu Mèo xây nhà tình nghĩa. Té ra chuyện Cu Mèo- chị Mai kết thúc rất có hậu, hi hi hay thật
Sáng Mai mình nhờ thằng bạn học cấp 1 ở làng Đông đánh xe bám theo xe Cu Mèo về nhà chị Mai. Nghe mình nói về dự khánh thành ngôi nhà tình nghĩa, thằng bạn nhìn  mình như nhìn con bò đực, nói mi điên à. Mình hỏi sao. Nó cười cái hậc, nói mày còn lạ chi Cu Mèo. Xây nhà tình nghĩa hết trăm triệu thì lão bắt tỉnh, huyện hầu rượu cuộc này đến cuộc này đến cuộc khác, nhậu sao cho đủ trăm triệu mới thôi. Mình cười, nói kệ, miễn sao chị Mai có ngôi nhà trăm triệu là tốt rồi.
Nhà chị Mai ở huyện Tuyên, một xóm nghèo ở đầu nguồn sông Gianh. Chả hiểu sao chị Mai mò lên tận đây sống một mình ở nơi heo hút này. Khi mình đến đã thấy quan khách đứng ngồi chật cứng. Chị Mai ngồi hàng ghế đầu, chẳng thấy chị vui vẻ gì, mặt cứng đơ mắt trừng trừng nhìn mọi người. Đến đoạn chủ tịch xã đọc diễn văn cảm ơn Cu Mèo, nói chị Mai có được ngôi nhà hôm nay là nhờ công sức của tiến sĩ nhạc sĩ nhà thơ Tương Như. Chị Mai chồm lên, nói dá da da da. Người ta vội vàng ấn chị ngồi xuống. Mình hơi lạ, được ngôi nhà mới sao chị Mai có vẻ giận dữ đến thế.
 Thằng bạn mình cười hì hì, nói bi kịch bi kịch. Mình hỏi sao. Nó nói mày không biết chuyện chị Mai mất 5 sào đất à. Mình nói không. Nó lại cười hi hì, nói bi kịch bi kịch. Chuyện này làng Đông ai cũng biết, chỉ có mày là không biết. Cũng tại năm bảy lăm nhà mày về Ba Đồn rồi, không biết chuyện này cũng phải. Năm đó chị Mai về làng thì ngôi khu vườn 5 sào của chị bị cha con cu Miễn chiếm dụng. Chị Mai kiện cáo khắp nơi. Chị không có chữ chẳng viết đơn được, nói gì cũng dá da da chẳng ai hiểu gì. Con kiến kiện củ khoai, nói gì cũng dá da da thì kiện cái gì nhưng chị không nản, ba chục năm này chị kiên trì bám theo  Cu Mèo, hễ gặp Cu Mè đâu chị cũng túm áo lão kêu  dá da da. Phiền quá Cu Mè mới thí cho chị cái nhà này đấy. Dứt lời thằng bạn mình cười he he, nói đó, tình nghĩa Cu Mèo là rứa đó.
Vừa lúc Cu Mèo phát biểu. Anh đứng lên nhìn mọi người rưng rưng lại nhìn chị Mai rưng rưng, nói ngôi nhà nay là món quà mọn tôi dành cho chị Mai, người đàn bà đã chịu nhiều đau khổ. Đau khổ lắm các đồng chí ạ. Cu Mèo nghẹn lại như sắp khóc. Mọi người lặng thinh cảm động. Bỗng chị Mai nhảy lên túm áo Cu Mèo, nói dá da da da!… Dá da da! Chị khóc òa day áo Cu Mèo liên tục, nói dá da da da. Mình tưởng Cu Mèo thẹn đỏ mặt, chẳng dè Cu Mèo ôm chầm lấy chị, vỗ vỗ lưng chị nghẹn ngào, nói chị đừng nói lời cảm ơn, đừng nói lời cảm ơn nữa chị Mai ơi.
Mọi người cảm động vỗ tay rần rần.
Nguyễn Quang Lập
Postest: TQS, 17/8/2012

15 thg 8, 2012

TƯỚNG LÊ VĂN CƯƠNG: VIỆT NAM TỪNG 5 LẦN BỊ TRUNG QUỐC BÁN ĐỨNG
Trung Quốc - Cường quốc không có đồng minh

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an, cho rằng do bản tính bành trướng quá dữ dội và sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, Trung Quốc không có đồng minh.

Tháng 6 vừa rồi, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển. Trên hành tinh này, thử hỏi Trung Quốc xem có quốc gia ven biển nào không có Luật Biển không? Trung Quốc không có Luật Biển thì họ có bảy đạo luật khác để chi phối, bảo vệ chủ quyền trên biển: Luật Hàng hải, Luật Đường cơ sở, Luật Hải dương... Giờ Việt Nam làm Luật Biển cũng giống như nhà có vườn, người ta phải rào chứ” - Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.

Hệ thống nói dối lớn nhất hành tinh

. Phóng viên:Trong thời gian căng thẳng vừa qua, báo chí Trung Quốc đã đưa những thông tin rất sai lệch về Việt Nam. Dường như họ đang cố dùng bộ máy truyền thông do nhà nước kiểm soát để kích động dân chúng của họ?

+ Thiếu tướng Lê Văn Cương: Một số nhà báo, học giả Trung Quốc viết trên tờ Hoàn Cầu - một ấn phẩm của nhật báo Nhân Dân - kêu gọi phát động chiến tranh, chỉ có đánh Việt Nam mới giải quyết được vấn đề biển Đông, rằng trên thế giới này duy nhất Việt Nam là nước đi xâm lược, là hung hăng nhất, hiếu chiến nhất. Họ vẽ ra một hình ảnh đất nước Việt Nam như một tội đồ, để lừa dối nhân dân họ, lừa dối quân đội họ và lừa dối cả thế giới. 

Trong gần 3 triệu quân nhân, sĩ quan, binh lính Trung Quốc, tôi tin tưởng tuyệt đại đa số không muốn gây hấn. Họ cũng muốn giao hảo. Ngay cả 1,3 tỉ người dân Trung Quốc cũng là người tốt, nhân hậu lắm, họ muốn bang giao, còn chuyện gây chiến họ không được gì cả. Họ là những con bài bị thí, bị lừa dối. Ngay cả hơn 20 ủy viên Bộ Chính trị, mấy trăm ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải ai cũng muốn gây chiến, chỉ là số nhỏ thôi.

Trong cuộc chiến 1979 với Việt Nam cũng vậy, truyền thông Trung Quốc có hàng ngàn bài báo xuyên tạc, nhồi nhét vào đầu người Trung Quốc rằng đó là chiến công oanh liệt của quân giải phóng Trung Quốc phản công quân Việt Nam xâm lược. Đến giờ phút này, số người hiểu thực chất bản chất cuộc chiến chỉ có 1%. 

Hôm 17-8 vừa rồi, khi nói chuyện với các nguyên thủ các quốc gia châu Phi tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có nói rằng: Chúng ta kiên quyết phản đối nước giàu lấn lướt nước nghèo, kiên quyết phản đối nước lớn đàn áp nước nhỏ. Nói hay như thế nhưng làm thì ngược lại. 

. Cũng đã từng có nhiều người nói về việc hệ thống truyền thông Trung Quốc đưa thông tin sai lệch, “làm hỏng dân”...

+ Chuyện lừa dối của họ là truyền thống, từ thời Đông Chu liệt quốc đến giờ. Họ biến con người thành những con cừu, chỉ thực hiện mệnh lệnh của cấp trên. Đến giờ phút này, truyền thông Trung Quốc là hệ thống nói dối lớn nhất hành tinh, chỉ phục vụ ý đồ chính trị của giới chóp bu. Về khoản này, Mỹ thua Trung Quốc. 

Hồi năm 1979, Trung Quốc xâm lược ban ngày ban mặt chứ có phải buổi tối đâu. Nhưng cứ đến kỷ niệm năm chẵn, báo chí Trung Quốc tung ra trung bình khoảng 700-800 bài báo kéo tít gần như nhau: Chiến công oanh liệt của quân giải phóng Trung Quốc phản công quân Việt Nam xâm lược; cuộc phản công chiến lược thắng lợi... 

Sẵn sàng dùng thủ đoạn tàn bạo

. Chúng ta vẫn thường nhắc đến chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào về độ phổ biến của chủ nghĩa bành trướng trên thế giới?

+ Về mặt khoa học, phàm các dân tộc lớn, nước lớn, đều có nhân tố bành trướng chứ không phải chỉ có Trung Quốc. Mỹ, Nga, Đức, Nhật, Ấn Độ đều như vậy. Đó là đặc điểm có tính phổ biến, như là người giàu, lớn, khỏe thì hay xem thường kẻ nghèo hèn. Một con người cũng thế, một cộng đồng cũng thế mà một dân tộc cũng thế. 

Cho nên diễn biến hòa bình không phải chỉ có Mỹ. Tất nhiên gốc tích của diễn biến hòa bình thời hiện đại là từ Mỹ nhưng những thủ đoạn tác động vào các nước khác để đảm bảo có một chính quyền ở đó theo ý mình thì Trung Quốc là cha đẻ, là bậc thầy của thế giới. Cách đây 2.600 năm, chính ông Quản Trọng, người nước Tề thời Xuân Thu, là người đẻ ra diễn biến hòa bình với các thủ đoạn chia rẽ nội bộ, lũng đoạn kinh tế, khoét sâu mâu thuẫn, đưa thông tin vu khống để vua bạc đãi người trung thực, xung quanh nhà vua chỉ còn những loại nịnh thần, ngu dốt thôi. Từ đó đất nước họ suy yếu, ông ta thâu tóm năm nước xung quanh chỉ trong vài năm. Người Mỹ chỉ học mót người Trung Quốc về khoản này.

. Vậy chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc có gì khác biệt dẫn đến việc họ bị thế giới ghét bỏ như ông vừa đề cập?

+ Trung Quốc có hai điểm đặc biệt. Một là máu bành trướng của họ dữ dội, quyết liệt hơn các nước khác.

Hai là về mặt thủ đoạn, họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn bất kể tính chất. Người Mỹ, Nhật, EU không bao giờ làm cái trò cho người sang xui nông dân Việt Nam trộn bùn vào chè, đưa về Trung Quốc quay lên truyền hình, chụp ảnh cho cả thế giới xem; họ cũng không bao giờ mua móng trâu, mua rễ quế, mua đỉa, tuồn hàng chất lượng kém, có chất độc sang Việt Nam. Cho nên cả thế giới chăm chăm cảnh giác Trung Quốc. Họ là một cường quốc không có đồng minh. 

Khi nào Trung Quốc dùng vũ lực?

. Nghiên cứu các cuộc xung đột vũ trang của Trung Quốc từ năm 1949 đến nay, ông đánh giá thế nào về những yếu tố dẫn các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến việc giải quyết các vấn đề quan hệ quốc tế bằng vũ lực?

+ Nó là hợp lưu cộng hưởng của hai dòng: Dòng bành trướng và dòng phục vụ cho lợi ích trước mắt. Cuộc chiến tranh năm 1969 với Liên Xô chính là vật tế thần để họ chứng tỏ với Mỹ rằng tôi không liên kết với Liên Xô. Đến tháng 2-1979, họ biến Việt Nam thành vật tế thần, một lần nữa chứng minh cho Mỹ thấy họ không đồng minh gì với Việt Nam cả. Trước khi đánh Việt Nam, Đặng Tiểu Bình còn đến Washington, đội mũ cao bồi, nói với Tổng thống Mỹ Carter rằng: “Chúng tôi là NATO phương Đông”. Việt Nam thành vật tế thần để Trung Quốc mua bán với Mỹ.

Suốt từ năm 1979 đến năm 1991, Trung Quốc câu kết với Mỹ và phản động quốc tế bóp nghẹt Việt Nam, bao vây cấm vận Việt Nam. Lịch sử Việt Nam lùi mất 30 năm. Đó là một thời kỳ đen tối của lịch sử Việt Nam, khi tất cả mọi lối ra thế giới đều bị Trung Quốc và Mỹ bịt hết. 

Bành trướng là chiến lược lâu dài của họ nhưng khi cần sử dụng vũ lực để giải quyết lợi ích trước mắt và phù hợp với chiến lược đó, họ sẵn sàng.

. Chuyện nước lớn, với tư tưởng bành trướng, thỏa thuận với nhau trên lưng nước nhỏ, đã từng xảy ra nhiều trên thế giới. Trong quan hệ giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác thì sao, thưa ông?

+ Tôi cho là Việt Nam từng năm lần bị bán đứng. 

Lần thứ nhất tại Hội nghị Genève năm 1954. Trung Quốc đã có sự mặc cả với Mỹ, Pháp chứ đúng ra ranh giới hai miền không phải vĩ tuyến 17 mà có thể là 13, nếu không thì là 15. Nhưng để lấy lòng Mỹ và phương Tây, Trung Quốc đã nhân nhượng Mỹ và Pháp kéo lên vĩ tuyến 17. Sau này chính Pháp nói với ta điều ấy. 

Lần thứ hai khi Việt Nam gần thắng Mỹ năm 1972, Henry Kissinger đã ký tắt với ông Lê Đức Thọ, hai bên báo cáo cấp cao để chuẩn bị ký Hiệp định Paris. Nhưng sau đó Mao Trạch Đông mời Tổng thống Mỹ Nixon sang ký Thông cáo chung Thượng Hải. Ngày 1-3-1972, Kissinger về Tokyo họp báo, nói một câu nổi tiếng: Bây giờ chúng tôi chỉ còn nhìn về Mạc Tư Khoa để nghiền nát Hà Nội! Sau khi ký xong, những việc tày trời trước đây các tổng thống Mỹ khác không làm được thì Nixon làm được, đó là phong tỏa cảng Hải Phòng, con đường biển duy nhất Việt Nam ra thế giới, cho máy bay đánh sát biên giới Trung Quốc, rồi sau đó là 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Thiệt hại về người và tài sản trong cuộc không chiến của Mỹ ở miền Bắc từ 1-3-1972 đến khi ký Hiệp định Paris bằng cả sáu năm trước cộng lại. Ở miền Nam, ta cũng phải đổ xương máu nữa. Nên thông cáo Thượng Hải thực chất đã được viết bằng máu của người Việt Nam.

Lần thứ ba, họ đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Không có sự đồng ý của Mỹ thì Trung Quốc không bao giờ dám đánh.

Lần thứ tư, chính Trung Quốc là kẻ chủ mưu gây nên vụ thảm sát hơn 2 triệu người Campuchia. Trung Quốc cung cấp từ A đến Z, lương thực thực phẩm, vũ khí, đạn dược, thuốc men cho Khmer Đỏ. Chiến tranh biên giới Tây Nam 1976-1978 là Trung Quốc mượn Khmer Đỏ để đánh Việt Nam. Sau đấy, khi ta giải phóng Campuchia, Trung Quốc là kẻ lu loa trên thế giới rằng Việt Nam có âm mưu lập “Liên bang Đông Dương”. Kẻ gây ra họa diệt chủng lại vu cáo cho những người cứu người Campuchia khỏi họa diệt chủng.

Lần thứ năm là chiến tranh biên giới năm 1979. Năm lần họ buôn bán trên lưng mình.


Tất cả những chuyện tranh chấp của Trung Quốc với nước khác, từ xưa đến nay, không có cuộc tranh chấp nào mà Trung Quốc có lý cả. Cuộc chiến năm 1962 với Ấn Độ, họ chiếm của Ấn Độ mấy chục ngàn cây số vuông, không có lý nào cả.
Quan hệ với Nhật Bản, Philippines cũng vậy, không có lý nào. Tôi thống kê có 15 cuốn sách, 20 bản đồ cổ khẳng định cực nam của họ chỉ đến đảo Hải Nam thôi.
Thiếu tướng Lê Văn Cương
HỮU LONG thực hiện
Nguồn: Pháp luật Tp HCM
    Postest: TQS, 14/8/2012