28 thg 5, 2013

chuyện tử tế
* Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng: Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chỉ hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế ,trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm...
( Trích lời bình của phim Chuyện tử tế)

23 thg 5, 2013

Chia buồn với Pgs- ts Trần Ngọc Vương

dang-huongVợ của anh trần Ngọc Vương là chị Nguyễn Thị Thúy Mai, công tác tại đài truyền hình Việt Nam từ khi tốt nghiệp khoa Văn đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến lúc nghỉ hưu; đã qua đời sáng 22.5.2013 (nhằm này 13.4 Quý Tỵ), hưởng dương 59 tuổi. Chị Mai vốn bị bệnh tim rất nặng đã từ lâu.
Lễ viếng chị Nguyễn Thị Thúy Mai được tổ chức tại nhà tang lễ Bệnh viện quân đội 108, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội vào lúc 10 giờ ngày 24.5.2013.
Xin gửi tới anh Trần Ngọc Vương và gia đình lời chia buồn sâu sắc nhất. Vĩnh biệt chị Mai,  cầu mong chị bình an ở chốn vĩnh hằng.
23/5/2013

Men gan - “Thước đo” tuổi thọ

Chỉ số men gan trong máu gần như cố định ở người bình thường, khi men gan tăng cao cũng là dấu hiệu của sự tổn thương và suy giảm chức năng gan, dự báo suy giảm tuổi thọ của con người.
Tăng men gan, giảm tuổi thọ
Men gan hay còn gọi là enzyme được sản xuất tại gan và là nhân tố xúc tác cho quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Có nhiều loại men gan, trong đó bốn loại men gan thường được xét nghiệm là AST (viết cách khác SGOT, ASAT); ALT (SGPT, ALAT);  GGT ; ALP.

men gan, bao nguyen, ruou
Ảnh minh họa

Nghiên cứu cho thấy, tăng AST và ALT dự báo sẽ giảm dần tuổi thọ, tăng tỷ lệ tử vong từ 21 đến 78%. Với AST trị số tăng gấp đôi sẽ tăng 32% nguy cơ tử vong, và nếu tăng hơn gấp đôi, nguy cơ tử vong sẽ lên đến 78%. Với ALT gấp 2 lần sẽ tăng 21% nguy cơ tử vong và khi tăng hơn gấp đôi, nguy cơ sẽ là 59%. Ngược lại AST, ALT bình thường thì tỷ lệ tử vong thấp hơn dự kiến (0,95 cho AST và 0,61 cho ALT).

Bình thường chỉ số men gan trong máu ở nồng độ dưới 40U/l và chỉ số này gần như cố định ở người bình thường. Tuy nhiên, khi gan bị tổn thương, sự phá hủy tế bào gan nhiều hơn bình thường là nguyên nhân khiến men gan trong máu tăng cao.

Từ đó, men gan tăng chứng tỏ có hiện tượng bất thường xảy ra đối với tế bào gan. Sự bất thường có thể xảy ra tạm thời nhưng cũng có thể là một mối nguy hiểm đe dọa đối với cơ thể nếu tình trạng này kéo dài.

Để đánh giá mức độ bệnh gan, xét nghiệm men gan luôn là bắt buộc trong các bệnh lý về gan. Men gan tăng từ 1-2 lần là mức độ nhẹ, 2-5 lần là mức độ trung bình, tăng trên 5 lần giới hạn bình thường là mức độ nặng.

Men gan có thể tăng lên đến 3000 U/L trong viêm gan virus cấp hoặc viêm gan do thuốc. Ở bệnh nhân suy gan cấp hay sốc gan thì men gan có thể tăng đến 5000 U/L.

Mức độ tăng men gan có thể tương quan với mức độ lan rộng tổn thương tế bào gan, tuy nhiên đó mới là những gợi ý thông thường nhất bởi trong thực tế có những trường hợp viêm gan rất nặng nhưng nồng độ men gan trong máu tăng rất ít.

“Dựa” thảo dược để ổn định men gan

Thông thường, khi men gan tăng cao, người bệnh cần tránh làm việc quá sức và khám bác sĩ chuyên khoa về gan mật để xác định rõ bệnh và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng. Ngoài ra, trên thị trường có một số sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược giúp bổ gan, mát gan, tăng cường giải độc gan cũng góp phần hỗ trợ người bệnh.
men gan, bao nguyen, ruou
Ảnh minh họa
Theo DS. Nguyễn Thanh Xuân (rưởng phòng nghiên cứu của CTY dược phẩm Phú Hưng): “Trước tiên người bệnh cần hạn chế rượu bia, thuốc lá, đi khám bệnh định kỳ 3- 6 tháng/ lần; ngoài ra nên có chế độ tập luyện hợp lý, ăn uống cân bằng, ăn nhiều rau quả giàu Vitamin, uống nhiều nước mỗi ngày, sinh hoạt lành mạnh, tránh thức khuya.”

Bên cạnh đó, người bệnh cần bổ sung viên uống bổ gan từ các thành phần thiên nhiên tốt cho gan như Cardus marianus, Bồ công anh, Bìm bìm, Actiso, Bồ bồ, Cát căn… các loại thảo dược này có trong viên uống Chức Năng Gan Bảo Nguyên, có tác dụng bổ gan, mát gan, hạ men gan, thích hợp trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh về gan: viêm gan B, viên gan cấp & mạn tính, gan nhiễm mỡ…”, DS. Xuân cho biết thêm.

men gan, bao nguyen, ruou

Sản phẩm Chức Năng Gan Bảo Nguyên là sự kết hợp của 3 nhóm dược liệu giúp bảo vệ gan toàn diện.

Nhóm tinh chất cardus marianus giúp phục hồi tế bào gan, phục hồi và tăng cường chức năng gan, giúp tăng cường chuyển hóa và giải độc gan, giúp hạ men gan và tiêu hóa tốt, ăn uống ngon miệng. Nhóm dược liệu actiso, bồ bồ, tinh chất cát căn giúp làm mát gan, giúp làm giảm mụn nhọt, nóng trong người. Trong khi đó, nhóm dược liệu bìm bìm, bồ công anh tham gia hỗ trợ giải độc gan giúp cơ thể hết mụn nhọt,dị ứng, mẩn ngứa.

Tư vấn và giải đáp chi tiết các bệnh về gan: 04 8585 7578 và 0976 957 908. Hoặc truy cập: www.benhhoc.vn (chuyên trang tiêu hóa)

(*) Sản phẩm không phải là thuốc, không có chức năng thay thế thuốc chữa bệnh.
Hoài Anh.
TQS post ngày 23/5/2013

16 thg 5, 2013

Đường về minh triết

Lời Dâng

(Trích trong Đường về minh triết)(*)
Không có sự liêm khiết trí thức thì không có năng lực tư duy minh triết về những vấn đề trọng đại của cuộc sống, dù có học vị tiến sĩ triết học hay bất cứ gì.
Nếu giàu tri thức, giàu tài năng nhưng yếu kém lương tâm, lương tri thì chỉ là công cụ; chưa có nhân cách; còn nghèo trí tuệ; chưa trưởng thành toàn diện.
Không biết phục thiện thì không thể học được những bài học vĩ đại trong trường đời; dù có bằng cấp cao cũng chi là kẻ ấu trĩ về trí tuệ .
Tham cứu Thiền là tham cứu sự sống và ý nghĩa cuộc sống.
Theo cách nói của nhiều nhà vật lý thì vũ trụ là một mạng lưới chằng chịt vật chất và tâm linh tương quan với nhau. Hiểu như vậy, sẽ thấy toàn vũ trụ là một cơ thể bất khả phân.
Theo nhiều nhà khoa học tự nhiên, năng lượng tâm thức là dạng năng lượng cơ bản, có ảnh hưởng tốt hoặc xấu cho toàn vũ trụ (tuỳ tính chất tâm thức) và cho bản thân .
Có đức mà không có tài, không phải là vô dụng, vì vẫn có tác dụng giáo dục lớn lao đối với xã hội (qua lối sống), vì vẫn mang năng lượng tinh thần (thiện ích) ảnh hưởng tốt đến môi trường sống của cộng đồng (có cả giá trị giáo dục). Có tài mà không có đức, không chỉ có hại cho xã hội về hành vi xấu, mà còn mang năng lượng tâm thức độc hại cho môi trường (và cho bản thân mình). (Vấn đề này Phật giáo gọi là tạo nghiệp tốt xấu; nghiệp cũng mang năng lượng; toàn vũ trụ là những dòng chảy năng lượng).
Tâm ý xấu ác không chỉ có hại cho thế giới, mà còn rất hại cho môi trường năng lượng của mình.
Sự xấu ác là biểu hiện của cái “tôi” (bản ngã) đen tối.
Cái “tôi” càng lớn thì tình thương càng nhỏ. Càng chấp thủ  cái “tôi, bệnh tinh thần càng nặng; càng ảnh hưởng có hại cho tha nhân, môi trường bằng hành vi, bằng thái độ, bằng năng lượng tâm ý.
Con người cần có sự định tâm tỉnh trí để thấy biết trọn vẹn tâm hồn mình. Không tự tri thì không tự chủ, không có sự liêm khiết và tự do tinh thần, không có Thiền.
Tinh thần càng tự do thì trí tuệ - lương tri càng sáng.
Tâm hồn đen tối tạo ra xã hội đầy tệ nạn. Muốn xây dựng xã hội tốt đẹp, phải có nền giáo dục có khả năng giáo dục tất cả mọi người (không trừ một ai) nhận thức sâu sắc các bệnh tâm hồn, phải làm cuộc cách mạng nội tâm tận đáy cái “tôi”.
Nhà giáo yếu kém nhân cách thì chỉ là công cụ tồi, có hại cho xã hội rất lớn (vì nhiều người ngây thơ tin tưởng vào họ). Tu sĩ yếu kém nhân cách cũng thế.
Một tinh thần thật sự trẻ trung và đầy sinh lực là một tinh thần trong sạch. Tinh thần đó ít lệ thuộc vào thể trạng và hoàn cảnh.
Tâm hồn không thanh bình thì cuộc sống kém chất lượng, hiệu quả công tác không cao, không có kinh nghiệm về niềm an vui tự phát, không thể ngộ nhập Tánh Viên Giác vốn có ở chúng sinh và trùm khắp mười phương.
Từ năng lượng quán tâm (tự tri) xuất sinh tình thương, niềm vui, năng lực sáng tạo có chất lượng cao, xuất sinh nhãn quan minh triết, tác dụng giáo dục.
Tâm thái vô ngã là tâm thái hòa bình, bao dung, minh triết, thông minh.
Tâm trí không tĩnh lặng thì không thể giáp mặt thực - tại - đúng - như - thực,  không thể giáp mặt chân lý cuộc sống.
Thượng Đế (hay Chân Thiện Mĩ) không thuộc về phe này hay nhóm kia, không thuộc về hình tướng nào; mà thuộc về những tâm hồn trong sạch, bình đẳng, bác ái, từ bi. Đó là Tánh Viên Giác .
Sự tĩnh tâm tự tri có công năng giữ gìn lương tri, sự tự chủ, sức khoẻ tinh thần, giá trị làm người .
Người biết yêu nét đẹp của tâm hồn là người trưởng thành tâm trí, là người có tinh thần dũng cảm, biết sống với hạnh phúc chân chính.
Càng hướng đến lý tưởng vô ngã thì cái “tôi” càng giàu thiện ích mỹ.
“Vô ngã” là bản ngã (cái “tôi”) chuyển thành trạng thái tâm trí hòa bình, tỉnh sáng, “vô ngôn giữa muôn lời”.
Tâm hồn không tự do thì không có năng lực tư duy độc lập, không cảm thụ được trọn vẹn vẻ đẹp cuộc sống, nghèo nàn tinh thần sáng tạo, kém nhân cách.
Tự tri là, bằng trí tuệ nội quán, nhận biết trọn vẹn mọi cảm giác, tư tưởng, ý muốn, nhận thức phân biệt v. v…đang xảy ra trong tâm trí. Đây là sự nhận biết (kiến chiếu) một cách tự nhiên, không phê phán, không lấy - bỏ (thủ - xả), không dụng công. Có năng lực kiến chiếu này thì tâm trí sẽ tĩnh lặng (tỉnh thức) và thấy rõ bản chất của bản ngã (cái “tôi”). Bản ngã sẽ được chuyển hoá thành trạng thái tâm vô ngã - tức là tâm thái hoà bình, từ bi đích thực, mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn “mạng lưới vật chất và tâm linh” của vũ trụ.
Khi ngồi định tâm mà vẫn nhớ nghĩ đủ chuyện (tức nói năng bên trong) thì giống như khi ngồi một mình mà nói đủ điều. Đó là tình trạng bất bình thường của tâm trí, của bộ não và hệ thần kinh.
“Tỉnh thức” là “có mặt” trong giây phút hiện tại với những gì đang xảy ra. “Có mặt” tức là tâm trí không còn vọng tưởng lang thang.
Không ai là không có tâm xấu ác, điều quan trọng là phải nỗ lực cải tạo. Thực hành “tự tri - tỉnh thức - vô ngã” là trách nhiệm của mọi  người.
Khi cái “tôi” xâm lấn, bóc lột người khác, nó luôn ẩn núp sau những lời hoa mỹ.
“Vô ngã” là Sự Sống bất sinh bất diệt. “Vô ngã” là chân ngã, là giải thoát.
Không xiển dương sự thanh tẩy tâm thức thì tôn giáo, tín ngưỡng chứa đầy mê tín có hại .
Cái nhìn khách quan không thể đánh giá được nhân cách minh triết; chỉ họ tự biết. Nhân cách  minh triết tối cao chính là nhân cách tự - do - tinh - thần. Đó là giá trị cao nhất.
Tâm bất bình thường thì não bất bình thường. Tâm não bất  bình thường tác động bất bình thường đến sự vật và ảnh hưởng xấu đến nhận thức của ta, đến cuộc sống của ta (kể cả hoàn cảnh) .
Nghề nghiệp, công việc chỉ có tính chất  quan trọng (nhiều  hay ít), chứ không có tính chất cao quý. Sự cao quý thuộc về nhân cách, lương tâm.
Tư tưởng xuất thế góp phần làm trong sạch sự nhập thế.
Mọi tài năng đều có giá trị về mặt công cụ, đều có thể góp phần làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Nhưng cái năng lực quý giá nhất làm cho con người giữ vững giá trị làm người, đó là sự tự tri tự chủ. Thiếu cái năng lực này, các tài năng khác có thể biến con người thành ác quỷ, dã thú, kẻ đê tiện.
Vắng mặt năng lực tự tri tự chủ, vắng mặt trí - lương - tri thì trí - công - cụ sẽ trở thành tôi tớ cho trí - chó - sói.
Cái “tôi" càng lớn, càng bền chắc, càng xảo quyệt, càng tự tôn, càng bè phái thì sự liêm khiết trí thức càng suy yếu, tư tưởng và hành vi “người bóc lột người” càng đa dạng .
Tâm Đại thừa là tâm khiêm hạ, hiểu rằng tội lỗi của mình từ vô lượng kiếp đã ảnh hưởng xấu đến tất cả chúng sinh.
Tâm Đại thừa khởi phát  từ sự nhận thức sâu sắc rằng, tội lỗi của cá thể ảnh hưởng đến toàn thể, qua thân khẩu ý.
Giá trị làm người thể hiện ở hiệu quả thiện ích , ít tác hại (nhất là ớ mặt “tiềm ẩn” là năng lượng tâm thần) đối với xã hội , đối với vận hành của vũ trụ.
Thấu triệt lý duyên sinh - vô ngã thì tâm dễ tĩnh lặng, não dễ chuyển hóa, dễ ngộ nhập chân lý tuyệt đối.
Tâm giải thoát phiền não mang ý nghĩa hiếu nghĩa lớn nhất, mang ý nghĩa nghĩa vụ và trách nhiệm cao quý nhất, vì đó là hành động thuận đạo lý, thuận hợp đại luật vận hành của vũ trụ.
Khi ta suy nghĩ, ta chỉ tiếp xúc với một vài khía cạnh cuộc sống. Nhưng nếu muốn giáp mặt thực tại toàn diện của cuộc sống thì phải im lặng tâm trí .
Giá trị giác ngộ, giá trị Đại Thừa không nằm  ở hành vi, hình tướng bên ngoài, mà ở thực chất của tâm. Nếu thật sự có giác ngộ, có tâm Đại thừa thì dù sống ẩn dật vô danh vẫn có thiện ích lớn cho chúng sinh, cho sự nghiệp giác ngộ chung.
Trái đất đang nóng dần lên; tâm hồn nhân loại đang nóng bỏng. Nhà khoa học nỗ lực vá tầng ô-dôn; thiền gia nỗ lực thiền định để góp phần chuyển hoá tâm trí nhân loại bằng năng lượng tỉnh thức, an lạc, thanh thoát, từ bi . (Nên thấu hiểu rằng, lòng tự hào tôn giáo cũng là cái “tôi” hiếu chiến vô minh ).
Chưa nghiên cứu nghiêm túc về bản ngã (cái “tôi") thì chưa thể có đường lối giáo dục đúng đắn.
Nhà tâm lý học không thể hiểu biết sâu sắc cơ cấu tâm lý nếu không thiền định tự tri. Nhà giáo dục học, nhà chính trị học sẽ không có tầm nhìn minh triết về giáo dục, về chính trị nếu không hiểu biết sâu sắc cơ cấu tâm lý con người. Nhà truyền bá tôn giáo sẽ hạ thấp giá trị tôn giáo nếu thiếu quan tâm vấn đề này.
“Tự tri - tỉnh thức - vô ngã” là đạo lý của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ - tâm linh chung của tất cả.
“Tự tri” là quán chiếu tâm thức, là biết rõ tâm trí. “Tỉnh thức” là tâm không vọng tưởng. “Vô ngã” là tâm thái hoà bình, an lạc, yêu thương, thiện ích, tự do tự tại, diệu dụng, bất sinh bất diệt, tịch tri, tịch chiếu.
Truyền bá minh triết Thiền Định Tự Tri là góp phần cải tạo xã hội .
“Tự tri - tỉnh thức - vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình.
Viên mãn “tự tri - tỉnh thức - vô ngã” rất khó, nhưng chỉ có hướng đến đó mới xây dựng được mẫu số chung cho nhân cách, cho ý nghĩa cuộc sống. Chỉ có hướng đến đó mới tạo nên tiếng nói chung cho hoà bình, công bằng, nhân ái - thật sự biết tôn trọng nhau giữa người với người.
Người biết yêu điều tốt ghét điều xấu là người biết phục thiện; người  biết phục thiện thì dễ tiếp thu đạo lý giác ngộ; người biết tiếp thu đạo lý giác ngộ thì dễ thực hành tự tri; người biết thực hành tự tri thì dễ thực chứng chân lý tuyệt đối, siêu vượt khái niệm - tướng trạng.
Một vấn đề lớn của thời đại chúng ta, là làm thế nào để xây dựng vững chắc cảm hứng sống có đạo đức nhân văn ở con người .
Nền  văn học nào, nền giáo dục nào không giúp được con người nhận ra các bệnh tâm hồn, không giúp con người biết cách tự chữa trị có hiệu quả, thì đó là nền văn học, nền giáo dục còn nhiều yếu kém.
Không thật lòng tôn trọng sự lao động chân tay thì không biết yêu nhân dân; không biết yêu nhân  dân thì không thể có lương tri trong sáng, không thể có nhân cách cao.
Không ghét thói hối lộ thì không yêu sự công bằng; không yêu sự công bằng thì không yêu dân ; không yêu dân thì không yêu nước, không yêu nhân loại, không thật có tinh thần cách mạng.
Xây và chống, mà không chống  thói hối lộ - thói nhận hối lộ , là không chân chính.
Chưa có triết lý về giá trị nhân sinh thì văn hoá - giáo dục còn khập khiễng, chính trị còn khập khiễng.
Thiền là tự tri, là siêu vượt tín ngưỡng, hình tướng, khái niệm…, là sống tỉnh thức toàn diện với trí vô sư, với trí tuệ siêu vượt quy định nhị nguyên (tức là sống với trí bát - nhã).
Về tôn giáo cũng như về các lĩnh vực khác, rất nhiều  người đạt đến đỉnh cao bằng con đường tự học, tự đào tạo, bằng cách sống thông thường. Khát vọng lớn thì thành công lớn.
Có thể có tinh thần tôn giáo mà không theo tôn giáo nào, tín ngưỡng nào.
Một  người ngoại đạo có thể sống khế hợp giác ngộ nếu có khát vọng. Ngộ đạo không khó, cái khó là có khát vọng.
Một nguyên thủ quốc gia, một nhà thơ, một bộ trưởng, một sĩ quan, một giáo sư... nếu mang nặng thói tham ô, hối lộ, bè phái thì giá trị làm người không bằng  một  người ăn xin lương thiện.
Người đảng viên không thật lòng kính yêu nhân dân thì chỉ là kẻ “cơ hội chủ nghĩa” ích kỷ.
Không phải “danh ngôn” nào, “lễ nghĩa” nào, “truyền thống” nào cũng giá trị, cũng đáng theo.
Bệnh thành tích sinh ra thói dối trá, thói dối trá sinh ra sự thối nát.
Ở giữa vườn hoa, xác chuột chết vẫn thối; ở giữa đầm bùn lầy, đoá sen vẫn thanh khiết.
Đồng tiền nhà nước là mồ hôi của nhân dân, trong đó có cả mồ hôi của người ăn xin (vì người ăn xin cũng tiêu thụ hàng hoá, tức là đã gián tiếp đóng thuế). Tham ô, lãng phí tiền nhà nước là có tội với toàn dân.
Có những thứ “vinh quang” dính đầy sự bẩn thỉu. Ai mới thấy hào quang danh lợi đã trọng vọng, đó là người không minh mẫn, không biết chính tà.
Muốn giác ngộ chân lý tuyệt đối, phải biết “đạt lý, quên lời”, không chấp thủ ngôn từ, hình tướng - dù hình tướng thánh nhân.
Thiền định tự tri thì không thuộc riêng tôn giáo nào hay nền văn hoá giáo dục nào; đó là tài sản cực kỳ quý giá của nhân loại muôn đời, của vũ trụ.
Tu viện lớn, lễ lược nhiều không có ý nghĩa bằng chăm lo chu đáo và khoa học cho sự tu tập và đời sống vật chất của tu sĩ.
Bắt học sinh, sinh viên học quá nhiều là bóc lột tuổi trẻ.
Sách báo là thầy, là bạn, là nguồn cảm hứng.
Tư tưởng “trọng thầy khinh thợ” là tư tưởng của hạng người yếu kém văn hoá (dù có bằng cấp cao, địa vị cao), là tư tưởng của hạng người vong ân bội nghĩa đối với nhân dân lao động, là tư tưởng phản giáo dục (dù đang làm nghề dạy học, lãnh đạo giáo dục).
Tham quyền cố vị thì không yêu dân, không yêu nước.
Làm chính trị  chân chính thì đừng sợ bị chê bai, bị phê phán; không có lời chê bai, phê phán thì khó nhận thấy khuyết điểm, sai lầm.
Cái đầu tham ô làm tổn thất hơn một nửa chất xám cho công việc thuộc trách nhiệm của nó .
Nếu các cơ quan, các nơi công cộng, các phương tiện truyền thông thường xuyên dùng khẩu hiệu để chống tham ô, hối lộ, bè phái… thì các tệ nạn này sẽ giảm nhanh.
Phải thấy rằng nạn hối lộ là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân loại, của đất nước.
Đôi tay thì đưa hối lộ và nhận hối lộ, còn miệng thì ca tụng đường lối cách mạng, chắc chắn đó là kẻ “cơ hội chủ nghĩa” độc hiểm, hay “chụp mũ” người tốt .
Thiền chân chính, tôn giáo chân chính không thể không lấy “tự tri - tỉnh thức - vô ngã” làm lý tưởng, làm mục đích. Đó là cốt tuỷ của Thiền học chân truyền, của hành trạng Đại thừa.
Truyền bá minh triết thiền “tự tri - tỉnh thức - vô ngã” là góp phần xây dựng nền văn hoá hoà bình, nền văn hóa tiên tiến. 
Óc địa vị là biểu hiện của bản năng quyền lực đậm nét thú tính; nó không biết quý trọng giá trị nhân cách.
Tuyên truyền quá nhiều về giá trị của kinh tế, của văn minh vật chất sẽ làm cho giá trị của nhân cách, của đạo đức, của văn minh tinh thần bị coi thường.
Khi đã biết sống với tâm vô ngôn thì tuỳ duyên ứng xử, không bị quy định bởi bất cứ gì; đó là sự tự do tự tại đích thực của tâm trí. Tâm Thiền là Chân -Thiện -  Mỹ. Minh triết tối thượng là biết dừng tâm và tịch chiếu.
Nặng óc cục bộ thì không yêu dân, không yêu nhân loại; chỉ yêu cái “tôi”, luôn bao che những xấu ác.
Muốn chữa cơn bệnh nặng, không thể chỉ uống vài lần thuốc. Muốn rèn luyện cơ thể, không thể chỉ cần một vài buổi tập. Cũng vậy, muốn cải tạo những tính xấu thì phải có chương trình học tập, rèn luyện lâu bền. Đây là điều mà ngành giáo dục cần quan tâm đúng mức khi bàn đến chất lượng giáo dục, hiệu quả giáo dục, đào tạo cán bộ...(Giúp cho mọi người có cảm hứng tự hoàn thiện nhân cách, đó là vấn đề cực kỳ quan trọng của giáo dục, của văn hóa).
Khi sống muốn bao la cùng trời đất thì khi chết sẽ không bị trói buộc vào chốn phiền não.
Khí kẻ ác tấn công ta, ta sử dụng trí tuệ và lòng dũng cảm để đối phó với chúng; làm như thế thì có lợi hơn là sử dụng lòng căm thù.
Vô ngã là tâm thái tịch tri, tịch chiếu, thường tịch quang. Vô ngã là Chân ngã.
Đừng coi thường việc chữa trị các bệnh tinh thần, vì nếu thế, văn minh vật chất và sự hưng thịnh kinh tế chỉ như sức lực dồi dào của một gã khùng hung hãn, sẽ rất nguy hiểm cho nhân loại.
Những người yếu kém văn hoá (có thể có học vị cao, tri thức dày) thường coi khinh dân quê, coi khinh những nghề lao động vất vả, thu nhập thấp. Tâm hồn họ bị xơ hoá, vô cảm, vong ân.
Được lên thiên đường bởi niềm vui: niềm vui mang tính chất nhân từ. Bị xuống địa ngục cũng bởi “niềm vui”: niềm vui mang tính chất gian ác.
Không quan tâm đến sự sống sau khi thể xác chết là quá thờ ơ với tương lai.
Trong ta có “tấm gương” “nghe và thấy” được tư tưởng, cảm giác, ý muốn... Tĩnh  tâm một thời gian thì tấm gương này sẽ lộ rõ. Nó càng sáng, ta càng dễ thấy cái “tôi” và cái “tôi” dễ dàng được chuyển hoá thành “vô ngã”.
Tôn giáo có ý nghĩa lớn về đạo đức, về cảm hứng, nhu cầu cải tạo tâm tính, nếu tôn giáo giàu từ bi bác ái .
Gọi là “Thiền” hay từ nào khác cũng được, điều quan trọng là cái nội hàm “tự tri - tỉnh thức - vô ngã”.
Thiền học không nên chỉ dạy hạn chế ở  một vài ngành đại học, mà nên phổ cập ở mọi cấp học để có nền tảng vững chắc trong giáo dục - đào tạo nhân cách.
Cái “tôi” làm cho tâm hồn nặng trĩu vì uy lực, còng xuống vì nô lệ, đen tối vì tự ti tự phụ, tự ái…
Thiền định tự tri càng cao thì càng minh mẫn hơn, chủ động hơn với cuộc sống, với công việc; năng lượng phiền não được chuyển hoá thành năng lượng an lạc, thiện ích .
Niệm (nhớ - nghĩ) luôn xuất  hiện trong tâm. Chúng 1à ngôn từ (tiếng nói bên trong) và có hình tướng (sóng tâm thức). Trong thiền định (tự tri), ai thấy rõ niệm sinh diệt liên tục, thấy rõ chỗ niệm xuất hiện và chấm dứt (tức là khoảng trống giữa hai niệm) thì sẽ nhận ra (ngộ) tâm vô niệm, “vô ngôn”. Đó là tâm thể “một niệm vô ngôn" như vầng trăng toả sáng. (“Niệm” trong “niệm vô ngôn" có huyền nghĩa khác hẳn với “niệm” trong “vọng niệm”. Phải ngộ mới thấy, mới biết). Vô ngôn đó khi đã “an định”, sẽ soi sáng muôn lời (tức là soi sáng trí phân biệt  tương đối), sẽ là tri giác tự do tự tại, thoát tình trạng vọng động vô minh. Đó là “tánh sáng” bất sinh bất diệt.
Phải biết “ghét” bệnh phong,  nhưng đừng ghét người mang bệnh phong; cũng vậy, phải biết ghét thói xấu nhưng đừng ghét người đang có thói xấu. Sự xấu ác là bệnh tinh thần .
Nếu chưa quán tâm (tự tri) để thấy rõ tướng trạng như huyễn của bán ngã thì  chưa biết “đọc kinh bằng tâm”, chưa biết đọc công án Thiền.
Nhiệm vụ quan trọng nhất của văn nghệ sĩ là giúp người khác biết sống với hạnh phúc trong sáng - thứ hạnh phúc mà người văn nghệ sĩ chân chính phải có, nhà văn hoá chân chính phải có, con người biết tự tin - tự trọng phải có.
Thỉnh thoảng có được một vài phút sống với tâm vô ngôn cũng có công đức và phước đức rất lớn.
Giới hạnh là vấn đề khoa học, vấn đề nhân quả. Chí hướng giác ngộ biết tôn trọng nhân quả, nhưng muốn siêu vượt nhân quả, luân hồi.
Muốn có hiệu qủa cao trong việc chống hối lộ - tham ô - bè phái, một đại nạn của thế giới, thì tôn giáo phải vào cuộc với giới luật rõ ràng về vấn đề này.
Thói hối lộ sinh ra nhiều tội ác nghiêm trọng.
Thấy - biết khác với hiểu. Nếu thấy - biết của tâm chưa khế hợp với Bát Nhã Tâm Kinh thì chưa có Trí Bát Nhã.
Một trong những phương cách giúp duy trì cảm hứng sống thiền là tọa thiền mỗi ngày. Không nên bỏ trắng ngày nào cả (vì lý do gì đó cũng nên duy trì vài phút).
Tâm vô ngôn là sự tỉnh thức toàn diện của sự sống.
Khoác lác, tự đại, tự ti, khiêm tốn đều không có lợi cho Đạo .
Muốn đi sâu vào kinh sách về Thiền, phải có năng lực đọc - hiểu và đọc - thấy. Thiền định tự tri làm xuất sinh năng lực đọc - thấy. Đó là cái thấy nội tại.
Khi tâm hồn không có lý tưởng thánh thiện và minh triết thì con người rất dễ bị cái xấu lôi cuốn, rất dễ bị tha hóa biến chất.
Chưa thật thấy chúng sinh là ân nhân của mình thì chưa có phẩm chất Bồ tát, chưa tỉnh thức.
Thể xác thì tất nhiên có sở trụ, nhưng tinh thần thì cần “hướng đến” vô sở trụ .
Làm cho con người biết yêu quý nét đẹp tâm hồn mình, đó là nhiệm vụ cao cả của văn hoá, của giáo dục, của tôn giáo.
Thiền định tự tri là sống tận nền tảng, tận cội nguồn sự sống.
Có duyên lành với nền văn hoá giác ngộ là có diễm phúc cực kỳ lớn lao.
Không tôn trọng phương tiện thăng hoa tâm linh của người khác thì chưa có tâm thái hòa bình, tỉnh thức .
Nếu đã thật sự phát khởi tâm nguyện lớn (tâm Đại thừa) thì dù  chưa triệt ngộ,  vẫn có thể tuỳ duyên sử dụng nghịch  hạnh.
Khi triết lý giáo dục chưa minh triết thì tất yếu dẫn đến suy yếu đạo đức nghề nghiệp ở người lao động, suy yếu lương tri ở người cán bộ.
Càng tôn vinh quá độ các gíá trị bản năng và công cụ (nhất là công cụ trí óc) thì thế giới càng đảo điên, khốn đốn .
Người có tâm Đại thừa thì vui mừng vì nhiều người biết hướng thượng, chứ không cố chấp “hơn thua" về khái niệm, về từ ngữ.
Giáo dục “toạ thiền - quán hơi thở - tự tri” là biện pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả giáo dục, thăng hoa tâm trí, cải thiện thế giới.
Thiền là sống tỉnh thức, thực tế và minh triết.
“Vô niệm”  để chấm dứt trí nhớ tâm lý - thứ trí nhớ lấy cái “tôi”, cái chấp ngã làm trọng tâm.
Niềm tin nếu đi đôi với  sự chấp ngã nặng nề thì nuôi dường lòng kiêu ngạo sân si.
Không biết tu tâm thì không thể phát triển nhân cách. Sự tu tâm chân chính là việc làm quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với xã hội, vũ trụ.
Không tự tri, tức quán tâm, thì không thể thấy huyễn tướng cái “tôi”, tức bản ngã.
Sự giác ngộ đích thực thì đi đôi với lòng từ bi, bao dung.
Khi dục vọng vô mình và sự chấp ngã ngự trị thì không có tự do tinh thần.

Vô minh là trạng thái tâm trí trụ vào kiến chấp nhị nguyên (nhị tướng).
Tự tri là hồi quang phản chiếu, là nội quán .
 (Đường về minh triết; Tuệ Thiền; NXB Văn Nghệ, 2007).
 (*)Giữ đúng nguyên văn, nhưng tác giả có sắp xếp lại thứ tự trước sau.
**********
PHỤ LỤC 1:
Suy Nghĩ Về Một Vấn Đề Trọng Đại
*Tuệ Thiền Lê Bá Bôn                                              
Cốt lõi của cảm thức về ý nghĩa cuộc sống, là cảm thức về giá trị của cái “tôi”, tức là “giá trị làm người”.
Cốt lõi của giá trị làm người có văn hóa (hiểu theo nghĩa rộng) là nhân cách.
Cốt lõi của nhân cách là đạo đức.
Cốt lõi của đạo đức là khuynh hướng thiện ích cho nhân loại, cho môi  trường chung.
Kim chỉ nam của khuynh hướng thiện ích là tâm trí tỉnh thức - vô ngã.
Điều kiện để đạt được ít nhiều sự tỉnh thức - vô ngã là tự tri tự giác (tức quán tâm, biết tâm ý trọn vẹn), là thiền định.
Muốn tự tri tự giác phải có khát vọng lớn, phải có sự liêm khiết trí thức, phải có nhãn quan minh triết. (Những điều này không lệ thuộc ở học vấn nhiều hay ít, vì có nhiều phương cách để bồi dưỡng văn hoá).
Tóm lại: “Tự tri  - tỉnh thức - vô ngã” là đạo lý của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ  -  tâm linh chung của tất cả.
 (Đường về minh triết)
************
 PHỤ LỤC 2:
An Lạc Với Nhân Cách Tự-Do-Tinh-Thần (*)
 *Tuệ Thiền Lê Bá Bôn                                              
Trí thân mến,
Tôi đã đọc kĩ thư của em. Em đang chán đời vì không có điều kiện để học đại học. Em đang mang nặng mặc cảm tự ti.
Tôi viết thư này không nhằm an ủi em, mà để trách em. Tôi trách em vì em quá kém nhận thức về ý nghĩa cuộc sống, về giá trị làm người.
Vì tôi đã tốt nghiệp đại học nên tôi hiểu rằng, mục đích chính của việc học đại học là để sau này có năng lực làm công việc mình chọn. Học về chuyên môn là để tạo tác, để lao động. Vậy thì nếu em không có điều kiện để học đại học, em vẫn có thể học một nghề nào đó ở tư nhân, hoặc ở các trường chuyên nghiệp trung cấp, hoặc tự học để sau này có năng lực làm công việc gì đó, để lao động sản xuất… Tại sao lại chán đời, lại ôm ấp mặc cảm tự ti?! Thật đáng trách.
Mọi năng lực tạo tác đều chỉ có ý nghĩa công cụ. Trí lực để tạo tác là trí-công-cụ. Công cụ dù “đắt tiền” hay “rẻ tiền” cũng chỉ là công cụ. Người thật sự hiểu biết sâu rộng thì không đánh giá con người qua công cụ. Cái tạo nên giá trị làm người ở trong xã hội là nhân cách. Có nhân cách lớn (nhân cách tự-do-tinh-thần) là do có trí-tuệ-nhân-văn cao, có trí-lương-tri trong sáng, có năng lực học hỏi để tự giáo dục-đào tạo, tự chuyển hoá nhằm hướng thiện hướng thượng.
Không có người chân chính nào lại kính trọng một bộ trưởng nặng óc bè phái ích kỉ, một giám đốc tham ô, một giáo sư nhận hối lộ, một bác sĩ vô lương tâm, một nhà thơ đồi truỵ, một sĩ quan hách dịch…
Không có người chân chính nào lại coi rẻ một y tá giàu y đức, một công nhân xây dựng có tinh thần trách nhiệm cao, một nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trái quy định (vì biết tôn trọng sức khoẻ người tiêu dùng)…
Tâm trí trong sáng mang năng lượng tích cực có lợi cho bản thân và toàn vũ trụ. Tâm trí đen tối thì tạo ảnh hưởng xấu…
Trí thân mến,
Tôi hi vọng, qua trình bày trên, em nhận thức được những sai lầm trong tư tưởng của em.
Tôi biết rằng, hiện nay trong xã hội có một bộ phận lớn đang sống theo thứ nhân sinh quan lệch lạc. Trong số đó cũng có nhiều người có học vấn cao, có chức vị cao. Mặc dù vậy, em phải tỉnh táo, đừng dại gì hạ thấp nhân cách để chạy theo quan niệm sống tầm thường của họ.
Em phải ngẩng cao đầu để thắp sáng lương tri, lương tâm, nhân cách. Những phẩm chất cao quý này sẽ là người thầy quan trọng hướng dẫn em chọn lựa một nghề nghiệp, một việc làm thích hợp với điều kiện thực tế của em. Những phẩm chất này cũng sẽ làm nảy sinh nhu cầu học hỏi, tự học để nâng cao tay nghề, nâng cao năng lực nghiệp vụ. Rất nhiều tài năng lớn do tự học mà nên…
Có ai đó đã nói rất đúng rằng, không có công việc (hợp pháp) nào thấp hèn hơn công việc nào; chỉ có sự yếu kém nhân cách là thấp hèn.
Mong em biết kính yêu nhân cách, biết nâng cao lòng tự trọng tự tin để sống lạc quan minh triết.
Mong em luôn nhớ rằng, giá trị làm người là ở nhân cách tự-do-tinh-thần, chứ không phải ở “công cụ”. Có nhân cách đó, ta luôn sống khế hợp thiện-ích-mĩ.
Thân ái chào em.
--------------------
(*)Ở trong tác phẩm Đường Về Minh Triết, bài này có tựa đề là: Cần Biết Kính Yêu Nhân Cách.

13 thg 5, 2013

BÔNG HỒNG CÀI ÁO

Thích Nhất Hạnh

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không lớn lên được. Cằn cỗi, héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký : tại nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến cách mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, những bài thơ ca tụng tình mẹ, bài nào cũng dễ hát, cũng hay. Người viết, dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngày từ thưở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ, đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài ấy thì sợ sệt, lo âu… sợ sệt lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến :

Năm xưa tôi còn nhỏ

mẹ tôi đã qua đời!

lần đầu tiên tôi hiểu

thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc

Im lặng tôi sầu thôi

để dòng nước mắt chảy

là bớt khổ đi rồi…

Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông chùa nhẹ rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

mất cả một bầu trời.


Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt Nam không ưa nói cách cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách giản dị vừa đúng mức:

Mẹ già như chuối Ba Hương

Như xôi nếp một, như đường mía lau.


Ngon biết bao nhiêu! Những lúc miệng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay? Hay là tơ trời đâu la miên ? ) trên trán nóng ta và than thở “khổ chưa, con tôi”, ta mới thấy cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy, không bao giờ cùng tận. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương. Đạo Phật có đức Quán Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền, làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, Thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương đi tới tín ngưỡng và hành động thì không xa, chỉ mấy bước.

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân, tới nhà sách ở khu Ginza, Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc, khốn nạn nào; chúng tôi không có được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước, áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.

Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi , mới nói : “trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào ‘nhìn kỹ’ được mặt mẹ.” Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya, dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời, lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất, mình có cảm nghĩ : thật như là mình chưa bao giờ thật có ý thức rằng mình có mẹ.

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi : “Mẹ ơi, mẹ có biết không ?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ hỏi em, vừa cười vừa hỏi : “biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ hỏi tiếp : “mẹ có biết là con thương mẹ không ?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi, cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.

Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Liên và về sự hiếu để. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát nước thì uống. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên đi tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. Con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ, là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa, thầy giáo hỏi rằng : “con mà thương mẹ thì phải làm thế nào ?” Tôi trả lời : “vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi.” Bây giờ thì tôi biết rằng : “con thương mẹ thì không phải “làm thế nào” gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi làm thế nào nữa!”

Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị đừng có than thở rằng : “đời ta không còn gì cả.” Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì hoạ chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng Đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.

Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng lẻ chị tôi không nên đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu; người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi. Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói : “mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác.” Chị tôi gục đầu xuống mâm cơm, khóc. Chị nói : “thôi con không lấy chồng nữa.” Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. Các ái từ sở thân, là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào là không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu, nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi, nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng quí báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.

Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ. Tôi đã nói là tôi không khuyên răn ai hết, tôi không giảng luân lý đạo đức rồi mà. Tôi chỉ nhắc anh : mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương. Để anh đừng quên. Để chị đừng quên. Để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, vô tình mà bị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo một bông hoa hồng : để anh sung sướng , thế thôi.

Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay, khi đi học về, hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi : “Mẹ ơi, mẹ có biết không ?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi : “biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp : “mẹ có biết là con thương mẹ không ?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi thì cũng hỏi câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em đều là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt . Và ngày mai, mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ.

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đoá hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.
Nguồn: http://vnthuquan.org/

4 thg 5, 2013

Đền Hùng: “Nam Việt triệu tổ” - hiểu sao cho đúng?
Thứ sáu 03/05/2013 22:01
Hình ảnh Nghi môn Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh đã in sâu vào tâm trí các thế hệ người Việt trong và ngoài nước từ hơn trăm năm qua. Tuy vậy, bốn chữ đại tự “Nam Việt triệu tổ” chưa có cách hiểu thống nhất...

Bác Hồ thăm Đền Thượng năm 1962. Chữ trên Nghi môn không rõ

Theo thông tin từ Ban quản lý di tích Đền Hùng (www.denhung.org.vn), Nghi môn được xây theo kiểu cổng thành, kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX), gồm 4 trụ biểu lớn tạo thành 3 cổng mái vòm. Cửa giữa theo quan niệm là cửa thần, nên làm to, rộng, đủ độ mở và cao để rước kiệu qua, còn hai cửa bên xây nhỏ hơn, phía trên là hai cuốn thư, cửa bên trái đề “Nguyệt minh”, cửa bên trái đề “Nhật ánh”. 
Thời Nguyễn đền được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Năm Khải Định thứ 2 (1917) đền Thượng được xây dựng kiểu dáng như ngày nay (có 3 cấp, kiểu chữ vương). Năm 1995 - 1996 đền được trùng tu. Năm 2008 đền được trùng tu, tôn tạo như hiện nay. Kết cấu khung toàn bộ bằng gỗ lim, đồ thờ tự được sơn son thếp vàng. Năm 2009 tiếp tục cải tạo toàn bộ sân vườn và mở rộng đường xuống lăng Hùng Vương.
Bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” nghĩa là Triệu tổ của Nam Việt chứ không phải là “Tổ muôn đời của nước Nam” như giải đáp của Ban quản lý di tích này. Hai chữ “Triệu tổ” dễ hiểu, nghĩa là tổ khởi đầu, gây dựng nền móng. Các Vua Hùng lập ra nhà nước đầu tiên, đặt quốc hiệu Văn Lang nên đúng là Triệu tổ của dân tộc ta.

Hai chữ gây băn khoăn là “Nam Việt”, tại sao không đề là “Văn Lang triệu tổ” cho đúng với quốc hiệu thời các Vua Hùng hay “Đại Nam triệu tổ” phù hợp với quốc hiệu khi xây dựng Nghi môn hay “Việt Nam triệu tổ” cho phù hợp quốc hiệu chính thức từ 1804 đến nay,  mà lại đề “Nam Việt triệu tổ”.

Ngược dòng lịch sử thì nước ta trải qua các thời kỳ, có các danh xưng, quốc hiệu khác nhau. Khởi đầu Văn Lang là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam. Quốc gia này có kinh đô đặt ở Phong Châu. Lãnh thổ gồm khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ. Quốc gia Văn Lang tồn tại cho đến năm 258 TCN.

Năm 257 TCN, nước Âu Lạc được dựng lên, từ liên kết các bộ lạc Lạc Việt (Văn Lang) và Âu Việt, dưới uy thế của Thục Phán - An Dương Vương. Âu Lạc có lãnh thổ bao gồm lãnh thổ của Văn Lang trước đây và một phần đông nam Quảng Tây (Trung Quốc). Hiện nay trên Đền Thượng có “cột đá thề” tương truyền là cột đánh dấu giao kết chuyển giao quyền lực giữa nhà Hùng và Thục.

Khoảng cuối thế kỷ thứ 3 TCN, đầu thế kỷ thứ 2 TCN (năm 208 TCN hoặc 179 TCN, Triệu Đà (Quận úy Nam Hải-nhà Tần) mang quân đánh chiếm Âu Lạc. Cuộc kháng cự của An Dương Vương thất bại, nhà nước Âu Lạc bị thôn tính. Nhà Triệu đặt quốc hiệu là Nam Việt.

Trải qua biến thiên của lịch sử, nước ta mang quốc hiệu Vạn Xuân trong một thời kỳ độc lập ngắn ngủi thời Tiền Lý, sau khi thoát khỏi chính quyền trung ương Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Lý Nam Đế. Quốc hiệu này tồn tại từ năm 544 đến năm 602 thì bị mất vào tay nhà Tùy.

Đại Cồ Việt là quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Đinh đến đầu thời nhà Lý, do Đinh Tiên Hoàng đặt năm 968. Quốc hiệu này tồn tại 86 năm.

Quốc hiệu tồn tại dài nhất là  Đại Việt, từ thời nhà Lý, bắt đầu từ năm 1054, khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi. Quốc hiệu này tồn tại không liên tục (gián đoạn 7 năm thời nhà Hồ với quốc hiệu Đại Ngu và 20 năm thời thuộc Minh), đến năm 1804, trải qua các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Tây Sơn, khoảng 743 năm.

Quốc hiệu Việt Nam ngày nay chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Vua Gia Long đã đề nghị nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt, với lý lẽ rằng "Nam" có ý nghĩa "An Nam" còn "Việt" có ý nghĩa "Việt Thường". Tuy nhiên tên Nam Việt trùng với quốc hiệu của quốc gia cổ Nam Việt thời nhà Triệu, gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa. Nhà Thanh yêu cầu nhà Nguyễn đổi ngược lại thành Việt Nam để tránh nhầm lẫn, và chính thức tuyên phong tên này năm 1804.

Tuy nhiên, tên gọi Việt Nam có thể đã xuất hiện sớm hơn. Ngay từ cuối thế kỷ 14, đã có một bộ sách nhan đề Việt Nam thế chí (nay không còn) do Hàn lâm viện học sĩ Hồ Tông Thốc biên soạn. Cuốn Dư địa chí viết đầu thế kỷ 15 của Nguyễn Trãi (1380-1442) nhiều lần nhắc đến hai chữ "Việt Nam". Điều này còn được đề cập rõ ràng trong những tác phẩm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), ngay trang mở đầu tập Trình tiên sinh quốc ngữ đã có câu: "Việt Nam khởi tổ xây nền". Người ta cũng tìm thấy hai chữ "Việt Nam" trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ 16-17 như bia chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Dương, bia chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Nội, bia chùa Phúc Thánh (1664) ở Bắc Ninh... Đặc biệt bia Thủy Môn Đình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu: "Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan" (đây là cửa ngõ yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc). 
 
Đền Thượng sau trùng tu 1997 – có chữ Nam Việt triệu tổ

Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi xin đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam, ngụ ý một nước Nam rộng lớn. Tuy nhiên nhà Thanh đã không chính thức chấp thuận. Khi nhà Thanh bắt đầu suy yếu, vua Minh Mạng đã chính thức đơn phương công bố quốc hiệu mới Đại Nam vào ngày 15 tháng 2 năm 1839. Quốc hiệu này tồn tại đến năm 1945.

Qua xem xét quốc hiệu qua các thời kỳ, việc  chọn “Nam Việt – Nam Việt triệu tổ” là một quốc hiệu của Triệu Đà, để đề nơi tông miếu thờ Hùng Vương gây khó hiểu. Như đã nêu, Nam Việt là quốc hiệu thời nhà Triệu (207 TCN-111 TCN), câu hỏi đặt ra là quốc hiệu này có đại diện cho nước Việt Nam hay không. Thời phong kiến xem Nam Việt chính là quốc hiệu của tộc người Việt với các ý kiến của các học giả như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên.

Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” cũng coi Triệu Đà là tổ nước ta khi viết: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”.  Hoặc vua Quang Trung sau khi đánh bại đội quân nhà Thanh năm 1789 đã có ý định đòi lại đất hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây với lý do đây là đất cũ của Nam Việt thời Triệu Đà.

Tuy nhiên, quan điểm chính thống ngày nay cho rằng quốc gia Nam Việt khi đó là của người Trung Hoa. Lý do không coi Nam Việt là của Việt Nam là vì Triệu Đà là người Hán, quê huyện Chân Định, nhân lúc nhà Tần suy loạn đã nổi lên lập ra nhà Triệu, lấy quốc hiệu là Nam Việt. Năm 111 TCN, nhà Hán cử hàng chục vạn quân tấn công và xóa sổ Nam Việt, và đất Âu Lạc lại bị nhà Hán đô hộ. Nam Việt tồn tại trong 97 năm.
 
Đền Thượng hiện nay

Ngày nay, có quan điểm cho rằng sự kiện Triệu Đà xâm chiếm Âu Lạc, chia Âu Lạc thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, sáp nhập vào Nam Việt là khởi đầu thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn một nghìn năm, trải qua các triều đại Triệu, Hán, Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường kế tiếp nhau xâm chiếm và đô hộ.

Do đó, trở lại bốn chữ đại tự trên Nghi môn Đền Thượng, việc lấy tên nước thời Triệu Đà để đại diện cho quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ là khó chấp nhận và không phù hợp với lòng tự hào dân tộc. Điều đáng lưu ý là trong phần giải đáp về Nghi môn Đền Thượng của Ban quản lý di tích Đền Hùng không thấy giới thiệu bốn chữ này. Do đó, một câu hỏi đặt ra là bốn chữ này thật sự có từ bao giờ, có từ khi xây dựng Nghi môn hay khi đã trùng tu năm 1917 hoặc những năm gần đây? Trong bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đền Hùng năm 1962, vị trí của bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” chữ đã quá mờ, không rõ nguyên bản là chữ gì. Liệu có sự nhầm lẫn nào khi trùng tu hay không là câu hỏi rất lớn.

Nếu quả thật, bốn chữ này có từ đầu thế kỷ XX trở về trước thì có ý kiến cho rằng, khi xây dựng các công trình ở Đền Hùng nhà Nguyễn dùng chữ “Nam Việt” để nhắc lại ý định của vua Gia Long ngày trước.

Có ý kiến khác nói theo ngữ pháp tiếng Hán thì “Nam Việt” là người Việt ở Phương Nam, còn Việt Nam là phía Nam nước Việt. Hiểu theo ý này thì “Nam Việt triệu tổ” nghĩa là Triệu tổ của người Việt ở phương Nam, để phân biệt với các tộc người Việt thuộc Bách Việt xưa, nhưng nay thuộc Trung Hoa.

Dẫu sao đây cũng chỉ là những suy luận, người dân Việt Nam xa gần rất cần được cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền minh định bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” – nơi cả dân tộc luôn hướng về  với niềm tự hào và tri ân tiên tổ.n

Ở phía Nam vùng Quảng Đông, Quảng Tây, vùng đất mà từ thời nhà Tần đã thường được gọi là Lĩnh Nam, người Hán đã xác định năm nhóm chính trong Bách Việt, trong đó bốn nhóm đầu nay thuộc Trung Quốc là Đông Âu (vùng Ôn Châu, Chiết Giang), Mân Việt, (Phúc Kiến), Nam Việt và Tây Âu, trong vùng Quảng Đông , Quảng Tây, còn Lạc Việt, khu vực miền Bắc Việt Nam ngày nay, là tổ tiên của người Việt Nam hiện đại.

Nguồn: Bảo Thư/ Công Lý