17 thg 12, 2013

nhớ lại và suy nghĩ



 Nhớ lại và suy nghĩ

          Theo lời Mẹ kể thì mình sinh vào mùa xuân- tháng 3 âm lịch, năm Tân Sửu 1961. Do Mẹ không nhớ ngày sinh nên mình tự đoán và nghĩ ra là ngày 16 tháng tư dương lịch . Năm 1961 là đúng rồi. Tháng tư dương lịch có thể đúng. Còn ngày 16 thì chưa chắc .Vì Mẹ nói, hình như con sinh ra vào ngày trăng sáng...
Theo các cụ già thì ngày sinh tháng đẻ cũng như năm sinh sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh của mỗi con người trong suốt cuộc đời. Đúng hay không chưa biết nhưng nghiệm ra thì thấy cuộc đời mình đã có nhiều may mắn.
       Nơi mình sinh ra là một làng quê nghèo: thôn Thạch An, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ( trước năm 1975 gọi là xã Bình Tuyến). Từ trung tâm huyện lỵ Bình Sơn đi về phía Tây khoảng 15km sẽ gặp xã Bình Mỹ. Trước năm 1975, Bình Mỹ là một trong những xã của huyện Bình Sơn  mà chính quyền Sài Gòn không quản lý được. Một nửa xã  thuộc vùng quản lý của chính quyền cách mạng. Đa số dân chúng vì chiến tranh ác liệt nên di tản xuống các xã gần huyện lỵ làm ăn sinh sống và tránh đạn bom.
Thạch An- Bình Mỹ là quê mẹ  còn quê cha thì ở tận vùng biển: xã Bình Thạnh ( trước năm 1975 có tên là xã Bình Sa). Từ huyện lỵ Bình Sơn đi về phía đông khoảng 15km thì sẽ gặp . Mình sẽ kể về quê hương Bình Thạnh ở những trang viết sau...
      Sự ra đời của hai chị em mình quả là một điều kì diệu. Bởi cha và mẹ ( của mình ) trước khi đến với nhau, ai cũng có gia đình riêng . Ông bà nội có tất cả 5 người con, hai trai và 3 gái.Ông nội là Trương Sưu, sinh năm 1890 và mất năm 1968. Bà nội : Đỗ Thị Đằng, sinh khoảng năm 1892 và mất khoảng năm 1933-1934. Cha (của mình) là con đầu , sinh năm 1914- tuổi Giáp Dần và mất năm 1977 tại Bình Thạnh. Tiếp theo cha là 3 người cô ruột . Cô Trương Thị Tâm, sinh năm 1917- tuổi Đinh Tỵ, mất năm 1961. Cô Tâm có chồng về sống ở xã Bình Chánh, có hai con: một trai ( Bùi Duy Hảo, sinh năm Kỷ Mão -1939) và một gái ( Bùi Thị Xang). Chồng cô là dượng Bùi Bào, đi tập kết ra miền Bắc năm 1954 và hình như có vợ ngoài đó nên sau ngày 30/4/1975 không thấy trở về miền Nam. Sau cô Trương Thị Tâm là cô Trương Thị Phúc, sinh năm Tân Dậu- 1921, mất năm 2004, có chồng về Bình Dương. Cô Phúc  có 2 đời chồng. Đời chồng trước họ Nguyễn ( hình như tên là Nguyễn Tích), có hai con trai là Nguyễn Tuấn và Nguyễn Tại. Nguyễn Tuấn được cậu ruột ( là cha đẻ của TQS ) nuôi từ nhỏ, lớn lên tham gia cách mạng, làm xã đội phó du kích xã Bình Mỹ, hy sinh năm 1966 tại Bình Mỹ ( hiện giờ mộ Nguyễn Tuấn vẫn còn ở thôn Thạch An, xã Bình Mỹ). Đời chồng sau của cô Tuấn có họ Phan (ở xã Bình Dương) , sinh được 3 người con trai: Phan Tỵ- sinh năm 1953, Phan Thân- sinh 1956 , Phan Hợi- sinh 1959. Tên của con cũng là năm sinh của con. Sau cô Trương Thị Phúc là cô Trương Thị Chúc, sinh năm Ất Sửu- 1925, mất năm 1952. Cô Chúc có chồng họ Nguyễn ở thôn Hải Ninh ,xã Bình Thạnh. Cô có hai người con trai tên là Nguyễn Viết Chinh- sinh năm 1949 và Nguyễn Viết Thể ...Người con trai út của ông bà nội là chú Trương Chu, sinh khoảng năm 1928, mất năm 1946.
      Do còn nhỏ và không được cha mẹ kể chuyện nên mình không biết được tên ông bà cố. Nhưng tìm hiểu từ những người bà con còn lại dưới Bình Thạnh, mình nghĩ rằng bà cố chắc chắn có họ Trần. Bà cố (của mình ) là em ruột ông cố của anh Hiền Hưu. Chuyện này mình đã viết trong bài Đi tìm bà con họ Trương vào tháng 12 năm 2012.
     Bây giờ sẽ kể đôi nét về cha. Cha sinh năm 1914 ( Giáp Dần). Khoảng năm 1936, cha có vợ tên là Phạm Thị Khéo, quê quán thôn Hải Ninh , xã Bình Thạnh. Có thể người con đầu của cha và dì Khéo bị mất nên người con tiếp theo được gọi là chị Ba K ( TTK, sinh năm Mậu Dần-1938, mất năm 1981 tại xã Bình Mỹ). Đến khi dì Khéo sinh người con thứ ba ( hình như tên là Trương Thị Kệ ) khoảng năm 1940, thì cả hai mẹ con đều bị chết. Sau đó khoảng 4 năm ( năm1944), cha có người vợ thứ hai. Không nhớ họ tên của Dì nhưng sau này ( khoảng năm 1994) mình có ghé thăm Dì ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn. Chỉ biết bà con gọi Dì là bà Kinh lùn. Dì  sống với cha khoảng 10 năm nhưng không có con ( khoảng thời gian 1944-1954) rồi sau đó hai người li dị. Sau nầy Dì có chồng khác tên là ông Thau nhưng cũng không có con. Đến năm 1956, cha có người vợ thứ ba là HTH ( mẹ đẻ của mình và chị X). Chị TTX sinh  năm Đinh Dậu- 1957 còn mình sinh năm Tân Sửu- 1961.
      Theo lời mẹ kể thì ông ngoại của mình nguyên gốc từ Bình Thạnh lên. Dòng họ Huỳnh của ông ngoại có liên quan đến họ Huỳnh của dượng Nguyệt ( tức Huỳnh Tuôi, là cha của chị ba Nguyệt, Nhung, Sâm…) Ông ngoại tên là Huỳnh Tuất, bà ngoại là Nguyễn Thị Nữ. Ông bà ngoại có ba người con: một trai ( cậu Kiểm- Huỳnh Quang Ba), hai gái (  Dì Dũng- Huỳnh Thị Thậm và mẹ đẻ của mình- HTH )…Mình sẽ kể về ông bà ngoại trong một trang khác, còn bây giờ sẽ kể về cha.
      Cả cuộc đời cha là những chuỗi ngày vô cùng gian khổ. Mẹ mất sớm ( tức bà nội của mình, mất khoảng năm 1933-1934 ); là anh cả của 4 đứa em… nên phải gánh vác chuyện gia đình rất sớm. Phải lao động vất vả để cùng cha nuôi các em khôn lớn. Đến khi cưới vợ vẫn còn khổ . Vợ chết, con thơ. Rồi sau này, con gái lớn ( là chị Ba K) có chồng, chồng chết thì cha nuôi cả 4 cháu ngoại, cho ăn học đường hoàng. Không thể tưởng tượng được, chỉ với 1 chiếc ghe nhỏ, suốt ngày “chiến đấu” với biển cả  mà cha có thể nuôi cả một gia đình đông con cháu đến thế. Thật là kính phục!
     Còn mẹ của mình trước khi gặp cha,  đã có một đời chồng và hai con. Chồng (trước) của mẹ là dượng Trần Trương, có dạy học một thời gian, trong những năm Bình dân học vụ 1945-1950. Mẹ và dượng Trần Trương có với nhau ( hình như) hai người con trai, đều bị bệnh mất. Mình chỉ nhớ một người tên là Tùng. Hình như anh Tùng đến năm 12,13 tuổi thì bị đau chết. Dượng Trần Trương cũng bị đau chết.
      Cha và mẹ  (của mình) cưới nhau khoảng năm 1956, đến năm 1957 thì sinh chị X . Trong khoảng thời gian này, ngoài lúc đi biển cha thường đi ghe bầu chở cá mắm lên Thạch An- Bình Mỹ  bán, rồi chở  mít, chuối, mì, gạo... về Bình Thạnh bán lại. Nhờ vậy nên kinh tế gia đình có phần khá . Cha mẹ cũng mua được một vài sào đất trồng mía và một thửa đất làm nhà ở tại thôn Thạch An, xã Bình Mỹ.
      Những năm trước 1956, cha và ông nội, chị ba K ở tại xóm Câu, thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh trên mảnh vườn anh Hiền Hưu ở bây giờ. Đến khoảng năm 1956, cha bán mảnh vườn ở Bình Thạnh cho anh Hiền Hưu rồi chuyển cả gia đình về thôn Thạch An, xã Bình Mỹ mua đất làm nhà . Mình và chị X được sinh ra trên mảnh đất nầy ( đến tháng 4 năm 1996, chị X bán ngôi nhà và mảnh đất này cho anh Sĩ- giáo viên dạy cấp 1 trường Bình Mỹ ) . Những năm chiến tranh ác liệt ( 1965,1966) cha đưa cả nhà ( gồm cha ,mẹ, chị X, mình và  4 mẹ con chị Ba K- năm đó chưa có cháu H) về lại thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh để ở và làm ăn sinh sống. Vườn cũ ở Bình Thạnh đã bán nên bấy giờ cả nhà phải gánh đất, gánh đá xây dựng nên một mảnh vườn và một ngôi nhà mới. Nhà mới có khung cảnh rất đẹp. Phía trước là dòng sông hiền hòa thơ mộng. Phía sau là quả núi sừng sững . Ai đã một lần đến đây thì không thể nào quên được. Đêm đêm nằm nghe tiếng sóng vổ ru giấc ngủ yên bình … Dù có đi đâu về đâu mình cũng sẽ không bao giờ quên được quê hương Vĩnh An- Bình Thạnh. Để làm ăn sinh sống và nuôi cả nhà, cha chạy vạy mượn tiền và chung với một người hàng xóm ( bác Tiên, cha của anh Điểu) mua một chiếc ghe để đi biển đánh cá. Từ sáng sớm khoảng 3h, cha thức dậy, tay bưng một cái bầu đựng cước, lưới, lưỡi câu, gạo...rồi cùng với một số "bạn chài" chèo thúng ra ghe đi biển. Phơi nắng một ngày trời vất vả, đến chiều, khoảng 5h thì ghe về. Những hôm trúng cá, thuyền chở đầy, cả nhà vui làm sao! Trăng lên, bán xong cá, mình được phân công lau dọn ghe cho sạch và tìm vắt những chú cá còn nằm sâu trong khoang, gom lại đem bán cũng đủ tiền mua sách vở đi học. Không bao giờ mình quên được ánh mắt hiền hòa và gương mặt phúc hậu của cha. Người ít nói , nghiêm nghị nhưng dễ gần. Rộng lượng và thân thiết với bà con hàng xóm . Thương yêu vợ, con, cháu. Mặc dù chị Ba K đã có chồng, có tới 4 đứa con, chồng chết … nhưng cha vẫn nuôi cả 5 mẹ con. Các cháu đều được học hành. Ngày nay cháu nào cũng có nghề nghiệp,  có miếng cơm để ăn. Công lao và tình yêu thương một đời của cha không bao giờ kể hết được. Một gia đình vô cùng hạnh phúc. Tuy giữa mẹ của mình và chị Ba K là “mẹ ghẻ con chồng” nhưng cùng sống trong một nhà và chưa bao giờ xảy ra điều gì phiền muộn cả. Có lẽ nhờ uy tín của cha . Có lẽ nhờ đức tính hiền hậu của mẹ. Có lẽ nhờ sự nhẫn nhịn của chị Ba K. Và trên tất cả là 6 đứa trẻ bọn mình ( X, S, N, N, T, H) đều nghe lời cha mẹ, ông bà, cố gắng học hành và thương yêu nhau. Vậy mà sau này thì không giữ được bởi một vài lí do lãng nhách. Thật không thể hiểu được vì sao???
      Từ năm 1961 đến năm 1966 , gia đình nhỏ của mình ở tại thôn Thạch An, xã Bình Mỹ. Đến năm 1966, chiến tranh bắt đầu ác liệt.  Mỹ đưa quân vào miền Nam trực tiếp tham chiến nên bom đạn  ngày càng khủng khiếp . Quê hương Bình Mỹ  tan tác. Bà con nông dân bị chết và bị thương rất nhiều trong đó người thân của mình có cậu Kiểm và anh Tuấn. Ai cũng lo sợ. Chỉ một số ít bám trụ tại quê hương còn phần đông phải tản cư . Bà con chạy xuống xã Bình Chương hoặc Bình Long , Bình Thới… như cậu mợ Hai Kiên, mợ Kiểm, anh sáu Đức, chị năm Cát, vợ chồng cậu Mi, dì Bia, anh bốn Dựng, chị năm Đây…Gia đình nhỏ của mình được cha đưa về sinh sống ở thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh. Cha tiếp tục làm nghề biển. Mẹ và chị Ba Kinh buôn bán cá - mắm. Năm đứa nhỏ tụi mình ( chị Xuân, S, N, N, T; lúc này bé H chưa ra đời) chỉ lo ăn học và chơi . Cuộc sống tuy khó khăn vất vả nhưng gia đình hạnh phúc. Đây là khoảng thời gian mình nhớ nhất trong đời.
     Về Bình Thạnh, cha xin cho mình vào học lớp một ở trường làng của chú Út Thể ( gần cầu Suối- thôn Vĩnh An). Đến lớp 2 hoặc lớp 3 thì được vào học Trường tiểu học Bình Sa do thầy Nguyễn Trung Tân làm Hiệu trưởng. Mình đã học xong bậc tiểu học ở ngôi trường này. Đây cũng là khoảng thời gian mình vừa đi học vừa đi bán “ số đề” ( người ta lấy 2 số cuối của kết quả xổ số kiến thiết quốc gia để chơi số đề ). Mỗi tuần cũng kiếm được ít tiền mua sách vở và tiêu vặt. Tuy thu nhập không bao nhiêu nhưng công việc đã làm cho mình nhanh nhẹn hơn ... Chạy từ đầu trên cho đến xóm dưới, hết thôn Vĩnh An đến thôn Hải Ninh rồi đến thôn Trung An… để tìm người mua “số đề”. Hầu như người trong làng  trong xã, ai mình cũng biết, chuyện gì mình cũng biết … Cha rất nghiêm trong việc dạy con, nên mình thường xuyên bị roi vọt bởi hoậy phá suốt ngày. Hình như chương trình học ngày đó cũng nhẹ nên chơi là chính. Không chạy nhảy trên bờ thì xuống sông bơi lặn, theo thằng Hoàng con chú Hoa nhà bên suốt ngày thả lưới, câu cá, bắt cua… Ban ngày đến lớp nghe thầy cô giảng bài, ban đêm về ngồi dưới ánh đèn dầu ê a một chút rồi đi ngủ. Hình như ê a để chọc chị Xuân và cháu N chứ thật ra mình không nhớ chữ nào…
Rồi năm học 1973-1974, mình cũng đậu vào lớp 6 trường Trung học công lập Bình Sơn ( tại thị trấn Châu Ổ , cách xa nơi mình ở khoảng 15km ). Không hiểu bằng cách nào mà mình thi đậu trường này, bởi trường lấy rất ít học sinh vào khối 6. Còn nhớ ngày thi, quân cảnh - cảnh sát đứng đầy sân trường, trông rất nghiêm , vậy mà mình mượn xe đạp (của ai đó) tập trước sân trường ( sân bóng đá) bị rách quần áo. Vào giờ thi  mồ hôi nhễ nhại. Còn nhớ,  mình dọa thằng ngồi bên : mày không cho coi, tao đổ mực lên bài thì cả hai cùng trượt. Hắn sợ nên cho coi. Vậy nên mình đậu . Chuyện này, sau bao nhiêu năm  gặp lại, một người bạn cùng học lớp 6 ( Cù Thị Vinh - Đắc Lắc ) kể lại mình mới nhớ…
       Được vào học Trường trung học công lập Bình Sơn rất “oai”, được mặc quần tây xanh, áo sơ mi trắng, mang dép xăng đanh có quai sau, bỏ áo vào trong quần, lại có cái huy hiệu  nho nhỏ tròn tròn của Trường rất đẹp.  Học sinh nào cũng tự hào khi được học ở trường Trung học công lập Bình Sơn.
Từ nhà đến trường khoảng 15 km nên bọn mình thường đi ghe. Có những hôm  ghe đi qua vùng mắc cạn , bọn mình phải xắn quần lội xuống đẩy . Hầu như sáng thứ hai nào mình cũng bị trễ học (do ghe đi chậm) nên bị thầy giám thị phạt  điểm hạnh kiểm. Một tuần đi học phải ở lại nhà trọ trên Châu Ổ từ thứ hai đến thứ bảy. Chiều thứ bảy được về nhà nghỉ rồi sáng thứ hai đi học lại. Khi rời nhà , mỗi đứa học trò như bọn mình thường mang theo một  túi xách màu trắng, bên trong đựng gạo và một hủ nước mắm. Ăn hết túi gạo đó là hết tuần. Ngày về cuối tuần thì mang xách không về. Cứ thế cho đến hết năm học trong khoảng thời gian 9 tháng, từ tháng 9 năm này sang tháng 5 năm khác.
     Mình được xếp vào lớp 6/1( và năm học 1974-1975 là lớp 7/1 ) gồm con trai: Cao Trung Kỳ, Lê Văn Sơn, Nguyễn Phú Giao, Hồ Thu Định, Văn Lê, Lương Hoàng ( lớp trưởng), Dũng đen, Đinh Hứa Huy, Tuấn, Văn Vinh, Hồ Duy Hưng, Văn Tân, Vũ Đình Phước, Văn Sâm, Lâm Dũ Xuồng, hai thằng tên Châu, Nghĩa ( Hùng ), Dân , Từ, Trịnh Tuất, Bạch, Đặng Tuyền… Con gái có:  Hường, Nguyễn Thị Điệp, Thị Hoa, Thị Yến, Thị Sương, Thị Hạnh ( hát bài Đón các anh về), Cù Thị Vinh, Thị Hoa- Bình Minh, Dung, Lan… thật là vui. Thầy cô giáo dạy bọn mình có nhiều nhưng mình chỉ còn nhớ  thầy Võ Quỳ- Hiệu trưởng, thầy Nguyên, thầy Cao Ngọc Bảo-dạy toán, thầy Hoàng, cô Hồng-dạy văn, cô Vạn- dạy vạn vật, cô Nhạn dạy Anh Văn…
Đến tháng 3 năm 1975, cách mạng giải phóng tỉnh Quảng Ngãi. Lớp học của mình bị ngưng khoảng 3 tháng rồi được học tiếp cho hết chương trình lớp 7 nhưng rất buồn vì xa những bạn học cũ. Lớp mới (của mình) có tên là 7/3. Học nhưng không vui. Đến lớp 8 và lớp 9, mình về xã Bình Thạnh học tiếp (lớp chín A và lớp chín B ). Mình chỉ nhớ một số bạn trong lớp như Mai Tuân, Nguyễn Thương, Thị Nga, Vân- Cận, Trần Ngọc Tuân… Thầy cô giáo thì mình nhớ : thầy Ánh – dạy văn, thầy Luật- dạy toán, cô Hồng – dạy Hóa, cô Phán- dạy văn…
      Trong năm 1977, gia đình mình có tang lớn: cha bị bệnh mất vào ngày 22 tháng 3 âm lịch ( khoảng tháng tư dương lịch). Cha bị tai biến mạch máu não, nằm bất động khoảng 3 tháng, từ Tết đến tháng 3 âm lịch thì mất. Ngày đưa tang cha rất buồn. Mộ cha cách nhà khoảng vài cây số, trên một vùng cát thuộc xóm Nại, thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh. Đưa tang cha có mẹ, chị 3 Kinh, chị Xuân, mình, gia đình chú Kháng, gia đình anh Hiền Hưu, gia đình anh Nhơn, chú Tri và một số bà con xóm giềng... Một đoạn đời mới vô cùng gian khổ bắt đầu cho mình và gia đình. Khi cha chết, trong nhà hầu như không còn  gì cả. Ghe thuyền đã bán để lo thuốc thang cho cha…Rồi một số khoản nợ mà khi còn sống cha đã vay mượn để sắm lưới, thuyền…làm cho gia đình vô cùng lo lắng. Trong tâm trạng như vậy nhưng mình vẫn cố gắng học để chuẩn bị thi vào lớp 10 trường cấp 3. Đến tháng 9 năm 1977 thì đậu vào học lớp 10A trường cấp 3 Bình Sơn.
      Đến lúc này mẹ , chị Ba K và chị X quyết định bán nhà dưới Bình Thạnh để về quê ( của mẹ ) ở  Bình Mỹ làm ăn sinh sống. Hình như thời gian chuyển nhà là vào gần Tết, đầu năm dương lịch, khoảng tháng 1 hoặc tháng 2 của năm 1978. Về Bình Mỹ, mẹ mua lại mảnh vườn của chú Út Khái ( Út Khải), cận mảnh vườn mà vào năm 1956 cha đã mua trước đây. Còn nhà ở thì đổi nhà dưới Bình Thạnh lấy "xác nhà" của cô năm Hiền. Nghĩ cũng lạ, khi còn sống, cha đã bán mảnh vườn tại Bình Thạnh cho anh Hiền Hưu vào năm 1956 để về Bình Mỹ, rồi đến 20 năm sau, mẹ lại bán tiếp nhà và đất cho con gái anh Hiền Hưu là cô năm Hiền. Như vậy cha con anh Hiền Hưu đã 2 lần mua nhà và đất của cha mẹ mình…
  Mình vào học trường cấp 3 Bình Sơn ở thị trấn Châu Ổ, xã Bình Thới khoảng tháng 9 năm 1977. Ba năm học cấp 3 cũng có rất nhiều kỉ niệm.
     Từ Bình Thạnh chuyển về ở xã Bình Mỹ, những người bạn đầu tiên mình quen biết là Võ Thắng, Võ Quang Hải và Lê Bá Trác, cũng học cấp 3 cùng khối với mình  nhưng khác lớp. Sau năm 1980, Lê Bá Trác bị bệnh chết, năm 1992 Võ Thắng cùng gia đình vào tận Ninh Thuận làm ăn sinh sống, năm 2010 Võ Quang Hải cùng gia đình định cư ở Mỹ. Thỉnh thoảng năm thì mười họa … anh em mới gặp lại.
      Lớp 10a, lớp 11a rồi đến lớp 12a có khoảng 40 học sinh, phần đông là con nhà nghèo từ các vùng quê đến thị trấn để học. Lớp có hai phần ba học sinh nam, còn lại là nữ. Chủ nhiệm lớp 10a, 11a là thầy Lê Viết Thọ, người Huế, mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm ra trường dạy môn văn học. Đến lớp 12a, cô Phượng dạy Hóa chủ nhiệm. Học kì 1 của năm lớp 10 , mình học bình thường nhưng đến học kì hai thì mình học  khá. Thời gian này mình cố gắng học rất nhiều để bù lại khoảng trống kiến thức mà trước đây mình chưa học. Hầu như học liên tục, ngủ rất ít và rất nghiêm khắc với bản thân. Lên lớp 11 và 12 thì mình học giỏi. Ba năm học phổ thông đều đạt học sinh tiên tiến. Có làm Lớp trưởng trong 2 năm  11 và 12. Bạn bè phổ thông ngày đó giờ lưu lạc mỗi đứa một nơi. Chỉ còn lại một số ít ở lại quê hương như Đoàn Dụng- cán bộ huyện, Nguyễn Mai Tuân, Trần Quang Bình, Dương Quang Minh, Trương Quang Ngọc, Tô Thành Nhân- giáo viên cấp 2. Có những người đi  xa như Trịnh Dũng lên Đắc Lắc công tác và có vợ trên đó, Nguyễn Biên vào Sài Gòn, Đoàn Bích đi Liên Xô học đại học rồi về công tác ở Bảo tàng tỉnh …Lâu lâu, bạn bè trong lớp cũng tổ chức họp nhưng không được đông đủ. Mỗi người mỗi công việc, mỗi hoàn cảnh, khó có dịp gặp nhau…
     Tháng 7 năm 1980, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, bọn mình thi vào đại học. Mình và Trịnh Dũng, Đoàn Bích thi đậu vào trường Đại học Tổng hợp Huế. Nguyễn Biên thi đậu năm sau. (Phạm Thị Khương và Nguyễn Thanh Quang đậu Đại học Sư phạm Quy Nhơn). Dũng và Bích thì có Giấy báo nhập học. Còn mình thì Giấy báo nhập học bị thất lạc . Phải tốn thời gian cả năm ( từ tháng 10/1980 đến tháng 9/1981 ) viết đơn hỏi trường, hỏi Bộ ... mãi đến tháng 10 năm 1981, trường đại học Tổng hợp Huế mới gửi Giấy báo nhập học về cho mình. Mừng khôn xiết.
       Trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 1980 đến tháng 9 năm 1981, mình làm đủ nghề để kiếm sống và góp thêm thu nhập cho gia đình. Thời gian này cuộc sống rất khốn khổ. Cơm không đủ ăn. Áo không đủ mặc. Nhìn bửa cơm lòng đau như cắt. Thiếu đi người cha đã chết , chị X đi dạy học ( và học thêm chương trình cao đẳng ở trường Cao đẳng sư phạm Quảng Ngãi), N đi học Cao đẳng sư phạm, còn lại ở quê gồm mẹ, mình, chị Ba K và 3 đứa con của chị hom hem bên bửa ăn toàn khoai mì và "mắm cái"… thật tội nghiệp. Mình phải đi làm thêm. Lúc thì theo Võ Quang Hải ( bạn học )  lên tận miền núi Trà Bồng mua củ mì về cho mẹ bán. Phần củ mì lời thì cả nhà nấu ăn. Lúc thì theo một số anh em đi vác mía thuê (của những người buôn bán mía cho nhà máy đường), mỗi ngày cũng kiếm được vài ba đồng đem về cho mẹ mua gạo. Lúc thì lên Trà Bồng phát rẩy trồng  mì hoặc đốt than kiếm củi. Lúc thì  giữ bắp cho Hợp tác xã để lấy điểm- rồi cuối mùa được Hợp tác xã trả bằng thóc. Lúc thì  đo ruộng đất cho Ủy ban xã để chia ruộng đất cho nông dân, cũng lấy điểm- rồi cuối mùa được nhận thóc…Cuộc sống vô cùng cực khổ nhưng được cái rèn luyện sức khỏe và những trải nghiệm quý giá cho cuộc sống sau này.
     Tháng 3 năm 1981( ngày 17 tháng 2 âm lịch ) chị Ba K bị bệnh mất, chị chỉ sống được 43 năm ngắn ngủi ( sinh năm Mậu Dần 1938, mất năm Tân Dậu 1981). Ngày đưa tang chị rất buồn. Nhà không còn gì cả, chỉ còn hai thứ có giá trị chút ít là bộ phản gỗ mít nhưng sau đó vài tháng cũng bị người ta xiết nợ và một chiếc xe đạp trành. Nơi yên nghỉ của chị Ba K ở Xóm Gò cách nhà khoảng một km. Buồn và khổ vô cùng…
    Tháng 10 năm 1981, mình nhận được Giấy báo nhập học của trường Đại học Tổng hợp Huế. Mừng khôn xiết. Như người chết sống lại. Vậy là từ giả xe đạp buôn mì, từ giả vác mía thuê, đốt than- hái củi… mình lên đường ra Huế nhập học. Một quảng đời mới bắt đầu với người học trò quê  lần đầu xa nhà để đến với đèn hoa phố thị…
     Thời gian từ 1981 đến 1986 học ở Huế là một quảng đời vô cùng tươi đẹp đối với mình. Mặc dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng được học, được làm sinh viên, được tiếp xúc với những người học vấn uyên bác và lịch lãm đối với mình là một đặc ân vô cùng lớn lao và ngoài sức tưởng tượng. Lớp mình có khoảng 25 sinh viên, chỉ có 3 nữ, còn lại 22 nam. Đến năm thứ hai, mình được bầu làm Lớp trưởng ( năm thứ ba và năm thứ tư cũng làm Lớp trưởng- oai thiệt!!!). Bọn mình được ăn , được ở tập thể rất vui và có nhiều kỉ niệm. Thường là 12 thằng ở chung một phòng trong cư xá. Phòng có 6 chiếc giường đôi. Đây là nơi học bài ban đêm, nơi tiếp khách quen, nơi tập đàn ghi ta , nơi thảo luận và tranh cải mọi thứ trên đời từ kinh tế, chính trị, văn hóa ,xã hội cho đến  tán gái  … Ban đêm ở cư xá thật tuyệt vời. Còn nhớ ngày ra trường khi chia tay bạn bè, mình có đọc bài thơ ( của ai đó) :
“…Đã bao lần chợt thấy bạn đâu đây
Dáng bình dị trầm tư ít nói
Nụ cười hiền đôi mắt nhiều nghĩ ngợi
Êm dịu lòng tôi bao buổi chiều buồn
Tôi lang thang đi lại những con đường
Nơi khóm trúc cứ vàng thơm nỗi nhớ
Nơi lá rụng xạc xào thoáng chân ai rất khẽ
Để mình tôi với trăng gió vơi đầy…”
Thời gian làm sinh viên có lẻ là thời gian đẹp nhất trên đời. Ai cũng trẻ trung sôi nổi. Ai cũng bay bổng lãng mạn. Ai cũng ước mơ về ngày mai tươi sáng. Rồi cố gắng học để ngày ra trường thực hiện hoài bão của mình…
Thời gian ở Huế cũng cho mình biết thế nào là một tình yêu đơn phương. Còn nhớ, trong một lần sinh nhật của một người bạn, được may mắn ngồi gần một người con gái nói tiếng Bắc rồi nghe cô ấy đọc 4 câu thơ của Bùi Minh Quốc:
“ Có những lúc trên đường đời tấp nập
Ta vô tình để đi lướt qua nhau
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu”
làm mình ngơ ngẩn và bâng khuâng mãi. Cứ tưởng vậy là “người ta” đọc tặng mình nhưng đâu ngờ “ người ta” đã có người yêu rồi. Hình như cả cuộc đời mình sau này “ ngố ngố” là cũng xung quanh câu chuyện “ cứ tưởng”. Vậy nhưng mà không phải vậy!!!
Trong buổi sinh nhật ấy, hứng chí lên , mình cũng đọc tặng bài thơ của Puskin ( đã dịch qua tiếng Việt):
Em đừng như mùa xuân
Vội vàng hoa gì cũng nở
Để cùng tàn lụi một lần.
Em đừng như mùa hè
Nắng chói chang rồi bỗng mưa ào ạt,
Cũng đừng như mùa thu
Không của riêng ai trời xanh đắm đuối.
Em hãy như mùa đông
Nắng tâm tư vàng rơi từng chiếc lá
Để nắng hiếm hoi thay sắc mọi lòng.
Anh sẽ đi qua cái quyến rủ của mùa xuân
Cái cháy bừng của mùa hạ
Cái xôn xao của mùa thu rất lạ
Đến cầm tay em se lá mùa đông
Tình yêu nguyên vẹn say thầm lặng
Say cả bốn mùa say cả mắt em trong”
Cuộc đời đã dạy cho mình biết thế nào là “ tình yêu nguyên vẹn” và “tình yêu đơn phương” !!!…
     Đến tháng 7 năm 1986, tốt nghiệp đại học ra trường. Tháng 12 năm 1986 , mình xin vào công tác ở Ph  KTNV2- ... tỉnh Nghĩa Bình. Cũng ở tập thể. Cũng ăn tập thể. Chỉ có khác là bấy giờ có thêm chiếc xe đạp để chiều chiều đạp xe ngao du trong thành phố biển Quy Nhơn và trêu chọc mấy em xinh đẹp. Rồi được làm quen với những người mới trong cơ quan. Có rất nhiều người, nhưng đến giờ còn lại 2 người là NVT và HAT…
    Công tác tại Quy Nhơn được 3 năm thì chia tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Hầu như ai ở tỉnh nào thì  về tỉnh đó. Ngày 1 tháng 7 năm 1989, mình xách va li (  toàn sách vở và vài bộ quần áo ) lên đường  về thị xã Quảng Ngãi ở tạm nhà anh Hiệp –con dì Dũng. Nơi công tác vẫn là Ph  KTNV2 ... tỉnh Quảng Ngãi.
     Năm 1989 có nhiều niềm vui bất ngờ . Đặc biệt  là chuyện được làm quen, được yêu và sau 2 năm được cưới người con gái mà sau này là mẹ đẻ của 2 đứa con  mình. Cô ta nhỏ hơn mình 6 tuổi. Học Trung cấp Ngân hàng , ra trường được phân công về làm tại một chi nhánh Ngân hàng huyện . Lại ở chung với đứa cháu ( con chị ruột của mình) nên những lần về thăm quê, thăm mẹ, thăm gia đình ở Bình M… mình đều ghé đến cơ quan và chỗ ở tập thể của đứa cháu. Vậy nên gặp, nên quen, rồi thương, rồi yêu.  Khoảng 2 năm sau thì bọn mình cưới .
     Đến cuối tháng 10/1989, cơ quan cho mình đi học nghiệp vụ ở Hà Nội. Nhưng ra Hà Nội được hai tuần, thấy việc học ở đây không như suy nghĩ nên mình xin phép Trường được về tiếp tục công tác và sẽ học bồi dưỡng nghiệp vụ sau. Qua năm 1990, cơ quan cử đi Sài Gòn học quay phim video 3 tháng ở đường Lí Chính Thắng. Ban ngày học, ban đêm về ở nhà HAT ( quận Phú Nhuận ) .
    Đầu năm 1991, mình cưới vợ. Ngày cưới là mùng 4 tháng 1 dương lịch . Thời gian này là mùa mưa nên đường đi rất lầy lội khó khăn. Con đường từ ngã 3 Trà Bồng đi Bình Mỹ bị bùn rất nhiều, xe nhỏ bình thường không thể nào đi được, ngoại trừ xe chở mía và xe to chở khách . Hôm rước dâu, mình phải thuê nguyên một chiếc xe Hải Âu của Khách sạn chở cả Họ nhà trai và Họ nhà gái. Kể cả người bưng quả , người làm đẹp cô dâu… đều ngồi trên chiếc xe đó.
        Năm 1991 là một năm vô cùng đặc biệt đối với gia đình nhỏ của mình. Mua được đất làm nhà và sinh con trai. Cu Nh ra đời vào ngày 7 tháng 11 năm 1991. Ngày sinh cu Nh là một ngày đặc biệt. H chuyển bụng hai ba ngày thì mới sinh . Không chỉ mỗi mình mà còn một số người quen lên Bệnh viện để động viên  giúp H được mẹ tròn con vuông. Đến chiều, khoảng 4h15 phút thì H sinh cu N. Nhờ có Lai- vợ cháu Triều ( con chị Năm Cát) thực tập tại Khoa nhi Bệnh viện nên cũng đỡ phần nào…Thật là may mắn và hạnh phúc.
       Sau ngày cưới , mình làm rất nhiều việc để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Lúc thì chụp ảnh, lúc thì quay phim video, lúc thì dạy thêm…Làm bất cứ việc gì miễn là không vi phạm pháp luật và kiếm được tiền để nuôi gia đình. Cuối năm1991, H sinh cu Nh nên được nghỉ 6 tháng. Đến cuối năm 1992, thấy con còn nhỏ, H lại đi làm quá xa ( thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn) nên mình khuyên H xin nghỉ việc. Nếu chuyển được vào thị xã thì tốt còn không chuyển được thì có thể làm bên ngoài, không nhất thiết phải viên chức nhà nước. Vậy nên H nghỉ việc ở Ngân hàng huyện Bình Sơn.
      Trong năm 1992, để giúp gia đình có thu nhập thêm, mình chung với anh Hùng- Tịnh Thiện mua một máy quay phim video để làm dịch vụ. Quay rất nhiều dịch vụ, nào là đám cưới đám hỏi, sinh nhật, ma chay, diễn tập, thi tài năng, thi người đẹp, đặc biệt là quay Thư VIDEO cho bà con Việt kiều về thăm quê hương. Công việc bận rộn nhưng rất vui và thu nhập tương đối ổn định ( Nhật ký quay phim, mình có ghi vào một cuốn sổ riêng)…
      Vừa nuôi con nhỏ, vừa bán cà phê, vừa quay phim- lồng nhạc, vợ chồng mình đã cố gắng lao động vượt qua muôn vàn khó khăn. Bà nội cu N từ Bình Mỹ xuống ở với vợ chồng mình. Thỉnh thoảng bà ngoại cu N cũng từ Tịnh Thiện lên thăm và ở lại nên rất vui. Có mẹ có con có bà có cháu… Cuộc sống tuy  còn vất vả nhưng vô cùng hạnh phúc. Cu N ngoan ngoãn, học hành cũng được. Các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh . Cảm ơn Trời Phật, ông bà. Bốn năm sau, tức năm 1995, H sinh cu Kít ( H). Ngày sinh cu Kít, mình đi quay phim đám cưới trên Bình Mỹ. Không thể đình việc quay phim được bởi người ta đã đặt cọc tiền trước cả tháng . Vậy nên trước khi đi , khoảng 3h sáng ngày 31/8/1995, mình phải chạy qua nhà Tuyết- Chương ( bạn học của H) bên Sơn Tịnh để nhờ Tuyết qua nhà giúp cho H. Rất may là vợ chồng Chương – Tuyết  tận tình giúp đỡ. Khi mình còn quay phim đám cưới ở Bình Mỹ thì Tuyết điện thoại báo H đã sinh cu Kít khoảng 10h30 ở nhà riêng của chị Thư- khoa sản, đường Trần Hưng Đạo, mẹ tròn con vuông. Mừng khôn xiết…
Cũng trong thời gian này, H xin được việc làm ở Huyện Đoàn Sơn Tịnh. Cũng khó lí giải nhưng để ý thì thấy rằng từ ngày cu Kít ra đời ( ngày 31/8/1995), mọi việc trong gia đình đều  tốt đẹp lên. Kinh tế khá hơn. H xin được việc làm. Chị X được phỏng vấn thành công cho xuất ngoại. Công việc may mắn…
Sang năm 1996, gia đình có sự thay đổi. Chị X cùng chồng và hai con được Nhà nước Việt Nam cho xuất cảnh ra nước ngoài làm ăn sinh sống. Mẹ tuy có buồn vì phải xa con gái và cháu ngoại nhưng cũng được an ủi phần nào vì hy vọng  ở nơi mới gia đình chị sẽ làm ăn khấm khá hơn. Ngày chị đi, mình đồng ý nhường  phần đất của mảnh vườn cha mẹ để lại trên quê Bình Mỹ để chị  bán làm  lộ phí đi đường. Mảnh vườn trên quê của cha mẹ để lại khoảng trên 500 mét vuông, nằm trên mặt đường Bình Mỹ-Trà Bồng rất đẹp, chị bán lại cho một người giáo viên . Có để lại một phần ba mảnh vườn cho mấy chị em ( con của chị Ba K). Nhưng sau đó không lâu, bé H ( con chị Ba K ) đã bán luôn cho người giáo viên nói trên. Vậy là trên quê ngoại của mình ở Bình Mỹ không còn nhà thờ đất cát gì cả. Hằng năm ngày Tết về quê thắp nhang cho ông bà ngoại, mỗi lần đi qua vườn xưa, mình không khỏi ngậm ngùi…
      Thời gian này , cứ làm được đồng nào là vợ chồng mình đều tập trung cho việc xây và sửa nhà. Do không có tiền nên năm 1991 vợ chồng chỉ mua có 40 mét vuông đất ở mặt đường PĐP. Mãi đến năm 1994, chạy vạy mượn của bà con 1,5 cây vàng để mua thêm 40 mét vuông phía sau. Mảnh đất chưa đến 80 mét vuông nhưng phải mua tới 2 lần. Rồi khi làm nhà cũng không có tiền nên chỉ làm móng đá, không có cột trụ bê tông gì cả. Cứ loay loay, làm được đồng nào cũng đổ vô sửa nhà, nhưng nhà chẳng những không đẹp mà còn “ lộn xộn” hơn.
      Tháng 7 năm 1998, gia đình có tin buồn. Bà ngoại cu N bị bệnh mất tại Nha Trang ( ngày 19 tháng 6 âm lịch). Gửi cu Kít ( chưa được 3 tuổi ) cho gia đình Tuyết- Chương ( bạn học của H bên Sơn Tịnh), vợ chồng mình và cu N vào Nha Trang để lo tang Mẹ. Thật thương cho bà ngoại cu N. Cả một đời vất vả. Ông ngoại mất sớm, các con đều đi làm ăn và có gia đình ở xa , còn lại ở quê chỉ 1 người con gái út, nhưng cũng không ở gần . Bởi khoảng cách từ nhà Mẹ dưới Tịnh Thiện đến thị xã Quảng Ngãi cũng trên 10 km. Chỉ những ngày cuối tuần gia đình mình mới về thăm Mẹ được. Còn nhớ, mỗi lần về thăm là Mẹ tất tả chạy đi mua bánh xèo cho vợ chồng và cháu N ăn. Ngoại rất vui khi thấy cháu bụ bẩm, khôi ngô. Và rất vui khi thấy vợ chồng mình khỏe mạnh, kinh tế khá lên…Ước gì ngoại còn sống để thấy được sự trưởng thành của con cháu sau này… Ở Nha Trang khoảng hơn 1 tuần lo tang cho Mẹ rồi gia đình mình trở về Quảng Ngãi. Và cũng từ đây, hè năm nào gia đình nhỏ của mình cũng vào viếng mộ và dự ngày giỗ của Mẹ tại Nha Trang.
Mùa hè năm 1999, gia đình chị X về thăm quê. Nhìn chị khỏe mạnh và trẻ trung hơn ngày ra đi nên gia đình ai cũng  mừng. Chồng con của chị cũng đỡ hơn trước rất nhiều. Chơi và thăm mẹ  thăm bà con khoảng 1 tháng, gia đình chị qua lại bên kia để các cháu kịp vào năm học mới. Cũng trong năm 1999, vợ chồng mình đã làm lại căn nhà. Tuy chưa khang trang lắm nhưng cũng đẹp và có thêm cái gác gỗ cho cu N và cu Kít học bài.
       Tháng 8 năm 2002 ( từ ngày 5 đến ngày 11/8 dương lịch), mình dời mộ ông nội, bà nội, cha và chú Chu từ xóm Nại- thôn Vĩnh An- xã Bình Thạnh lên núi Hàm Rồng thuộc xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn để nhường đất  cho Khu công nghiệp Sài Gòn- Dung Quất xây dựng ( mộ của mẹ đẻ của chị Ba K, mình không tìm được). Nhờ có chú ba Chinh, chú ba Hảo, Thành, Thống ( con chú Kháng) và một số bà con ở Bình Thạnh giúp nên công việc di dời mồ mã cũng  thuận tiện và chu đáo. Đặc biệt là nhờ gặp chú Trung- thương binh- người phụ trách Khu nghĩa trang Hàm Rồng tạo điều kiện cho mình một khu đất rộng nên không những đủ để di dời mộ ông bà cha chú mà còn để dành sau này làm nơi yên nghỉ cho những người bà con khác ( như chú Ba Chinh). Khi đưa cha về nghĩa trang Hàm Rồng, mình đã để sẵn một chỗ sát bên cho Mẹ sau này. Vì vậy khi Mẹ mất năm 2006 thì an táng Mẹ nằm bên cha. Công cuộc di dời mộ ông bà nội, cha và chú cũng rất đặc biệt. Mình ở lại Bình Thạnh khoảng 1 tuần, người đen như cơm cháy bởi trời đang mùa hè nóng bức. Khi khai quật mộ để đưa cha lên, thấy cha như vẫn đang nằm ngủ mặc dù thời gian từ ngày cha mất đến năm 2002 là 25 năm. Người nằm ngay ngắn, không suy xuyển chút nào . Những người lớn tuổi bảo rằng, giữa 1 khu đất (cát) như vầy mà có được một ngôi mộ kết là rất đặc biệt. Mình có điện thoại cho H và cu N ra thăm cha. Có chụp được một tấm hình kỉ niệm 3 thế hệ ( cha, mình và cu N)…
     Cũng trong năm 2002 ( năm Nhâm Ngọ), vợ chồng mình vay ngân hàng mua được một thửa đất ( gồm đất ở và đất nông nghiệp) ở phường LHP, rộng khoảng 400 mét vuông, có làm một ngôi nhà nhỏ. Cứ mỗi chiều mùa hè đi làm về, mình thường chở cu N và cu Kít lên thăm vườn và tưới cây. Đất rất tốt bởi đây là vùng đất Thạch Bích ngày xưa, loại đất bồi nên trồng cây gì cũng tươi tốt cả. Còn nhớ, trong vườn có một cây chanh sai quả từ ngọn đến gốc... Nhưng do ý trời không cho vợ chồng mình ở vườn nên sau một thời gian thì bị quy hoạch, Nhà nước thu hồi đất cho Ủy ban thành phố làm cơ quan . Nhận được ít tiền đền bù nhưng mình cứ tiếc mãi. Biết bao giờ mới có được một mảnh vườn xinh đẹp như thế giữa lòng thành phố!
    Đầu năm 2005, nghe tin Mẹ bị yếu nên chị X về thăm Mẹ. Cũng trong dịp này, chị mua được một căn nhà  ở thành phố Quảng Ngãi. Vì là nhà xây thô, nên mình phải giúp chị hoàn thiện ngôi nhà. Rất vất vả. Lần đầu tiên xây dựng và thiết kế một ngôi nhà 3 tầng, mình vô cùng cực nhọc. Từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2005, mình bỏ công sức để giúp chị hoàn thiện ngôi nhà.  Đẹp và hiện đại. Bước sang năm 2006, Mẹ yếu dần. Đến ngày 28 tháng 5 năm 2006 ( nhằm ngày chủ nhật, mùng 2 tháng 5 âm lịch- ngày Đinh Tỵ), khoảng 5h sáng, Mẹ trút hơi thở cuối cùng. Buổi chiều trước ngày mất, mình dẫn cu Kít đến bên cầm bàn tay Mẹ. Một giọt nước mắt nhẹ lăn trên gương mặt hiền từ như để lại tình thương bao la của Mẹ dành cho con cháu và người thân. Mình khóc rất nhiều khi vĩnh biệt Mẹ. Khi liệm Mẹ, mình có nhờ cậu Chín Tiền hốt cho một nắm đất nơi mộ của ông bà ngoại ( của mình ) từ Bình Mỹ đem xuống để  đưa vào quan tài Mẹ...Điện thoại cho chị X về gấp. Tối ngày 30/5 chị X về đến nơi. Quàn Mẹ tại nhà 4 ngày, đến trưa ngày mùng 1 tháng 6 năm 2006 ( nhằm ngày thứ năm, mùng 6 tháng 5 âm lịch- ngày Tân Dậu), đưa Mẹ đi. Trước khi về nằm gần bên cha ở Hàm Rồng, mình đã bố trí cho xe chở quan tài chạy một vòng về Thạch An- Bình Mỹ, xe chạy chậm qua nhà cũ và về nhà ông bà ngoại, nơi Mẹ được sinh ra. Có rất đông bà con trên quê đến viếng và đưa tang Mẹ, đặc biệt là sự giúp đỡ nhiệt tình của bà con xóm giềng – nơi mình ở. Mẹ nằm bên cha trên một ngọn đồi gần một hồ nước rất đẹp và nên thơ... Từ trên ngọn đồi nhìn xuống hồ nước trong không gian huyền ảo , nếu như có thêm chiếc thuyền nhỏ, bạn sẽ nhớ ngay đến bài thơ của Trương Kế ( nhà thơ đời Đường , Trung Quốc):
  “ Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
  Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
  Cô Tô thành ngoại hàn san tự
  Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”...

( Nói thêm với hai con N, H. Sau này, nếu bố mẹ mất thì hai con nên đưa bố mẹ về yên nghỉ trên quả đồi này. Bố đã để dành một phần đất sát bên bà nội của hai con ( Huỳnh Thị Hân ) để cho bố mẹ. Khi đào và xây thì nên lưu ý, có thể mở rộng phần đất qua sát mộ của ông nội Chu của N , thì mới có thể đủ cho hai người. Nếu một người mất trước thì khi đào huyệt, hai con nên căn dặn thợ đào chung huyệt, ở giữa ngăn bằng một tường gạch đơn giản, xong thì đưa cát xuống . Để đó, khi có chuyện thì thợ xây mộ sẽ dễ dàng xử lý và thuận tiện cho việc chôn cất 2 người không cùng một lúc. Bố nói thế chắc hai con N, H hiểu.Việc chôn cất khi bố mẹ mất, bố đã viết những dòng này coi như lời dặn của bố, hai con nhất thiết phải nghe lời. Ngoài ra ,không được nghe lời người khác trong việc chọn đất chôn bố mẹ...)

         Sang năm 2007, tưởng niệm một  năm ngày Mẹ mất, vợ chồng chị X và cu Thái về Việt Nam để lo ngày tưởng niệm của Mẹ. Xong, gia đình chị cùng mình và cu Kít đi tham quan miền Bắc. Trời nóng không thể tưởng tượng được. Đi và về trong vòng 4 ngày, cũng có vui nhưng rất mệt . Cũng trong năm 2007, vợ chồng mình làm lại ngôi nhà 266 PĐP. Xây dựng trên 3 tầng nên thời gian kéo dài hơn 5 tháng mới xong ( từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2007). Ngôi nhà đẹp và thoáng mát. Ai cũng vừa lòng.
    Tháng 7 năm 2009, mình dẫn cu N vào Quy Nhơn thi đại học. Sau đó hai bố con đi luôn vào Sài Gòn để cu N học ngoại ngữ ( tiếng Anh). Nhờ cháu Yến Anh ( kêu Hoa bằng dì ruột) thuê nhà cho cu N ở quận 7, Sài Gòn. Ở với N khoảng 1 tuần , mình về Quảng Ngãi, N một mình ở lại học và làm quen với Sài Gòn đô thị. Tháng 9 năm 2009, cu N có Giấy báo đậu đại học Sư phạm KT. Mình cầm Giấy báo vào Sài Gòn và nhập học cho N.
         Nói chung trong năm 2009, có những điều mới mẻ và thuận lợi cho gia đình . Nhờ vay mượn tiền của người quen  và của ngân hàng để mua đi bán lại một số thửa đất nên vợ chồng cũng kiếm được ít tiền lời để sinh sống và đầu tư làm ăn. Dù sao thì cũng đỡ khổ hơn ngày xưa. Ông bà nói đúng: vi thương bất phú…Đặc biệt là có được một số kinh nghiệm trong làm ăn buôn bán…
     Từ năm 2009 đến năm 2012, do kinh tế thế giới bị khủng hoảng và kinh tế Việt Nam gặp khó khăn nên ảnh hưởng rất lớn đến công việc làm ăn của mọi người mọi nhà. Bởi những năm trước, lãi vay ngân hàng chỉ độ khoảng 10-11%  một năm nên làm ăn còn có lãi, nhưng từ năm 2009-2010-2011-2012, lãi suất ngân hàng lên đến 24- 25% một năm nên ai cũng choáng váng. Vợ chồng mình cũng bị vạ lây bởi trước đây đã vay ngân hàng mua nhà. Trời ơi là vất vả. Phải chạy mượn tiền bạn , mượn tiền người quen để trả lãi cho ngân hàng.Cảm ơn vợ chồng Tr D và một số bạn bè… Cũng may, qua năm 2012 bán được đất nên trả bớt tiền vay ngân hàng. Đây là bài học nhớ đời.
     Thời gian trôi nhanh thật. Khi viết những dòng này mình đã bước sang tuổi 52 ( dương lịch). Hai phần ba đời người. Những khi trái gió trở trời đã nghe trong người mỏi mệt, không muốn làm việc như ngày xưa nữa. Chỉ trông mong thời gian qua nhanh, đến năm 2016, mình sẽ xin cơ quan nghỉ trước một năm. Để đến tháng 4 năm 2017 thì nhận thông báo nghỉ hưu . Chắc phải chuẩn bị chỗ ở mới, rộng rãi hơn để còn trồng cây, chăn nuôi và làm một số việc linh tinh … cho đỡ buồn. Sẽ đến lúc không còn sức đi nhậu như ngày xưa nữa. Phải có công việc lao động chân tay . Lúc rảnh thì đọc sách rồi tụ tập bạn bè nghe thơ nhạc, ngắm trăng … thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn. Mình sinh năm Tân Sửu- 1961 nhưng trước năm 1975, khi cha nhờ chú ba Hảo làm giúp Giấy khai sinh thì chú khai thành năm 1962. Bởi vậy nên đến tháng 4 năm 2017 mới đủ 55 tuổi. Thôi thì cố gắng đi làm đến tháng 4 năm 2016 xin nghỉ việc (trước một năm) là vừa.
      Một đời người có biết bao nhiêu là chuyện. Giờ suy nghĩ lại, mình cũng có thể tự hào rằng đã cố gắng hết sức. Từ bàn tay không, mình đã cùng gia đình cố gắng lao động, chắt chiu từng chút một để gây dựng nên cơ nghiệp ngày nay, cũng không khá giả gì nhiều  nhưng cũng tạm đủ sống qua ngày và để lại một chút gì cho con cháu. Toàn bằng mồ hôi công sức của vợ chồng. Chỉ mong sau này, hai anh em N, H thương yêu giúp đỡ nhau để cùng có cuộc sống bình an hạnh phúc. Vậy là tốt.
Cả một đời nhìn lại, mình chưa làm điều gì sai trái, mất phẩm chất đạo đức , ảnh hưởng đến thanh danh gia đình. Dưới suối vàng, cha- mẹ có thể tự hào về đứa con của cha mẹ và ông bà nội ngoại cũng tự hào về đứa cháu vô cùng thương yêu của ông bà…
            Thành phố Quảng Ngãi, ngày 29 tháng 3 năm 2013 ( ngày Giáp Ngọ 18 tháng hai năm Quý Tỵ )-TQS




16 thg 12, 2013

(Cánh cửa dẫn vào thế giới thơ Nguyễn Nguyên Bảy*)logo
NGUYỄN ANH TUẤN
Trong một bài thơ, NNB hé lộ cho người đọc thơ biết lai lịch đời anh cùng xuất xứ những vần thơ đầu tiên của anh:/ Nơi ấy các bà Tiên dạy tối biết khóc/ Các bà Tiên dạy tôi biết cười/…Nơi ấy là kinh thành cổ tích/ Nơi ấy là đời tôi…
Và trong tập “Thủng thẳng với thơ”(Nxb Văn học-2011), chúng ta đọc được những dòng sau của NNB: “Tôi là một nghiệp dư thơ. Một nghiệp dư say mê thơ điên cuồng, chép chép ghi ghi và chôn ghi ghi chép chép ấy vào mộ huyệt của im lặng, chỉ thỉnh thoảng, không cưỡng nổi điên khùng, nửa đêm thức giấc, ngửa mặt nhìn trời đọc thơ gửi mây, tặng gió.”
Nhưng những dòng tự bạch bằng thơ đầy thi vị lẫn văn xuôi trần trụi trên chỉ giúp ta có thêm mối đồng cảm ban đầu khi đọc thơ NNB, chứ tuyệt nhiên không giúp ta dễ dàng mở được một cánh cửa để khả dĩ bước vào thế giới thơ anh! Là một người yêu thơ và đọc khá kỹ thơ NNB, hơn thế, còn là bạn vong niên của anh từ khi là một cậu sinh viên văn khoa năm nhất từng bị “thôi miên” bởi hàng chồng thơ chép tay cao vật vưỡng của đôi vợ chồng thi sĩ nổi danh Nguyễn Nguyên Bảy & Lý Phương Liên, tôi xin cố gắng thử mở một trong những cánh cửa Thơ đó.
1. Ta có cảm tưởng, thơ NNB giống như một cuốn kinh đồ sộ tập hợp biết bao suy tưởng cảm nhận của người thơ về đời sống, về cội nguồn của đời sống và của thi ca… Song cuốn kinh ấy lại tựa ma trận của lòng người mà bản thân người làm thơ cũng phải thấy ngợp, đôi lúc có cảm giác chết chìm, có điều đã luôn phải vùng quẫy để thoát ra khỏi cơn lũ ngôn từ và ấn tượng để quan sát, để chiêm nghiệm; và trong khi quan sát chiêm nghiệm đời sống thì quan sát chiêm nghiệm ngay chính những ấn tượng, những kinh nghiệm sống cùng quan niệm xử thế của mình, để rồi từ đó, “Thơ đã ra đời như những liều thuốc giải độc trí tuệ, vì nếu thơ không được sinh ra hẳn tôi đã mắc chứng điên và bị buộc phải vào nhà thương Thường Tín”- như chính tác giả tự bạch. Như vậy đối với NNB, làm thơ chính là một cách ứng xử chủ yếu với đời, một cách bảo vệ phẩm giá đặc biệt, một vũ khí hữu hiệu chống lại sự đểu giả, là một lý do và một phương thức chính để tồn tại…
NNB khiêm nhường tự nhận là “người thơ nghiệp dư”, nhưng thực ra đó là một tác giả rất có ý thức về sự nghiệp thơ ca của mình, và rất chuyên nghiệp. Có điều, anh đã chọn cho mình con đường thực chông gai.
Trong những năm tháng mà âm thanh cao vút của những bài hát, chất sử thi – giao hưởng hùng tráng của những “Sư đoàn”, “Đường tới thành phố”, “Tình yêu và Báo động”, “Lửa đèn”, “Mặt đường khát vọng”, “Mặt trời trong lòng đất”(1)… là âm hưởng chủ đạo cho tinh thần xã hội (và đặc biệt cần thiết), thì cái bè trầm “âm âm lời Chinh Phụ lời Kiều” của thơ NNB chắc chắn không thể được coi trọng nếu không muốn nói là bị hắt hủi, bị truy bức ra khỏi đời sống cộng đồng! Lại còn “Tình yêu mượn cánh thánh thần chở che” nữa, rõ là “ngạo mạn” và “xấc xược”! Mặc dù anh tự nhận đứng trong hàng ngũ: “Chúng tôi đang viết những tráng ca/ Những tráng ca bằng gươm bằng súng”- nhưng riêng anh thì lại không viết tráng ca mà lại viết: “Thơ run rẩy những lời có cánh/Khúc yêu mình trộn khúc thương con”- “Lời ru không vui không buồn/Thơ hạ cánh đậu nghe lạnh ngắt” khi bếp lạnh và “bụng trống không”, khi “Khúc yêu trong màn khóc mớ/Khúc yêu lạc giọng ru con”(Tam tấu).
Giữa những ngày sắt thép máu lửa đó, anh lại dám “Mơ sen”: “Bỗng cò nghiêng cánh/Gánh tôi về/ Thuyền sen”, và dũng cảm “Ngẫm về thơ” theo cách chẳng thời thượng chút nào: “Thuyền thơ chở đầy trăng thơ/Đầy trà đầy rượu đầy hoa/Và đầy nhân tình”. Chiến tranh không cướp đi của người thơ nguồn cảm hứng vô tận về “Mùa yêu”: “Âm dương tình ngỡ trong mơ/Mùa yêu chẳng có bến bờ thời gian”. Trong “Mùa yêu” đó, dường như anh cố gạt đi những âm thanh chát chúa để lắng nghe rõ hơn bao giờ hết “Dân ca buồn con sáo sang sông” hay “Rêu cổ tích rù rì kể chuyện” và ngẩn ngơ trước số phận do các bà Tiên xếp đặt: “Phải định mệnh nhân duyên/Bỏ bùa anh lạc lối/Ai rủ chân sen tới/Cửa rừng nơi hẹn hò?”.
Trong khi những lứa đôi chia tay nhau để ra trận, người thơ lại “Hát tặng biệt ly”: “Nghe sông chảy lững lờ đôi buồm trắng/Nghe phố xá nằm dài trong mật nắng/Nghe nôn nao cánh bướm đậu hoa vàng”.
Cái thời cần kêu gọi lòng căm thù và ý chí chiến đấu thì anh lại đưa ra những lời đạo lý cổ xưa của ông cha tưởng chừng lạc lõng: “Này cò này vạc này nông/Không sống tử tế đừng mong thành người” (Ký ức ca dao).
Một “Vườn chiều có thực” của thời chiến tranh có khói hun muỗi từ giẻ mà anh lại hình dung như một vùng đất cát mềm của Tiên Dung – Chử Đồng tử, của Giếng ngọc Cổ Loa, có tiếng hát Trương Chi, ở đó “Tôi đang độc ẩm cuồng say/Những ly rượu thơ cồn cào bụng đói/ Bao nhiêu người đang đói/Có thơ uống như tôi đâu/Sao em lại cúi đầu/Thương tôi mắt khóc?”(Vườn chiều).
Trong những năm đáng lẽ chỉ được hát ca, anh đã ngậm ngùi kể về người mẹ vẫn “Thương thằng mộng mị thơ ca/Chọn yêu cuộc tình kiếp nạn”, và về người vợ “Chít trắng đầu tang/Nuôi đàn em thay mẹ/Mom sông cô gái nhỏ/Tay cò mắt vạc kiếm ăn” (Thuyền tình).
Những điều “xa lạ” và “lạc lõng” nói trên- xét cho cùng là vô hại, thậm chí chúng cần thiết giúp cho con người giữ được cái gốc nhân bản trước những thảm cảnh khốc liệt, song đã vô tình góp phần tuyên một cái án “không có án” để gia đình thi sĩ phải ôm hận “ly hương” suốt mấy chục năm trời sau đó!
Thực ra, trong những năm tháng đạn bom ấy, người thơ có phần lập dị này cũng sống như tất cả cư dân Hà Nội. Anh đã sững sờ trước “những kỳ ngộ đẹp như thơ/Tình mình làm sao sánh được/Ấy là lẽ vì sao em không khóc/Trước gian nan tem gạo phiếu tiền”. Anh đã khóc như tất cả những người dân lúc đó trước câu chuyện về người bác sĩ trẻ chết bởi bom Mỹ trong ngày cưới, đã xúc động run người trước hành động bất chấp hiểm nguy của những con người lao động bình dị: “Cô bác sĩ Cửa Đông nuốt khóc/Thiệp hoa phủ xác nửa mình/Anh thợ điện người Ô quan Chưởng/Bới nhặt nửa mình trong đổ nát Khâm Thiên…”(Ca trù mùa thu). Anh cũng trở về cơ quan để “thay ca trực chiến” như mọi phóng viên khác của Đài tiếng nói VN, cũng “đồng loạt cánh tay giơ” để “lên Tháp Bút viết hùng ca”… Nhưng, cái “tạng” của anh không phải là “hùng ca”; và điều đáng quý là, người thơ hiểu rõ hạn chế của mình, anh đã không ít lần tự dày vò: “Mặt trận cờ reo quân reo/Trào lửa mà đành nuốt khóc/ Đứng tựa lưng trăng/Bút thay gươm súng/Chuốt câu thề” (Tự họa tuổi trai).
Người thơ có khát vọng lý giải sức mạnh chiến thắng của hiện tại bằng mạch nguồn từ xa xưa, nên cũng dễ hiểu anh thường để “Hồn quanh quất nơi cửa rừng nguyên thủy” (Về cội). Với trí tưởng tượng phong phú tràn ngập cảm hứng lịch sử, NNB hình dung: “Trăng nhớ những đêm Lạc Việt/ Gươm kiếm mài ngời trăng lu” (Chứng tích chiến tranh). Anh say sưa với “dòng sông chảy qua làng Việt cổ”, với những nơi nào từng có “Sá cầy lật mở binh thư/Người cấy lửa vào lúa/Người chép lửa vào thơ” (Huyệt lửa). Anh là nhà thơ đầu tiên của thời mới tìm thấy sự đồng cảm lạ lùng với Thánh thơ Cao Bá Quát và có cả một tráng ca về cụ: “Đời Quát có hai vua/ Thơ Quát chỉ có quyền chọn một”- và Cao Bá Quát đã chọn”một ông vua là con dân mẹ nước”; thế nhưng “Đói khát vẫn hoàn đói khát/ Xã tắc khốc hư/ Ngậm miệng vái xin trời Phật”, và anh nguyện sống với “Thác đoàn quân Cao Bá Quát/ Vào tử tìm sinh.” (Thánh Thơ).
Từ cảm hứng lịch sử, NNB nhìn lại cuộc chiến tranh hiện tại và có cách cảm nghĩ riêng. Trong bài “Quả Mặt trời”, trước tội ác hủy diệt của giặc Mỹ, anh băn khoăn: “Chảy đi đâu hỡi máu”- “Máu đã chảy lên thành Quả Mặt trời”- nhưng ấn tượng hơn cả vẫn là “Giấc mơ thơ nát bấy như bùn” và “Tọa tòa sen Phật bà khóc” (Chùa Một cột).
NNB muốn “Tượng hình làng quê sông núi” theo cách riêng của anh: “Tinh tú tôi ơi, sao thốt lời buồn/Lập nghiệp gì đâu đời thi sĩ/… /Em gái quê cần lời thay nước mắt/Ủ vào khăn tặng bạn trước chia ly/ Và với tôi điệu vần ấy đôi khi/ Cứu tuyệt vọng xô đời xuống vực” (Tinh túy ngộ duyên). Nhà thơ biết phận mình: “Đời cha nghèo xác/Chỉ những bài ru là giàu có hơn người” (Ru con).
Mặc dù NNB không chỉ một lần tôn vinh: “Nụ cười là đặc sản của dân tộc tôi” (Đề dưới nụ cười), song ở thơ anh phần lắng đọng rung cảm nhất lại là “giọt khóc rơi xuống thì thầm” của người phụ nữ (Cầu thương). Bởi chính người thơ tuyên bố: “Mà tôi/ nghĩ lạ lùng chưa/Học khóc/Bởi sợ đời dư hát cười”(Học khóc). Nhà thơ không chỉ nhìn thấy những quả bom rơi xuống đe dọa cuộc sống bình yên, mà còn nhìn thấy cả chặng đường lam lũ đói khổ của các làng quê Việt từ ngàn xưa và chưa biết đến bao giờ chấm dứt: “Sông cái chia nhánh còng số tám/Nước khóa làng tôi”- “Thương đất trắng chìm trong lũ”( Làng nước)- “Những câu ru nhang cháy/ Dưới trời bâng khuâng hương”(Lời ru dưới mỗi mái nhà). Nhà thơ tự nhận: “Anh có lỗi đã thăng hoa bi kịch”. Nhưng anh không thể làm khác, bởi một lẽ giản đơn: “Anh hằng kể con nghe kiếp sống ông bà/Trải bao nhiêu cực khổ/Vẫn trước sau làm người tử tế/Ngẩng đầu đi khắp thế gian”. Điều khiến anh băn khoăn giữa lúc phải trốn chạy cái chết từ trên trời rơi xuống cũng là: “Con anh sao chẳng nên người/Cháu anh sao chẳng nên người/Không nên người/Thì sao còn sông Cái sông Con/ Sao còn tiếng hát Mỵ nương/Chèo đò lên non Tản/Bỗng cháu nội hươ hươ thức sảng/Hỏi sao ông khóc ông ơi?”
Xu thế thời đại là phải vươn tới đỉnh cao, phải “ra ngõ gặp anh hùng”, vậy mà anh dám chỉ nhận mình là “tre nứa”: “Thông tùng cao ngạo phong ba/Chẳng lẽ tre nứa không là đời cây?/ Mặc ai chò chỉ lim mây/Ta vẫn kiêu hãnh một cây giang thường”. Thái độ nhún nhường đó chắc cũng gây ra không ít sự soi mói, nghi kỵ.
Trực giác và kinh nghiệm sống giúp nhà thơ nhìn thấy giữa thời “hùng ca” đó đã manh nha những vấn đề đáng quan ngại đối với đạo lý truyền thống – đó là chủ nghĩa xu thời, chủ nghĩa thực dụng, thói ích kỷ xuất hiện, cùng những thứ không thể tồn tại bên cạnh sự “tử tế”; nhiều lần anh đã phải thốt lên cay đắng: “Quanh ta hỏi có bao người/ Gian manh mà vẫn sống đời tụng ca” (Bài ru trằn trọc).
Những khi chán nản,”Giữa Âm Dương mông lung”, buộc phải “Hát rong tôi trộn kinh hoàng vào đêm”, nhà thơ chỉ biết “Tôi tụng tôi/ Nhân quả”(Cửu tụng). Thất vọng bởi những lời hứa hẹn xuông, những diễn văn lắm lời với những viễn cảnh to tát chỉ có ở thiên đường, anh “thắp nén nhang thơ”(Chép thơ công nghiệp đất) và khao khát “Ra với biển đi tất cả những ai/Hoang tưởng như tôi biển mời ra biển”(Biển mời), hay cư xử một cách khá nghênh ngang làm tức mắt chẳng ít người: “Tôi bay trên bể đời giông tố hát nghêu ngao”. Anh tìm đến Thiên nhiên như cội nguồn sinh lực và lòng tin yêu cho mình: “Tâm hồn anh bay lượn giữa thiên nhiên/nghe ríu rít tiếng thơ trong lá cỏ”- “Công danh thế là quá đủ/Phận mình thuyền thúng qua sông”… Tất cả cốt chỉ để mong vượt qua những nghiệt ngã của đời mà anh kể lại trong “Tự thuật sinh tồn”. Thế nhưng anh đã vô tình “Phạm luật người quan họ” và phải trả giá: “Khốn khổ thân tôi đa tình/Phạm luật người quan họ/Cõng một cánh bèo giạt trôi”( Quan họ không ngoại tình).
Và gần suốt đời nhà thơ phải “hơ hoảng” khi đã quá dại dột, dám liều mạng làm một chuyện tày đình vào những năm 70 thế kỷ trước khi tuyên bố thẳng thừng: “Thơ là Thơ. Thơ không phải là địa vị xã hội của người làm thơ”, và “phạm tội trẻ con” là “Luận Kiều thời chinh chiến…” (Tự thuật tội lỗi).
Không hiểu sao, tôi chợt liên tưởng người thơ có phần “kỳ dị” này với nhân vật bác sĩ – nhà thơ Zhivago của nhà văn Nga Boris Pasternak. Trong biết bao sóng gió kinh hoàng của số phận, cắn răng chịu đựng những tàn bạo phi lý của chiến tranh, Zhivago vẫn băn khoăn trăn trở với sự nghiệp văn chương của mình; anh đã viết bản trường ca “Xao xuyến” với ý tưởng sáng tác như sau: “Bao lâu nay chàng vẫn muốn miêu tả cái cảnh trong ba ngày một cơn bão đất đen tối, lúc nhúc dòi bọ, bao vây và tấn công ra sao cái hiện thân bất diệt của tình yêu, ném đất đá rào rào vào nó, vào cái hiện thân ấy, hệt như những lớp sóng biển dồn dập đập vào bờ và chôn vùi bãi biển…”(Bác sĩ Zhivago – Lê Khánh Trường dịch)
2. Trong khi “tìm cho mình một con đường khác, lầm lũi riêng mình, lầm lũi yêu thơ”, NNB hầu như không bao giờ hoàn toàn hòa nhập vào cảnh ngộ, mà anh thường có góc riêng kín đáo nhìn đời, nhìn chính thân thế và tâm trạng của mình để phát hiện ra các thi tứ và “tụng” thành thơ sau khi đã âm thầm vượt qua bao nỗi buồn đau cay đắng. Sau khi đã tạm thời “hóa thân” vào nàng Kiều, vào Từ Thức, vào các bà Tiên, vào Sông Cái, vào Thánh Thơ… nhà thơ dần lùi xa khỏi những nhân vật tưởng tượng để bắt đầu miêu tả, dựng lên thế giới tinh thần của họ – bằng cách đó mở rộng đến gần như là vô hạn biên độ của xúc cảm và tư duy nhận thức. Sau khi đã “khách quan hóa” nhân vật trong tưởng tượng, NNB làm công việc khảo sát, đánh giá về thân phận, phẩm cách… của nhân vật đó và đồng thời cũng tự bộc lộ thân phận cùng phẩm cách của chính người thơ. Thường là, từ một nguyên cớ, một biểu tượng giàu sức thuyết phục hay đã từng quen thuộc trong đời sống lịch sử – văn hóa dân tộc, sau khi đã làm giàu có thêm cho biểu tượng bằng nội lực văn hóa thẳm sâu và thăng hoa nó bằng xúc cảm thơ tràn trề, anh quay trở lại đào sâu mãi vào chính nội tâm đang ngổn ngang (thậm chí có thể còn đang hoang mang nữa) của mình như đã tìm được chỗ dựa, đã tìm được vỉa mạch, và chính tại những chỗ này, khi “Anh bật khóc thành tiếng/Nước mắt tràn đê”, thơ anh thường lóe sáng một cách thực bất ngờ, khiến người đọc rung động ngây ngất… NNB thường đem cả trải nghiệm đời mình làm chỗ dựa, làm sự tham chiếu cho từng câu thơ một! Và phải chăng điều này cũng đã góp phần quan trọng khiến thơ NNB trở nên vô cùng phong phú- phong phú đến rậm rịt làm người đọc như lạc vào mê hồn trận của chữ nghĩa phập phồng cảm xúc của tác giả nhưng vẫn được tác giả kéo riêng ra một chỗ để suy ngẫm về nhân tình thế thái. (Tiêu biểu như các bài: Từ Thức bơ vơ, Sông cái mỉm cười, Ô cửa vuông trăng, Âm dương, Gia phả, v.v.)
Nhưng ngay cả khi viết về (hay viết cho) một đối tượng gần gũi thân yêu nhất, NNB cũng xử dụng biện pháp tạm gọi là “phân thân” này. Trong bài “Hai ngôi sao không lặn bao giờ”, đoạn đầu nhà thơ bày tỏ tình cảm trực tiếp với vợ: “Anh không nhận ra em/Một năm có là bao xa cách/Em ủ đầu anh vào ngực/Anh không thể nào hỏi được/Sao tiều tụy thế mình ơi?” Nhưng ngay liền đó, nhà thơ tách ra khỏi quan hệ trực tiếp để quan sát người vợ kỹ càng hơn, thông qua biểu tượng là đôi mắt, và đồng thời quan sát miêu tả chính nỗi xúc động của mình- hơn thế, để khái quát về thân phận của người phụ nữ trên “đường đời nhiều cạm bẫy”: “Chỉ còn đôi mắt/Đôi mắt chậm chạp u buồn/Một nốt ruồi đẫm lệ/Chỉ còn đôi mắt/Đôi mắt vẫn như ngày nào/ Đôi mắt ngày nào tôi nói yêu em/Đôi mắt khép nhận lời/Chỉ còn đôi mắt của vợ tôi/Toàn thân em như cây thị rũ lá/ Khô cành trước gió ban mai/Chỉ còn đôi mắt/Đôi mắt kể tôi nghe/Lưng ngày nắng quật/Đêm ngồi bỏng vú nuôi con/ Vai gánh nỗi thương chồng/Đi xa đường đời nhiều cạm bẫy/Chỉ còn đôi mắt/ Đôi mắt đổ xiêu.” Tới đoạn 3, đoạn sau cùng, nhà thơ lại trở về vị trí trong đoạn thơ đầu, trực tiếp tâm tình với vợ; nhưng ở đây, đôi mắt đã được tách ra thành đối tượng thẩm mỹ riêng biệt đối với cả hai người, và đó chính là một sự “phân thân” cấp số nhân khiến cảm xúc được dồn nén nghẹn ngào suốt từ đầu bài thơ đến cuối cùng chợt vỡ òa: “Anh ôm đôi mắt ấy/Bỗng òa đôi mắt khóc/Tình rụa ràn mặt anh/Đôi mắt u hoài trong vắt/ Đôi mắt ấy chính là hai ngôi sao trên trời/Đêm đêm nhìn anh/Thức với anh/Đi cùng anh/Hai ngôi sao không lặn bao giờ.” Thương cảm nhưng không chìm ngập trong nó mà để đúc rút ra được biểu tượng của Cái Đẹp và Tình Thương! Đây có thể nói là một trong những bài thơ hay nhất, tiêu biểu cho phong cách NNB (tạm gọi thế); và nếu tôi có trách nhiệm trong Ban tu thư soạn SGK, tôi sẽ lập tức đưa bài này vào chương trình văn phổ thông trung học!
Nhìn chung, ở thơ NNB, các yếu tố tự sự (narrative) và trữ tình (lyric) hòa quyện khó phân biệt – trong tự sự đã thổn thức trữ tình và khi trữ tình lại đậm đặc tự sự – đó là một thứ tự sự giống thể văn kệ của văn học Phật giáo song lại giàu trực cảm. Sự trang trải thi hứng đến ào ạt không ngăn cản NNB thường cô đúc câu của thơ mình vào một hình thức ngắn gọn, mộc mạc như lời nói thường ngày song có sức nặng triết lý như châm ngôn, tục ngữ và gửi gắm được suy tư thâm trầm của một” thầy phù thủy” chữ nghĩa”. /Có đường bởi có bước chân/Có ngã ba bởi đời cần tìm nhau” – “Em đã trả lại anh cho đời/Đã trả lại dòng thơ thủ thỉ cho yêu/Cái chết bỗng trở thành hèn nhát” – v.v.
Ngay từ những bài thơ đầu tiên của mình, NNB dường như đã có xu hướng huyền thoại hóa những hình ảnh, những chi tiết thơ, những quan sát cùng nhiều thi liệu khác đã trở nên quen thuộc thậm chí mòn sáo nhưng khi nhìn qua “Gằm gằm nỗi gì sau đít chai” cộng với một tình thương trĩu nặng thường trực thì “ngựa lá đa sẽ hóa ngựa thần”… Xu hướng tinh thần và dần biến thành quan niệm sáng tác vững bền này khiến người thơ thỏa sức chìm trong “Ký ức ca dao”, trong “lung linh cổ tích đêm mơ” và biết bao biểu tượng của văn hóa Dân Tộc gần gũi với mỗi người dân Việt từ thở ấu thơ cho đến khi từ giã cõi đời- dù ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Thơ NNB, từ thời xa lắm cho tới gần đây nhất, hầu như chỗ nào cũng ướt lệ và thầm thì âm hưởng những lời ru nao lòng “rợp từng đàn cò trắng” hay “âm âm lời Chinh phụ lời Kiều”… Nhà thơ đi trên “một con thuyền Trương Chi “suốt từ thời tráng niên cho tới ngày lên lão mà chưa hề thấy mệt mỏi, chán nản, ngược lại dường như càng đắm say thêm những gì được thấy được nghe trên con thuyền ấy- kể cả tiếng hát cô đơn xa xót của chính mình… Nếu bình tĩnh đọc và nghiền ngẫm dễ nhận thấy: mọi tâm tư, mọi nhận xét, mọi kiến thức, mọi thi hứng… của NNB dường như được liên kết lại trong/ và nhờ một trường cảm xúc – liên tưởng khá đặc biệt mà từ đó, tác giả phiêu du vào cõi Mộng; và cái cõi Mộng này (nhiều lúc kèm theo Ảo) thực ra cũng chỉ là hồi quang của ấn tượng lịch sử, của kinh nghiệm trường đời từng được lặn sâu trong mạch đời sống tâm hồn Dân Tộc. Đó là sợi tơ lòng thầm kín nhất, nhạy cảm nhất, và có thể nói là đắm đuối nhất kể từ những năm tháng người thơ được “bú mớm” bởi tình thương của các bà Tiên trong “Kinh thành cổ tích”, để lúc nào cũng sẵn sàng ngân lên thành lời ân nghĩa, thành “Thơ Dâng” (Tên một tập thơ nổi tiếng của thi hào Ấn Độ R.Tagore). NNB bơi lội hít thở trong cái “trường” văn hóa Dân Tộc đậm đà tình nhân ái của ông cha từ thở thơ ấu, từ buổi “lần đầu tiên thấy lòng tôi chiêng trống”, mà đối với anh dù đi suốt cuộc đời “vẫn là mới sáng hôm qua”… Nhưng không phải nhà thơ vay mượn những hình ảnh, những biểu tượng và sự thụ cảm dân gian ấy, mà chúng thực sự là máu thịt của anh, nảy sinh từ trong huyết quản và từ tận tế vi tiềm thức, chúng được chứng thực bằng nỗi đau riêng và nỗi đau chung của anh! Lắng nghe một cách chăm chú chật vật, giao tiếp một cách đau đớn, đối thoại một cách vật vã, để rồi sau đó nhà thơ chỉ làm cái việc là vội vàng run rẩy ghi lại một cách chân thật những gì mà tiềm thức nói, những gì mà chàng Từ Thức tâm sự, những gì mà Thánh Thơ Cao Bá Quát dạy bảo, những gì mà nàng Kiều thổn thức, những gì mà bà Tiên phán truyền, những gì mà người cha trăng trối… Sự thống nhất khá bền vững của hệ thống thi liệu và cách thụ cảm dẫn tới nghệ thuật biểu hiện rất nhạy cảm với nỗi khổ đau này, theo tôi là một nét đặc sắc riêng biệt khó trộn lẫn với bất kỳ ai của thơ NNB, lý giải phần nào sức cuốn hút gần như huyền bí của thơ anh. Và chính cái trường cảm xúc – liên tưởng nói trên cũng góp phần quan trọng tạo nên một người thơ NNB không giống ai, nó tựa một thứ “tâm trạng mỹ học đặc biệt” được nhiều nhà nghiên cứu văn học & nghệ thuật đã nói đến, tiêu biểu là của tác giả E. Weber: “Tảng đá tư tưởng rơi vào tâm trạng này và làm dấy lên những đợt sóng tinh thần, những đợt sóng này vươn tới sự biểu hiện bằng ngôn ngữ và sẽ phải trở thành Thơ.”(2)
Mấy chục năm trước trong ghi chép “Thủng thẳng với Thơ”, NNB đã tâm sự: “Tôi lắng nghe nhịp đập trái tim mình từ mọi phía khác nhau của cuộc đời, sự chỉ huy không phải là bộ óc, mà là trái tim, cho nên những phấn khích nội dung nơi trái tim liền tức khắc thành thơ, những vần thơ ấy nhiều khi mâu thuẫn với chính tư duy của mình”. Cũng nhờ sự mâu thuẫn đó, cũng giống như trong nghề làm gốm, một bình gốm bị “hỏa biến” tức là không làm chủ được nhiệt độ thì sản phẩm bị hỏng, nhưng cũng có lúc lại tạo ra sản phẩm kỳ lạ độc nhất vô nhị, tác phẩm thơ đôi lúc thăng hoa không ngờ. Trong thơ NNB, ta gặp không ít trường hợp như vậy. Trong bài gần đây nhất “Hello” ta có thể nhận ra: tất cả những màu sắc rực rỡ hay xám xịt, những tiếng khóc tiếng cười, những chuyện vui – buồn, cũ – mới trong cuộc đời này, từ nước Việt xa xôi đến những bang của nước Mỹ… đều có thể ném vào hai câu thơ sau đây như một cái “thùng không đáy”, đầu bài: “Chỉ thấy chữ múa chữ hát chữ hôn chữ làm tình chữ gục đầu chữ khóc”, và cuối bài: “Người viết những dòng nhật ký này hello cùng tiếng nức nở trong lòng”. Tới lúc đó, hình như người đọc cũng vô tình phải làm thơ theo anh, cũng muốn “hello” với một giọt lệ cay trong đáy mắt…
Tuy vậy, trong lúc say sưa “Chuyền tay chữ hát xuống thuyền”, thơ NNB không phải bài nào cũng “đắc ý” làm thỏa mãn người đọc. Những kiến thức dày đặc về triết học Á Đông, về sử học, nhân học, văn học dân gian… được thể hiện trong thơ NNB không phải lúc nào cũng được xử dụng đúng chỗ, đắt giá, thậm chí đôi khi chúng làm thơ anh nặng và rườm. Nhưng dù thế, chúng cũng đều kịp thủ một “sứ mệnh” nào đó trong kho “Lưu trữ yêu” của thi sĩ có thân phận khá đặc biệt này.
3. Trong một tập sách đối thoại về thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Tùng có dẫn câu nói của nhà thơ Wiliam Carlos Wiliams: “Khó mà có thể tìm ra các tin tức trong thơ, thế nhưng hàng ngày, con người vẫn chết thê thảm vì họ thiếu những điều chỉ tìm thấy trong thơ.”(3) “Những điều chỉ tìm thấy trong thơ” đó- dĩ nhiên phải là thơ thứ thiệt- chúng ta có thể tìm thấy trong từng dòng, từng trang thơ NNB mà ở đó anh đã thành thật đến não lòng kể lại: “Thơ tôi đã ra đời trong tiếng gõ cửa dồn gấp, trong những lời kêu thét bệnh hoạn, trong đói nghèo muốn cuốn đời vào hèn hạ, nhưng nó vẫn kiêu hãnh khóc như trẻ sơ sinh, trên cái bàn chỉ đứng ba chân…Tôi đã chép những chán nản ấy, những thất vọng ấy, những cay đắng ấy vào thơ. Và hân hoan thay, thơ trả lại cho tôi những dòng chữ nghĩa như khí cho tôi thở, như lửa cho tôi chế biến thức ăn, như sông suối cho tôi tắm mát. Đó là đức tin phải có, đức tin phải sáng rạng trong tâm hồn…” (Thủng thẳng với thơ). Và với riêng tôi, đây mới là điều đáng yêu, đáng quý nhất của thơ NNB: Trầm lắng vào cuộc đời Dân Tộc, đúng hơn là vào hành trình đau khổ của Dân Tộc- với phương tiện khi là lục bát, lục bát biến thể, khi thơ không vần, thơ văn xuôi…- nhà thơ bằng cách đó đã làm giàu có cho tinh thần mình, để trước hết dạy dỗ cho con cháu anh thông qua “Bài ru trằn trọc” về những lẽ đời nghiêm trang cảm động, và bài học quan trọng nhất là tình thương, lòng trắc ẩn- cái điều đang thiếu trầm trọng trong hệ thống giáo dục của ta! (Tôi bỗng nhớ đến Châm ngôn thứ hai trong việc giáo dục học trò ở tác phẩm lớn “Émile hay là về giáo dục” của J.J. Rousseau chính là câu thơ Latin của thi hào Virgile: “Tôi biết điều bất hạnh, chính nó dạy tôi cứu giúp những người đau khổ”).
Thưa Bạn đã và sẽ yêu quý thơ NNB, hãy thử, với một cánh cửa tạm mở như trên mà bắt đầu (hay thêm một lần nữa) bước vào thế giới thơ anh, và trước hết hãy đọc nó như đọc một tập kinh cầu nguyện khi ta có Đức tin về Thơ, về Tình thương và Ân nghĩa trong Cõi Đời còn nhiều gian truân và ngang trái này…
____________________
* “Thơ Nguyễn Nguyên Bảy I”, Nxb Văn học, HN-2010 & “99 khúc tặng Liên”, Nxb Văn học, HN-2012
1. Tên những tác phẩm trường ca & thơ dài nổi tiếng củaNguyễn Đức Mậu, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Mạnh Hảo…
2. Dẫn theo: “Tâm lý học sáng tạo văn học”- M. Arnaudov, Nxb
Văn học, HN-1978, tr.536.
3. Dẫn theo: “Thơ đến từ đâu”, Nxb Lao động, HN, 2009
Hà Nội, 2011- 2013
Đạo diễn-nhà văn Nguyễn Anh Tuấn

13 thg 12, 2013

Một vài thông tin về Ngô Đình Nhu

Thứ sáu, ngày 13 tháng mười hai năm 2013

Tư liệu (VII): Một vài thông tin về Ngô Đình Nhu(*)

 (*)Xin cáo lỗi trước với bạn đọc rằng chủ blog Bách Việt chỉ coi đây là những thông tin "lượm lặt" từ nguồn internet hoàn toàn chưa được kiểm chứng,chỉ đẻ làm tư liệu cho bản thân mà thôi.

                                     

Dưới đây là bản tóm tắt luận văn tốt nghiệp trường École Nationale des Chartes năm 1938 của Ngô Đình Nhu (1910-1963). Luận văn này có tên “Les moeurs et les coutumes des Annamites du Tonkin au xviie siècle”. Quốc Anh bạn tôi đang dạy học ở Sciences Po đã bớt thời gian gõ đầu trí thức Pháp mà vào thư viện lục lọi và gửi về. Bạn Khiếu Anh cũng đã bớt thời gian đi học để dịch bản luận văn này qua tiếng Việt với tên “Những phong tục và tập quán của người An Nam ở Đằng Ngoài thế kỷ XVII”.
Nhưng trước hết là một chút thông tin về tác giả bản luận văn.
Năm 1970, tức là 7 năm sau khi chế độ Diệm-Nhu sụp đổ, ông Trần Kim Tuyến, một người bạn và sau này là cộng sự thân thiết của ông Nhu, cho biết ông Nhu có bằng cử nhân văn học ở Sorbonne rồi học tiếp École des Chartes. Trong một tài liệu khác thì nói rõ ông Nhu học ngành cổ tự học lưu trữ (archiviste palégraphe). Ông Tuyến cho biết trường này rất kén chọn, sinh viên phải qua hai năm dự bị ở một trường rất danh tiếng là Henry  Đệ Tứ rồi mới được nhập học, mỗi lớp chỉ có 20 học viên, sử dụng tiếng Latin rất nhiều, và chỉ có hơn một nửa số học viên này tốt nghiệp (link này cho thấy năm 1938 chỉ có 13 người trong danh sách luận văn). Do đó có từ  “Chartistes” để chỉ các sinh viên tinh hoa  của trường này. Năm 1961, khi ở đỉnh cao quyền lực, ông Nhu có đi qua Paris và gặp gỡ cá nhân với ngoại trưởng Pháp là Couve de Murrville, đại sứ Pháp ở VN và Étienne Manach phụ trách Châu Á của bộ ngoại giao Pháp. Cũng theo ông Tuyến thì nhờ hào quang của trường Chartes nên các cuộc gặp chỉ là cá nhân mà ông Nhu đã phá băng quan hệ Pháp Việt. Sau khi có ủng hộ của Pháp, ông Nhu bắt đầu chống Mỹ mạnh hơn, dẫn đến việc Mỹ quyết thay thế Diệm Nhu. Và theo như Phạm Xuân Ẩn trong “Perfect Spy” thì một trong những lực lượng gây ra cái chết của ông Nhu chính là CIA, đã can thiệp sâu vào đảo chính, thông qua một người bạn CIA của ông Ẩn tên là Lou Conein. Tuy nhiên, ông Ẩn tránh không nói đến ai trực tiếp ra lệnh giết ông Nhu, có thể bởi người ra lệnh (Minh Cồ) lại là bạn của ông Ẩn. Có vẻ như giữa ông Ẩn và ông Nhu chỉ có một người bạn chung nổi tiếng: đại tá Edward Lansdale, người vẫn được cho là nguyên mẫu của The Quiet American , và dù có không phải thì về sau tiểu sử của Lansdale vẫn có tên là The Unquiet American .
Trở về Hà Nội năm 1938 ngay sau khi tốt nghiệp (28 tuổi), ông Nhu làm việc như một học giả trẻ cho đến khi bị lùng bắt và phải bỏ trốn qua Lào rồi về Đà Lạt. Cụ thể từ năm 38 đến 43 ông làm nhân viên Nha văn khố trung ương Hà Nội. Sau đó kiêm thêm Chủ sự văn khố tòa khâm sứ Huế. Triều đình Huế cũng bổ nhiệm ông làm Chủ tịch hội đồng chỉnh đốn Châu bản của Văn khố nhà Nguyễn. Sau đó Nhật đảo chính Pháp, ông Nhu (có thể vì có anh ruột là ông Diệm thân Nhật chống Pháp) nên được bổ nhiệm làm Giám đốc văn khố trung ương tại Hà Nội.  Năm 1945  ông Nhu đã kịp xuất bản cuốn khảo cứu ” “La Fête de l’ouverture du Printemps a Hanoi – Hội Khai xuân ở Hà Nội”.
Trong thời gian này, ông Nhu cũng lấy vợ, đám cưới được làm lễ ở Nhà thờ lớn Hà Nội. Vợ ông là Trần Lệ Xuân, kém ông 14 tuổi, sau này nổi tiếng với tên gọi “đệ nhất phu nhân” ở Việt Nam,  và với tên do tổng thống Kennedy đặt là Dragon Lady (bà chằn) ở Mỹ. Trần Kim Tuyến mô tả bà Trần Lệ Xuân, một thiếu nữ trẻ đẹp, sống trong nhung lụa, phải học tiếng Việt qua gia sư, và là “một phụ nữ thuộc một giai cấp ở Việt Nam không có”. Bà Xuân đã “nuôi chồng” suốt thời gian  ông Nhu “thất nghiệp, chưa có sự nghiệp”, ở Đà Lạt và sau đó là Sài Gòn. Thời kỳ đó ông Nhu không có cả tiền để mua thuốc lá và ăn sáng, phải có bạn bè cộng sự “bao”. Cuộc sống giản dị kiểu một trí thức khắc kỷ này đã đi cùng ông Nhu đến hết cuộc đời.
Các tài liệu nói rất rõ sau Cách mạng tháng 19/8/1945 ông Diệm bị bắt và được thả, nhưng về ông Nhu thì chỗ nói bị bắt, chỗ nói không bị bắt. Tuy nhiên theo như tôi hiểu qua câu chuyện tôi mới được nghe kể gần đây thì ngay sau 19/8 ông Hà đã đến gặp ông Nhu (lúc đó làm việc dưới quyền bộ trưởng Võ Nguyên Giáp) rồi sử dụng xe của chính phủ (đi mua gạo) để đưa ông Nhu trốn ra ngoại thành, rồi đi Phát Diệm. Chi tiết này có lý vì ông Hà lấy bằng Tiến sỹ Chính trị học ở ngôi trường danh tiếng Sciences Po năm 1937 rồi về nước hoạt động xã hội rất mạnh, trở nên nổi tiếng và có rất nhiều quan hệ với các phe phái lực lượng. Chắc ông Hà có quen ông Nhu từ lúc ở Paris, và ở thời điểm sau 19/8  ông Hà có thể biết ông Nhu đang gặp nguy hiểm (hai người anh của Nhu một bị bắt, một bị giết cùng thời kỳ này) đã báo cho ông Nhu và giúp ông Nhu bỏ trốn. Cuộc gặp giữa ông Hà và ông Nhu, tôi nghe kể: “nói bằng tiếng Pháp, tôi chỉ nghe được câu mốt câu hai, nhưng chắc chắn là về chính trị”, có lẽ “chuyện chính trị” mà hai ông nói liên quan đến việc tính mạng ông Nhu đang nguy cấp. Trong cuốn sách mới xuất bản của bà Nhu (11.2013) cũng có nói việc ông Nhu bị bắt hụt ở Huế, sau đó ra Hà Nội và biến mất. Bà Nhu cũng phải trốn vào Sài Gòn và rồi bất ngờ gặp chồng mình đang trốn cùng một chỗ.
Trong quá trình chạy trốn, ông Nhu quen Trần Kim Tuyến, lúc này là một thành niên trẻ mới học xong tú tài. Trần Kim Tuyến sau trở thành trùm mật vụ của chế độ Diệm-Nhu trước khi bị ông Nhu nghi ngờ và cách chức. Sau khi bị Nhu phế, ông Tuyến sợ quá trốn ra nước ngoài. Sau sự kiện 1963  ông Tuyến mới dám trở về Sài Gòn những cũng vẫn bị bắt. Người cứu ông là Phạm Ngọc Thảo, một điệp viên của miền bắc, và là đại tá quân đội VNCH lúc bấy giờ. Đến 30/4, một lần nữa ông Tuyến lại được Phạm Xuân Ẩn, cũng là một tay tình báo của miền bắc, cứu vào phút chót. Chưa hết, trợ lý thân tín của ông Tuyến là Ba Quốc, cũng là tình báo của miền bắc (thiếu tướng Đặng Trần Đức). Điều này thật kỳ lạ. Nó cũng kỳ lạ như Phạm Ngọc Thảo sau chính biến đã đem một toán quân xuống Chợ Lớn để cứu Diệm và đưa Nhu ra nước ngoài nhưng bất thành. Chuyện đại tá Thảo và ông Ẩn hai lần cứu cựu trùm mật vụ Trần Kim Tuyến, đều do ông Ẩn và chính bác sỹ Tuyến kể lại. Sau này, năm 1965, Phạm Ngọc Thảo bị mật vụ truy sát, bắn ở bờ suối, nhưng không chết mà vẫn xin được giấy của học trò để viết tin nhắn. Bức thư viết tay đẫm máu của ông Thảo hiện vẫn ở Sài Gòn. Cách đây mấy hôm tôi đã ngồi cách nó chỉ độ hai mét nhưng mà không được xem tận mắt.
Ông Nhu, vốn là con trai của một gia đình quan lại phong kiến nhưng theo tây học, trở thành học giả trẻ uyên bác, điều này lý giải cho việc sau nhiều năm ở ẩn ông bất ngờ trở thành một chính trị gia mưu lược và bí hiểm. Các phát biểu của ông Nhu cộng với nội dung cuốn sách, được coi là của Ngô Đình Nhu, xuất bản sau khi ông bị giết (Chính đề Việt Nam) hé lộ rất nhiều chi tiết cho thấy một học giả cổ sử, am hiểu lịch sử Việt Nam và Châu Âu, đã nghiền ngẫm tri thức trị quốc của nhà Nguyễn, của Châu Âu rồi biến nó thành tư tưởng và học thuyết chính trị của riêng mình.
Cách ông Nhu sáp nhập Hoàng Triều Cương Thổ, dẹp yên các tổ chức có vũ trang ở miền nam, xây dựng ấp chiến lược … (theo thứ tự) cực kỳ giống những gì nhà Nguyễn  đã  làm (theo thứ tự) với vương quốc cuối cùng của Chân Lạp (1832), dẹp loạn Lê Văn Khôi (1832-1835), dẹp Mọi Đá Vách ở Quảng Ngãi (1863). Trong Chính Đề Việt Nam (sử dụng bút danh Tùng Phong) ông cũng không che dấu các  bí quyết trị quốc phải được truyền từ đời (vua) này qua đời khác, một cách nói khéo rằng các ông đã học các bí quyết trị nước từ quá khứ.

Ở một khía cạnh khác, ông Nhu học hỏi rất nhiều từ lịch sử chính trị Châu Âu, và trở thành hình mẫu lãnh đạo chính trị kiểu Machiavelli đầu tiên ở Việt Nam. Siêu điệp viên Phạm Xuân Ẩn cho rằng ông Nhu là người tổ chức ám sát Trình Minh Thế. Đại tá an ninh quân đội Đỗ Mậu và trùm mật vụ Trần Kim Tuyến thì kể chi tiết cách ông Nhu xử lý các vấn đề biên giới và xung đột sắc tộc với Khmer bằng cách tổ chức ám sát Sihanouk và đảo chính ở Cambodia. Với những kẻ có quyền lực yếu hơn, đôi khi ông Nhu cũng vẫn Machiavelli nhưng theo kiểu ngược lại. Bác sỹ Tuyến kể việc ông Nhu giải quyết các hộ kinh doanh bình dân sống bằng kinh doanh vỉa hè rất lộn xộn bằng cách mời đại diện nghiệp đoàn của họ vào Dinh để nói chuyện. Đó là ông Vượng, người đã phát minh ra “bia cốc bờ Hồ” được ưa chuộng cực kỳ ở Hà Nội trước 1954. Món “bia cốc” này, tôi nghĩ,  chính là tiền thân của bia hơi Hà Nội mà ngày nay chúng ta vẫn nốc cùng thịt chó.
Cách hành xử thực dụng và máu lạnh kiểu Machiavelli đã khiến ông Nhu trở thành chính trị gia bị sợ hãi và căm ghét; từ đó người ta quên đi rằng ông này có lẽ là người đầu tiên (và cũng có lẽ là duy nhất) biết cách và có chủ ý xây dựng một quốc gia dân tộc (quốc gia = nhà nước) đúng nghĩa. Một nation builder, nói theo kiểu tây, có kiến thức lịch sử chính trị và địa lý vững chắc, nắm vững tình thế, hiểu đại cục từ trong nước đến quốc tế, có tầm nhìn xa và dự báo chiến lược khá chính xác. Ngày nay nhìn lại, có nhiều cái ông Nhu tiên đoán, nhận định, chuẩn vãi chưởng.
Tôi đoán rằng, việc ông Diệm phế ông Bảo Đại và biến Việt Nam thuộc Pháp từ thể chế quân chủ sang thể chế cộng hòa hoàn là đường lối của ông Nhu. Hiến pháp của thể chế này không thấy ở đâu nói là ai viết, nhưng chắc cũng có bàn tay của ông Nhu. Ngày mà bản Hiến pháp 1956 này được thông qua cũng được lấy làm ngày quốc khánh của Việt nam Cộng hòa (sau được gọi là nền cộng hòa đệ nhất).
Cách cai trị độc tài của chế độ Diệm-Nhu, định hình bởi bộ óc của ông Nhu và phong cách quan lại của ông Diệm vốn là quan lớn của nhà Nguyễn. Phương pháp cai trị của ông Nhu có thể đến từ việc ông đã nghiên cứu rất kỹ Hitler, Gandi, Lenin, Mao cũng như am hiểu sâu sắc bản chất con người Việt Nam. Trần Kim Tuyến cho biết ông Nhu mỗi năm đóng cửa 10 ngày chỉ để đọc sách. Đọc sách gì ông cũng có kế hoạch sẵn, đọc cuốn nào cũng có ghi chú đầy đủ. Các nhân vật mà ông Nhu thích đọc là Lenin, Mao. Phòng làm việc rất ngăn nắp và tài liệu sắp đặt rất khoa học. Công cụ và lực lượng dùng để cai trị của ông Nhu, rất giống nhà nước cảnh sát của Hitler. Thế nhưng theo ông Cao Xuân Vỹ , trợ lý của cả ông Diệm lẫn ông Nhu, thì chính văn phòng của ông Nhu lại rất ít nhân sự, các nhân sự cũng “tự túc” là chính, phải chăng là do lối sống khắc kỷ và tinh thần “cần cù lao động” để cống hiến cho tập thể của chủ nghĩa “personism”?
Sách ông Nhu đọc theo lời kể của bác sỹ Tuyến là các sách ông đọc sau này, khi đã thành chính trị gia ở Sài Gòn. Còn trước đó, khi ở ẩn trồng hoa lan trên Đà Lạt, hay thủa đi học ở Paris ông đọc gì? Tôi đoán ông Nhu đã đọc các sách cổ sử như kiểu Herodotus, hay các sách địa lý, tôn giáo thế giới.
Dấu vết của việc đọc này có thể tìm thấy trong Chính đề Việt nam, khi tác giả của cuốn sách phân tích lịch sử văn minh nhân loại, cùng với sự hình thành và suy yếu của các đại đế quốc, từ La Mã đến Quốc Xã, từ Nga đến Liên Xô, so sánh các thể chế trong lịch sử, giữa Anh và Pháp. Tôi cũng đoán ông Nhu có đọc cả Gustave Le Bon khi ông phân tích đặc tính tâm lý của dân tộc Việt Nam, mà ông dùng từ tính khí, đó là yếu ớt và nhược tiểu, dẫn đến ứng xử ngoại giao yếu kém do tính khí yếu ớt lại đặt dưới áp lực đe dọa bởi ngoại xâm. Tất nhiên ông Nhu thuộc cổ sử Việt Nam, và trong 2 trang của Chính Đề ông đã diễn giải chính xác công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt trong 1000 năm trở lại đây cũng như mổ xẻ chi tiết lý do/nguyên nhân Trung Quốc luôn có khát khao xâm lược Việt Nam. Với cuốn sách hoàn thành năm 1962 này, ông Nhu có lẽ là người đầu tiên đặt ra nhiều câu hỏi sâu sắc cho dân tộc, ví dụ như tại sao người Việt có bờ biển dài hàng ngàn cây số mà chưa bao giờ họ khao khát đi ra biển, thậm chí cũng chưa một lần tiến lên cao nguyên trong suốt quá trình Nam tiến ấy; cũng như là người đầu tiên phát biểu và chứng minh được mở cửa và hội nhập sâu (mà ông gọi là phương tây hóa, ngày nay gọi là toàn cầu hóa) không làm mất đi cái gọi là bản sắc dân tộc. Một số “sách lược, chiến lược” ông Nhu chỉ ra trong sách, sau này không hiểu vô tình hay học lóm mà các chế độ sau đều áp dụng.
Là một nhà nghiên cứu cổ tự, ông Nhu sớm nhận ra giới hạn nghèo nàn của tiếng Việt và danh từ tiếng Việt, cũng như lợi thế của chữ quốc ngữ so với chữ nôm. Trong CĐVN, ông dành hẳn một phần rất dài đưa ra các giải pháp làm mạnh tiếng Việt.
Về tư tưởng, trong A history of the Vietnamese, nhà sử học K.W. Taylor cho rằng ông Nhu từ chối cả hai ý thức hệ (tư bản và cộng sản, quần chúng và cá nhân). Chính đảng do ông Nhu xây dựng có tên là Đảng Cần Lao, nếu dịch ra tiếng Anh (Labor Party) thì rất giống tên chính đảng cầm quyền ở miền bắc lúc bấy giờ là Đảng Lao Động. Nhưng trong tiếng Việt thì ông Nhu lý giải rằng chữ “động” trong “lao động” có màu sắc cưỡng bức đám đông của Mao còn chữ “cần” trong “cần lao” của ông Nhu thì có màu sắc tự nguyện. Sử gia Taylor giải thích triết lý (ý thức hệ) Nhân Vị của ông Nhu là do chịu ảnh hưởng triết lý “personalism” của triết gia công giáo Emmanual Mounier (khi ông còn ở khu Latin, Paris), nhưng ông Nhu đã nhấn mạnh chân giá trị của cá nhân trong  bối cảnh “hợp tác tập thể để tự cá nhân” rồi phát triển nó thành học thuyết riêng của mình mang tên Nhân Vị. Taylor khuyến nghị cách dịch Nhân Vị ra tiếng Anh là “personism”.  Lập luận này của Taylor có lẽ đúng bởi chính ông Nhu phủ nhận thuyết Nhân Vị của mình giống với Nhân Vị của Công giáo. Với học thuyết Nhân Vị, nảy mầm vào khoảng thời gian ông trốn khỏi Hà Nội, ông Nhu đã có tư tưởng chống Mỹ (tư bản) nhiều hơn chống Pháp (theo lời Cao Văn Viên), hòa hợp được nhiều tôn giáo (theo giải thích của ông Nhu), và là cơ sở đề cao sự tự quyết của dân tộc (không cho Mỹ đưa quân vào, không cho tăng cường cố vấn quân sự, không cho đặt cố vấn Mỹ bên cạnh các tỉnh trưởng, …là những cái được chính quyền Sài Gòn chấp thuận sau khi Diệm Nhu bị giết).
Hòa hợp tôn giáo cuối cùng thất bại, nỗ lực chống lại can thiệp quân sự của người Mỹ vào Việt Nam cũng thất bại. Cả hai đều dẫn đến sự sụp đổ của gia đình họ Ngô. Can thiệp của người Mỹ vào đảo chính thì như trên đã dẫn lời Phạm Xuân Ẩn.
Về xung đột với Phật Giáo, sách của Đỗ Mậu và Trần Kim Tuyến nói ngược nhau, nhất là về việc thượng tọa Trí Quang trốn vào sứ quán Mỹ cho đến khi xong đảo chính. Không những thế, vị thượng tọa làm rối beng nền đệ nhất cộng hòa, và làm phó tổng thống đệ nhị là Nguyễn Cao Kỳ phát cáu lên, lại bất ngờ trật tự sau 1975. Còn Phạm Xuân Ẩn, từ thời đó đã biết đại tá Thảo là tình báo của Hà Nội, nhưng sau này có vẻ như lờ đi, không nói về thượng tọa Trí Quang mà chính bạn của ông Ẩn là bác sỹ Tuyến luôn cho là một ông sư marxist. Một chi tiết rất thú vị là Bản dịch Báo cáo vi phạm nhân quyền 1963 ở Nam Việt Nam, đến năm 1966 được dịch in, với lời giới thiệu của thượng tọa Trí Quang đã bỏ không dịch một số “finding” của báo cáo. Các finding này không cho thấy có đàn áp tôn giáo, các nhóm tôn giáo có đụng độ chính quyền đều có màu sắc chính trị (Báo cáo The Violation of human rights in South Viet-Nam do phái đoàn United Nations Fact-Finding Mission to South Viet-Nam thuộc Committee on the Judiciary, U.S. Senate thực hiện). Đây là 2 finding trong số đó: “ 1) There were no religious persecutions as the law did not single out any one particular religion.  2) Deaths at the unfortunate incident near Hue radio station was caused by explosions, most probably made by Communist infiltrators. As South Vietnam army did not have such weapon in their possession.”
Sách của Trần Kim Tuyến và Đỗ Mậu cũng nói ngược nhau về nguyên nhân của sự liên lạc của ông Nhu với Hà Nội. Dù rằng việc liên lạc ấy là có vẻ như là thực và giống nhau trong sách của cả ông Mậu lẫn ông Tuyến: thông qua ngoại giao, bên ông Nhu bí mật vào rừng, hoặc bên miền bắc từ rừng bí mật vào dinh tổng thống (chắc sử liệu ở Hà Nội có ghi chi tiết). Người cán bộ cộng sản thư sinh bí mật vào dinh gặp ông Nhu nhiều lần, được cho là Trần Độ (?).  Còn ông Cao Xuân Vỹ sau này tiết lộ rằng: ông Nhu sau khi tìm kiếm được sự ủng hộ của Pháp, trong một chuyến đi săn cọp ở Tánh Linh đã bí mật gặp Phạm Hùng, lãnh đạo cao cấp của mặt trân giải phóng miền nam. Sách của Đỗ Mậu và Trần Kim Tuyến chỉ ngược nhau về cách giải thích. Nhưng dù giải thích thế nào, thì việc ông Nhu bí mật nói chuyện với Hà Nội cũng là một cái cớ nữa để người Mỹ xuống tay. Việc ông Nhu đi Pháp như nói ở trên, cũng là một nước cờ quan trọng nhằm kéo thêm ủng hộ (viện trợ) của Pháp bù vào phần hụt mà Mỹ sẽ cắt đi, trong lúc tiếp tục đàm phán bí mật để dẫn đến thỏa hiệp với Hà Nội (mà nhiều người cho rằng nếu thành công thì sẽ thống nhất đất nước bằng hòa bình, giữ được nền cộng hòa, và ông Nhu có thể một ngày nào đó trở thành thủ lĩnh). Điều này có vẻ cũng có lý, khi trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông Nhu đã từng thực hiện thành công một việc tương tự, khi ông gặp bí mật Bảo Đại trước khi ông vua trẻ này rời Việt Nam qua Pháp đúng 10 năm trước (1953).
Trong một nghiên cứu ngắn cách đây chưa đến chục năm, Nguyễn Gia Kiểng đã tiếp xúc và có tài liệu từ một chính trị gia lão thành thuộc phe cánh tả của Pháp, ông Jaques Bénet. Ông Bénet là bạn học cùng trường Chartes với ông Nhu (tốt nghiệp 1939), tham gia kháng chiến, tham gia thành lập đệ tứ cộng hòa của Pháp, và có quan hệ chính trị rộng rãi. Sau này ông Bénet là người của Đảng Xã Hội Pháp. Ông Nhu có tiếp xúc bí mật với Bénet trước khi Bảo Đại qua Pháp; và chính ông Bénet đã làm đầu mối bí mật để vận động Pháp lặng lẽ chọn Ngô Đình Diệm làm giải pháp thay thế Bảo Đại. Nhận định này là do ông Kiểng đã gặp trực tiếp Bénet và đọc từ  bức thư riêng mà ông Nhu và Bénet trao đổi với nhau. Ông Kiểng cũng phân tích rằng ông Nhu hoàn toàn không có quan hệ với bất cứ ai ở Mỹ, cho đến khi ông Nhu có quyền lực ông mới quen Lansdales ở Sài Gòn. Ông Diệm thì có một chút quan hệ với Mỹ từ năm 1950, nhưng phải sau khi ông lên tổng thống, qua thăm chính thức nước Mỹ, và sau khi chính phủ Pháp thời De Gaulle quay lưng lại với ông Nhu, thì người Mỹ mới chính thức đứng sau ông Diệm. Ông Kiểng cũng cho rằng sau khi Diệm Nhu bị lật đổ, nước Pháp đã quay về phía Hà Nội.
Các phân tích và lý giải trên cũng phù hợp với nhận định trong cuốn sách mới nhất (2013) của Edward Miller. Các tài liệu được giải mật của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ mà Miller tiếp cận đã cho thấy đến tận tháng 5 năm 1954 Mỹ có ít thông tin và rất mù mờ về ông Diệm:  “…the available materials suggest that Dulles and other senior Eisenhower administration offcials were not at most only “vagualy aware” of Diem prior to May 1954.”  Lập luận của ông Kiểng cũng khá logic với việc ở giai đoạn chuyển đổi vốn rất cần nhân sĩ thân Pháp nhưng ông Nhu đã không sử dụng nhóm ông Hà (học giỏi, có uy tín, đã từng làm bộ trưởng ở Hà Nội), ông Hãn (học giả lớn), ông Luyện (em ruột ông Nhu và là bạn học của Bảo Đại) dù rằng chính nhóm này đã thuyết phục Bảo Đại ký giấy bổ nhiệm ông Diệm làm thủ tướng. Khi tôi hỏi một người trong nhóm này, ông trả lời đơn giản là ông Nhu không thích tôi. Để khẳng định rõ hơn, ông kể thêm chi tiết ông còn hỏi ông Tuyến xem hồ sơ của ông có vấn đề gì không mà không được Nhu sử dụng. Câu trả lời là hồ sơ sạch. Ông Diệm phần nào giải thích việc không sử dụng các trí thức lớn thiên tả Hà, Hãn, Tường trong thư riêng gửi ký giả Joseph Buttinger năm 1956. Sách của Đỗ Mậu lẫn Trần Kim Tuyến đều nói các bài diễn văn quan trọng của ông Diệm đều do ông Nhu viết bằng tiếng Pháp rồi cho người dịch ra. Lá thư gửi Buttinger có thể cũng do ông Nhu viết.
Các lập luận của ông Kiểng cũng logic với việc một người chống Pháp như ông Diệm mà một mình đơn độc  dẹp sạch bách những gì chịu ảnh hưởng của Pháp, kể cả quân đội Bình Xuyên chỉ trong năm 1955. Năm 1955 chính quyền ông Diệm sáp nhập vùng đất Hoàng Triều Cương Thổ của Bảo Đại vào miền nam, cũng như dẹp nguồn tài chính của Bảo Đại ở Chợ Lớn (sòng bài Đại Thế Giới, xóm ăn chơi Bình Khang) do Bình Xuyên của Bảy Viễn điều hành (Bảy Viễn được Bảo Đại phong tướng năm 1952, một năm trước khi Bảo Đại qua Pháp). Chỉ dựa vào ủng hộ của Mỹ mà không có đèn xanh từ Pháp thì sẽ không có giải pháp thay thế ngoạn mục: nhanh và ít đổ máu như vậy. Thậm chí chiến dịch Hoàng Diệu của Dương Văn Minh đánh vào rừng Sác, cũng được cho là chiến dịch do ông Nhu dàn xếp sẵn với Pháp chứ không hẳn là bắn nhau thật. Sau đó Pháp đã đưa Bảy Viễn qua Paris.  Trong các sách tôi đọc, thấy cũng ông Nhu luôn chế diễu các phe phái chống cộng là “không có giải pháp thay thế (thì chống để làm gì)” có lẽ là vì lý do bí mật về “giải pháp thay thế Bảo Đại” mà ông Kiểng phát hiện ra.
Nhưng bất kể thế nào, sau một loạt các cú ra tay rất thành công năm 1955 thì qua năm 1956 ông Diệm đã đưa được quân đội Pháp ra khỏi lãnh thổ (26/04/1956), đưa miền nam Việt Nam thoát khỏi Liên hiệp Pháp và chọn thể chế Cộng Hòa cho mảnh đất độc lập mới toe này, chấm dứt 72 năm đô hộ (1884-1956).
Sau khi chế độ Diệm Nhu bị hạ đổ, Sài Gòn rơi vào hỗn loạn chính trị, đảo chính hạ bệ nhau liên tục, cho đến khi Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống tình hình chính trị mới bớt hỗn loạn. Nguyễn Văn Thiệu được cho là người ra lệnh giết Phạm Ngọc Thảo. Ông Ẩn không có nhận xét gì nhiều về Diệm Nhu, nhưng với Thiệu ông mô tả ông tổng thống này như một con khỉ nghiện thuốc phiện của người Hoa, ý nói ông Thiệu là con khỉ nghiện viện trợ của Mỹ. Ông Ẩn, có vẻ như hơi cay đắng khi trách người Mỹ đã lật đổ ông Diệm mà không có “giải pháp thay thế”.
Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1946-1955 rất bí hiểm và rối rắm. Mà lịch sử Việt Nam thời kỳ nào cũng thế. Nếu tất cả những thông tin nói trên mà đúng, và chắc là đúng thôi, ít ra ở sự logic các sự kiện và nhân vật, thì ông Nhu là một trường hợp vô tiền khoáng hậu.
Từ một trí thức trẻ uyên bác, nghèo xác xơ, nói và viết tiếng Việt rất kém, trong một bối cảnh xã hội phức tạp vừa thoát khỏi thực dân phong kiến, dân trí thấp, thậm từ vựng chính trị của tiếng Việt cũng vẫn còn nghèo nàn, ông Nhu đã xây dựng được lực lượng chính trị của riêng mình, với tư tưởng và học thuyết chính trị của riêng mình (tuy tổ chức còn lỏng lẻo, nghiệp dư và có nhiều bê bối). Rồi từ đó ông Nhu đã trở thành một chính trị gia mưu lược, rất giỏi ẩn mình. Ông dựng lên một tổng thống đầu tiên, một thể chế chính trị cộng hòa mới mẻ, một nhà nước với guồng máy cai trị thực dụng đến tàn nhẫn nhưng rất hiệu quả.Cuối cùng ông Nhu chết cùng với vị tổng thống và chế độ do chính mình dựng nên, để lại thể chế cộng hòa còn non nớt.
Ngày Diệm-Nhu bị lật đổ được lấy làm ngày quốc khánh thứ hai cùng nền cộng hòa thứ hai (đệ nhị) và bản hiến pháp thứ hai ở miền nam. Người lật đổ Diệm (tổng thống đầu tiên của miền nam)  sau này trở thành tổng thống cuối cùng của miền nam và hàng tướng nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Các bí ẩn quanh quan hệ của tướng Dương Văn Minh, thượng tọa Trí Quang, nhà điệp báo Phạm Xuân Ẩn, cùng với khám phá mới nhất (2013) của Miller về kế hoạch tấn công giải phóng miền bắc của ông Diệm (sau trận Ấp Bắc), hay lá thư bí mật ngày 2-9-63 của ông Nhu gửi bạn đồng môn tố cáo các âm mưu lật đổ (được lục từ kho lưu trữ École des Chartes và in trong cuốn sách của bà Nhu tháng 11.2013) sẽ là món “nhậu” khoái khẩu cho các vị theo thuyết âm mưu, và là sự hồi hộp cho những ai kiên nhẫn đợi chờ sự tiết lộ dần dà của lịch sử.
Và ngay cả khám phá mới về kế hoạch tấn công miền bắc này, cũng rất thú vị, khi nó có thể là một quân bài để mặc cả cho một quân bài khác, đó là hiệp thương với Hà Nội. Là một nhà nghiên cứu hiểu biết sâu sắc về lịch sử và đặc tính dân tộc theo vùng miền, ông Nhu lập kế hoạch hiệp thương gồm 6 bước: bắt đầu là để nhân dân hai miền trao đổi thư từ, rồi qua lại thăm nhau, rồi trao đổi kinh tế Than-Gạo, rồi định cư, cuối cùng là tổng tuyển cử. Ông Nhu hy vọng sẽ có khoảng 3 triệu người rời miền bắc để định cư ở miền nam, làm cân bằng dân số (mỗi miền 20 triệu), có lợi cho việc trúng cử của ông Diệm hoặc ông Nhu. Kế hoạch này, giờ nhìn vào Nam Hàn-Bắc Hàn ta sẽ thấy rất khả thi, nếu như Pinay, đại diện cho Charles De Gaulle, theo đúng cam kết (khi ông Nhu gặp ở Paris) làm cầu nối chính thức cho hòa đàm Nam-Bắc.
Trước khi chuyển qua bản luận văn, xin trích vài đoạn trả lời của ông Nhu
a) Theo ghi chép của bác sỹ Tuyến:
Câu hỏi: Hình như Đức Hồng Y Spellman có khuyến cáo Tổng Thống nên mở rộng chính phủ và chấp nhận đối lập?
Ông Nhu trả lời: Điều đó có, Tổng Thống cũng đang cứu xét nhưng với một nước chậm tiến như Việt Nam không thể áp dụng chế độ tự do dân chủ như Tây phương.
Đất nước chúng tôi truyền thống dân chủ từ cả ngàn năm trước, dân chủ từ hạ tầng, từ xã ấp. Ở thượng tầng phải làm thế nào giữ được uy quyền tối thượng của quốc gia.
Mỹ có thói quen bắt buộc các đồng minh phải dập khuôn như họ…nhưng ở Mỹ khác, ở Á Châu này khác…trong một quốc gia hòa bình thì lại hoàn toàn khác với một quốc gia đang có chiến tranh.
Tổng Thống Kennedy khuyến cáo Việt Nam cải tổ cơ chế dân chủ có nghĩa là (mô) phỏng cơ chế dân chủ của Mỹ. Nhưng (), ông cha chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm về nạn chia rẽ, nạn kỳ thị phe phái…nếu ở Việt Nam áp dụng dân chủ như ở Mỹ thì chỉ đi đến tình trạng hỗn loạn. Mà Việt Nam thì không thể chấp nhận được tình trạng hỗn loạn.
Câu hỏi: Hình như Tổng Thống Kennedy muốn Miền Nam có sự canh tân Hiến Pháp?
Ông Nhu trả lời:  Không chính thức khuyến cáo như vậy nhưng Hoa Thịnh Đốn gián tiếp muốn chúng tôi làm như vậy.
Câu hỏi: Hầu hết người Mỹ đứng đắn đều không muốn Việt Nam bị xáo trộn nhưng họ muốn một chế độ cởi mở?
Ông Nhu trả lời: Vâng họ đang lên án chúng tôi là độc tài cũng như trước đây họ đã lên án Tưởng Giới Thạch và Lý Thừa Vãn… Người Mỹ đã lầm giữa chế độ độc tài với sự bảo vệ uy quyền quốc gia tối thượng. Chẳng hạn họ bảo chúng tôi là độc tài vì cho rằng không có Tối Cao Pháp Viện nên Hành Pháp điều khiển Tư Pháp. Họ cũng kết án chúng tôi là độc tài vì cho rằng Quốc Hội chỉ có một viện và do Quốc Hội không kiểm soát được Hành Pháp.
b) Trích từ Robert Kennedy and his time (đoạn Nhu nói với Maneli):
“Tôi đang thực hiện một cuộc chiến để kết thúc chiến tranh vĩnh viễn tại Việt Nam; Tôi đang thực sự chiến đấu chống chủ nghĩa Cộng Sản để (sẽ) kết thúc chủ nghĩa tư bản vật chất. Tôi đang tạm thời xiết lại tự do để sẽ (sau này) cho nó (tự do) trong một hình thức vô hạn. Tôi đang củng cố kỹ luật để khai tử những trói buộc từ ngoại bang. Tôi đang tập trung hóa (tập quyền) đất nước để (sau này) sẽ dân chủ hóa và sẽ phân tán quyền lực (tán quyền)… Các ấp chiến lược là định chế căn bản của nền dân chủ trực tiếp. Khi người dân phát triển và thịnh vượng, họ sẽ trở thành hạt nhân chính của một tổ chức quốc gia, và rồi chính bản thân nhà nước – như Karl Marx đã nói — sẽ biến mất.”
c) Trích phát biểu/phỏng vấn của ông Nhu:
“Chủ thuyết Nhân Vị đặt nền tảng trên quan niệm tôn trọng phẩm giá con người và đẩy mạnh sự phát triển đến mức độ cao nhứt. Quan niệm này ở ngay trong truyền thống dân gian Việt Nam”. (Đại hội văn hóa quốc gia, 11-1-1957).
“Tôi phải nói ngay rằng chủ thuyết Nhân Vị của tôi chẳng có dính dáng gì đến cái Nhân Vị Công Giáo đang được giảng dạy bởi các tổ chức Công Giáo tại miền Nam Việt Nam. Hiện nay cái học thuyết nhân vị mà tôi cổ võ là một nền dân chủ đấu tranh trong đó tự do không phải là một món quà của ông già Noel, nhưng mà là kết quả của một cuộc chinh phục bền bỉ và sáng suốt trong đời sống thực tế, không phải trong một khung cảnh lý tưởng, mà trong những điều kiện địa lý chính trị đã được định sẵn”. (Phỏng vấn với báo Toronto Globe and Mail,  bản dịch của tạp chí Gió Nam, 5-5-1963).
d) Trích từ “Chính đề Việt nam”:
ớc Việt Nam là một nước nhỏ, nhỏ về dân số, nhỏ về lãnh thổ, nhỏ về kinh tế kém phát triển, và nhỏ về sự góp phần của chúng ta vào văn minh nhân loại.
Trong suốt phần lịch sử nhân loại mà chúng ta được biết tới ngày nay, số phận của các quốc gia nhỏ, từ xưa vẫn không thay đổi. Lúc nào các quốc gia nhỏ cũng phải bị chi phối bởi những trận phong ba bão táp vô trách nhiệm do các nước lớn gây ra. Và lúc nào cũng sống dưới sự đe dọa liên tục của một cuộc ngoại xâm.”
“Từ ngày lập quốc, hơn mt ngàn năm lịch sử đã chứng minh rằng Việt Nam chúng ta không thoát ra ngoài vận mạng thông thường đó. Hết phải chống Bắc, rồi phải chống Tây, rồi lại phải chống Bắc. Liên tục, và lúc này hơn lúc nào hết, nạn ngoại xâm vẫn đe dọa Dân Tộc Việt Nam.”
‘’Trong quá khứ, ngay những lúc ta chiến thắng Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng khôn ngoan hòa thuận với Trung Quốc và tự đặt mình vào chế độ thuộc quốc. Nhưng điều mà Trung Quốc muốn không phải là Việt Nam chỉ thần phục và triều cống Trung Hoa, suốt thời gian gần một ngàn năm lịch sử, lúc nào cũng muốn lấy lại mảnh đất mà Trung Hoa coi như tạm mất’’
Như vậy, thuyết cộng sản đối với Nga chỉ là một phương tiện và ngày nào mục đích đã đạt đưc, phương tiện sẽ không còn giá trị nữa.
Các biến cố hiện tại ở Âu Mỹ chứng tỏ rằng Nga sắp đến lúc bỏ phương tiện cộng sản và trở về với xã hội Tây phương.
“Sức mạnh của nưc Anh hay nước Mỹ mà chúng ta mục kích ngày nay bắt nguồn tớc hết từ chỗ hai quốc gia này đã thực hiện được việc liên tục lãnh đạo quốc gia trong gần 200 năm.
Một nhà lãnh đạo Anh, ngày nay bước lên nắm chính quyền, là tức khắc sau lưng mình có 400 năm kinh nghiệm và văn khố làm hậu thuẫn. Đó là một di sản quí báu không có gì thay thế được và tạo cho họ một sức mạnh phi thường.”
Như trên đã trình bày, sự lãnh đạo quốc gia được liên tục khi nào các điều kiện dưi đây được thỏa mãn:
1. Sự chuyển quyền được bình thường từ lớp ngưi trước cho tới lớp người sau.
2. Các bí mật quốc gia được truyền lại.
3. Thuật lãnh đạo được truyền lại và được cải thiện càng ngày càng tinh vi.
4. Các kinh nghiệm của dĩ vãng được xếp vào văn khố, được truyền lại và có người biết sử dụng văn khố.”
“Trình độ gián đoạn trầm trọng nhất xảy ra khi sự chuyển quyền không thực hiện được giữa lớp ngưi trước và lớp người sau. Bí mật lãnh đạo và bí mật quốc gia đều mất.
Thuật lãnh đạo không truyền lại được. Di sản dĩ vãng không người thừa nhận, văn khố thất lạc và bịp bóc. Đó là trường hợp của các nước bị chinh phục, mất chủ quyền. Và đó là trường hợp của Việt Nam chúng ta trong thời kỳ Pháp thuộc.”
Chính đề Việt Nam in ở Việt nam sau khi ông Nhu chết. Nhiều người nói đây là tập tài liệu do ông Nhu viết để đào tạo cán bộ năm 1961-1962. Sau năm 1975 có ông  Lê Văn Đồng, trước chánh văn phòng bộ canh nông, lúc này đã di tản qua Mỹ, nhận mình chính là Tùng Phong. Sau đó có ông Lê Văn Lộc nói rằng chính ông Đồng trước năm 1975 đưa bản thảo Chính đề và nói là dịch từ tiếng Pháp của ông cố vấn. Tuy nhiên, tôi nghĩ tác giả của Chính đề Việt nam phải là trí thức cao thủ như ông Nhu thì mới có lý.
Tác giả của bản luận văn tốt nghiệp trường Chartes năm 1938 đã chết cách đây đúng nửa thế kỷ. Và lời giới thiệu về tác giả như thế này là quá dài và hơi liên thiên. Dưới đây là bản dịch tóm lược bản luận văn…
Những phong tục và tập quán của người An Nam ở Đằng Ngoài thế kỷ XVII
Ngô Đình Nhu
——————-
Tài liệu tham khảo
——————
Phần mở đầu
Không có bất cứ tài liệu nguồn gốc châu Á nào, do đó các tài liệu châu Âu có vai trò  đặc biệt quan trọng.
Các thầy tu dòng Tên (Jésuites): Baldinotti, Alexandre de Rhodes, Marini, Tissanier. Các thầy dòng của Hội thừa sai: Deydier, Jacques de Bourges, Belot, Guisain. Các nhà buôn: Baron, Dampier.
Văn khố của Hội thừa sai ; tổng hợp và miêu tả.
—————
Phần Một
Xã hội
Chương Một
Các nhóm dân cư
1. Làng xã. – bao gồm hai mươi đến bốn mươi ngôi nhà lợp mái rơm rạ, dựng nên từ tre và đất sét. Không có công trình kiến trúc lớn. Nước lấy từ ao.
Trưởng làng có nhiệm vụ thu thuế và chủ trì việc phân chia phần đất chung theo kì hạn.
2. Chợ giữa các làng. – Chợ họp hàng tuần và thường là giữa bốn đến năm làng, các làng thay phiên nhau làm chủ chợ. Việc họp chợ giữa các làng là tế bào kinh tế của cả vùng. Các đô thị quan trọng nhất là Domea (200 nóc nhà) và Hien (2000 nóc nhà) thường xuyên có sự hiện diên của các nhà buôn nước ngoài và Kien-lao (7000 giáo dân) trở thành lợi thế của vùng để được hưởng các ưu tiên của triều đình
3. Ke-cho (Hanoi) – Kinh đô, nơi có các công ty xuất nhập khẩu châu Âu. Sự phồn thịnh, 36 phố phường, bảy mươi hai khu chợ, mỗi phố chỉ chuyên một ngành hàng, 20 000 nóc nhà.
Chương Hai
Nông nghiệp
1. Lúa gạo
a) Vị trí bậc nhất của cây lúa. Lí do.
b) Chế độ sở hữu: hợp đồng cầm cố (vente à réméré) chỉ được chấp nhận đối với người ngoại quốc, ruộng đất manh mún. Chiếm dụng đất theo dòng họ (groups de famille), sự nhũng lạm của giới quý tộc.
c) Nông cụ: sử dụng cày. Tự điển của linh mục de Rhodes cần được sử dụng cẩn trọng, có liên hệ tới cả Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài.
d) Canh tác: hai vụ lúa mỗi năm và tô (prix de revient) tăng cao.
e) Nạn đói: mười hai nạn đói từ năm 1681 đến 1721: tính chất.
2.  Trồng trọt thứ yếu. – Trồng cau, dâu tằm.
Chương Ba
Chăn nuôi, Đánh cá, Công nghiệp
1. Chăn nuôi. – Gia cầm và lợn thịt. Ít bò và trâu. Thiếu đồng cỏ.
2. Đánh cá. – Tầm quan trọng đối với người Đàng Ngoài
a) Nước ngọt: Vợt và vó.
b) Trên biển: kém phát triển do giá tàu biển cao.
3. Làng nghề. – Có rất ít tài liệu liên quan đến chủ đề này: văn khố của Hội thừa sai cung cấp một văn bản quý giá cho phép định vị nghề dệt chiếu ở tỉnh Nam-dinh. Nghề sơn và gốm sứ.
Kéo sợi và dệt lụa là nguồn cung xuất khẩu duy nhất: các nhà buôn nước ngoài đến vào tháng bảy, đặt mối với các thợ thủ công – luôn phải qua khâu trung gian -  và chờ đợi ít nhất sáu tháng để đơn hàng được hoàn thiện.
Chương Bốn
Tiền tệ
1. Các loại tiền tệ. – Duy nhất một loại tiền được lưu hành: tiền đúc từ đồng. Tiền 10 đồng và 6 đồng được nhập từ Trung Quốc và Nhật Bản, chỉ được dùng ở Ke-cho và bốn tỉnh xung quanh.
2. Tỷ giá quy đổi. – Sự ổn định của đồng so với vàng, sự bất ổn của tiền đồng trong đó có yếu tố trượt giá: 1 quan đổi ra 600 đồng năm 1666 và 1200 đồng năm 1715.
3. Cho vay nặng lãi. – Lãi suất hợp pháp từ 25% đến 30% thường xuyên bị vượt qua, người ta cho vay lấy lãi 100% đến 240% rồi 3600%. Tình trạng khốn cùng cuối thế kỷ XVII và đời sống đắt đỏ.
Chương Năm
Thương nghiệp
1. Nội thương
a) Các con đường giao thương: sông và kênh
b) Các phương tiện giao thông: không có máy móc vận tải, chuyển chở trên ván thăng bằng, thuyền ba ván.
2. Ngoại thương. – Những con đường đến Đàng Ngoài: mọi hoạt động ngoại thương đều qua đường biển. Thương nhân Trung Quốc ngược lên Cua Luc-bô (Rokbo theo Dampier) chính là sông Đáy; người châu Âu qua Cua Lâ (Thai-Binh) dẫn đến Domea; ngôi làng này chắc chắn không phải là Dôn-Minh, mà là Dông-xuyên-ngoai : những tàu buôn châu Âu không đi xa thêm trong khi thuyền mành (jonque) Trung Quốc ngược lên đến Hien.
Người ta không bao giờ chỉ ra rằng, bên ngoài Đàng Ngoài, không có bóng dáng một con thuyền cũng như không có một nhà buôn Đàng Ngoài nào, và những người châu Á khác cùng với người châu Âu đã độc chiếm hoàn toàn ngoại thương của vùng.
Thường xuyên thiếu lương thực, bị bỏ đói định kỳ, người Đàng Ngoài nhận lấy một sự tồn tại khốn khó, bất bênh và không thể nghĩ đến điều gì ngoài miếng cơm hàng ngày.
————
Phần Hai
Cuộc sống gia đình
————
Chương Một
Tổ chức gia đình
1. Nền tảng của quan hệ họ hàng. – Quan hệ huyết thống, địa vị vượt trội của họ hàng bên nội thể hiện qua những cách gọi tên đặc biệt.
2. Cấu trúc gia đình. – Không có thị tộc (clan); bố mẹ và con cái.
3. Tổ chức gia đình. – Người mẹ phụ thuộc vào quyền quyết định của người cha, con cái bình đẳng.
Chương Hai
Hôn nhân
Nguồn bằng chứng châu Âu dồi dào trở nên đặc biệt quý giá khi không có bất cứ tài liệu nào có xuất xứ An Nam.
1. Vai trò của đôi vợ chồng tương lai. – Không có quyền được chọn người hôn phối; bố mẹ cưới gả con từ khi còn nhỏ tuổi.
2. Ăn hỏi. – Người mối lái, sính lễ, thách cưới chàng rể tương lai.
3. Đám cưới. – Trình của hồi môn, luôn là ruộng vườn và được tặng bởi chú rể; nộp khoản phí bắt buộc cho các chức sắc trong cộng đồng; cỗ cưới do chú rể chi trả; cô dâu trình diện trước các ông thần bếp (ông Táo) và tổ tiên của chồng
Chương Ba
Chấm dứt hôn nhân
1. Ly hôn. – Người phụ nữ hiếm khi có thể ly hôn và trong trường hợp có thể thì phải bồi thường cho người chồng.
2. Bỏ vợ. – Người chồng luôn có rất nhiều cơ hội để ruồng rẫy vợ.
3. Cách thức ly hôn và bỏ vợ. – Sự phá bỏ quan hệ hôn phối được thể hiện công khai: “đồng tiền hay chiếc đũa bẻ đôi”
4.  Bât-dông hay dô-dông. – Các quý tộc có quyền lấy làm lẽ những người phụ nữa góa chồng, bị chồng bỏ, ly hôn hay những cô gái chửa hoang trong làng; những người này chỉ có thể khước từ bằng cách nộp 1 quan tiền cho quý tộc và từ đó không được phép lấy bất cứ ai. Tục lệ này chỉ còn được lưu giữ trong văn khố của Hội thừa sai.
Chương Bốn
Sinh và Tử
1. Sinh
a) Ngày sinh: đặc biệt quan trọng
b) Tên riêng: không được là tên một đứa trẻ khác đã chết; đặt tên xấu cho con để tránh bị  ma quỷ quấy nhiễu. Khi đứa con đầu tiên ra đời, cách gọi tên ông bà nội và ông cậu họ nội sẽ được thay đổi, cách gọi tên người con cả thay đổi khi người con thứ ra đời. Khi thôi nôi, đa phần tên gọi cũ sẽ được thay thế bằng một cái tên đẹp.
Sự tôn kính một bậc bề trên thể hiện qua việc không bao giờ gọi tên của người này cũng như tên của cha mẹ ông ta, và người ta phải nói chệch đi bằng các từ đồng âm với tên gọi; cũng từ đó mà một số gia đình có vốn từ đặc biệt.
c) Tuổi trưởng thành : mười tám tuổi. Thông thường, trẻ em được tính một năm tuổi khi vừa chào đời và được hai tuổi vào Têt (đầu năm) sau.
d) Con nuôi : phổ biến, nhưng không được chứng thực bằng giấy tờ và không công khai. Baron được một hoàng tử ở Đàng Ngoài nhận nuôi để không phải chịu phiền toái và những Thừa sai người Pháp nhận làm con trai danh dự của một ái phi của Trinh Can để tự bảo vệ trong một phiên xử khó. Nhận nuôi thường không chỉ là một sự tiến cử đơn thuần, chỉ ra rằng ở Đàng Ngoài vào thế kỉ XVII không có tổ chức xã hội nào khác ngoài gia đình và rằng người ta không thể có người bảo hộ nào khác ngoài cha và mẹ.
2. Tử. – Người Đàng Ngoài sợ cái chết, nhưng có thái độ chấp thuận, và sợ nhất là không có được một cỗ áo quan đẹp. Thi hài được quàn trong mười đến mười lăm ngày trước khi được an tang ở bản quán. Thời gian chịu tang : ba năm cho con, hai năm, ba tháng và mười ngày cho góa phụ ; phải sống khắc khổ trong thời gian chịu tang. Thờ cúng tổ tiên, trong đó gia đình là đơn vị, tạo nên sự gắn kết và sức mạnh.
Phần Ba
Đời sống cá nhân
——–
Chương Một
Trang phục
Tóc thả dài, biểu tượng của tự do ; việc cắt tóc là một nhục hình hoặc là dấu hiệu của tang gia. Trán rộng được cạo nhẵn, răng được nhuộm lúc mười sáu hay mười bảy tuổi. Mũ, quần áo. Dân cư chủ yếu ở trần.
Chương Hai
Thức ăn
Gạo là thức ăn chính ; thịt, nhất là thịt chó ; các loại cá và nuoc-mam. Chỗ ở và đất đai. Một chế độ ăn thiếu thốn giải thích cho việc các tín đồ Cơ Đốc ở Đàng Ngoài đều không ăn chay.
Chương Ba
Tính cách
Có sự tương thích giữa các lời chứng. Người Đàng Ngoài cởi mở, nhạy cảm với tình bạn, ý tứ, ít gây gổ, ngăn nắp nhưng cũng tham ăn (có lẽ đơn giản là do bị bỏ đói), lười nhác và trộm cắp. Mại dâm thế kỷ XVII.
——–
Kết luận
Nhìn chung, các tập quán ở Đàng Ngoài không có nhiều thay đổi từ thế kỷ XVII và không có gián đoạn nào trong sự tiếp nối tâm lý. Tuy nhiên, ta nhận thấy ở người Đàng Ngoài một sự thích nghi đáng lưu ý: những phong tục khắc nghiệt biến mất không để lại dấu vết và nhận định này khiến chúng ta cần thật sự cẩn trọng trong những giả thuyết về các nguồn gốc của văn minh Đàng Ngoài.