22 thg 9, 2015

Nhân vật Quảng Ngãi:

Trương Đăng Quế (1793 - 1865)


(Baoquangngai)- Trương Đăng Quế tự là Diên Phương, hiệu là Đoan Trai, biệt hiệu Quảng Khê, sinh ngày 1 tháng 11 năm Quý Sửu (1793), người làng Mỹ Khê Tây, huyện Bình Sơn, nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh; là nhân vật lịch sử có ảnh hưởng đáng kể trong đời sống xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.
TIN LIÊN QUAN

 
Chân dung Trương Đăng Quế
Chân dung Trương Đăng Quế
Ông thi đỗ hương tiến (tương đương cử nhân sau này) khoa Kỷ Mão (1819) và là người khai khoa của phủ Quảng Ngãi, nay là tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi thi đỗ, ông được bổ làm Hành tẩu bộ Lễ dưới triều Gia Long, đến năm Minh Mạng thứ nhất (1820) được thăng Biên tu rồi sung làm Hoàng tử trực học, trở thành 1 trong 3 thầy dạy của các hoàng tử dưới triều Minh Mạng.

Trải qua 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, ông  lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình: Thượng Thư bộ Binh, Cơ mật viện đại thần (1831), Chánh chủ khảo thi Hội (1833, 1838), Thượng Thư bộ Lễ (1839), Quốc sử quán Tổng tài (1841), Cần chánh điện Đại học sĩ (1848)…

Ông từng 2 lần nhận di chiếu tôn phò tân vương, nhiều lần được nhà vua giao sứ mệnh Kinh lược đại thần thi hành những sứ vụ quan trọng của triều đình.

Trương Đăng Quế là người có kiến văn sâu rộng, năng lực đa diện, được cả giới quan trường lẫn bách tánh nể trọng. Năm 1828, ông viết cuốn Nhật Bản kiến văn lục, là cuốn sách do người Việt Nam ghi chép về đất nước và con người Nhật Bản thuộc loại rất sớm.

Năm 1836, Trương Đăng Quế nhận nhiệm vụ tổ chức thực hiện công trình chỉnh đạt điền thổ, thiết lập địa bạ, đinh bạ ở Nam Kỳ, góp phần quan trọng trong công cuộc ổn định vùng đất mới, được người đương thời hết sức khen ngợi và người đời sau, trong đó có nhiều học giả Pháp, đánh giá là công trình đạt điền khoa học lớn nhất thế kỷ XIX ở Việt Nam.

Tác phẩm Thủy chiến tiên cơ quyết thắng ông viết năm 1840 nêu lên sự cần thiết xây dựng thủy binh, đắp thành lũy phòng ngự dọc theo ven biển đề phòng ngoại xâm. Đây là một tác phẩm thể hiện tầm nhìn chiến lược về quốc phòng đối với một đất nước ven biển, đến nay vẫn còn nhiều ý nghĩa thời sự.
Huệ Dưỡng Viên và nhà thờ Trương Đăng Quế.
Huệ Dưỡng Viên và nhà thờ Trương Đăng Quế.

Về nội trị, trong nhiều sớ tấu dâng lên nhà vua, Trương Đăng Quế đề nghị tiết kiệm công quỹ, không xuất của kho mua hàng xa xỉ của phương Tây, chấn chỉnh, tinh giảm hàng ngũ quan lại, chú trọng bổ nhiệm, cất chức cho nhiều người có thực học, thực tài.

Về mặt văn hóa, Trương Đăng Quế từng chủ trì hoặc biên tập nhiều bộ sách địa chí, lịch sử quan trọng, thuộc vào hàng công phu nhất thời cận đại như: Đại Nam liệt truyện (Tiền biên), Đại Nam thực lục (Tiền biên), Đại Nam thực lục (Chính biên, chép đến đời vua Thiệu Trị), Hoàng Nguyễn thực lục (Tiền biên), Hoàng Nguyễn thực lục (Hậu Chánh biên)...

Ông sáng tác nhiều thơ văn, tập hợp trong các tác phẩm: Học văn dư tập, Quảng Khê văn tập, Nhật Bản kiến văn lục, Sứ trình vạn lý tập…

Trương Đăng Quế là thầy dạy của hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (về sau là vua Thiệu Trị) và các hoàng thân- thi sỹ Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương.

Khi quân Pháp xâm lược nước ta, như hầu hết các trọng thần nhà Nguyễn, Trương Đăng Quế tỏ ra lúng túng trong việc tìm kiếm phương sách đối phó hữu hiệu, nhiều khi rơi vào thế bị động trước những chuyển biến mau lẹ của thời cuộc. Tuy nhiên ông là người kiên định lập trường chủ chiến, kiên quyết không khoan nhượng kẻ thù.

Hồi ký của các sỹ quan viễn chinh Pháp cũng như nhiều văn liệu còn lưu lại cho thấy Trương Đăng Quế là đối tượng mà quân xâm lược e dè và căm ghét bậc nhất trong hàng ngũ quan lại nhà Nguyễn.

Tuy là bậc đại quan, được vua quan trong triều kính nể, nhưng Trương Đăng Quế luôn giữ đức thanh liêm, giản ước, xem nhẹ công danh, không tham quyền cố vị.
 Phần mộ Trương Đăng Quế.
Phần mộ Trương Đăng Quế.

Năm 1863, sau nhiều lần xin từ quan, ông được vua Tự Đức cho về trí sĩ. Sống những năm tháng cuối đời nơi làng quê chôn nhau cắt rốn, ông vẫn đau đáu nỗi lòng trước tình cảnh đất nước rơi vào họa xâm lăng, nhiều lần dâng thư ra Huế bày tỏ nỗi lo toan vận nước.

Trương Đăng Quế mất năm 1865, di hài an táng tại quê nhà.

Ông là bề tôi lương đống của nhà Nguyễn: Lúc còn sống được phong tước Tuy Thạnh quận công, khắc tên vào cỗ súng lớn Bảo Đại định công, khi qua đời được truy phong Thái sư, ban tên thụy là Văn Lượng, cho khắc vào bia mộ dòng chữ Lưỡng triều cố mệnh lương thần Trương Văn Lương chi mộ (Mộ của bề tôi giỏi chịu mệnh tiên đế phó thác qua hai triều là Trương Văn Lương). Năm 1876 (Tự Đức thứ 28) nhà vua cho phối thờ ông trong Thế miếu, nơi thờ phụng các vua nhà Nguyễn và phối thờ các đại công thần.

Đối với đất nước - quê hương, Trương Đăng Quế là một nhân cách lớn, một tài năng kiệt xuất, có những đóng góp quý báu về nhiều phương diện, đáng được hậu thế kính trọng, tôn thờ.
 

                                                                  Lê Hồng Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét