28 thg 2, 2014

Cửa thiền, cửa tiền

Tác giả: Đào Dục Tú

KD: Mình sang Thailand và nhất là sang Lào, vào các ngôi chùa, thấy lòng nhẹ nhõm vô cùng. Ở những ngôi chùa tĩnh lặng như hư không vậy, chỉ thấy một không gian thanh sạch, thanh tao, khiến con người ta tự nhiên phải thành kính. thấy lòng như được gột rửa, phải “ngộ” nhiều điều. Còn ở các chùa Việt: Cửa Thiền hay cửa tiền, như câu than của tác giả?
Cảm ơn anh Đào Dục Tú                  
 “Ngày xuân con én đưa thoi” (Nguyễn Du),người Việt mình tân cổ giao duyên thích đi vãng cảnh chùa.Có điều từ làng quê mình sắm sanh hương hoa lễ mọn  du xuân không như thời xưa, qua những làng quê người cũng nhang nhác giống quê mình ở cảnh vật và con người mang phong vị quê thuần Việt,nguyên bản. Đường lên chùa,lên chốn đôi khi am thanh cảnh vắng, hài hòa nội tâm thân thuộc  cảnh vật ,khiến cho kẻ du xuân dù đang chịu gánh nặng  trần ai  cũng bớt đi phần nào phiền não.Còn thời nay,từ làng tôi qua một vùng đô thị hóa làng nghề danh nổi như cồn Phù Khê ,Đồng Kị,rồi qua những khu công nghiệp mới toanh xi măng Tiên Sơn,Hoàn Sơn,Quế Võ. . .đâu đâu cũng xe siêu trường siêu trọng chậy sầm sầm,đâu đâu cũng cầu vượt đường cao tốc lao qua những khu ruộng như bị dồn đuổi vào một góc cánh đồng chưa cấy lúa chiêm, trắng nước phẳng lặng.Xe bon bon. Quả là đường đi vãng cảnh chùa thời đại công nghiệp hóa,người cứ lạnh như tiền. . .
Cửa thiền hay cửa tiền? Ảnh: Trên mạng
 Mặc áo sơ mi cộc tay ngày hè,người “cán bộ nhà chùa”(hay cán bộ địa phương) hỏi trống không:” Đã sắm vàng mã đồ lễ chưa;chưa thì xuống chân núi mua lên đây mới viết sớ”.Bà chị quen đi cấy,bế cháu,quen cảnh chùa làng chưa quen cảnh chùa người líu díu xách làn đựng đày hoa quả,kẹo bánh hương hoa mang từ nhà đành  quay ra..
Hơn nửa tiếng đồng hồ sau mới thấy chị leo lên dốc núi,tay xách nách mang đủ thứ đồ tư trang bằng giấy nhiều mầu.Nộp ba trăm rưởi tiền đăng ký gửi ” vong” (người vừa quy tiên) nhờ nhà chùa trông giữ ba năm xong, là tiếp đến các nghi lễ khác.Loanh quanh hàng tiếng đồng hồ mới kêt thúc bằng việc hóa vàng mã;xong ai nấy xoa tay vui vẻ lên xe ra về.Tôi tranh thủ lúc mọi người “thực thi nghi lễ”,đi loanh quanh  vãng cảnh.ghi lại những câu thơ thiền treo ở tiền sảnh nhà tu tập, cũng thấy thú vị.
“Vào cửa thiền từ tâm cứu thế-Vượt cõi không ngộ lý chân như” này. “Thuyền từ đưa khách qua bờ giác-Bát nhã soi đường đón kẻ mê” này. . . Tôi lưu tâm đến câu ” Nhẹ thả ngày xuân theo sóng biếc” không phải vì câu thơ mới mẻ tân kỳ gì và ở quanh đây bói không ra một mặt ao mặt hồ,  mà chỉ bởi câu thơ gợi ý ” nhẹ thả ngày xuân”. Quả là “tôi thả nổi tôi’ để mình thanh tĩnh không nghĩ ngợi gì khi một mình thơ thẩn quanh những nẻo đường lát đá ven núi,nhìn xuống thung sâu hoang vắng chỉ thấy tre trúc cùng đủ loài cây dại lô nhô chậy tới đỉnh núi phía xa. Thế mới hay cửa thiền tưởng lặng thinh mà như có một vọng âm vô thanh,như có một làn  sóng xanh vô ảnh vẫy gọi người ta tạm lánh trần thế xô bồ tranh danh đoạt lợi,tìm một thời khắc sống chậm tĩnh tâm đầy ý nghĩa,
Chen chân dâng hương chùa Phước Hải (t/p HCM). Ảnh: Vietinfo
 Tự nhiên nhớ tới câu Kiều ” Mùi thiền đã bén muối dưa-Mầu thiền quen thuộc đã ưa nâu sồng” nói về cảnh nàng Kiều trong mười lăm năm lưu lạc, được con sóng định mệnh xô tới cửa chùa xen giữa bốn lần bị đọa đầy cay đắng ” Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” (hai lần làm điếm,hai lần con ở). Mùi thiền ,mầu thiền,dưa muối ,nâu sồng;ăn mặc kham khổ của một đời sống tu hành an bần lạc đạo khắc kỷ. Đương nhiên đấy là mùi thiền ,mầu thiền của ” Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh” (thơ Kiều) bên Trung Hoa phong kiến,hay “tam bách dư niên ” thời cuối Lê đầu Nguyễn sử ta.Đương nhiên là không thể nhìn cửa thiền thời a -còng bằng đôi mắt quá đỗi xưa cũ,lỗi thời như mấy bà già nhà quê khó tính, chỗ nào cũng kêu ngứa mắt,ngứa tai !.
Nhưng đạo Phật có tự nghìn đời xưa;những giáo lý cùng đức tin cơ bản vẫn y nguyên từ thời đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni buông bỏ  đời vương giả quyền quý để ngộ tinh thần cứu nhân độ thế  dưới gốc Bồ Đề  tượng trưng đất Phật. Suy cảm như vậy nên khi thấy người nhà chùa tiếp khách mà ăn mặc như ngoài. . .phố chợ,khi nhác trông có vị nam sư trẻ ,từ cách đi dáng đứng cho tới dung mạo (hàng ria xanh điệu nghệ chẳng hạn) thấy đậm mầu trần tục, rất ít mầu thiền khổ hạnh đoan trang,tự nhiên tôi cũng thấy làm sao. . .  .Liên tưởng đến câu thơ của cụ Phan Khôi “Làm sao cũng chẳng làm sao-Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi”
Ừ thì. . .”Làm chi cũng chẳng làm chi_Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao”(vẫn cụ Phan). Biết thế mà người viết “gàn gàn ” này cứ mong làm sao ở bất cứ đâu đâu trên đất nước có hàng ngàn hàng vạn ngôi chùa lớn nhỏ như nước Việt mình(có ngôi đạt kỷ lục nhất Đông Nam Á) cửa thiền  giữ được cơ bản  mùi thiền ,mầu thiền,phong vị thiền đạo hạnh, chứ không phải là cửa tiền ! Bắt đầu là tiền du khách rút ví xòe ra,lẩm nhẩm cộng cộng trừ trừ mua đồ lễ nối dài  từ dưới chân núi hàng quán đi lên đến tận chỗ ngồi của tượng Phật.
Có nơi tiền lẻ,những đồng năm hào ,một đồng,năm đồng nhàu nát đen đúa ướt át bụi bậm còn được đủ loại ” thiện nam tín nữ ” nửa mùa  dắt trên vành tai tượng Phật ! Phản cảm đến thế là cùng !. Quản lý chùa mà để như thế thì thử hỏi đúc chuông tô tượng xây cất nguy nga đồ sộ chỉ nhắm cái đích hơn người để làm gì khi mà cửa thiền nhiều nơi đã quá nhạt phai mầu áo nâu sồng !  .Hãy trả về nhà chùa bản lai diện mục đạo hạnh  Cửa thiền hay là cửa tiền, câu hỏi đó vẫn chưa có hồi kết  ./ .

22 thg 2, 2014

LÊ HUY MẬU
Nhà thơ Thạch Quỳ - Ảnh: NTT
Nhà thơ Thạch Quỳ – Ảnh: NTT
Nhà thơ Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn, sinh năm 1941 tại thôn Đông Bích, tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn, tỉnh Nghệ An, nay là thôn Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.. Năm 1960, ông học ngành Sư phạm Toán tại trường Đại học Vinh, cùng năm này, ông có bài thơ đầu tiên được đăng trên Văn nghệ quân đội có tựa “Mà thương cũng nhiều. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông có một thời gian làm giáo viên Toán cấp 3 tại Nghệ An, sau đó công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện ông sống ở thành phố Vinh, Nghệ An.
 Mình gặp Thạch Qùy lúc Thạch Qùy đang ở trong khu  nhà chung cư đã cũ do Cộng hòa dân chủ Đức xây cho thành phố “địa chỉ đỏ’ của  Việt nam sau chiến tranh chống Mỹ. Bấy giờ, cả Đặng Văn Ký và Thạch Quỳ là những người anh dũng đi đầu, từ bỏ nhà tranh tre, giấy dầu, tiến thẳng lên nhà cao tầng, ở Vinh. Không còn nhớ năm bao nhiêu nữa, nhưng lâu lắm rồi. Bấy giờ, mình chưa là nhà văn, nhà veo gì, chỉ nghe tiếng các lão thì tìm chơi, vậy thôi! Thạch Quỳ người gầy, mặt hốc hác, tóc xù rối, trông cũ kĩ như vừa mới được “moi” ra từ một xó xỉnh hoặc một trại cải tạo nào đó. Vòng hai của lão ước chừng chỉ bốn mươi, năm mươi cen- ti- mét là cùng. Bấy giờ lão đau dạ dày. Nghệ An hồi xưa gọi những người đau dạ dày là đau bụng tật. Gặp nhau trong quán nước chè chén của chị Nhã vợ lão. Lão chắt trong cái hũ rượu ngâm đã cạn tận đáy, được 3 ly . Mình, Đặng Văn Ký và lão mỗi người một ly. Mình thích lão ngay. Mình thích cái bỗ bã, cái nông quê ở lão. Trông lão toát ra vẻ tự tại, an nhiên. Không vồn vã mà vẫn thân tình.
Thạch Quỳ là giáo viên toán cấp ba Thanh Chương. Cũng giống Đặng Văn Ký, hai ông đồ đang “sướng như vua” trong cái “cõi” làm thầy giáo cấp ba ở cái xứ sở chuộng chữ nhất nước, thì bỗng, các lão bị bỏ bùa, bỏ ngải theo đòi cái nghiệp văn chương đỏng đảnh và vô tăm tích này.
Thạch Quỳ nổi tiếng từ bài thơ “Với con”.  Bài thơ này  được đăng trên báo Văn nghệ năm 1980, trên trang dành cho thiếu nhi. Bài thơ đã được đón nhận nồng nhiệt nhưng cũng để lại cho lão nhiều phiền toái, thậm chí hồi đó người ta còn nghi ngờ thái độ chính trị của lão. Nghe nói, tình hình căng tới mức, nhà thơ  Xuân Diệu phải thay mặt Hội Nhà văn vào Nghệ An giải thích. Bài thơ có những câu như sau:
Con ơi con, trái đất thì tròn
 Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đấy đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa vừng tròn, điều đó thật hơn!
Vì thế những lời cha dặn dò
Cũng chưa hẳn là điều đúng nhất
Cha mong con lớn lên chân thật
Yêu mọi người như cha đã yêu con
……
  Thơ Thạch Quỳ hay. Hay ở chất thơ chắt lọc từ  một vùng văn hóa trầm tích trong dân ca xứ Nghệ. Hay ở cái chất thông minh sắc sảo của ông thầy dạy toán cấp ba. Hay ở chất thấm đẫm sự xót xa, đắng đót của đời sống xứ sở gió Lào. Hay ở sự dịu ngọt mát lành của nguồn nước sông Lam chảy giữa quanh co đồng bãi, giữa những đồi núi lô nhô như bát úp . Nó vừa có cái chát chúa, đắng đót của kiếp người; vừa có cái mộng mơ lãng mạn của quê hương xứ sở… Thạch Quỳ nằm trong tốp-ten thơ, cùng với những  Anh Ngọc, Vương Trọng, Võ Văn Trực… lừng danh xứ Nghệ một thời.
Mình nhớ, hình như Tùng Bách chưa dẫn mình đến chơi nhà Thạch Quỳ hồi nào. Có lần, mình hỏi thẳng Đặng Văn Ký: Hai lão này có mắc míu gì với nhau à?  Đặng Văn Ký cười bảo: Chẳng thấy các ấy có mắc míu gì! Còn thì, tội to nhất là tội…  không yêu đảng. Tội này thì cả mình và Thạch Quỳ đều mắc! Cậu có ngại chơi không? Là Đặng Văn Ký chỉ nói vui thôi!. Mình hiểu, ở cái xứ sở quê mùa nhưng đầy tri thức này, chơi với các lão, chẳng những lợi đơn mà còn lợi kép. Lợi đơn là học các lão về văn chương, chữ nghĩa; lợi kép là, về Vinh tìm các lão ở trọ, ăn chực bữa cơm nghe nó thoải mái vô tư hơn là ở nhà anh em, bà con. Có lần, mình về Vinh, đang ở chơi nhà nhà văn Chính Tâm thì Nguyễn Long đến. Nguyễn Long là kiến trúc sư, nhưng ham thích văn chương. Trong câu chuyện có nhắc đến Thạch Quỳ. Nguyễn Long rủ: Anh có đến thăm anh Thạch Quỳ tôi đưa đi! Vậy là đi.
 Bấy giờ, Thạch Quỳ đã có nhà bốn tầng ở đường Phong Đình Cảng. Nghe nói do con trai đi xuất khẩu lao động bên Đức mang tiền về xây cho. Nguyễn Long bảo: Lúc nào nhìn lên lầu bốn thấy đèn đang sáng là lão đang  ở nhà. Nhưng như thế là lão đang cúng ở trên đó. Rồi Nguyễn Long kể, Thạch Quỳ bây giờ làm nghề thầy cúng và xem bói. Khách của lão đông lắm! Có cả khách Thanh Hóa vào, khách Hà Tĩnh ra. Đến nhà, cứ đứng dưới đường nhìn lên, thấy đèn trên lầu tư đang sáng là lão đang cúng. Quả đúng như vậy!. Mình và Nguyễn Long vào nhà thì gặp lão. Vẫn xuề xòa, đơn giản như xưa. Lão rót nước mời khách, hỏi thăm mình về công việc về sáng tác. Lão có đọc một vài bài  mình in rải rác trên báo. Và khen. Khen ít thôi, nhưng có khen. Rồi đột nhiên lão hỏi mình về bệnh tật. Lão biết mình bị rối loạn tiền đình. Mình kể khổ về bệnh tật với lão. Lão bảo: lên lầu anh cúng cho. Cúng xong anh bốc cho mấy vị thuốc nam. Em về uống là sẽ khỏi. Anh chắc trăm phần trăm là anh sẽ chữa khỏi bệnh tiền đình cho em!
Mình không chắc là thế. Nhưng cũng thật kỳ lạ, dạo đó, mình đang khốn khổ vì bị chóng mặt liên tục. Thuốc uống hàng tạ không khỏi. Thế rồi gặp Thạch Quỳ. Lão khấn vái đức Thánh Trần . Mình đứng bên cạnh  nghe rõ lời lão, đại để: À hem!  Kính lạy Đức Thánh… con là Vương Đình Huấn ngụ tại…xin thỉnh cầu  … : Con có thằng em tên là Lê Huy Mậu, quê ở xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, hiện em đang làm cán bộ Tuyên giáo tại tỉnh Bà rịa Vũng tàu, có căn bệnh …  Lạy Đức Thánh  phù hộ độ trì cho em nó khỏi bệnh…À hem!
 Lão bảo mình lạy đức Thánh, xong lại sang chỗ thờ gia tiên lạy gia tiên, xong xuống nhà uống nước, xong lão kê cho mình cái toa gồm ba vị thuốc nam. Một vị là meo (mộc nhĩ) cây duối, một vị là rễ cây cỏ xước, vị thứ ba quên mất. Bấy giờ mình thành khẩn lắm. Mình điện nhờ thằng cháu ở quê tìm meo cây duối. Thằng cháu đốn cả cây duối to, tưới nước mãi mới thu được một nắm meo, phơi khô gửi vào cho cậu. Và mình đã uống thuốc chữa tiền đình của Thạch Quỳ. Và cũng chỉ duy nhất có một lần đó thôi!
Năm 2002, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vào Vũng tàu sáng tác. Năm đó, mình ốm quặt quẹo. Chóng mặt. Đau đầu. Ớn lạnh. Ói mửa. Hốt hoảng. Stress cấp… Nể Nguyễn Trọng Tạo mình vẫn theo lão đi uống rượu. Nhưng ngồi xem các lão uống còn không nổi nữa là uống.  Một hôm Nguyễn Trọng Tạo tới nhà chơi. Thấy mình có cái gốc cây khô để trước cửa. Lão bảo, vất ngay cái cây này đi. Để cây khô trước nhà ốm là phải. Mình lại cũng nghe theo. Hôm sau, mình gọi người đến cho ngay gốc cây về trồng phong lan. Nó hí hửng chở đi ngay. Thế rồi, không hiểu sao, bệnh tiền đình của mình cũng đỡ dần, rồi khỏi hẳn. Có lẽ nào mình hết tiền đình lại là nhờ thuốc thần, thuốc thánh! Có lẽ nào chữa bệnh cho mình lại chính là hai nhà thơ, chứ không phải bác sỹ nào? Chuyện như đùa vậy mà lại thật. Thế mới lạ!
Mình đọc thơ Thạch Quỳ không nhiều. Ngoài những bài thơ của Thạch Quỳ in rải rác trên các báo tình cờ đọc được, có duy nhất một tập thơ được lão tặng. Đó là tập “Cuối cùng cũng chỉ một mình em”. Tập thơ mỏng dính. Nó đã ít về số bài, ít về số câu ở mỗi bài, lại ít cả về số chữ trong mỗi câu. Thơ Thạch Quỳ cô lọc đến tận micro chữ. Anh cố gắng tối giản chữ trong mỗi câu thơ, tối giản câu trong mỗi bài thơ. Đọc thơ Thạch Quỳ thấy rõ anh đã “lao động” thơ đến xơ xác cả đời!
Thạch Qùy có nhiều phát biểu về thơ rất đáng chú ý. Ví như lão bảo: Thơ cao hơn tất cả các bài thơ đã có! Hay:Thơ cao hơn mọi hiểu biết về thơThơ hay là thơ duy nhất vv…Năm 2010, lão có gửi cho mình một tập bài viết gồm cả nghiên cứu, khảo luận, trao đổi, cả về thơ lẫn về văn hóa dân gian. Thư lão viết: Mậu thân! Mình gửi Mậu một số bài viết về thơ, văn hóa, lễ nghi rút trong tập văn chương đàm thoại chưa in. do việc phô tô nên có chỗ còn luộm thuộm, khúc này lẫn vào khúc kia, nhờ Mậu chú ý mình đã gạch bỏ….
Mình biết, lão này chỉ mạch lạc trong suy nghĩ, chứ văn phòng, hành chính lão đại khái qua loa, nhiều lúc cẩu thả thái quá! Gạt bỏ đi những điều đó, đọc những bài của lão mình nể phục về những tìm tòi, khảo cứu, những phát hiện có tính khái quát cao của lão.  Mình có chọn in một vài bài trong đó lên tờ Văn nghệ BR-VT.  Rồi công việc bếp núc của Hội bận bịu, nhưng may tập bản thảo của lão vẫn còn. Có cảm giác như Thạch Quỳ không có ý định viết cái gì theo một kế hoạch, một dự định trước. Lúc lão viết vì nể bạn. Lúc lão viết vì một sự nhờ vả nào đó từ phía người làm báo, vv.. Nhưng, dù viết về cái gì, viết do cái gì thì bài viết của lão cũng đầy công phu. Hàm lượng văn hóa, hàm lượng tri thức trong các bài viết của lão rất cao. Mình rất thích bài: THƠ CAO HƠN MỌI HIỂU BIẾT VỀ THƠ của lão.  Lão vào đề một cách hết sức khiêm tốn và thật: Tạp chí Thanh Hóa có nhã ý dành cho tôi đôi dòng về thơ, về kỹ thuật bếp núc xào nấu và sự đổi mới món ăn tinh thần này… Và, thế rồi lãothủng thẳng đi vào những vấn đề hết sức cốt lõi, hết sức thời sự của thơ hiện nay. Phong cách viết của Thạch Quỳ rất riêng. Lão nêu, lão gợi, lão đưa ra vấn đề nhưng không kết luận, khẳng định. Đọc Thạch Quỳ có cảm giác như đang xem những cầu thủ hay chơi bóng đá. Họ dắt, rê bóng, làm xiếc với quả bóng từ giữa sân, vượt qua bao nhiêu ngáng trở của đối phương, đến lúc chỉ còn một mình với khung thành rỗng nữa, thì hoặc là, anh ta chuyền cho đồng đội sút vào, hoặc là, anh ta làm cái nghĩa vụ ghi bàn thắng một cách rất … thiếu cảm xúc! Trong bài CÓ THỂ CÓ TÍNH DUY NHẤT CỦA THƠ cũng vậy, lão hoang mang, rất hoang mang khi đưa ra ý kiến, rằng thơ hay là có tính duy nhất. Những bài thơ hay nhất, đúng chuẩn mực nhất, chỉ có một. Lão nêu ra đề toán, tìm ra cách giải hợp lý, bài toán cho đáp số đúng rồi, nhưng bỗng dưng, lão không muốn sút bóng nữa, bỗng dưng lão muốn ai đó sút quả bóng vào khung thành bỏ trống chứ không phải lão. Có cảm giác như lão chỉ có nhiệm vụ rê, dắt bóng, loại bỏ những ngáng trở trên đường xuống bóng, còn cái công đoạn cuối cùng là sút bóng thì lão uể oải, miễn cưỡng khi không thể cậy nhờ được đồng đội gánh vác vinh quang giúp lão. Có vẻ như Thạch Quỳ là vậy. Là không thích, không quen nhận lãnh cái gọi là vinh quang trên sân bóng cuộc đời. Lão chỉ hứng thú khi là cầu thủ kiến thiết nên các vinh quang mà thôi!
Anh Võ Văn Trực, một người anh, người bạn rất thân thiết của Thạch Quỳ, trong bài viết của mình trên báo CAND đã gọi Thạch Quỳ là Ông Đồ Gàn Xứ Nghệ. Theo nghĩa đen thì Thạch Quỳ đúng thế. Ông Đồ- Thạch Quỳ là Ông Đồ Xứ Nghệ thì Thạch Quỳ không chạy đi đâu được; Còn Gàn thì … người Nghệ, trí thức Nghệ, kẻ sỹ Nghệ thảy đều gàn.  Gàn theo nghĩa là ít hòa đồng, là ngang, là bướng, là lập dị trong mắt đám đông. Thạch Quỳ gàn, theo anh Trực là thích cà pháo mắm tôm, cả khi được người đẹp mời cơm cũng  khoai luộc, cà pháo, và mắm. Thạch Quỳ gàn nhưng không phá ngang. Lão chỉ Gàn khi gặp những gì không thực chất, những gì hình thức, giả dối mà thôi!
Tôi đã có dịp về thăm nhà thờ họ Vương ở Trung Sơn của lão. Tính ra, họ Vương lưu lạc vào sinh cơ lập nghiệp ở Đô Lương khoảng 11 đời, tính đến thế hệ Vương Đình Huấn- Thạch Quỳ , ngang họ Lê tôi tính đến thế hế tôi. Trung Sơn là vùng đất khá trù phú. Cánh đồng lúa nước trải trước làng như tấm thảm xanh, chưa tới mức mênh mông nhưng cũng có thể gọi là thẳng cánh cò bay. Phía sau làng là con đường quốc lộ 15. Bên kia đường 15 là cánh bãi, phù sa sông Lam mang đến cho  người dân nơi đây những rau trái bốn mùa lắm thức, lắm món thật dồi dào, phong phú. Bác Vương Đình Trâm- anh ruột nhà thơ Vương Trọng đưa thôi đi thăm hết 11 ngôi nhà thờ họ, từ nhà thờ tổ họ Vương tới nhà thờ các chi, các nhánh trong cây gia hệ họ Vương của bác. Họ Vương, cùng họ Nguyễn Cảnh ở đất Đô lương là những dòng họ lớn có nhiều khoa bảng đỗ đạt. Họ Vương  có nhiều nhà thơ nổi tiếng như Vương Trọng, Thạch Quỳ, Vương Cường, Vương Duyệt, Vương Đình Trâm, vv…  Bác Trâm tặng tôi tuyển tập thơ họ Vương dày cả ngàn trang. Thơ của một dòng họ, mới chỉ hơn mười đời trở lại đây đã dày dặn thế, chất lượng thế. Không biết ở Nghê An còn có dòng họ nào được như thế nữa không? Vương Trọng và Thạch Quỳ là vai chú, vai cháu với nhau nhưng cũng sàn sàn tuổi nhau. Vương Trọng tổng hợp toán, còn Thạch Quỳ sư phạm toán. Có nhiều cái cùng nhưng hai nhà thơ họ Vương này khác nhau xa lắm. Thạch Quỳ cá tính, gai góc còn Vương Trọng thì nho nhã, chuẩn mực. Khi viết những dòng này, tôi chợt nghĩ, cũng hai nhà thơ đồng hương mình thân, sơ như nhau, vậy mà khi vẽ chân dung Thạch Quỳ, mình có tứ trong đầu ngay, còn Vương Trọng thì chịu, thì khó quá!… Hóa ra, nhà thơ càng lộ diện phần ngoài thơ bao nhiêu thì càng dễ vẽ chân dung về họ bấy nhiêu!
 Thạch Quỳ- Hạt Bụi. Thạch Quỳ- Gã Khổng lồ. Hạt Bụi và Gã Khổng lồ tưởng không bao giờ đi cùng nhau. Tưởng chúng là hai đại lượng ngược chiều nhau nhưng trong trường hợp của Thạch Quỳ nó lại tương hỗ nhau . Về Nghệ An, rủ Thạch Quỳ ra một cái quán cóc  làm vài chai Halida. Trông Thạch Quỳ chẳng khác gì những hạt bụi giữa đám bụi người đông đảo. Nhưng đánh hai chữ Thạch Quỳ vào Google thì có hàng ngàn thông tin về lão. Hãy cứ dùng phương pháp loại suy thơ Nghệ, hay thơ Việt cũng được, đến lượt lọt xuống sàng thì “hạt tấm” Thạch Quỳ đòi hỏi “lỗ sàng” phải lớn bằng cái nia rồi. Chẳng phải Thạch Quỳ khổng lồ là gì! Chính cái “hạt bụi”- Thạch Quỳ giữa đời thường đã tôn cao Thạch Quỳ- Gã Khổng lồ trong văn chương Việt đấy!  Đó là mối quan hệ tỷ lệ nghịch với nhau mà ông thầy dạy toán cấp ba đã sớm nhận ra điều đó trước nhiều người khác!
Lần mình gặp Thạch Quỳ gần đây nhất, rước lão đi uống bia, lão bảo: Anh đang bỏ dần: bỏ thuốc lá, bỏ rượu và đang trên đường tiến tới bỏ bia. Mình sắm hỏi: Sao hôm nay không thấy em Trần Thu Hà đi cùng anh? hay anh cũng đang …
Nhân đây, cũng muốn nhắc một chút, cho vui, chuyện yêu, chuyện bồ của  Thạch Quỳ, nó ly kỳ, hấp dẫn, nhiều tập lắm! Hay như phim tâm lý Hồng kông. Mình muốn đem vào bài viết này vài chuyện cho nó xôm, nhưng lại sợ, người ta xúm vào xem phần yêu của Thạch Quỳ mà sao nhãng phần thơ, phần người của Thạch Quỳ- Mà đó mới là cái mình muốn gửi tới bạn đọc của mình trong bài viết nhỏ này!/.
                                                            10/2/2014.
TQS post ngày 22/2/2014

20 thg 2, 2014

Lạc quan - chìa khóa thành công và hạnh phúc

 

Đầu năm mới, bạn muốn tinh thần phấn chấn và sảng khoái nhất để bắt đầu một hành trình suôn sẻ cả năm? Hãy ghé thăm chuyên mục “Lạc quan Việt Nam” tại chuyên trang Thế giới trẻ của Thanh Niên Online. Đây là diễn đàn đặc biệt để các bạn trẻ chia sẻ, cập nhật thông tin về lối sống tích cực giúp tạo động lực thành công và hạnh phúc.

 Lạc quan
Ảnh: Shutterstock
Lạc quan và cuộc sống
Hẳn bạn đồng ý rằng hạnh phúc là đích đến của mỗi chúng ta. Song điều mà không ít người chưa biết đó là hạnh phúc lại phụ thuộc rất nhiều vào sự cảm nhận nội tại của mỗi người. Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius (121-180) từng nói: “Hạnh phúc của cuộc đời phụ thuộc vào những suy nghĩ tích cực của chúng ta”.
Suy nghĩ tích cực, hay tinh thần lạc quan, khiến bạn sống khỏe mạnh hơn. Các nhà khoa học tại Trường ĐH Zurich (Thụy Sĩ) khám phá ra những ai suy nghĩ lạc quan về sức khỏe của mình, thì cơ hội sống lâu cao hơn 3,3 lần so với những người suy nghĩ bi quan. Một số nghiên cứu khác cho thấy bi quan làm giảm sự hoạt động của hệ miễn dịch, khiến bạn dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Tinh thần lạc quan không chỉ “tiếp sức” cho sức khỏe thể chất mà còn giúp bạn thành công hơn. Sophie Chou - nhà nghiên cứu tâm lý tại ĐH Quốc gia Đài Loan đã có nghiên cứu cho thấy những người thực tế và lạc quan thường có xu hướng đạt được thành quả cao trong các kỳ thi khó khăn. Đây hẳn là một tin vui cho giới trẻ.
TQS post ngày 20/2/2014

Gió bấc với mưa phùn


Tác giả: Đào Dục Tú



                                                                


          Tiền nhân người Việt mình cho tới tận “đêm trước cách mạng”, bất chấp cảnh tiểu nông nghèo khó,mặc tháng ba ngày tám rau cháo triền miên,cứ biến cả tháng giêng thành ” tháng ăn chơi”,tháng lễ hội vào đền vào đám.Trời cũng chiều người chân lấm tay bùn,tháng giêng thời ấy hầu như năm nào cũng gió bấc với mưa phùn đúng điệu (không phập phù biến tướng như thời tiết bây giờ).”Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay” không chỉ trong hoài cảm ,hoài niệm mà là cảnh trí đời thực ,có khi tràn sang cả những ngày tháng ba” mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày” (Nguyễn Bính).Mưa xuân tháng giêng. . . ngày xưa vẽ nên một bức tranh quê mùa lễ hội  ”thơ mộng cực kỳ” .Trời thường vừa đủ lạnh để người đời muốn “xích lại gần nhau”,cộng cảm với cộng đồng làng trên xóm dưới,trong họ ngoài làng quanh cây đu ,xới vật hay chiếu chèo.
Mưa xuân phủ bụi mơ hồ để cảnh xuân nơi đền miếu đình chùa nghi ngút khói hương hư hư thực thực, khiến cho cuộc sống nơi thôn dã bớt đi nhiều phần vẻ thô trần ,lam lũ. Để người làng quê xưa chân lấm với tay bùn quanh năm luẩn quẩn trong lũy tre,chịu áp lực đủ thứ thủy hỏa đạo tặc bỗng chốc trở thành người có cái quyền sống. . .yêu đời,tươi đời hơn trong những ngày xuân vui ” con én đưa thoi”,ngắn chẳng tầy gang. . .
          Riêng với tôi, cảnh gió bấc với mưa phùn ở một làng quê  vùng Kinh Bắc xưa thuộc trong số ít ỏi hoài niệm tuổi thơ mà thời gian “tròn năm con giáp” cùng vật đổi sao dời nương dâu bãi biển đời người không sao phủ bụi,bôi xóa được.Tôi nhớ như in những buổi sáng ” mưa xuân phơi phới bay”,tôi cùng chúng bạn-những đứa trẻ quần nâu áo vá sinh ra ở làng quê, bẩy tám tuổi đã làm quen với con trâu,với cánh đồng,với con  cua cái ốc. . . .những đứa trẻ ấy áo tơi nón lá dắt trâu ăn cỏ bước thấp bước cao trơn trượt gập gềnh trên bờ ruộng. mấp mô  . .ngày xưa mà dải đất áp bờ giữ nước rười rượi xanh loài cỏ bún,mềm mại như bún và êm mướt như nhung.
Mưa bay theo chiều gió phủ xuống cánh đồng ,rây rây như bột lọc,như bụi tuyết trắng lửng lơ bay, rồi  đậu nhẹ trên mái tóc rễ tre bờm xờm, trên vai áo bạc mầu sờn cũ và tan trên lưng con trâu đen nhánh ngoan hiền găm cỏ.Mưa xuân như tấm khăn voan dệt nên bởi hàng ngàn ngàn tỷ sợi tơ mưa ky diệu của trời bao trùm cảnh vật làng quê thôn dã . Và như câu thơ gợi nhiều liên tưởng,giầu biểu cảm của thi sĩ Nguyễn Bính “mùa xuân là cả một mùa xanh” xanh từ bờ cỏ non tơ xanh đi ,xanh từ cánh dồng lúa chiêm xanh lại,xanh một mầu lục diệp trù phú yên ả thanh bình của đồng mầu ngô khoai đỗ lạc,xanh từ mỗi bươc chân trâu găm cỏ xanh bờ đê  đổ về làng có gốc đa già  nhú lộc non tơ. . .Bủa vây quanh tuổi thơ thời ấy là cả một trời thơ mộng mát xanh trong trẻo vô tận vô cùng mà giờ đây, tiếc thay không sao tìm lại được ở bất cứ nơi nào !. Cánh đòng vẫn cánh đồng xưa mang những cái tên dân dã nôm na ruộng Chùa ,Soi ,Thốp ,Đồng Trằm,đồng Mẻ. . .song đã hẹp lại và biến dạng rất nhiều. Do một thời quản lý, quy hoạch “quá non tay” chẳng ra làm sao, lại mỗi năm thêm cảnh đất chật người đông buộc phải chia đất ở cho dân,làng tràn cả ra cánh đồng .Hai dãy ao làng mà tổng diện tích lên tới vài ngàn mét vuông cũng không cánh mà bay, thành đất thổ cư. .   Tình cảnh đại loại như thế .khiến làng tôi cũng như không  biết bao nhiêu làng quê vùng châu thổ sông Hồng thời “bùn đất hóa vàng” gần như mất trắng vẻ thuần Việt,vẻ quê nguyên bản .
Thật đáng tiếc, trước cơn lốc đô thị hóa,thị trường hóa và đủ thứ “hóa ” khác-trừ hóa thành giầu đẹp lâu bền, người ta đánh mất quá nhiều vẻ  nên thơ yên ả thanh bình thuần hậu vốn có của làng ” cổ ” tưởng không bao giờ,không thể nào ” hủ” nát được. Cái được của một đời sống vật chất bề nổi hữu hình trước mắt làm sao níu kéo phong hóa làng  hình như đang quá vội vàng “đáo bỉ ngạn” bên kia bờ ảo vọng . . . Chỉ có điều lạ thế  thời nào thì người làng quê sống với đất cũng quý đất ,tiếc đất ,đến mức “không thể hiểu nổi”, ví như ngày xưa bờ ruộng đủ để trâu đi gặm cỏ là thường mà ngày nay, gianh giới ruộng khoán giữa nhà này với nhà khác có khi chỉ là một gờ đất kẻ chỉ mong manh,Nên cỏ mùa xuân cũng thiếu chỗ chen chân,giống cỏ bún xanh mướt như mơ như thơ  cũng tuyệt chủng từ bao giờ. . .
          Từ độ gió bấc với mưa phùn tuổi chăn trâu cắt cỏ  cho tới khi cắp sách vào  trường huyện học cấp ba đầu những năm sáu mươi thế kỷ trước quá nhiều sóng gió cách mạng,tôi cùng trai làng trai phố đồng môn bước vào tuổi “ôm bao mộng tưởng” mà  mộng tưởng nên. . . thơ nhất,như chàng trai trong thơ Huy Cận, là “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” cùng những rung động dậy thì,  tuổi vỡ tiếng và mặt đầy trứng cá ! !Mơ mộng thủa học trò trường huyện kéo dài suốt thời sinh viên nhiều niềm vui nhưng cũng lắm khốn khó, hình như khiến cho những bức tranh quê ngày xuân và ngày. . .xưa có gió bấc với mưa phùn  ”đeo bám” lâu hơn trong tâm cảm ,hoài cảm người tròn nửa thế kỷ duyên nợ với . . .chữ.Nhưng “giữa cuộc trần ai” này,tôi biết tìm lại những ngày xuân xưa  ấy ở đâu bây giờ ! . / .
TQS post ngày 20/2/2014

           Chữa đau khớp tại nhà


Hành tây, cà rốt... là thực phẩm có thể giúp xoa dịu cơn đau khớp - Ảnh: Minh Khôi 
Cà rốt
Suốt nhiều thế kỷ qua, cà rốt đã được y học phương Đông sử dụng như một biện pháp điều trị hiệu quả chứng đau khớp. Cà rốt giúp nuôi dưỡng các dây chằng, qua đó góp phần làm giảm các cơn đau khớp xương.
Mách nước: Mài 1 củ cà rốt vào tô rồi vắt thêm một ít nước cốt chanh, sau đó dùng ngay hoặc hấp hỗn hợp này nếu thích.
Hạt cà ri
Hạt cà ri có nguồn gốc từ Ấn Độ. Nó có vị cay đắng giống như nghệ, thường được sử dụng làm gia vị trong nhiều món ăn truyền thống ở quốc gia Nam Á. Hạt cà ri có tính ấm tự nhiên, nên việc dùng loại hạt này giúp giảm đáng kể tình trạng đau khớp.
Mách nước: Ngâm một muỗng nhỏ hạt cà ri trong nước qua đêm. Sáng hôm sau, đổ bỏ nước, để ráo rồi nhai từ từ số hạt trên.
Nước
Thói quen uống nhiều nước thực sự là biện pháp tăng cường sức khỏe hiệu quả, trong đó có việc giảm đau khớp. Nước sẽ làm mềm phần sụn (bộ phận giảm sốc tự nhiên cho các khớp nối) và giúp giữ nó trong tình trạng đủ nước. Nước cũng giúp duy trì lượng máu đầy đủ để các dưỡng chất đi qua đường máu đến khớp xương. Bên cạnh đó, nước còn giúp tống khứ chất thải ra khỏi khớp xương, qua đó làm giảm đau đớn.
Mách nước: Luôn để một chai nước trên bàn làm việc hoặc tranh thủ uống nước bất cứ khi nào có thể.
Hành tây
Loại thực phẩm kháng viêm “nổi tiếng” này có chứa phytochemical, loại hóa chất giúp cải thiện hệ miễn dịch. Chưa hết, các hợp chất sulphur có trong hành tây còn góp phần ức chế các enzyme gây đau nhức.
Mách nước: Cắt nhỏ một củ hành đã lột bỏ vỏ rồi đun sôi với 1,5 ly nước trong khoảng 20 phút, cho đến khi nước sắc lại còn khoảng 1 ly. Lọc bỏ xác rồi uống nước hành khi còn nóng. Bạn có thể cho thêm chanh, gừng, mật ong để làm dịu bớt mùi hăng cay đặc trưng của hành tây.
Xoa bóp khớp xương
Xoa bóp phần khớp bị đau bằng một ít hỗn hợp dầu mù tạt đun nóng chung với đinh hương và tỏi là cách giảm đau khớp hiệu quả. Cách làm này giúp giảm căng cơ, đồng thời cải thiện quá trình tuần hoàn máu. Xoa bóp bằng dầu nóng cũng đem lại công dụng giảm đau ngay tức thì.
Mách nước: Nếu hỗn hợp dầu mù tạt, đinh hương và tỏi không phải lúc nào cũng có sẵn, bạn có thể chuẩn bị một chai dầu nóng ở đầu giường để dùng khi khớp xương của bạn cần chăm sóc.
TQS post ngày 20/2/2014

16 thg 2, 2014

Đặng Tiểu Bình trong chiến tranh biên giới Việt Trung 1979

 Trần Trung Đạo.
( Bài tham khảo )
Trong chuyến công du các quốc gia Á Châu để chuẩn bị hậu thuẫn dư luận trước khi đánh Việt Nam, Đặng Tiểu Bình tuyên bố “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học”. Câu“Việt Nam là côn đồ” được các đài truyền hình Trung Quốc phát đi và chính Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam tại Quảng Châu, đã xem đoạn phóng sự truyền hình đó “Tôi không bao giờ có thể quên vẻ mặt lỗ mãng và lời nói “bạo đồ” đầy giọng tức tối của ông ta qua truyền hình trực tiếp và tiếng người phiên dịch sang tiếng Anh là “hooligan” – tức du côn, côn đồ.”

Tại sao Đặng Tiểu Bình nói câu “lỗ mãng” đó?

Đảng CS Trung Quốc “hy sinh” quá nhiều cho đảng CSVN. Không nước nào viện trợ cho CSVN nhiều hơn Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ). Trong cuộc chiến Việt Nam, Trung Quốc không chỉ viện trợ tiền của mà còn bằng xương máu. Trong tác phẩm Trung Quốc lâm chiến: Một bộ bách khoa (China at War: An Encyclopedia) tác giả Xiaobing Li liệt kê các đóng góp cụ thể của 320 ngàn quân Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam:
“Trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn năm 1964 đến năm 1973, quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã lần nữa can thiệp. Tháng Bảy năm 1965, Trung Quốc bắt đầu đưa quân vào Bắc Việt, bao gồm các đơn vị hỏa tiển địa-không (SAM), phòng không, làm đường rầy xe lửa, công binh, vét mìn, hậu cần. Quân đội Trung Quốc điều khiển các giàn hỏa tiển phòng không, chỉ huy các đơn vị SAM, xây dựng và sửa chữa đường sá, cầu cống, đường xe lửa, nhà máy. Sự tham gia của Trung Quốc giúp cho Việt Nam có điều kiện gởi thêm gởi nhiều đơn vị Bắc Việt vào Nam đánh Mỹ. Giữa năm 1965 và năm 1968, Trung Quốc gởi sang Bắc Việt 23 sư đoàn, gồm 95 trung đoàn, tổng số lên đến 320 ngàn quân. Vào cao điểm năm 1967, có 170,000 quân Trung Quốc hiện diện”.
Trong số năm nhân vật hàng đầu lãnh đạo Trung Quốc giai đoạn 1977 đến 1980 gồm Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng và Đặng Tiểu Bình thì Đặng Tiểu Bình là người có hoạt động gần gũi nhất với phong trào CSVN. Hơn ai hết, họ Đặng đã tiếp xúc, làm việc với các lãnh đạo CSVN, biết cá tính từng người và cũng biết một cách tường tận và chính xác những hy sinh của Trung Quốc dành cho đảng CSVN. Trong thập niên 1960, CSVN sống bằng gạo trắng của Trung Quốc nhưng cũng ngay thời gian đó quê hương Tứ Xuyên của Đặng Tiểu Bình chết đói trên 10 triệu người. Trong thời gian hai đảng CS cơm không lành canh không ngọt, bộ máy tuyên truyền CSVN ca ngợi Lê Duẩn như một nhân vật kiên quyết chống bành trướng Bắc Kinh nhưng đừng quên tháng 4, 1965, chính Lê Duẩn đã sang tận Bắc Kinh cầu khẩn Đặng Tiểu Bình để gởi quân trực tiếp tham chiến.

Xung đột biên giới và xô đuổi Hoa Kiều

Theo báo cáo Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, các đụng độ quân sự trong khu vực biên giới giữa các lực lượng biên phòng hai nước đã gia tăng đáng kể sau 1975, gồm 752 vụ trong 1977 đến 1,100 vụ trong 1978. Không chỉ về số lượng mà cả tầm vóc của các vụ đụng độ cũng gia tăng. Dù không phải là lý do chính, những đụng độ quân sự cũng là cách gợi ý cho Bắc Kinh thấy giải pháp có thể phải chọn là giải pháp quân sự. Tháng 11, 1978 Phó Chủ Tịch Nhà nước Uông Đông Hưng và Tướng Su Zhenghua, Chính Ủy Hải Quân, đề nghị đưa quân sang Cambodia và Tướng Xu Shiyou, Tư lịnh Quân Khu Quảng Châu đề nghị đánh Việt Nam từ ngã Quảng Tây. Chính sách xô đuổi Hoa Kiều vào sáu tháng đầu 1978 cũng làm Trung Quốc khó chịu về bang giao và khó khăn về kinh tế.

Đánh Việt Nam để củng cố quyền lực

Đặng Tiểu Bình được phục hồi lần chót vào tháng 7, 1977 với chức vụ Phó Chủ Tịch BCH Trung Ương Đảng, Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương, Phó Thủ Tướng, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc. Tuy nhiên, tất cả chức vụ này không đồng nghĩa với việc tóm thu quyền lực. Hoa Quốc Phong vẫn là Chủ Tịch Nước và Chủ Tịch Đảng. Các ủy viên Bộ Chính Trị khác như Uông Đông Hưng, người ủng hộ Hoa Quốc Phong, Lý Tiên Niệm, Phó Chủ Tịch Nước và Phó Chủ Tịch Đảng CSTQ đều còn nhiều quyền hành. Sự đấu tranh quyền lực trong nội bộ đảng CSTQ ngày càng căng thẳng. Ảnh hưởng của họ Đặng chỉ gia tăng sau chuyến viếng thăm Đông Nam Á và đặc biệt sau Hội Nghị Công Tác Trung Ương từ ngày 10 tháng 11 đến ngày 15 tháng 12, 1978 cũng như Hội Nghị Trung Ương Đảng kỳ III, trong đó các kế hoạch hiện đại hóa kinh tế được đề xuất như chiến lược của Trung Quốc trong thời kỳ mới. Trong nội dung chiến lược này, Mỹ được đánh giá như nguồn cung cấp khoa học kỹ thuật tiên tiến để phục vụ các hiện đại hóa.

Nỗi sợ bị bao vây

Tuy nhiên, câu nói của họ Đặng không phải phát ra từ cá lý do trên mà chính từ nỗi sợ bị bao vây. Học từ những bài học cay đắng của mấy ngàn năm lịch sử Trung Hoa, nỗi sợ lớn nhất ám ảnh thường xuyên trong đầu các thế hệ lãnh đạo CSTQ là nỗi sợ bị bao vây. Tất cả chính sách đối ngoại của đảng CSTQ từ 1949 đến nay đều bị chi phối bởi nỗi lo sợ đó.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, trong tác phẩm Về Trung Quốc (On China) vừa xuất bản, đã trích lại một đoạn đối thoại giữa Phạm Văn Đồng và Chu Ân Lai trong cuộc viếng thăm Trung Quốc của họ Phạm vào năm 1968. Chu Ân Lai: “Trong một thời gian dài, Trung Quốc bị Mỹ bao vây. Bây giờ Liên Xô bao vây Trung Quốc, ngoại trừ phần Việt Nam”. Phạm Văn Đồng nhiệt tình đáp lại: “Chúng tôi càng quyết tâm để đánh bại đế quốc Mỹ bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam”. Chu Ân Lai: “Đó chính là lý do chúng tôi ủng hộ các đồng chí”. Phạm Văn Đồng phấn khởi: “Chiến thắng của chúng tôi sẽ có ảnh hưởng tích cực tại châu Á, sẽ đem lại những thành quả chưa từng thấy”. Chu Ân Lai đồng ý: “Các đồng chí nghĩ thế là đúng ”.
Chính sách của Đặng Tiểu Bình đối với Liên Xô kế thừa từ quan điểm của Mao, qua đó, sự bành trướng của Liên Xô được xem như “một đe dọa đối với hòa bình”. Khi Việt Nam rơi vào quỹ đạo Liên Xô sau Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác Việt-Xô được ký ngày 3 tháng 11, 1978, nỗi sợ hãi bị bao vây như Chu Ân Lai chia sẻ với Phạm Văn Đồng không còn là một ám ảnh đầy đe dọa mà là một thực tế đầy nguy hiểm.

Cambodia, giọt nước tràn ly
Không những Trung Quốc sợ bao vây từ phía nam, vùng biên giới Lào mà còn lo sợ bị cả khối Việt Miên Lào bao vây. Để cô lập Việt Nam và ngăn chận khối Việt Miên Lào liên minh nhau, ngay từ tháng 8 năm 1975, Đặng Tiểu Bình cũng đã chia sẻ với Khieu Samphan, nhân vật số ba trong Khmer Đỏ “Khi một siêu cường [Mỹ] rút đi, một siêu cường khác [Liên Xô] sẽ chụp lấy cơ hội mở rộng nanh vuốt tội ác của chúng đến Đông Nam Á”. Họ Đặng kêu gọi đảng CS Campuchia đoàn kết với Trung Quốc trong việc ngăn chận Việt Nam bành trướng. Hoa Quốc Phong cũng lập lại những lời tương tự khi tiếp đón phái đoàn của Tổng bí thư đảng CS Lào Kaysone Phomvihane nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc của y vào tháng Ba, 1976. Tháng Sáu, 1978, Việt Nam chính thức tham gia COMECON và tháng 11 cùng năm Việt Nam ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác có bao gồm các điều khoản về quân sự với Liên Xô. Tháng 12 năm 1978, Việt Nam xâm lăng Campuchia đánh bật tập đoàn Pol Pot vào rừng và thiết lập chế độ Heng Samrin thân CSVN. Đặng Tiểu Bình xem đó như giọt nước tràn ly và quyết định chặt đứt vòng xích bằng cách dạy cho đàn em phản trắc CSVN “một bài học”. Đặng Tiểu Bình chọn phương pháp quân sự để chọc thủng vòng vây.

Quyết định của Đặng Tiểu Bình

Hầu hết tài liệu đều cho thấy, mặc dầu có sự chia rẽ trong nội bộ Bộ Chính Trị, quyết định tối hậu trong việc đánh Việt Nam là quyết định của Đặng Tiểu Bình.
Tại phiên họp mở rộng ngày 31 tháng 12, 1978 Đặng Tiểu Bình chính thức đề nghị thông qua kế hoạch tấn công “trừng phạt” Việt Nam. Các thành viên tham dự chẳng những đồng ý với kế hoạch đầu tiên tấn công vào Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai mà cả kế hoạch được sửa đổi trong đó có việc phối trí hai binh đoàn có thể tấn công vào Điện Biên Phủ từ ngã Mengla và Vân Nam qua đường Lào để đe dọa trực tiếp đến Hà Nội. Cũng trong phiên họp này Đặng Tiểu Bình cử Tướng Hứa Thế Hữu, Tư lịnh cánh quân từ hướng Quảng Tây, Tướng Dương Đắc Chí, đương kiêm Tư Lịnh Quân Khu Vũ Hán, chỉ huy cánh quân từ hướng Vân Nam.
Soạn kế hoạch trên giấy tờ thì dễ nhưng với một người có đầu óc thực tiễn như Đặng Tiểu Bình, y biết phải đối phó với nhiều khó khăn. Trong điều kiện kinh tế và quân sự còn rất yếu của Trung Quốc vào năm 1979, đánh Việt Nam là một quyết định vô cùng quan trọng. Đặng Tiểu Bình nắm được Bộ Chính Trị CSTQ nhưng về mặt đối ngoại, Đặng Tiểu Bình phải thuyết phục các quốc gia Đông Nam Á, Á Châu và nhất là Mỹ.

Lên đường thuyết khách tìm đồng minh

Cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình, 74 tuổi, thực hiện một chuyến công du chính thức và lịch sử với tư cách lãnh đạo tối cao của Trung Quốc để vừa thúc đẩy Bốn Hiện Đại Hóa và vừa dọn đường đánh Việt Nam.
Họ Đặng viếng thăm hàng loạt quốc gia châu Á như Nhật, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Miến Điện, Nepal. Tại mỗi quốc gia thăm viếng, họ Đặng luôn đem thỏa ước Việt-Xô ra hù dọa các nước láng giềng như là mối đe dọa cho hòa bình và ổn định Đông Nam Á. Đặng Tiểu Bình phát biểu tại Bangkok ngày 8 tháng 11 năm 1978: “Hiệp ước [Việt Xô] này không chỉ nhắm đến riêng Trung Quốc… mà là một âm mưu Sô Viết tầm thế giới. Các bạn có thể nghĩ hiệp ước chỉ nhằm bao vây Trung Quốc. Tôi đã trao đổi một cách thân hữu với nhiều nước rằng Trung Quốc không sợ bị bao vây. Thỏa hiệp có ý nghĩa quan trọng hơn đối với Á Châu và Thái Bình Dương. An ninh và hòa bình châu Á, Thái Bình Dương và toàn thế giới bị đe dọa.” Ngoại trừ Singapore, họ Đặng nhận sự ủng hộ của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. ASEAN lên án Việt Nam xâm lăng Kampuchea. Nhật Bản cũng lên án Việt Nam.
Trong các chuyến công du nước ngoài, việc viếng thăm Mỹ đương nhiên là quan trọng nhất. Trong phiên họp của Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng CSTQ ngày 2 tháng 11, 1978, Đặng Tiểu Bình chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao Trung Quốc thông báo cho Mỹ biết ý định bình thường hóa ngoại giao. Đầu tháng 12, Đặng báo cho các bí thư đảng ủy một số tỉnh và tư lịnh các quân khu rằng Mỹ có thể thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào đầu năm Dương Lịch 1979. Chính bản thân Đặng đàm phán trực tiếp bốn lần với Leonard Woodcock, Giám Đốc Văn Phòng Đại Diện Mỹ tại Bắc Kinh trong hai ngày 13 và 15 tháng 11, 1978. Trong các buổi đàm phán, Đặng đã nhượng bộ Mỹ bằng cách không đưa vấn đề Mỹ bán võ khí cho Đài Loan như một điều kiện tiên quyết để tiến tới bình thường hóa vì Đặng nóng lòng giải quyết quan hệ với Mỹ trước khi xăm lăng Việt Nam.

Chính thức viếng thăm Hoa Kỳ

Ngày 28 tháng Giêng 1979, Đặng Tiểu Bình lên đường chính thức viếng thăm Mỹ. Y nghĩ rằng Mỹ và Trung Quốc đang tiến tới một đồng minh chiến lược chống Sô Viết trên phạm vi toàn cầu nhưng không có gì chắc chắn Mỹ sẽ ủng hộ ra mặt trong cuộc chiến chống Việt Nam sắp tới. Trong thời gian ở Mỹ, Đặng Tiểu Bình gặp Tổng Thống Jimmy Carter ba lần. Chỉ trong vài giờ sau khi hạ cánh xuống Washington DC, Đặng yêu cầu được gặp riêng với Tổng thống Carter để thảo luận về vấn đề Việt Nam. Đề nghị của họ Đặng làm phía Mỹ ngạc nhiên. Chiều ngày 29 tháng Giêng, Đặng và phái đoàn gồm Ngoại Trưởng Hoàng Hoa, Thứ trưởng Ngoại Giao Zhang Wenjin đến gặp TT Carter tại Tòa Bạch Ốc. Phía Mỹ, ngoài TT Carter còn có Phó Tổng Thống Walter Mondale, Ngoại Trưởng Cyrus Vance và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Brzezinski. Trong buổi họp, Đặng Tiểu Bình thông báo cho TT Mỹ biết Trung Quốc đã quyết định chống lại sự bành trướng của Liên Xô bằng cách tấn công Việt Nam và cần sự ủng hộ của Mỹ. Trái với mong muốn của Đặng Tiểu Bình, TT Carter không trả lời ngay, ngoài trừ việc yêu cầu họ Đặng nên “tự chế khi đương đầu với tình trạng khó khăn”.
Ngày hôm sau, Đặng Tiểu Bình nhận lá thư viết tay của TT Carter, trong đó ông có ý cản ngăn họ Đặng vì theo TT Carter dù Trung Quốc có đánh Việt Nam, Việt Nam cũng không rút quân khỏi Cambodia mà còn làm Trung Quốc sa lầy. TT Carter cũng nhắc việc xâm lăng Việt Nam có thể làm cản trở nỗ lực của Trung Quốc cổ võ cho một viễn ảnh hòa bình trên thế giới.
TT Carter viết lại trong nhật ký Jimmy Carter, Keeping Faith, Memoirs Of A President, Ngô Bắc dịch:
“Sáng sớm hôm sau, họ Đặng và tôi một lần nữa hội kiến tại Văn Phòng Bàu Dục, chỉ có một thông dịch viên hiện diện. Tôi đã đọc to và trao cho ông ta một bức thư viết tay tóm tắt các lý luận của tôi nhằm ngăn cản một cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào Việt Nam. Ông ta đã nhấn mạnh rằng nếu họ quyết định chuyển động, họ sẽ triệt thoái các bộ đội Trung Quốc sau một thời gian ngắn – và các kết quả của một cuộc hành quân như thế nhiều phần có lợi và có hiệu quả lâu dài. Hoàn toàn khác biệt với tối hôm trước, giờ đây ông ta là một lãnh tụ cộng sản cứng rắn, quả quyết rằng dân tộc ông không xuất hiện với vẻ yếu mềm. Ông ta tuyên bố vẫn còn đang cứu xét vấn đề, nhưng ấn tượng của tôi là quyết định đã sẵn được lấy. Việt Nam sẽ bị trừng phạt.”
Ngày 30 tháng Giêng, trong một buổi họp khác với TT Carter, Đặng Tiểu Bình cho biết việc đánh Việt Nam đã được quyết định và sẽ không có gì làm thay đổi. Tuy nhiên, họ Đặng cũng nhấn mạnh chiến tranh sẽ xảy ra trong vòng giới hạn.
Đặng Tiểu Bình không mua chuộc được sự ủng hộ công khai của Mỹ để đánh Việt Nam nhưng ít ra không phải về tay trắng. Tổng thống Carter để lấy lòng “khách hàng khổng lồ” và “đồng minh chiến lược chống Liên Xô” đã đồng ý cung cấp tin tức tình báo các hoạt động của 50 sư đoàn Liên Xô trong vùng biên giới phía bắc Trung Hoa. Mỹ cũng dùng vệ tinh để theo dõi trận đánh biên giới và cũng nhờ những tấm ảnh chụp từ vệ tinh mà các cơ quan truyền thông biết ai đã dạy ai bài học trong chiến tranh biên giới Việt Trung 1979. Trong buổi họp riêng với Tổng thống Carter trước khi lên máy bay, Đặng khẳng định “Trung Quốc vẫn phải trừng phạt Việt Nam”. Chuyến viếng thăm Mỹ là một thành công. Dù Mỹ không ủng hộ nhưng chắc chắc Đặng biết cũng sẽ không lên án Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Trên đường về nước, Đặng ghé Tokyo lần nữa để vận động sự ủng hộ của Nhật.
Hai ngày sau khi trở lại Bắc Kinh, ngày 11 tháng 2, 1979 Đặng triệu tập phiên họp mở rộng của Bộ Chính Trị và giải thích đặc điểm và mục tiêu của cuộc tấn công Việt Nam. Ngày 17 tháng 2, 1979, Đặng Tiểu Bình xua khoảng từ 300 ngàn đến 500 ngàn quân, tùy theo nguồn ghi nhận, tấn công Việt Nam. Nhiều tài liệu Việt, Hoa và quốc tế đã phân tích về chiến tranh biên giới Việt Trung 1979.

Lãnh đạo CSVN ở đâu trong ngày quân Trung Quốc tràn qua biên giới?

Trong khi Đặng Tiểu Bình chuẩn bị một cách chi tiết từ đối nội đến đối ngoại cho cuộc tấn công vào Việt Nam, các lãnh đạo CSVN đã bị CSTQ tẩy não sạch đến mức nghĩ rằng người Cộng Sản đàn anh dù có giận cỡ nào cũng không nở lòng đem quân đánh đàn em CSVN. Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh Sự tại Quảng Châu nhắc lại “Trong tận đáy lòng chúng tôi vẫn hy vọng, có thể một cách ngây thơ rằng, Việt Nam và Trung Quốc từng quá gần gũi và hữu nghị, họ [Trung Quốc] chẳng lẽ thay đổi hoàn toàn với Việt Nam quá nhanh và quá mạnh như thế.”
Khi hàng trăm ngàn quân Trung Quốc tràn sang biên giới, Thủ Tướng CS Phạm Văn Đồng và Đại Tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng vẫn còn đang viếng thăm Campuchia. Tình báo Việt Nam không theo dõi sát việc động binh ồ ạt của Trung Quốc và cũng không xác định được hướng nào là trục tiến quân chính của quân Trung Quốc. Tác giả Xiaoming Zhang viết trong Tái đánh giá cuộc chiến Trung Việt 1979 “Rõ ràng tình báo Việt Nam thất bại để chuẩn bị cho việc Trung Quốc xâm lăng” và “Mặc dù Trung Quốc nhiều tháng trước đó đã có nhiều dấu hiệu chiến tranh, các lãnh đạo Việt Nam không thể nào tin “nước xã hội chủ nghĩa anh em” có thể đánh họ.
Dù bị bất ngờ, hầu hết các nhà phân tích quân sự, kể cả nhiều tác giả người Hoa, cũng thừa nhận khả năng tác chiến của phía Việt Nam vượt xa khả năng của quân đội Trung Quốc. Tạp chí Time tổng kết dựa theo các nguồn tin tình báo Mỹ, chỉ riêng trong hai ngày đầu thôi và khi các quân đoàn chính quy Việt Nam chưa được điều động đến, dân quân Việt Nam vùng biên giới đã hạ bốn ngàn quân chủ lực Trung Quốc. Tác giả Xiaobing Li, trong bài viết Quân đội Trung Quốc học bài học gì dựa theo khảo cứu A History of the Modern Chinese Army đã mô tả quân Trung Quốc chiến đấu tệ hại hơn cả trong chiến tranh Triều Tiên mấy chục năm trước.
Nếu ngày đó giới lãnh đạo CSVN không tin tưởng một cách mù quáng vào ý thức hệ CS và “tình hữu nghị Việt Trung”, nhiều ngàn thanh niên Việt Nam đã không chết, Lạng Sơn đã không bị san bằng, hai tiểu đoàn bảo vệ thị trấn Đồng Đăng chống cự lại hai sư đoàn Trung Quốc đã không phải hy sinh đến người lính cuối cùng.

Bài học lịch sử từ chiến tranh biên giới 1979

Từ đó đến nay, khi đánh khi đàm, khi vuốt ve khi đe dọa nhưng các mục tiêu của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc đối với Việt Nam từ chiến tranh biên giới 1979 đến Hội Nghị Thành Đô 1990 vẫn không thay đổi. Trung Quốc bằng mọi phương tiện sẽ buộc Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc về chế độ chính trị, là một phần không thể tách rời trong toàn bộ chiến lược an ninh châu Á của Trung Quốc và độc chiếm toàn bộ các quyền lợi kinh tế vùng biển Đông bao gồm cả các vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang tranh chấp.
Đặng Tiểu Bình trước đây và các lãnh đạo CSTQ hiện nay sẳn sàng dùng bất cứ phương tiện gì để thực hiện các chủ trương đó kể cả việc xóa bỏ nước Việt Nam trong bản đồ thế giới bằng một chính sách đánh phủ đầu (preemptive policy).
Đừng quên họ Đặng đã từng chia sẻ ý định này với Tổng thống Jimmy Carter “Bất cứ nơi nào, Liên Xô thò ngón tay tới, chúng ta phải chặt đứt ngón tay đó đi”. Đặng Tiểu Bình muốn liên minh quân sự với Mỹ như kiểu NATO ở châu Âu để triệt tiêu Liên Xô tại châu Á. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger giải thích quan điểm này của họ Đặng trong tác phẩm Về Trung Quốc (On China) của ông: “Những gì Đặng Tiểu Bình đề nghị về căn bản là chính sách đánh phủ đầu, đó là một lãnh vực trong chủ thuyết quân sự ngăn chận tấn công của Trung Quốc… Nếu cần thiết, Trung Quốc sẽ chuẩn bị phát động các chiến dịch quân sự để phá vỡ kế hoạch của Liên Xô, đặc biệt tại vùng Đông Nam Á”. “Đông Nam Á” và “ngón tay” theo ý Đặng Tiểu Bình tức là Việt Nam và liên kết quân sự theo dạng NATO không phải là để dời vài cột mốc, dở một đoạn đường rầy xe lửa, đụng độ biên giới lẻ tẻ mà là cuộc tấn công phủ đầu, triệt tiêu có tính quyết định trước khi Việt Nam có khả năng chống trả.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ bà Madeline Albright có câu nói rất hay “Lịch sử chưa bao giờ lập lại một cách chính xác nhưng chúng ta phải gánh lấy tai họa nếu không học từ lịch sử.” Với Chiến Tranh Lạnh đang diễn ra tại Châu Á hiện nay và với nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhưng không lối thoát cho bộ máy chính trị độc tài toàn trị đang được chạy bằng nhiên liệu Đại Hán cực đoan, chiến tranh sẽ khó tránh khỏi dù các bên có muốn hay không.
Việt Nam, quốc gia vùng trái độn giữa hai quyền lực thế giới, chưa bao giờ đứng trước một chọn lựa sinh tử như hôm nay. Một người có trách nhiệm với tương lai đất nước, dù cá nhân có mang một thiên kiến chính trị nào, cũng phải biết thức tỉnh, biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên, biết chọn hướng đi thích hợp với đà tiến văn minh dân chủ của thời đại, chấm dứt việc cấy vào nhận thức của tuổi trẻ một tinh thần bạc nhược, đầu hàng.
Lịch sử đã chứng minh, Trung Quốc giàu mạnh nhưng không phải là một quốc gia đáng sợ. Nỗi sợ hãi lớn nhất của người Việt Nam là sợ chính mình không đủ can đảm vượt qua quá khứ bản thân, không đủ can đảm thừa nhận sự thật và sống vì tương lai của các thế hệ con cháu mai sau.

Trần Trung Đạo
__________________________________________________
Tham khảo:
- Deng Xiaoping and China’s Decision to go to War with Vietnam, Xiaoming Zhang, MIT Press 2010
- China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment, Xiaoming Zhang
- Henry Kissinger, On China, The Penguin Press, New York 2011
- Graham Hutchings, Modern China, Harvard University Press, 2001
- Todd West, Failed Deterrence, University of Georgia
- Reuter, China admits 320,000 troops fought in Vietnam, May 16 1989
- Russell D. Howard, The Chinese People’s Liberation Army: “Short Arms and Slow Legs”, USAF Institute for National Security Studies 1999
- Wikipedia Đặng Tiểu Bình
- Wikipedia Chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979
- Vietnam tense as China war is marked, BBC, 16 February 2009
- A History of the Modern Chinese Armypp. P 255-256, 258-259 , Xiaobing Li (U. Press of Kentucky, 2007)
- Jimmy Carter, cựu Tổng Thống Hoa Kỳ, Ghi nhớ về chiến tranh Trung Quốc – Việt Nam năm 1979, Ngô Bắc dịch
- “Côn đồ” Đặng Tiểu Bình trong quan hệ Việt-Trung-Miên, Trần Trung Đạo
- Chu kỳ thù hận Việt-Trung-Miên, Trần Trung Đạo
TQS post ngày 17/2/2014
Đánh giá (55 Bình chọn)

15 thg 2, 2014

Nhà thơ Phan Huyền Thư
Nhà thơ Phan Huyền Thư
ANTG: Không hiểu vì sao một số người khi nhắc tới Phan Huyền Thư lại cứ gọi chỉ là nhà thơ trẻ. Với tôi, ngay từ những dòng thơ đầu tiên, Phan Huyền Thư đã chín với tư cách một tác giả. Dẫu rằng cho tới bây giờ, sau gần ba mươi năm, chị vẫn rất hồn nhiên trong sáng tạo và cách ứng xử ở đời… Về điểm này, có lẽ chị cũng đã thừa hưởng được những nét di truyền điển hình từ người mẹ, ca sĩ, NSND Thanh Hoa.
Bài thơ đầu tiên của mình mà chị nhớ cho tới ngày hôm nay?
- Sẽ là hơi ngộ nhận khi tự cho rằng những thứ đó mà cũng được coi là thơ… nhưng hình ảnh và nhạc điệu của ngôn ngữ đến với tôi rất sớm, thậm chí từ khi còn chưa sạch hết các mặt chữ. Hồi 4 tuổi, tôi thường hay nói những câu có vần… kiểu như: “Trên nền trời cao, lung linh sao múa, mắt sao màu lửa, nhìn em sao cười…”. Sau này, bố con tôi đã cùng phổ nhạc cho bài này thành một bài hát đầu tiên mà tôi tự sáng tác đấy. Ở Khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam 128C Đại La ngày xưa, thời bao cấp, mất điện là chuyện thường, bố thường hay lấy chiếu trải trên một cái xe rơ – mooc cũ bị hỏng…mấy bố con trò chuyện, hát hò suốt… vài năm sau…bố đã tập hợp một số bài thơ của tôi gửi một người bạn bên báo Nhi Đồng nhờ in. Bây giờ tôi cũng rất muốn tìm lại những bài thơ đó…Bố vẫn thường bảo tôi, có nhạc điệu, hình ảnh là thành thơ rồi…Thế rồi biết bao biến cố đã ập đến với gia đình tôi. Mười năm sau, khi bước vào tuổi dậy thì, 14 tuổi tôi mới trở lại với thơ. Cũng vẫn chỉ là những bài thơ viết trong sổ tay của một cô học sinh cấp III… tôi giấu kỹ lắm, chẳng chia sẻ với ai cả. Những bài kiểu như Hoa Gạo (sau này được nhạc sĩ Ngọc Đại phổ nhạc hay bài Huế (Giải thơ tạp chí Sông Hương năm 1997) nằm trong cuốn sổ đó.
Chị có cảm thấy câu chữ thời đó cho tới bây giờ vẫn tiếp tục “ám” vào cuộc sống của mình không? Có phải bài thơ chị vừa đề cập tới đã bộc lộ sớm nét tính cách chủ yếu của chị trong đời sống tình cảm, mặc dù khi viết nó chị mới ở tuổi “cập kê” của một thiếu nữ?
- Bây giờ ngồi nghĩ lại, thấy những câu kiểu như: “Thu về nhanh quá, ve lột đẫm sương…”, hay “ở lưng trời khát cháy sa mạc” trong bài Hoa Gạo hoặc “Chú kiến nhỏ lang thang giữa rừng âm thanh, uống từng giọt Sô-panh và khóc…”, bài Gửi Sô-panh hay câu “Tiếng Nam Ai những cung phi góa bụa, chèo thuyền vớt xác mình trên sông” trong bài Huế… tôi viết ở cái tuổi “già nhi đồng, non thiếu nữ” ấy… cũng quá già so với tuổi 14. Nhưng chẳng phải chỉ có những câu chữ đầu đời ấy đâu, đến bây giờ, tôi thấy cái gì tôi viết cũng vận, cũng ám vào tôi đến mức có một thời gian tôi sợ, chẳng dám viết gì nữa…chỉ âm ỉ gặm nhấm… rồi đến lúc không thể nén thêm được nữa thì lại trào ra… viết là giải thoát mà!
Chị có tự nhận mình là một phụ nữ đa tình không?
- Tôi đa tình lắm chứ, không đa tình làm sao làm thơ được? Chỉ ơn giời là tôi may mắn không nắm phận đa đoan. Nói chuyện “đa tình”, người đời thường hay gán cho nó cái phong vị của đạo đức, tôi thì lại thấy nó là do quan niệm riêng của mỗi người về chữ Tình. Tôi cũng là người sống nặng tình. Nặng tình nhưng không lụy tình, chỉ lụy tài thôi. Tôi mê người tài lắm, nhiều câu thơ làm mình mê đắm mà có khi mình còn chưa gặp mặt người viết ra nó đã thấy như cảm nhận được nhau rồi!
Cũng nhiều thi hữu, văn bá có tình cảm với tôi lắm chứ, nhiều khi đọc được của nhau câu nào “đã” là thấy sướng quá rồi… Cái tình của người làm thơ là thứ tình ảo nhưng mà cao sang lắm. Cái tạng của tôi không sống được với những thứ tình “nhập thế” kiểu thân xác hay chót lưỡi đầu môi, dập dìu quấn quít để rồi tan nát bẽ bàng với nhau đâu anh ạ…Thế mới bảo, tôi dan díu từ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi hay với Lý Bạch, Lục Du cho đến Tagore, Whitemann ấy chứ!
Cách sống mà chị đã chọn lựa liệu có ảnh hưởng thế nào tới hôn nhân của chị?
- Có ảnh hưởng nhiều chứ ạ. Tôi không mê đắm điên dại với người thực, chỉ ám ảnh chữ nghĩa để mà vẩn vơ thôi, vì thế cuộc sống gia đình cũng nhẹ nhàng, êm ấm. Gia đình đối với tôi là một điều may mắn lớn nhất mà số phận đã mang lại. Tôi luôn có những người đàn ông thực sự ở bên cạnh để mà bao dung, chịu đựng cái lãng đãng của mình. Vì chồng con, tôi dám dấn thân, dám chịu đựng và cũng dám vứt bỏ tất cả những gì vướng bận có thể làm tổn thương họ…
Câu thơ nào của chị mà chị coi là nói về chị đúng nhất?
“Em xanh xao từ thuở
Không dậy bảo được tim”…
Theo chị, liệu có cái khái niệm là thế hệ các nhà thơ không? Hay như người ta vẫn nói, trong thi ca chỉ tồn tại những nhà thơ riêng biệt, “mỗi con người một hành tinh”, theo cách diễn tả của nhà thơ Nga Evtushenko?
- Vâng, cái ông Evgheni Evtushenko ấy, đã nói rất nhiều điều mà tôi tâm đắc về thế giới sáng tạo riêng của mỗi người. “Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời, mỗi số phận chứa một phần lịch sử…”, nói gì đến “cái tôi số phận” của một thi sĩ… Tôi hoàn toàn không hề thích nói chuyện định danh thế hệ. Còn việc quy hoạch các cá tính thơ, các trào lưu và các lực lượng sáng tác theo các thời kỳ lịch sử riêng, các thời đại riêng chỉ là việc của các nhà nghiên cứu văn học, các công trình khoa học về văn học sử… Ngay cả với những việc đó, họ sẽ tự chịu trách nhiệm về các định danh mà họ đặt ra… Nhà thơ, theo tôi chỉ cần chịu trách nhiệm với chữ nghĩa của mình và với nhân cách của chính mình thôi.
Chị nghĩ thế nào về những nhà thơ Việt Nam đương đại? Những ai là người mà chị cảm thấy gần gụi? Vì sao? Những câu thơ hay nào của những người này mà chị nhớ?
- Nhiều nhà thơ rất hay, thơ đương đại tụ hợp nhiều cá tính, đa giọng điệu và nhiều thân phận khá phức hợp. Cái mà tôi yêu và phục ở họ là những gì bản năng, những gì thô mộc, không lên gân, không lòe loẹt ồn ào… Tôi cũng không thích những giọng thơ quá hằn học hay luôn ở trong trạng thái được dopping quá đà. Tôi luôn khâm phục những giọng thơ mà ở đó, người ta thấy thấm đẫm hồn cốt dân tộc, thấy nặng trĩu thân phận con người và nỗi đau thế sự, thấy được cái nhân văn cốt lõi của con người. Những giọng thơ như thế không nhiều nhưng cũng không ít. Không chỉ có trẻ hay già, không chỉ là nam hay nữ…làm sao mà điểm danh ra đây cho hết? Chẳng hạn như câu: “Tôi trót dại đỗ nhầm hải cảng, để con tàu thiếu máu xanh xao”, của Trần Dần, hay “Ta thường sống không đề phòng người ta yêu, cây không đổ về nơi có vết rìu…” của Hữu Thỉnh, hay “Vườn vẫn thức một mùi hương đi vắng” của Lê Đạt, hoặc như câu “Ta để lại tình yêu như ánh sáng hiền hòa, Và chân trời, di chúc của đời ta” của Lưu Quang Vũ, v.v. Vô cùng nhiều những câu thơ, những thi nhân luôn hiện hữu trong thế giới thi ca của tôi đẹp lung linh những nỗi đau dịu dàng và sự giản dị của xúc cảm… Điều này tồn tại với cả giới thi nhân chứ không riêng gì tôi, phần đông những thi sĩ đang chung nhau thời đại này – thời đại mà người đời sau sẽ định danh cho chúng ta…chứ hiện tại chúng ta vẫn chung nhau một danh tính Đương đại ấy thôi…
Theo chị, có cần viết để những câu thơ trở nên dễ nhớ không?
- Thi ảnh và nhạc tính là hai yếu tố quan trọng nhất để quyết định nên cấu trúc và hình thức của một bài thơ. Quyền lựa chọn tối thượng lại là của người viết…Tôi nghĩ, khi một văn bản văn xuôi cũng vang lên trong tâm trí người đọc một giai điệu và đọng lại một hình ảnh mang tính biểu tượng của cảm xúc thì đấy chính là lúc thi ca đã cất cánh bay lên…Ngược lại, anh có vận dụng đến bao nhiêu phép tu từ học, bẻ gẫy bao nhiêu tầng ngữ pháp mà câu thơ của anh vẫn không vang lên trong tâm tưởng người đọc bằng một biểu tượng cảm xúc nào, không tạo nên được một thi ảnh nào… thì lúc đó, thậm chí có diễn giải lại bằng văn xuôi cũng bất lực. Tôi rất yêu những nhà văn biết viết nên những câu văn đầy âm nhạc và hình ảnh, với tôi, họ cũng là người có tâm hồn thi sĩ… Với lại, thật sự là tôi thấy rất trân trọng sự điềm tĩnh, tự chủ ngôn ngữ của các nhà văn.
Công việc hiện nay của chị ở Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương thế nào? Chị có cảm thấy môi trường mà chị đang làm việc không mấy giống như chị muốn hình dung về nó?
- Hãng phim TL&KH trung ương là nơi trả lương cho tôi, nếu là người tự trọng thì tất nhiên tôi sẽ có nghĩa vụ lao động và cống hiến cho xứng đáng. Tôi cũng biết ơn Hãng vì đã cho tôi được một sự “chủ quản” của một công dân có chứng chỉ giáo dục. Hơn nữa, ở đây tôi có cơ hội để học hỏi, có thêm niềm đam mê để theo đuổi một lĩnh vực khác ngoài văn chương và âm nhạc. Với điện ảnh, tôi là người làm đường, không phải người chỉ đường và càng không phải người quy hoạch giao thông… Nguyên tắc sống của tôi lại là: “chấp nhận và tự chủ” chứ không phải là “phàn nàn và đòi hỏi”…
Phan Huyền Thư cùng mẹ, NSND Quang Hưng và ca sĩ Ngọc Tân
Phan Huyền Thư cùng mẹ, NSND Quang Hưng và ca sĩ Ngọc Tân
Theo chị, liệu có bình thường không nếu giữa các thế hệ nghệ sĩ có những cách nhìn khác nhau về nghề, về nếp sống?
- Chuyện xung đột tư duy, phong cách và quan niệm sống là điều hết sức bình thường với tất cả các nghề nghiệp khác nhau chứ không riêng gì ở Hãng phim của tôi. Đó là dấu hiệu của sự phát triển. Thông thường người đi sau bao giờ cũng nhìn thấy rõ người đi trước, ngược lại, người đi trước chỉ có thể nhìn thấy người đi sau nếu anh ta biết quay đầu nhìn lại…Và những người đi trước cũng hoàn toàn có quyền không thèm nhìn thấy ai đi sau họ chứ? Tôi sống ở Hãng phim khá mờ nhạt, ngoài tác phẩm ra, chẳng có gì đáng để bàn với các đồng nghiệp. Với riêng tôi, tất cả những thứ giao đãi, quan hệ đồng nghiệp ở cơ quan mà nằm ngoài mục đích cùng nhau sáng tạo ra tác phẩm thì đều mang tính “trang trí đường diềm” để tạo danh vị một cách yếm thế. Chưa nói đến việc nảy sinh những thị phi và làm mất thời gian của người khác. Tôi không hợp lắm với quan niệm: “Anh em cùng cơ quan phải cố gắng sống với nhau như một gia đình”. Vì với tôi, gia đình thiêng liêng và phải được nuôi dưỡng bằng sự chân tình, nhường nhịn, hi sinh nhiều lắm…Nếu chỉ mượn hơi thói gia trưởng của gia đình truyền thống Việt Nam để hành xử với nhau nơi làm việc thì nó vừa giả dối lại vừa áp đặt một cách ngụy biện. Thử tưởng tượng cơ quan mà giống như một gia đình thì ai làm cha mẹ, anh chị, ai làm em út, làm cháu con? Ở nhà mình thì có khi coi con là quan trọng nhất, chứ ở cơ quan thì chắc gì con cháu đã quan trọng bằng cha mẹ, anh chị? Điện ảnh hay văn chương cũng thế thôi, xem tác phẩm của anh, người ta sẽ biết ngay tài năng anh đến đâu, kiến văn anh thế nào, tâm địa anh ra sao, tham vọng anh thế nào…
Chị đã làm gì để những khác biệt thế hệ không tạo ra những lực cản cho công việc chung?
- Tôi không làm gì khác ngoài việc tìm kiếm đề tài, viết kịch bản, làm những bộ phim được nhà nước duyệt đề tài và ban giám đốc giao cho vai trò đạo diễn. Có năm tôi được giao đến 2 phim nhưng cũng có năm không được duyệt đề tài thì tôi chẳng làm phim nào cả. Sự khác biệt thế hệ như anh nói, sẽ là một động lực mang tính tích cực để tạo ra sự khác biệt về phong cách nghệ thuật. Cũng có khi thế hệ đi sau không thể chạy theo các đàn anh đàn chú được vì người ta có thực tài, có trí tuệ và có cả nhân cách nữa…vậy nên tác phẩm của người ta mới có chỗ đứng, tên tuổi người ta mới được công nhận. Còn chuyện phổ biến ở tất cả các “đơn vị hành chính nghệ thuật” là cái cơ chế khen thưởng còn phụ thuộc vào các tiêu chuẩn và quyền lợi liên quan thâm niên công tác…sẽ đẻ ra rất nhiều thứ danh hiệu không thực chất. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: “Khi anh nhập nhoạng bóng tối thì có kẻ lấp ló bình minh, đừng lấy hoàng hôn anh ngăn cản ban mai của họ sinh thành…”. Còn thực ra các mâu thuẫn hay xung đột trong anh em sáng tác về danh vị, danh hiệu hay tiêu chuẩn này nọ…tôi không cho nó là cái gì quá ghê gớm. Thế mới là đời sống chứ! Vấn đề ở đây chỉ là cách ứng xử với nhau thế nào thôi. Cùng đi làm công ăn lương với nhau, tác phẩm thì cũng là sản phẩm lao động tập thể, danh tiếng thì cũng là sản phẩm sở hữu tập thể còn lại thì phim đã làm xong là của nhà nước chứ của riêng gì ai… Tôi cũng đã từng tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp rằng: “Muốn dùng cái của người khác để làm tốt hơn cái của mình thì cũng đừng tìm mọi cách chiếm đoạt lấy nó, hãy để người ta tự đem đến cho mình…”. Có vậy thôi mà!
Có người nói rằng, Phan Huyền Thư “ghê gớm” lắm. Chị có thấy thế không?
- Còn để xem cái quan niệm của người ta về sự ghê gớm ấy là gì nữa chứ! Nếu ghê gớm là sự sòng phẳng và không ngại đối diện thì cũng có thể coi tôi là người ghê gớm. Nếu ghê gớm là người dám sống thật ở bất kỳ hoàn cảnh nào… thì tôi cũng dám nhận mình ghê gớm. Tôi nghĩ mình là người bị vạ miệng và chịu nhiều thị phi thì đúng hơn…
Chị có nghĩ rằng tính cách là một trong những lý do khiến chị không phải lúc nào cũng thuận lợi trong công việc không?
- Cũng thật khó để trả lời câu hỏi này của anh. Ai mà chẳng phải gánh trên vai cái số phận do chính tính cách của mình định đoạt nên? Chẳng hạn như kiến nghị một cách trực diện như tôi, dám ký tên và hỏi thẳng người có trách nhiệm để mong được sự minh bạch sẽ dễ bị mang tiếng đố kị, bon chen hoặc thích lật đổ người khác… nhưng chẳng nhẽ điều đó lại đáng ghét hơn những kẻ chỉ dám viết thư nặc danh bêu xấu danh dự người khác trong cả một chồng đơn kiến nghị cũng về một việc như nhau?
Tôi biết chị sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ theo đúng nghĩa của từ này nhất, không chỉ vì cha mẹ chị đều là nghệ sĩ mà cả vì hoàn cảnh cụ thể của môi trường mà trong đó chị đã lớn lên. Nhớ lại quá khứ, chị có điều gì cảm thấy hối tiếc vì mình đã phải lớn lên trong hoàn cảnh đó không?
- Nếu cha mẹ tôi là những người công nhân hay nông dân bình thường, và hiện tại tôi cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường làm nội trợ thì tôi cũng sẽ không ân hận huống chi là tôi lại may mắn sinh ra trong một gia đình nghệ thuật. Cho dù tôi có là ai thì tôi vẫn luôn biết ơn số phận đã cho mình được làm con người, biết ơn cha mẹ đã sinh ra tôi, biết ơn cả những biến cố lớn trong đời đã cho tôi cơ hội để nếm trải và tìm cho mình một cách sống với đúng bản chất con người mình nhất. Cuộc sống này đáng quý lắm anh ạ, và những thứ được mất của mỗi con người thì nhỏ nhoi biết bao…có đáng gì đâu! Cái đáng phải nghĩ nhất là mình sống thế nào, có làm được cái gì không…nếu không làm được gì to tát thì cứ sống để làm một người tử tế cũng khó lắm rồi!
NSND Thanh Hoa không chỉ là một ca sĩ lớn mà còn là một phụ nữ với số phận nhiều truân chuyên. Thế nhưng, với tôi chẳng hạn, bây giờ gặp ca sĩ Thanh Hoa dù đã ở tuổi, xin lỗi vì tôi phải nói ra con số áng chừng nhưng cũng khá cụ thể đó, ngoại lục thập rồi nhưng vẫn có cảm giác trong con người này là một trái tim rất hồn nhiên và thậm chí còn nhiều phần ngây thơ nữa. Chị có cảm thấy thế về mẹ mình không?
- Vâng. Mẹ tôi may mắn vì được số phận ban cho một tính cách khác biệt. Nếu không hồn nhiên và ngây thơ như thế, chắc gì bây giờ mẹ tôi còn tồn tại được để mà tiếp tục sống với sự hồn nhiên của mình? Tôi nhớ, đã từng đọc được quan niệm về chữ Đức của Khổng Tử thế này: “Không làm khổ người khác bằng nỗi khổ của mình. Ấy là Đức vậy”…
Chị thấy chị giống và khác gì nếu so với mẹ?
- Nhiều người bảo tôi giống mẹ về hình thức, nhưng tự tôi thấy mình cũng có phần giống bố nữa đấy chứ. Còn “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, làm sao mà cố bắt chước cái sự hồn nhiên ấy để mà AQ với cuộc đời này được. Khi bố tôi mất, mẹ tôi là một người vợ, đã ngoài 30 tuổi… còn tôi thì là một con bé chưa đầy 10 tuổi. Cái đến với mẹ khác cái đến với tôi… Tôi chỉ thấy mình giống mẹ mỗi cái tính thích đẻ nhiều con và thích chơi với con như bạn bè… Bây giờ nhà tôi vẫn thế! Bà chơi với cháu, con chơi với mẹ… như một lũ bạn thân… thế là tôi hạnh phúc lắm rồi.
Hồi nhỏ, mẹ chị có bao giờ nổi cáu vì con gái không nghe theo lời mình khi chọn cách sống và cách trưởng thành riêng?
- Cũng có những xung đột khi tôi quyết định chọn cho mình con đường riêng chứ không muốn trở thành một ca sĩ suốt ngày sống với những tiếng vỗ tay và hoa tặng đổi lại bằng nước mắt của thị phi và tai tiếng. Cuộc đời mẹ tôi đã khiến tôi quyết liệt chọn con đường khác. Mẹ thì lo lắng cho tôi phần nhiều nên sợ tôi không tìm ra cách sống cho nhàn nhã, sung sướng hơn được… Nhưng tôi đã may mắn tìm thấy con đường của mình để biến sự bất đồng quan điểm ấy bằng sự thuyết phục, hài hòa.
- Bây giờ, khi chị cũng đã là một thiếu phụ chín chắn và nghiêm ngắn rồi, chị và mẹ có bao giờ trò chuyện với nhau về những vấn đề liên quan tới quá khứ của mẹ chị không?
- Không. Và tôi cũng đã định không bao giờ khơi lại chuyện gì từ quá khứ nữa. Đào bới lại mọi thứ chỉ để làm đau lòng nhau thêm mà thôi. Điều quan trọng nhất là sự dằn vặt và sám hối bên trong mỗi con người chưa bao giờ ngừng âm ỉ… Dẫu sao đấy cũng là một sự tử tế vẫn đang tồn tại trong mỗi người chúng tôi rồi.
Chị bây giờ nhớ gì nhất về cha mình, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa?
- Một người tài hoa, sống tình cảm nhưng rất đàn ông và tự trọng. Hình ảnh tôi nhớ nhất về bố mình là khi trời mưa bão, bố cởi trần mặc quần đùi khoác áo mưa lội nước đến tận lớp cõng tôi về trong mưa. Cũng có khi, tôi thấy nhớ cảnh bố tôi ngồi thức suốt đêm để quạt cho chị em tôi ngủ khi mất điện… Tôi nhớ cái bảng đen rất to do bố tự tay đóng vào một cái giá và kẻ các khuông nhạc lên đấy dạy chị em tôi cùng lúc cả học chữ và học nhạc. Tôi nhớ những lúc mấy bố con cùng nhau thi kể chuyện và thi sáng tác các bài hát. Tôi nhớ những đồ chơi bằng gỗ bố tự tay làm cho chúng tôi hồi nhỏ… Điều làm tôi nhớ nhất là khi học lớp 3, trước khi bố tôi mất, tôi thi học kỳ không được tốt và hay bị các bạn trong lớp trêu chọc vì là con gái Thanh Hoa… Bố đã rất giận và nói với tôi: “Thà bị người khác ghét vì mình giỏi còn hơn là bị người ta coi thường vì mình dốt”… Đấy chính là một câu nói khiến tôi quyết định chọn con đường đi của riêng mình.
Có phải như người ta nói, ông là một người chồng yếu đuối?
- Tôi không nghĩ thế. Tôi nghĩ bố tôi là một người rất bản lĩnh và nhân hậu. Có lần, bố tôi đón ở ngoài đường về một bà cụ đã gần 90 tuổi, con cháu để cụ sống lay lắt xin ăn ở ngoài đường. Bố tôi đã xách nước, đun một xô nước nóng trên cái bếp dầu duy nhất của nhà tôi cho bà cụ tắm… Ở với nhà tôi gần một năm, một hôm, có người nhận là con cụ đến đón cụ về… Sống tình cảm và biết chia sẻ, quan tâm đến người khác, dám chịu trách nhiệm, đôi lúc rất nghiêm khắc…đấy mới là bố tôi. Việc lựa chọn sự ra đi vào thời điểm đó với hàng trăm những thứ áp lực khác… chưa hẳn là sự yếu đuối.
Cha chị có muốn truyền cho chị niềm đam mê âm nhạc không?
- Chính bố tôi mới là người dạy nhạc lý cho chúng tôi khi nhỏ. 5 tuổi, bố mua cho tôi một cây đàn violon và tôi bắt đầu học nhạc từ đấy. Sau nay, bố rất hay động viên cho tôi mạnh dạn sáng tác các bài hát theo kiểu trẻ con, làm những bài thơ theo kiểu trẻ con…Chẳng hạn như bài tặng cô Minh Nga nghệ sĩ flute (vợ của nhạc sĩ Lương Nguyên hiện nay) là hàng xóm nhà tôi: “Cháu nghe cô thổi sáo, những nốt cao bay xa, qua cành cây nghiêng lá, tràn đến cửa bao nhà…”. Lúc đó tôi 4 tuổi thì phải… Tôi còn được các bạn của bố dạy vẽ, tôi cũng thích cả nhạc và họa và thường xuyên tham gia sinh hoạt Đội Sơn Ca của Đài TNVN… bây giờ còn khá nhiều băng từ thu thanh các vở kịch, các bài hát thiếu nhi hồi đó, nghe lại tôi vẫn thấy nao nao…
Chị có nhớ cảm giác của mình khi hay tin cha mình đã vĩnh viễn rời bỏ gia đình sang thế giới bên kia? Chị còn nhớ hôm đó như thế nào không? Ai đã ở cạnh chị hôm ấy? Ý nghĩ đầu tiên đến với chị khi nhìn thấy ở trong cha mình đã không còn sự sống?
- Tôi xin lỗi, vì tất cả những gì mình tận mắt chứng kiến hôm đó, sẽ mãi mãi là hình ảnh của riêng tôi, không thể chia sẻ với ai được! Suốt thời gian dài, tôi không tin rằng bố tôi đã mất. Hễ cứ thấy bất kỳ người nào mặc quần áo bệnh nhân có mái đầu muối tiêu và dáng người giống bố, tôi đều đi theo như mất hồn, đến khi nhìn thấy mặt người ta rồi mới chịu thôi. Nhưng cảm giác mất bố chỉ đến thực sự với tôi sau 8 năm, đó là khi tôi sang cát cho bố. Lúc đó tôi đã học năm thứ 2 Tổng hợp Văn. Tôi đã học cách tồn tại bằng một tâm thế khác nhưng vẫn không hề muốn tin vào điều tôi biết chắc chắn đã là sự thật. Tôi không nghĩ bố tôi ra đi là hết, đến bây giờ vẫn thế.
Chị sau này có bao giờ viết gì về cha không? Trong những giấc mơ như thế nào mà chị đã gặp lại cha mình?
- Không thể kể hết ra được những giấc mơ và những lần báo mộng của bố tôi. Nhưng nó vô cùng linh nghiệm, khiến tôi càng tin rằng bố luôn ở bên tôi và khiến tôi vững vàng, tự tin hơn trong cuộc sống. Chẳng hạn, với vụ lùm xùm ở sân thơ Văn Miếu, khi tôi đi sưu tầm các tư liệu về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Bính và Ngô Kha để làm poster giới thiệu về họ. Sau đó đã có hẳn một nghi án đạo văn và rất nhiều tranh luận kéo dài về tôi… Vào thời điểm đó, Ngày thơ Nguyên tiêu cũng đã trôi qua vài tháng, tôi đang tham gia dẫn chương trình cho “Con đường Âm nhạc” trên VTV3, tôi mơ thấy bố tôi dắt tôi đến một nghĩa trang, ở đó có mấy người đang lúi húi đào huyệt và tô chữ trên một tấm bia khắc tên tôi… Tôi rất ngạc nhiên… bố tôi bảo: “Người ta đang tìm cách giết chết con bằng thị phi, đơm đặt. Con sẽ phải chịu đựng rất nhiều việc sau này nữa nhưng đừng tìm cách đôi co. Hãy chứng minh bằng tác phẩm, rồi thời gian sẽ mang vật nào để lại chỗ đó. Không ai lấy đi của ai cái gì mà không có lý do cả”. Một câu chuyện kể lại vào thời điểm này, nghe có vẻ có phần “tự chế”… nhưng nhiều việc liên quan đến cả tai nạn, biến cố khác trong gia đình cũng luôn được tôi kiểm chứng…Trước ngày bài báo viết về gia đình tôi khiến dư luận quan tâm hồi năm ngoái, tôi cũng đã thấy bố tôi về báo mộng…Những khi bế tắc nhất, tôi vẫn thường chọn cách trò chuyện với bố, như một người đang tự trò chuyện với mình… Tôi đã viết “Có một nụ cười ba mươi sáu vạn năm ánh sáng, vụt lóe ngang trời, chia sẻ cùng tôi…”.
Có phải cha chị luôn bị cô đơn trong những khát khao giao lưu nghệ thuật và tình cảm của mình?
- Chẳng riêng gì bố tôi, phần lớn những văn nghệ sĩ bây giờ cũng như vào thời điểm 30 năm trước đây cũng đều như vậy cả. Ngay cả tôi hiện tại cũng vậy. Đấy là cái thân phận của người nghệ sĩ trong ngổn ngang dòng đời này… Nghệ sĩ mà được thỏa mãn việc giao lưu nghệ thuật và tình cảm… có khi lại thành những con công luôn luôn múa phụ họa cho cái danh hão ấy chứ… Thôi thì cứ sống với những gì đời cho mình và mình phải nhận được ra mình để còn sáng tạo anh ạ.
Những ai đã từng là bạn bè gần gụi của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa?
Phan Lạc Hoa (Nguyễn Trọng Tạo vẽ theo trí nhớ", 1982
Phan Lạc Hoa (Nguyễn Trọng Tạo vẽ theo trí nhớ”, 1982
- Bố tôi rất nhiều bạn. Những người thân thiết nhất hay đến nhà tôi uống rượu, đàn hát, đọc thơ và vẽ vời là bố Ngô Thảo, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Vũ Mai, Duy Khán, Sĩ Bách, Trung Trung Đỉnh, Đặng Ái, Nguyễn Hoa, nhạc sĩ Phan Long, họa sĩ Đỗ Mẫn, Nguyễn Mạnh Kiểm, bác Trần Khánh, Hữu Nội, cả ông Văn Cao, nhà báo Phấn Đấu… rồi cả những cô, những bác ở Đoàn Văn công Tổng cục Đường sắt năm xưa nữa… Thật ra là rất rất nhiều, tôi không thể kể hết được… Có nhiều người cũng đã về gặp bố tôi ở thế giới khác rồi… Tôi luôn coi họ như cha tôi vậy, gặp họ, tôi được sống với ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ…
Chị đã có những đứa con tuyệt vời. Nếu chúng lớn lên, chị muốn chúng làm những nghề gì?
- Con cái chúng ta thì bao giờ mà chẳng tuyệt vời trong mắt bố mẹ! Tôi không có ý định định đoạt gì cho nghề nghiệp cũng như cuộc sống của các cháu trong tương lai cả. Mỗi người đều có nghĩa vụ sống cho hết phận người của mình…có chăng, chỉ là sự cố gắng sống tử tế với hiện tại để con cái mình sau này sẽ nhìn vào mình mà sống. Phúc đức tại mẫu mà. Tôi còn phải tu thân tích đức nhiều lắm… vì có đến 3 cậu con trai cơ…
TQS post ngày 15/2/2014