30 thg 11, 2015

“Dặn con”:
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào
Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…
trần nhuận minh

28 thg 11, 2015

10 TRIẾT LÝ CỦA THIÊN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH
01. Đẹp là khi bạn là chính mình, không cần được ai đó công nhận, bạn chỉ cần chấp nhận bản thân mình.
02. Vì bạn còn sống, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
03. Thức dậy vào mỗi buổi sáng. Tôi mỉm cười. Hai mươi bốn giờ mới đang ở trước mắt. Tôi hứa sống với từng khoảnh khắc và nhìn mọi vật bằng con mắt thương cảm.
04. Cuộc sống chỉ hiện hữu ở giây phút hiện tại.
05. Niềm hy vọng rất quan trọng vì nó có thể làm cho hiện tại bớt khó khăn hơn. Nếu chúng ta tin vào ngày mai tươi sáng, ta có thể đương đầu với thử thách của hôm nay.
06. Quá khứ đã qua đi, tương lai vẫn chưa đến, và nếu ta không quay lại với hiện tại, ta không thể bắt nhịp với cuộc sống.
07. Nếu bạn yêu ai đó, món quà quí nhất bạn có thể tặng họ là sự có mặt của mình.
08. Tôi hứa với chính mình rằng, tôi sẽ tận hưởng từng giây phút mà mình có được để sống.
09. Vì bạn cười, bạn làm cuộc sống này đẹp hơn.
10. Mỉm cười, thở và đi từng bước.
P/s: Dậy sớm tập thể thao nhé, vận động cho ngưởi khỏe khoắn cuối tuần còn đi chơi... Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ!... Biểu tượng cảm xúc like

Chuyện về Nguyễn Du và Truyện Kiều- Kỳ cuối:

Mãi một tuyệt tác...Kiều

TP - Với Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, thế kỷ 18 đã trở thành thế kỷ Phục hưng của Việt Nam khi người con gái được đặt vào vị trí tuyệt mỹ; khi quyền sống, quyền tự do yêu đương được đặt ngang với trời đất.
Truyện Kiều là một tác phẩm toàn bích, “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” nên chọn câu nào, đoạn nào hay nhất trong Truyện Kiều là rất khó. Song nếu chọn bất kỳ một câu nào để nói là câu hay nhất cũng có thể được, nếu xét theo một tiêu chí nào đó.
GS Nguyễn Đình Chú trong hồi ức Nhà văn Đặng Thai Mai chọn câu Kiều hay nhất viết năm 1992 kể: “Hè 1958, là trợ lý của GS Đặng Thai Mai tại Khoa Văn chung của hai trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Tổng hợp Hà Nội, tôi được giao nhiệm vụ tháp tùng “ông cụ” đi nghỉ mát ở Sầm Sơn... Hôm đó, trong không khí thầy trò thân mật như cha con, tôi hỏi “Theo thầy, trong Truyện Kiều câu thơ nào hay nhất”?  Ông cụ nhếch mép cười - vẫn cái cười hóm nhẹ, đôn hậu, thâm thúy rất Đặng Thai Mai - trả lời ngay: - “Câu ấy, chứ còn câu nào: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”.
Bao nhiêu bạc ác ranh ma, bao nhiêu vùng vẫy chọc trời quấy nước, bao nhiêu khổ ải trong cõi trăm năm… cũng chỉ như gió thoảng, mây bay. Chỉ còn lại tầm vóc tư tưởng, tài sắc, lòng ham sống, tình yêu đẹp đẽ, mãnh liệt của Thúy Kiều; còn lại vời vợi thiên nhiên trữ tình và lộng lẫy! Ơn cụ Nguyễn Du biết bao khi ta lớn lên mãn nhãn, thanh tâm và khởi lòng yêu nước, yêu người với Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa; với Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng… Cha ông ta thật “tinh đời”, thật tài tình khi bỏ hẳn tên Đoạn trường tân thanh để đặt tên cho tuyệt tác này một cái tên giản dị, bản chất nhất: Truyện Kiều!
Nguyễn Du có nhiều tư tưởng lớn vượt thời đại, vượt khuôn khổ của Nho, Phật, Lão. Chỉ xét ba người tình, ba người tri âm của Thúy Kiều thôi, đã thấy Nguyễn Du thực là bậc kỳ tài. Khi ấy là thế kỷ 18, mẫu tình yêu “tài tử giai nhân” (Kim-Kiều), mẫu người quân tử được định hình tưởng không bao giờ thay đổi. Mẫu “Trai anh hùng gái thuyền quyên/ Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng”, mẫu người anh hùng ngang dọc trời đất, cũng coi như một mẫu hình lý tưởng.
Song sự tan nát của chế độ phong kiến, sự tha hóa của sĩ tử, vua quan đã làm Nguyễn Du sớm nhận ra rằng, hình mẫu người quân tử và giai cấp phong kiến đã hết vai trò lịch sử của mình. Thật vậy, suốt 15 năm, Kiều đớn đau, khổ ải, Kim Trọng không làm gì, và cũng không làm gì được để cứu Kiều. Suốt bao nhiêu năm làm quan cho Nguyễn Ánh, Nguyễn Du đều lặng lẽ không nói gì, chỉ mong sớm về Hồng Lĩnh vui thú gió trăng. Ông cũng không tin được Từ Hải, tuy “côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài” nhưng chưa đủ chính danh và văn đức để có thể xây dựng được một chế độ tốt đẹp, mà chỉ giải quyết ân oán cá nhân và thỏa lòng hiệp sĩ đôi chút mà thôi. Với Nguyễn Du, Kim Trọng là mối vương vấn với quá khứ Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng; Từ Hải là thoáng một chút mơ ước tương lai; là điều làm nên chủ nghĩa lãng mạn của Truyện Kiều. Còn Thúc Sinh mới là nhân vật hiện thực, mối tình giữa anh chàng này với Thúy Kiều mới làm nên những câu thơ hay nhất trong Truyện Kiều, làm nên chủ nghĩa nhân bản, chủ nghĩa hiện thực vĩ đại của Nguyễn Du. Tầng lớp thương nhân xếp hàng cuối cùng trong “tứ dân” sĩ-nông-công-thươngthời phong kiến, được Nguyễn Du trân trọng đề cao. Đó là tầng lớp đang lên, rồi đây sẽ đóng vai trò quan trọng trong lịch sử, như chúng ta đang nhận thấy và tôn vinh hiện nay. Nhưng Nguyễn Du không nói đến loại thương nhân trọc phú, mà là thương nhân trí thức, giàu tình yêu thương và trách nhiệm Đá vàng đã quyết, phong ba cũng liều.
Nguyễn Du phải để cho Kim Trọng mất tích vì đó là một hình ảnh đã qua; để cho Từ Hải chết đứng vì đó là một mơ ước mong manh. Chỉ một Thúc Sinh còn lại và trả giá cùng Kiều! Nhìn nhận như thế, ta cũng hiểu Kim Kiều không thể tái hợp theo nghĩa vợ chồng là có lý, là chủ ý của Nguyễn Du.
Mãi một tuyệt tác...Kiều - ảnh 1
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên     
Tranh: Bùi Xuân Phái
Thật không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du lại cho Thúc Sinh - người biết trân trọng phụ nữ và sống hết mình vì tình yêu được thấy cảnh Kiều tắm. Và phải là Thúc Sinh mới thấy được rõ ràng, rỡ ràng, vẹn vẻ cái tòa thiên nhiên ấy, trong sự gần gũi, hấp dẫn, rất đời mà cũng rất tuyết, rất tiên.
Đặng Thai Mai chưa kịp nói với Nguyễn Đình Chú đoạn thơ ấy vì sao hay nhất. Nhưng Nguyễn Đình Chú bình rằng: “Trong muôn vàn thực thể tự nhiên, con người là thực thể đẹp nhất, vô song. Đó là chân lý tuyệt đối. Nhưng nhân loại không phải ở đâu lúc nào cũng dễ phát hiện được chân lý đó, kể cả hôm nay”.
Xuân Diệu “treo giải nhất” cho Nguyễn Du, coi đây là bức tranh khỏa thân đầu tiên trong văn học Việt Nam, vì Hồ Xuân Hương còn để lại cái yếm. Thật ra, không chỉ có yếm mà có cả quần váy (mấn). Hồ Xuân Hương đã khéo mượn sự trễ nải của người con gái, khéo mượn cơn gió nồm hây hẩy để lộ toàn bộ sự ngọc ngà: Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên suối chửa thông, còn chỗ nào che đậy nữa đâu! Chế Lan Viên cũng so sánh câu thơ Nguyễn Du với câu thơ Hàn Mặc Tử: Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe … Nhưng vấn đề không chỉ là lõa thể bao nhiêu phần trăm, càng không phải tả sâu, tả kỹ cái bồng đảo, cái khuôn vàng mới là hiện đại, mới là hay. Vấn đề là nhận thức cái đẹp. Bức tranh thiếu nữ ngủ ngày của Hồ Xuân Hương cũng tuyệt đẹp, tuyệt vời trinh trắng nhưng nó cụ thể quá và có phần gợi dục, gợn đục vì thái độ “vụ lợi” của người “quân tử” nọ.
Thúy Kiều đã thất thân với Mã Giám Sinh, đã “bướm chán ong chường” ở lầu xanh, còn sương tuyết thân thể và lành lặn đạo đức nữa không? Thói thường, Kiều sẽ bị nhìn nhận như ông quan phủ xử vụ Thúc Sinh - Thúy Kiều, coi Kiều là tuồng “hoa thải hương thừa”. Đến cả một người được coi là tài tình như Nguyễn Công Trứ cũng mạt sát Kiều Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa/ Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm. Nhưng Nguyễn Du thì khác. Qua Thúy Kiều, ông khẳng định cơ thể người phụ nữ là cái đẹp tuyệt vời nhất của tạo hóa. Trong chế độ phong kiến, đây là một cuộc cách mạng của mỹ học, đạo đức học. Cái đẹp này không cần phải giấu giếm, cần phải được cả thiên hạ trông thấy Rõ ràng trong ngọc trắng ngà. (Nhiều bản chép là “Rõ màu trong ngọc trắng ngà” nhưng tôi cho những bản chép “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà” hay hơn).
Tả về gái đẹp là khó lắm. Thơ cổ Ấn Độ có câu: Tôi không biết tả về vẻ đẹp của nàng như thế nào, chỉ biết lấy nửa này so với nửa kia mà thôi. Tả người đẹp là người ngọc, nghiêng nước nghiêng thành… và như Nguyễn Du tả Thúy Vân, Thúy Kiều ở đầu truyện như khuôn trăng, thu thủy, xuân sơn cũng chỉ là mơ hồ, ước lệ. Chỉ đến đoạn Kiều tắm mới thật là đẹp, khi người ta nhìn  thấy được màu sắc, đường nét, ngửi được mùi hương, nghe được hơi nóng, sờ được độ mỏng dày, cảm nhận được sự gần gũi và thánh thiện… mới thật kỳ tài; mới là bức tranh có một không hai!
Mãi một tuyệt tác...Kiều - ảnh 2
Trong sao châu nhỏ duyềnh quyên 
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông   
Tranh: Nguyễn Tư Nghiêm
Nhà thơ Mai Văn Hoan trong bài viết “Bức tranh khỏa thân trong Truyện Kiều” cho rằng “Từ láy “dày dày” đặt trước cái tòa thiên nhiên tuyệt mỹ đó theo tôi có phần hơi thô. Tôi thử tìm vài từ để thay thế nhưng từ nào cũng thấy không tương xứng với cái tòa thiên nhiên tuyệt mỹ ấy”. Tôi cho rằng Nguyễn Du vô cùng cao diệu ở chỗ “dày dày” ấy. Nó không khuyết, không mỏng, nó hoàn mỹ và thể hiện sự ưu ái, kỳ công của tạo hóa đúc nên người phụ nữ ở mỗi bộ phận đến cái toàn thể. Nó hoàn hảo ở cả nội dung và hình thức. Nó không chỉ cho ta nhìn thấy mà xúc giác được.
Ở đây có ba điều vĩ đại: Nguyễn Du đã thấy được một chân lý, thấy được cái đẹp nhất trong cuộc đời mà không ai, kể cả đến nay, thấy được, thừa nhận được như GS Nguyễn Đình Chú nói. Thứ hai, Nguyễn Du trân trọng và dạy ta biết trân trọng cái đẹp, khi vây trướng đào tẩm hương, khi cho nàng Kiều của mình tắm nước ấm ướp hoa lan (thang lan) và không có cái nhìn trần tục, trần trụi như người “quân tử” trong thơ Hồ Xuân Hương. Thứ ba, dù đời Kiều đã chầy chã mà Nguyễn Du vẫn thấy Kiều trong suốt như pha lê, như kim cương, không một vết nhơ. Với cảm nhận “trong ngọc trắng ngà”, “một tòa thiên nhiên”, cái đẹp của Kiều hiện lên không chỉ trong suốt và lộng lẫy, mà quan trọng là thể hiện một tư tưởng lớn của Nguyễn Du: Cái đẹp (trong đó có cái tài, người tài) dù bị vùi dập, cũng không gì, không ai có thể làm lu mờ và hủy hoại được vì nó vốn kết tinh, trong suốt, nó đã trở thành thiên nhiên. Ai hủy hoại được trời đất mới có thể hủy hoại được cái đẹp!
Tài mệnh tương đố chỉ là lẽ thường. Cho Kiều bị vùi dập đến tận cùng để rồi cuối cùng vẫn khẳng định “Cái đẹp không thể bị hủy hoại mới là tư tưởng lớn của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Đó là sự thật, đó cũng là khát vọng. Sự tồn tại của Truyền Kiều trong sự yêu mến vô hạn của bạn đọc qua mọi thời đại đã chứng minh điều đó.
Truyện Kiều là một bi kịch về thân phận con người, một bản án chế độ phong kiến thời Lê mạt, một tráng ca về tự do…, nhưng quan trọng nhất là một bài ca bất hủ ngợi ca cái đẹp và quyền sống của con người. Trong Truyện Kiều chỉ có một nhân vật mà thôi, đó là Thúy Kiều. Còn tất cả chỉ là râu ria, là cái cớ để thể hiện con người Kiều.

27 thg 11, 2015

Không nên ăn thực phẩm để lâu trong tủ lạnh

27/11/2015 07:38 GMT+7
TT - Nhiều người có thói quen bảo quản thực phẩm đã nấu chín trong tủ lạnh và ăn dần sau đó. Tuy nhiên, theo ThS. BS Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng quốc gia, thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh sẽ có nguy cơ bị mất chất, biến chất hay nhiễm khuẩn.
Thức ăn cần được để trong hộp hoặc bọc kín tránh gây mùi, nhiễm khuẩn trong tủ lạnh - Ảnh: Quang Thế
Thức ăn cần được để trong hộp hoặc bọc kín tránh gây mùi, nhiễm khuẩn trong tủ lạnh - Ảnh: Quang Thế
Trước tin đồn thức ăn để lâu trong tủ lạnh có thể gây ra bệnh ung thư, bà Hải khẳng định cần có nghiên cứu khoa học cụ thể.
Sử dụng tủ lạnh cho hợp lý
Bà Hải khuyến cáo nguyên tắc sử dụng tủ lạnh là phải vệ sinh thường xuyên; không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín; thức ăn cần được bảo quản trong hộp kín, bọc màng nilông để tránh mùi, tránh nhiễm khuẩn sang những loại thức ăn khác trong tủ lạnh; chỉ bảo quản những thực phẩm tươi (tránh đồ ôi, thiu).
Lưu ý: thịt, cá tươi, sống phải để ở ngăn đá, chia nhỏ theo bữa ăn cho tiện sử dụng và chỉ sử dụng trong khoảng một tháng; thực phẩm ở ngăn mát nên dùng tốt nhất trong vòng một tuần; đối với đồ ăn chín nên nấu lại trước khi ăn; để thức ăn 
nguội mới đưa vào tủ...
Ngoài ra, không chèn, nhét quá nhiều thức ăn khiến tủ lạnh bị quá tải, không lưu thông được không khí làm độ lạnh kém, dẫn đến việc bảo quản thức ăn bị ảnh hưởng; tủ lạnh cần được hoạt động liên tục, tránh việc cắm - rút thường xuyên không đảm bảo nhiệt độ 
bảo quản trong tủ.
Nitrit làm tăng nguy cơ ung thư
Gần đây, trên những trang mạng đưa tin về câu chuyện của một phụ nữ người Đài Loan bị ung thư dạ dày do thường xuyên ăn thức ăn để trong tủ lạnh trong suốt mười năm.
Theo đó, một năm sau khi phát hiện bệnh, người phụ nữ bị giảm cân rất nhanh, từ 60kg xuống còn 28kg. Trải qua tám đợt hóa trị và phẫu thuật cắt bỏ dạ dày nhưng bệnh tình vẫn không được kiểm soát và bệnh nhân này đã tử vong.
Nguyên nhân được đề cập là do thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh đã sinh ra nitrit và khi hấp thụ chất này lâu ngày sẽ 
gây ra bệnh ung thư.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nitrit có trong rau củ quả hiện nay là do quá trình phun thuốc trừ sâu có hàm lượng nitrit cao; còn với thịt cá là từ những chất bảo quản giúp thịt cá tươi ngon. Khi vào cơ thể, nitrit tác động với các acid amin có trong dạ dày tạo thành nitrosamine (tiền chất gây ung thư).
Tủ lạnh là phát minh của nhân loại với mục đích là bảo quản thức ăn, hạn chế quá trình tự phân hủy của thức ăn, nên nếu nói ăn thức ăn để trong tủ lạnh lâu ngày dẫn đến bệnh ung thư là thiếu cơ sở khoa học, cần những đánh giá, nghiên cứu cụ thể để không gây hoang mang cho người sử dụng.
Nói về nitrit, ThS.BS Phạm Thị Việt Hương, Bệnh viện K T.Ư, cho biết nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nitrit là thủ phạm làm gia tăng khả năng mắc một số bệnh ung thư đường tiêu hóa nếu ai đó hấp thụ liên tục trong thời gian dài. Còn nếu hấp thụ nitrit ở hàm lượng cao hơn mức cho phép thì có thể gây ra ngộ độc cấp tính. Nitrit xuất hiện nhiều trong xúc xích, thịt hun khói, cà muối...
TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, phân tích: mọi loại protein khi bị vi sinh phân hủy đều sản sinh ra những độc chất có hại, tạo mùi hôi thối như: nitrit, amoniac... Nếu hấp thụ nitrit quá nhiều tại một thời điểm có thể gây ngộ độc cấp tính, nếu hấp thụ hàm lượng nitrit vượt ngưỡng cho phép liên tục, lâu dài có thể gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.
Nhiều người cứ tưởng thức ăn để trong tủ lạnh là an toàn nhưng không phải, vì ở nhiệt độ của tủ lạnh, vi sinh vật chỉ bị ức chế (hoạt động chậm) chứ không chết, thức ăn thực chất vẫn bị phân hủy nhưng với tốc độ chậm hơn so với môi trường bên ngoài. Nếu để thức ăn trong tủ lạnh quá lâu vẫn có thể gây ra nguy cơ ngộ độc, về lâu dài có thể gây ra các ảnh hưởng khác đối với sức khỏe người sử dụng.
Bà Hảo cho biết thêm: hiện nay ta không cấm mà vẫn cho phép có nitrit trong thực phẩm, nhưng tùy từng loại thực phẩm cần hạn chế hàm lượng phù hợp để không gây ảnh hưởng tới người dùng.
“Tủ lạnh là phát minh của nhân loại với mục đích là bảo quản thức ăn, hạn chế quá trình tự phân hủy của thức ăn, nên nếu nói ăn thức ăn để trong tủ lạnh lâu ngày dẫn đến bệnh ung thư là thiếu cơ sở khoa học, cần những đánh giá, nghiên cứu cụ thể để không gây hoang mang cho người sử dụng
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh
QUỲNH LIÊN

26 thg 11, 2015

Chuyện về Nguyễn Du và Truyện Kiều- Kỳ X:

Nhà thơ Vương Trọng với duyên Kiều

TP - Năm xa ấy anh Trần Minh Báo, Chủ tịch huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đón đoàn viết lách về chơi huyện nhà. Lèn chặt trên chiếc U - Oát cà tàng là những nhà văn Nguyễn Bảo, Phạm Hoa, nhà thơ Nguyễn Hồng Hà, Vương Trọng (Văn nghệ QĐ) Kim Cúc (Đài tiếng nói VN)…
Đường về Vĩnh Lộc rồi Thành Nhà Hồ không được thông thoáng như bây giờ. Đi đường tắt lối trục đường Hồ Chí Minh. Qua Thạch Thành, Kim Tân chiếc U-Oát khựng lại giữa chiều đông trước một chi lưu của sông Mã gọi là sông Bưởi có con phà tên là  Cổ Tế.
Phà Cổ Tế thuộc đất Thạch Thành. Qua phà là đất Vĩnh Lộc. Nay đã thênh thang một cây cầu hiện đại. Nhưng thời ấy khổ cho chúng tôingày đàng gang nước, phà trục trặc phải đợi suốt lưng một buổi chiều.
Cả đám cười bởi chẳng ai gọi phà Cổ Tế mà trại đi là khổ thế
Cũng may! Lâu lắm cả bọn mới được xoài người bên vệ cỏ may ngay ven mép nước sông Bưởi. Thôi thì chuyện trời chuyện đất…
Trong đám dân và quân viết trên xe, lần đầu tôi được đi với nhà thơ Vương Trọng.
Vương Trọng ngó trẻ hơn tuổi. Vui tính. Hóa ra cái câu bố cho con ăn bố cười con cười/ Con cho bố ăn con khóc bố khóc về một khúc nhôi nhưng dằng dặc của đời người hai cha con chăm nhau. Cười nhưng ra nước mắt ấy, lâu nay tôi cứ ngỡ tác giả là nhà văn Thanh Tịnh nhưng bữa ấy mới biết đích tác giả là ông Vương Trọng đây!
Ngồi một chặp trên xe phát lộ ngay là thi sĩ Vương Trọng rất chi là thuộc Kiều, máu Kiều!
Thuộc rồi trích đã đành hay một nhẽ, nhưng Vương Trọng có cái lối vận Kiều, đố Kiều hơi bị độc đáo.
Hấp dẫn là khi Vương Trọng ứng khẩu tức thì vừa bác học vừa bình dân cùng cả sự tếu táo…
Tỷ như Nguyễn Du nói việc đi máy bay dưới thời Kiều như thế nào? Đợi cả đám tắc tỵ, Vương Trọng mới nhẩn nha  đùng đùng gió giục mây vần/ Một xe trong cõi hồng trần như bay.
Thế đoạn nào Kiều… chửa?
Kiều có thai? Mặt nghiêm. Không cười. Vương Trọng đủng đỉnh thất kinh nằng chửa biết mình sao đây.
Rồi cảnh Kim Trọng… táo bón? Chịu! Nhưng Vương Trọng có ngayKhi tựa gối khi cúi đầu/ Khi vò chín khúc khi chau đôi mày.
Nhà thơ Vương Trọng với duyên Kiều - ảnh 1Mộ mới cụ Nguyễn Du ở Tiên Điền.
Chịu cho tài chàng Vương. Vương Trọng!
Có một chặp trên xe cả bọn cười nghiêng ngả về sự phát hiện của nhà văn Phạm Hoa minh chứng những họ hàng hang hốc Vương Trọng. Không họ hàng thì cũng dây mơ rễ má với nhiều nhân vậttrong Kiều.
Này nhá Vương Trọng tên thật là Vương Đình Trọng  sinh 1943; quê Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Nhưng từ khi nhập môn vào làng thơ, đã bỏ chữ đệm (Đình) lấy bút danh là Vương Trọng. Nàng Kiều trong Truyện Kiều họ Vương (Vương Thúy Kiều), người yêu của Kiều là Kim Trọng. Như vậy ngay thuở lọt lòng lão này đã mang họ của nàng Kiều, còn tên thì trùng với chàng Kim.
Phạm Hoa vẫn không tha, tố tiếp: Lão này (Vương Trọng) đã đặt tên cho con trai đầu của mình là Vương Liêu Dương (quê Kim Trọng ở Liêu Dương). Năm ấy, biết vợ mang bầu đúng lúc lão phải vào Nam công tác.  Lão bèn ghi ra giấy, đề nghị vợ khi sinh nếu là con trai thì đặt Vương Liêu Dương, còn con gái đặt Vương Lam Kiều (Lam Kiều cũng là một địa danh được Truyện Kiều hay nhắc tới).
Rồi nữa, tên phu nhân của nhà thơ Vương Trọng cũng lại là Vân, ứng với câu chuyện của chàng Kim Trọng và nàng Thúy Vân khi gia đình Kiều trong cơn nguy biến!
Ngạc nhiên quá. Nhưng tôi tin Phạm Hoa. Vốn hàng xóm với Vương Trọng lại bao năm cùng nhà số 4 Lý Nam Đế chắc thuộc gia cảnh nhau lắm?
Công nhận, Vương Trọng không những thuộc Kiều mà Vương Trọng nhiều lúc làm cho không khí trên xe thoắt trở nên đờ đẫn! Vốn sở hữu một chất giọng ma mỵ, một chút chất giọng Nghệ pha Bắc với một chút ngân nga nên mỗi khi anh tái bản câu Kiều nào đó, có cảm giác  những câu Kiều ấy mang một dư vị hơi bị lạ?
Nhà thơ Vương Trọng với duyên Kiều - ảnh 2Mộ cũ của Nguyễn Du.
Chuyện lúc đứt khi nối trên chiếc U Oát gập ghềnh. Tôi biết thêm 3 tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Vương Trọng đều dụng công chế tác lại thành lục bát trên ngữ nghĩa đã được dịch sang tiếng Việt. Nhà thơ Vương Trọng còn liên miên được mời đi nói chuyện khắp nơi về thơ Kiều. Cũng là người chịu trách nhiệm chính trong những cuộc thi tìm hiểu Truyện Kiều qua lẩy Kiều, đố Kiều  trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam...
Cụ Tiên Điền qua đời ở tuổi 65, có 18 người con với 3 bà vợ. Bà cả một con, bà hai một con, bà ba (thiếp) 16 con.  Thông tin ấy tôi đã chép từ câu chuyện của nhà thơ Vương Trọng.
Có một lúc, Vương Trọng tỷ mẩn cụ thể của một nhà nghiên cứu. Phong phú thay và cũng nhiêu khê thay Kiều? Bởi thời điểm này vẫn chưa có văn bản Kiều thống nhất. Mà trong 3.254 câu Kiều có tới hơn ngàn câu chữ có dị bản…
Câu chuyện trở nên thú vị khi Vương Trọng bộc bạch một công trìnhcủa mình là chọn lựa trong Truyện Kiều những cặp lục bát hay nhất!  Vương Trọng xuýt xoa, một trong rất nhiều lý do để Truyện Kiều trở thành tuyệt tác có một không hai trong lịch sử văn học nước ta hơn hai thế kỷ qua là nhiều câu thơ trong tác phẩm này có sức thoát ly hoàn cảnh cụ thể của tác phẩm để tự lập sống cuộc đời riêng trong từng hoàn cảnh của độc giả. Rất nhiều câu Kiều có thể thoát ly Truyện Kiều mà sống trong cuộc sống hàng ngày, làm giàu thêm ngôn ngữ dân Việt. Nói chung phần lớn những câu Kiều hay đều có sức sống độc lập như thế.
Chỉ khi bập vào việc ngồi chọn những câu thơ hay trong Truyện Kiều, tôi mới thấy mình cả gan vì bập vào một việc như quá sức! Lúc đầu tôi “sơ tuyển” 100 câu thì chưa đến nỗi khó lắm, nhưng khi rút xuống 50, thật nan giải, gạt bỏ câu nào cũng thấy tiếc.
Nhà thơ Vương Trọng với duyên Kiều - ảnh 3Nhà thơ Vương Trọng.
Để giúp các bạn trẻ thời nay, có thể vì quá bận rộn với việc mưu sinh, không có đủ thời gian đọc hết toàn bộ Truyện Kiều, tôi xin chọn 50 câu (50 cặp lục bát) mà tôi cho là hay nhất, để trong một quãng thời gian ngắn, bạn đọc có thể tiếp cận với những câu Kiều đặc sắc, đồng thời với các bạn đang yêu, may chăng từ những câu Kiều này, có thể “hoạt ngôn” hơn trong những trạng thái khó xử của cuộc sống.
… Bên vệ cỏ may sát mép nước sông Bưởi, tôi gạ Vương Trọng  tái bản tiếp Bên mộ cụ Nguyễn Du.
Vương Trọng chưa đọc ngay. Mà nhẩn nha mà lớp lang của cái giống biên khảo khiến cho câu chuyện chiều đông xứ Thanh bỗng trở nên thú vị.
Đó là một ngày mùa thu đầu những năm tám mươi. Vương Trọng tình cờ lần đầu ghé Tiên Điền.
Nguyễn Du mất năm 1820, năm 1824 con trai ông là Nguyễn Ngũ cải táng mộ cha về xứ Đồng Mát, sau dời về xứ Đồng Thánh, đặt trong vườn nhà Nguyễn Du ở Tiên Điền.
Vương Trọng thầm thốt lên trời ơi, danh ấy cảnh này… Những tưởng mộ đại thi hào dân tộc Nguyễn Du nếu chưa kịp khang trang thì cũng chả nên khuất lấp giữa thập loại chúng sinh thế này? Căn nguyên, duyên do chắc hỏi ra thì lắm thứ. Nhưng tiều tụy heo hắt sơ sài thế này quả không phải với tiền nhân.
Một bài báo đánh động thực trạng phần mộ cụ Nguyễn Du? Có thể! Nhưng tiếc thời điểm đó chưa ló dạng? Trong tay Vương Trọng chỉ có mỗi thơ! Thơ như một thứ hiệu ứng với công năng công phá riêng?Bên mộ cụ Nguyễn Du đăng lên mặt báo năm 1982 có cả phần thông tấn trần trụi cùng nhân văn nỉ non thống thiết ấy tưởng như chìm lút trong bộn bề mưu sinh thời bao cấp, nhưng đùng cái đã làm bừng thức dư luận đất Nghi Xuân rồi Nghệ Tĩnh và xa hơn… Hóa ra thơ hay luôn là của hiếm và có sức sống mạch ngầm riêng. Chả thế mà Đỗ Phủ có câu ngữ bất kinh nhân tử bất hưu (câu thơ không làm người khác kinh sợ thì chết chả nhắm được mắt). Khắp các giới, từ văn học đến chính quyền và lan ra quần chúng. Sau đó có nhiều cuộc hội thảo về mộ Nguyễn Du… Nhưng cũng phải mãi đến năm 1989, công trình tôn tạo lại phần mộ cụ Nguyễn Du mới bắt đầu với kinh phí hơn 6 tỷ đồng.  Sau này tiếp nối là Khu tưởng niệm khang trang …     
        __________________
    (Còn nữa)
Bên mộ cụ Nguyễn Du (Vương Trọng)
Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên,/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây / Ngẩng trời cao cúi đất dày/Cắn môi tay nắm bàn tay của mình / Một vùng cồn bãi trống chênh/Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề/Ngút tầm chẳng cánh hoa lê/Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non, / Xạc xào lá cỏ héo hon/Bàn chân cát bụi lối mòn nhỏ nhoi / Lặng yên bên nấm mộ rồi, / Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm / Không cành để gọi tiếng chim, / Không hoa cho bướm mang theo nắng trời / Không vầng  cỏ ấm tay người, / Nắm hương tảo mộ thắp rồi lại xiêu / Thanh minh trong những câu Kiều, / Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân / Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân, / Bắt phong trần để phong trần riêng ai / Bao giờ cây súng rời vai, / Nung vôi chở đá tượng đài xây lên / Trái tim lớn giữa thiên nhiên, / Tình yêu nối nhịp suốt nghìn năm xa 

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Tư, ngày 25 tháng 11 năm 2015 | 25.11.15

Joseph Nye là nguyên Khoa Trưởng Kennedy School of Government của Đại học Harvard. Ông là một nhân vật chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong bốn thập niên qua. Ông đã phục vụ trong chính phủ Hoa Kỳ với chức vụ là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Các Vần đề An ninh Quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia và Phó Ngoại trưởng về Hỗ trợ An ninh, Khoa học và Công nghệ

Ông đã viết nhiều sách có ảnh hưởng. Cuốn sách nổi tiếng nhất là Soft Power: The Means to Success in World Politics. Trong cuốn sách gần đây nhất là Is the American Century Over? (Wiley, 2015) ông lập luận là Hoa Kỳ vẫn còn là cường quốc quan trọng trong thế giới và các trào lưu hiện nay cho thấy là Hoa Kỳ sẽ duy trì vị thế này, mặc dù bản chất của quyền lực của Hoa Kỳ sẽ thay đổi.

Interview: Joseph Nye
Joseph Nye 
                                                                        
Chuyện rõ rệt là Trung Quốc là cường quốc đang trỗi dậy trong thế giới. Và tuy thế, tôi tự hỏi liệu rằng sự cạnh tranh không thể tránh khỏi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có nhất thiết phải kết thúc bằng một cuộc đối đầu gay gắt không. Tôi nghĩ rằng nếu dựa trên nền tảng về văn hóa thì dự đoán này là không có cơ sở trong thực tế. Ông nghĩ là số phận của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ rang buộc nhau thế nào? Ông có nghĩ rằng đối với Hoa Kỳ các mối quan hệ tốt là quan trọng trong việc duy trì vị thế trên toàn cầu của mình không?

Tầm vóc của Trung Quốc và mức tăng trưởng cao về kinh tế sẽ mang lại cho Trung Quốc gần gũi hơn với Hoa Kỳ về các khía cạnh thuộc về các nguổn lực cơ bản gây ảnh hưởng trong vài thập niên tới. Sự tiến hóa như thế không nhất thiết có hàm ý là Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ để trở thành một quốc gia hùng mạnh nhất. Ngay cả khi Trung Quốc không phải chịu đựng về những tụt hậu nặng nề về chính trị quốc nội, một vài dự phóng hiện nay về sự tăng trưởng trong tương lai là chỉ dựa theo đường tuyến tính của tốc độ tăng trưởng hiện tại và những mức tỷ lệ này có vẽ sẽ chậm lại trong tương lai. Hơn nữa, chỉ nhìn vào dự phóng kinh tế có thể dẫn đến sự hiểu biết một chiều về quyền lực, vì người ta bỏ qua những điểm mạnh của quân đội Hoa Kỳ và lợi thế của Hoa Kỳ về quyền lực mềm. Vì vậy, chúng ta không nên bỏ qua các điểm bất lợi về địa chính trị của Trung Quốc trong bối cảnh của sự cân bằng quyền lực trong phạm vi của châu Á. Vị trí của Trung Quốc là kém thuận lợi hơn nếu so sánh mối quan hệ của Hoa Kỳ liên quan đến châu Mỹ La tinh, châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước khác.

Bàn về vấn đề tình trạng suy sụp tuyệt đối, đúng hơn là suy giảm tương đối của Hoa Kỳ, thì Hoa Kỳ phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng như nợ công, quyền của dân chúng được theo đuổi giáo dục cấp trung học, tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng và sự bế tắc chính trị trong nước. Mặc dù các vấn đề này là quan trọng, nhưng rút cuộc đó chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh. Khi nhìn về mặt tích cực trong toàn bộ, chúng ta có thể thấy xu hướng thuận lợi cho Hoa Kỳ về mặt dân số (không phải là bị lão hóa nghiêm trọng mà chúng ta thấy trong khu vực Đông Á), công nghệ (dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và sang tạo các lĩnh vực mới), và năng lượng. Và còn có được yếu tố lâu dài tạo thuận lợi, mà Hoa Kỳ có vị trí địa lý và tinh thần kinh doanh bền bỉ là thí dụ.

Khi đánh giá chung, mô tả thế kỷ XXI như là một sự suy vi của Hoa Kỳ, điều này không chính xác và gây hiểu lầm. Hoa Kỳ có nhiều vấn đề, nhưng nó không phải là suy vi tuyệt đối như trong ý nghĩa vào thởi cuối của Đế Quốc La Mã. Các xu hướng hiện nay cho thấy là Hoa Kỳ sẽ vẫn c òn là một nước mạnh hơn so với bất kỳ nước duy nhất nào khác trong nhiều thập niên tới.

Tôi nghĩ rằng rút cuộc thì các thách thức trọng đại nhất đối với Hoa Kỳ sẽ không là việc Hoa Kỳ bị Trung Quốc qua mặt và bị các đối thủ khác đè bẹp. Đúng ra, Hoa Kỳ cũng có thể phải đối mặt với một cảnh quan phức tạp của các nguồn lực mà nó do hai tác nhân tạo thành, đó là nhà nước và không thuộc về nhà nước. Nó đem lại một thách thức chưa từng có từ trước cho đến nay. Đối với Hoa Kỳ nhiệm vụ sẽ ngày càng nhiều hơn trong việc tổ chức liên minh và mạng lưới, mà nó có thể được huy động để giải quyết sao cho có hiệu quả trong một số các vấn đề xuyên quốc gia ngày càng tăng. Và chúng tôi sẽ ngày càng bị thử thách để tổ chức hợp tác đa phương phức tạp để tìm giải pháp

Trái ngược với những đòi hỏi của một số người tuyên bố là thế kỷ này là “thế kỷ của Trung Quốc”, chúng ta không thấy bất kỳ dấu hiệu nào là của một thế giới đi vào thời kỳ hậu Hoa Kỳ. Điều đó nói rằng, mặc dù giới lãnh đạo của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục, và họ sẽ tạo một hình thức lãnh đạo khác hơn những gì mà họ đã làm trong thế kỷ XX. Như tôi đã viết trong thời gian trước đây, nghịch lý của quyền lực Hoa Kỳ là mặc dù có các tài sản khổng lồ, không thể so được trên thế giới, tuy nhiên, siêu cường duy nhất không thể nào hoạt động đơn độc.

Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc phạm phải những sai lầm mà Hoa Kỳ đã làm. Ví dụ, Trung Quốc không phải là một tay đua tự do về các vấn đề toàn cầu, trục lợi do trật tự toàn cầu nhưng không góp phần tích cực cho trật tự này. Hoa Kỳ đã làm như vậy trong những năm 1930 và đó là một lỗi lầm nghiêm trọng.

Các thị phần của Hoa Kỳ trong nền kinh tế thế giới sẽ ít hơn trong thế kỷ này nếu so với thị phần lúc vào giữa của thế kỷ trước. Nhưng thách thức lớn hơn sẽ đáp ứng được một cách hiệu quả đối với sự phức tạp của những thách thức mới. Điều đó có nghĩa là có các nước mới trỗi dậy và vô số các tác nhân không phải là nhà nước. Những thách thức mới sẽ làm khó khăn, ngay cả cho một cường quốc lớn nhất để gây ảnh hưởng và tổ chức hành động. Cuối cùng, tôi cảm thấy rằng Trung Quốc, một thách thức lớn hơn đối với Hoa Kỳ, đúng ra là sẽ gặp một tình trạng bất ổn về mặt thể chế.

Tại sao ông cảm thấy có một nhu cầu khẳng định về vị thế mạnh của Hoa Kỳ tại thời điểm đặc biệt này? Đâu là các lý do dẫn đến việc đánh giá thấp các khả năng của Hoa Kỳ?

Trong những năm 1990, tôi đã viết rằng sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc có thể gây ra một cuộc xung đột toàn cầu tương tự như cuộc chiến tàn khốc Peloponnesia ở Hy Lạp thời cổ đại mà Thucydides mô tả trong nghiên cứu đồ sộ của ông. Thucydides kết luận rằng sự trỗi dậy về quyền lực ở Athene gây dần dà nổi sợ hãi tại Sparta, mà nó khởi động tình trạng leo thang về các tình trạng căng thẳng và xung đột.

Hiện nay, tôi nghĩ rằng một kịch bản xung đột công khai giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ như thế khó mà xảy ra trong môi trường hiện tại. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhấn mạnh rằng Trung Quốc không thể vực dây trong một cách yêm thắm.

Và rồi có những người suy luận tương tự về những tình trạng căng thẳng về địa chính trị mà nó gây ra thế chiến thứ I, cụ thể làm như thế nào để Đức vượt qua Anh quốc trong sức mạnh công nghiệp, tạo vấn đề về trật tự cho châu Âu. Trong khía cạnh này, các cảnh báo khác của Thucydides là quan trọng mà chúng ta cần lưu tâm: niềm tin là cuộc xung đột là chuyện không thể tránh được, nó có thể trở thành một trong những nguyên nhân chính. Có một kịch bản có thể xãy ra mà trong đó mỗi bên khi tin rằng họ sẽ kết thúc chiến cuộc với đối phương, khi họ có những chuẩn bị quân sự hợp lý phù hợp với suy đoán mà đối phương biết được như là một cách xác nhận về nỗi sợ hãi tồi tệ nhất. Một vòng luẩn quẩn như thế có thể được khởi động.

Đánh giá chính xác về các mối tương quan quyền lực là chủ yếu nhằm để ngăn chặn các tính toán sai lầm trong chính sách. Hiện còn tồn đọng mối lo ngại là Trung Quốc ngày càng bành trướng chủ nghĩa dân tộc, trào lưu này đối phó với các nguy hiểm của tính ngạo mạn. Tương tự như vậy, có một nguy cơ là Hoa Kỳ sẽ phản ứng thái quá đối với những lo sợ về các mối nguy hiểm do sự trỡi dậy của Trung Quốc và làm trầm trọng thêm tình hình.

May mắn thay, nếu Trung Quốc sẽ có khả năng quân sự để theo đuổi các ước mơ đầy tham vọng trong vài thập niên tới, thì đó là chuyện đáng nghi ngờ. Chi phí là vấn đề quan trọng. Để làm thoả mãn một loạt các mong muốn cho việc bành trướng trong tương lai là chuyện dể giống như nếu ông nhìn vào một tấm thực đơn mà không có bảng giá kèm theo. Vì vậy, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc cố gắng để sánh được với Hoa Kỳ trong bất cứ cách có ý nghĩa nào, họ sẽ phải đối mặt với sự phản ứng của các nước khác, cũng như với các cưởng chế gây ra do những mục tiêu riêng của họ về tăng trưởng kinh tế liên tục và sự theo đuổi các thị trường ngoại thương và các nguồn lực ngoại tại.

Vì vậy, tôi tiếp tục hoan nghinh Trung Quốc trỗi dậy trong hòa bình và tôi tin rằng với tài năng của các chính khách cẩn trọng mà các xung đột nghiêm trọng có thể tránh được .

Khi chúng ta thử đánh giá mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, nhìn lại quá khứ là chuyện quan trọng, giống như nhìn vào việc chung cuộc của Athens và Sparta, hay Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, hoặc Vương quốc Anh và Đức. Nhưng nó cũng đúng khi hiện nay chúng ta đang chứng kiến ​​các sự phát triển công nghệ mà nó chưa từng có trong lịch sử con người. Sự tiến bộ của bộ máy điện toán theo cấp số nhân đã chuyển hoá một số khía cạnh của cắc quan hệ quốc tế, và làm phức tạp cho mối quan hệ của Hoa Kỳ với thế giới. Sự phát triển này không thể được tìm thấy trong các cuốn sách lịch sử, vì nó đã không bao giờ xảy ra trước đây.

Dường như là công nghệ sẽ không chỉ quyết định cho thịnh vượng và quyền lực, mà nó còn biến đổi chính bản chất của các quan hệ quốc tế.

Hoa Kỳ có khả năng sẽ duy trì vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ trong 5 cho đến 10 năm tới, và có lẽ xa hơn sau đó. Không thể dự đoán được chuyện tương lai trong năm mươi năm. Hoa Kỳ chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển hiện nay là khoảng 2,9% của Tổng Sản Lượng Nội Địa, một số tiền vượt quá kinh phí của Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức. Trung Quốc và Liên Âu sử dụng khoảng hơn với 2% của TSLNĐ. Tinh thần kinh doanh táo bạo và khả năng tiếp cận với nguồn vốn liên doanh tại Hoa Kỳ thúc đẩy làm thay đổi công nghệ, đó cũng là một vấn đề quan trọng.

Tôi không lạc quan về tình hình của Hoa Kỳ và triển vọng trong tương lai về khoa học và công nghệ khi không có cải cách triệt để. Tôi lo rằng mức độ chung về khả năng đang dần dà suy sụp theo ý nghiã tương đối và tuyệt đối.

Nếu người ta nhìn vào các công nghệ mà thường được nhắc tới như là một lĩnh vực biến đổi nhất trong thế kỷ này, thì nhìn chung, chúng ta thấy rằng Hoa Kỳ vẫn còn đứng hàng đầu của các sự phát triển mới. Nhận định này cũng đúng đối với ngành công nghệ sinh học, công nghệ nano, và vẫn còn đúng cho các thế hệ tiếp theo của công nghệ thông tin

Một số người cho rằng sự biến đổi khí hậu làm cho thay đổi cách đối phó ở nhiều cấp độ. Đầu tiên, việc ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi một mức độ mới của sự cam kết với thế giới sao cho bình đẳng, vấn đề mà Hoa Kỳ có thể gặp khó khăn. Và thứ hai, biến đổi khí hậu có nghĩa Hoa Kỳ sẽ chịu nhiều khó khăn vì nền kinh tế đầu tư quá mức trong lĩnh vực dầu hoả. Ngay khi Hoa Kỳ đã có thể vượt qua Anh vì Anh đã đầu tư nhiều trong lĩnh vực than trong thế kỷ vừa qua, trong khoảng thời gian này liệu rằng vấn đề có thể nổi lên khi Trung Quốc sẽ dễ dàng khi đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và gió hơn là đầu tư trong lĩnh vực dầu hoả?

Ngoài ra, chuyện cũng có thể là quân đội Hoa Kỳ không thể thay đổi một cách nhanh chóng để giải quyết các thách thức an ninh trong việc biến đổi khí hậu vì Hoa Kỳ đầu tư quá nhiều trong lĩnh vực vũ khí như trong quá khứ.

Tôi coi sự thay đổi khí hậu là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Hiện nay, Trung Quốc là nguồn phát tán lớn nhất thế giới của khí carbon dioxide và đã trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Đến những năm 2020, các cuộc cách mạng đá phiến có thể có nghĩa là Bắc Mỹ sẽ không còn nhập khẩu năng lượng. Phần lớn các khí do đá phiến sẽ có thể thay thế than đá và dầu hoả mà nó tạo ra ra nhiều khí từ nhà kính

Trung Quốc cũng có nguồn tài nguyên khổng lồ về đá phiến, nhưng Trung Quốc khai thác chậm hơn. Nhìn chung, Hoa Kỳ chuẩn bị tốt hơn so với Trung Quốc để đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Điều đó nói rằng, những thách thức của biến đổi khí hậu là sẽ đòi hỏi sự hợp tác của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác. Không một quốc gia sẽ có thể giải quyết vấn đề này riêng biệt, hoặc tránh khỏi các hậu quả của vấn đề.

Mặc dù chuyện có thể đúng là quyền lực của Hoa Kỳ sẽ kéo dài lâu hơn người ta dự đoán, nếu nói theo lời của Frances Cairncross thì “cái chết của khoảng cách” mà phát triển công nghệ nhanh chóng đã đem lại, ngày càng làm cho Trung Quốc thành một thành phần quan trọng của nền kinh tế Hoa Kỳ, và là một thành phần của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Liệu tương lai Hoa Kỳ sẽ không có hội nhập một cách sâu rộng với Trung Quốc chăng, có lẽ đến một mức độ chưa từng có trước đây?

Hoa Kỳ và Trung Quốc ràng buộc chặt nhau, và tình trạng chung này là hữu hảo. Ngăn chận các hành động phá hoại bằng quân sự hoặc trên mạng có thể dựa trên sự phản đối, trừng phạt, hay tạo ràng buộc. Trung Quốc và Hoa Kỳ mỗi nước sẽ gánh chịu nếu họ tự phát động một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc phá hủy mạng lưới điện của nhau. Cần ngăn chận các hành vi quyết liệt như vậy. Trong lĩnh vực kinh tế cũng vậy, Trung Quốc không thể đủ khả năng để bán hạ giá đồng đô la của mình cho thị trường thế giới, vì hành động như vậy sẽ làm hại nhiều cho họ hơn là sẽ làm hại cho Hoa Kỳ. Như Robert Keohane và tôi đã viết về đề tài quyền lực và mối tương thuộc bốn mươi năm trước đây, ở đâu mà có sự tương thuộc đối xứng, thì vấn đề nhiều quyền lực sẽ không xảy ra.

Diplomat

Emanuel Pastreich thực hiện

Đỗ Kim Thêm dịch
                                                                           ***

Phiên bản gốc của bài này đã đăng tại Asia Today. Đây là bài phỏng vấn đầu tiên trong một loạt bài do Viện châu Á thực hiện.