28 thg 4, 2014

Câu chuyện nước Mỹ: Có nên vào đại học?

Tháp ngà ĐH Georgetown ở DC. Ảnh: HM
Tháp ngà ĐH Georgetown ở DC. Ảnh: HM
Sắp đến mùa thi đại học, thỉnh thoảng tôi lại nhận được một email, anh Cua ơi, giúp phát. Muốn cho con đại học bên Mỹ, khó nghĩ quá, giấc mơ Mỹ mà.
Nếu hỏi Bill Gates, Steve Jobs hay vài tỷ phú khác câu hỏi đó, họ sẽ cười, bởi họ tốt nghiệp đại học thì chưa chắc thế giới đã có đế chế Microsoft hay Apple.

Có chuyện kể đùa vui tếu táo. Một lần Steve Ballmer, CEO của Microsoft, được mời tới nói chuyện với sinh viên ở một trường đại học. Vừa vào đề, ông hỏi ngay “Các bạn muốn giầu như Bill Gates, như tôi, vừa là tỷ phú, vừa làm ông chủ, hay muốn đi làm thuê, chẳng bao giờ đủ ăn”. Cả hội trường ào ào “Tất nhiên là thích làm tỷ phú và ông chủ”.
Ballmer cười “Thế thì tại sao còn ngồi ở đây nghe giáo sư nghèo rớt nói nhàm tai. Mài đũng quần 3-4 năm, ra trường, chắc gì đã xin được việc, xin được việc, chắc gì đã đủ tiền nuôi thân. Ngoài ra còn trả nợ khi vay đi học. Các bạn nên bỏ học như chúng tôi đi”
Thuở hàn vi không xu dính túi mà Steve Ballmer và Bill Gates lập nên Microsoft với giấc mơ thống trị tin học thế giới. Sau mấy chục năm, hiên ông ta có tài sản 20 tỷ đô la, Bill Gates khoảng gấp 3 như thế. Cả hai chẳng có bằng cấp. Steve Jobs, cha đẻ của Apple, cũng vậy. Thế mà dân Mỹ tôn thờ họ hơn cả George Washington, cha già dân tộc Mỹ.
Tất nhiên, đó là trường hợp cá biệt, vì họ ở xã hội cá biệt, một nơi mà mọi sự sáng tạo đều được coi trọng, bản quyền trí tuệ được pháp luật bảo vệ, và quan trọng hơn cả, mọi người đều có cơ hội bình đẳng ngang nhau.
Mà nói đâu xa, ngay tại nước mình, nhiều vị chẳng có bằng cấp vẫn lãnh đạo đó thôi. Có ông chỉ đọc thông viết thạo mà thuộc lòng Mác Lê, đưa cả nước từ từ tiến lên CNXH, không kinh qua tư bản, đường vinh quanh xây xác quân thù.
Tuy nhiên, thời hội nhập, con đường vào đại học cũng chỉ là một cách tiến thân, ngoài ra còn nhiều đường khác đến thành Rome. Chỉ có điều, giống các cụ bên ta đi làm cách mạng, theo đuổi đại học bên Mỹ thì “xây xác” Washington (tờ 1 đôla) hay Franklyn (tờ 100$) cao như núi.
Chọn ngành nghề bên Mỹ, theo đường hàn lâm, giải Nobel, làm bác sỹ hay làm nail, làm công nhân sửa điện, sửa ô tô hay kỹ sư NASA, họ đều tính đến hiệu quả kinh tế. Nghe chừng vào NASA mà lương 60-70 ngàn USD/năm sau khi học 4 năm, học phí trên trời, thì chưa chắc đã bằng anh chàng sửa điện nước, chạy rông bằng cái xe VAN và bộ đồ nghề hơn chục ngàn đô với vốn đầu tư ban đầu.
Hầu hết các gia đình cho con đi học phải vay tiền ngân hàng. Học xong phải nai lưng trả nợ. Một sinh viên Mỹ tốt nghiệp ra trường, trung bình nợ khoảng 30-40 ngàn đô la là thường. Nếu không có việc cỡ 50-60 ngàn đô la/năm thì đó là thảm họa suốt cả cuộc đời. Vì 1/3 số đó chi cho tiền nhà, 1 phần nhỏ trả nợ thời sinh viên, còn phải ăn uống, xe hơi, gái, trai, đi bar. Lương 60K/năm coi như lương kỹ sư chết đói bên Mỹ, không biết nói thế có quá không.
Ai về Việt Nam tìm chân dài mà khoe, lương anh bên Mỹ 5000$/tháng, thì bạn cũng phải tính chút. Lương hẻo đó mới đủ cho hai vợ chồng tằn tiện qua ngày. Cô vợ Mỹ hay chồng cao bồi mà mất việc là họ bye luôn.
“Tham tiền bỏ ngãi” có ngày ăn mày chưa chắc đã xong, vì ăn xin bên Mỹ cũng phải biết tiếng Anh. Chả lẽ đứng đường lảm nhảm “Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại…”, họ tưởng mình tụng kinh niệm phật. Mà theo phật trên chùa thì cần gì ăn.
Whoops, lăng nhăng chẳng biết mình đang viết gì, lạc đề. Ah, về việc có nên vào đại học hay không.
Kể thêm cho vui chuyện trên tờ Economist. Có cô bé học xong đại học tiếng Tây Ban Nha, ra trường đã nợ tới 30.000USD. Bỏ cả nửa năm đi tìm việc nhưng chẳng ai nhận ở cái quốc gia có tới 53 triệu người nói tiếng Tây Ban Nha, lại ngay cạnh Mexico. Ế việc là phải thôi.
Để sống qua ngày, nàng đi bưng bê ở McDonald với giá 11$/giờ, loại hàng ăn fast food mà cả nước Hoa Kỳ căm thù, nhưng anh Henry Bảo Hoàng mang về Việt Nam như một giá trị Mỹ.
Nàng cắn răng vay 30 ngàn nữa, học bằng tài chính thêm 4 năm. May quá, ra trường xin được việc, lương 80K/năm. Hy vọng 20 năm tới, Mỹ từ từ tiến lên CNXH, không mất việc, sẽ sống khỏe và trả được món nợ 60K kia. Chuyện lấy chồng, có con thì đợi…trời cho.
Hiệu quả học các trường. Mầu xanh là tiền đầu tư, cột phải là phần trăm thu hồ vốn trung bình sau 20 năm ra trường.
Hiệu quả học các trường. Mầu xanh là tiền đầu tư, cột phải là phần trăm thu trung bình sau 20 năm ra trường. Nguồn Economist
Hồi đầu năm nay, Obama từng lỡ lời khi khuyên cánh trẻ nên vào học tài chính thay vì học lịch sử…hội họa. Vị giáo sư đầu ngành về lịch sử hội họa đã nổi đóa, bắt Obama xin lỗi vì phân biệt … bằng cấp. Nhưng nói gì thì nói, Obama có lý.
Theo nghiên cứu của Pew, sinh viên lứa tuổi 25-32 khi làm việc full time (đủ thời gian) trong một năm kiếm được 17.500USD nhiều hơn đồng lứa không bằng cấp. Tuy nhiên, không phải chuyên môn nào ra đời cũng được may mắn như thế.
Nếu tính tiền học phí, ăn ở, đầu tư hàng năm 60K cho 4-5 năm học hành, ra trường không có việc, thì chắc chắn không thể bằng anh công nhân làm 15$/giờ từ lúc 18 tuổi. Chàng nào mở cái gara sửa xe, chạy quán xăng hay mở tiệm nail, nếu thành công, thì anh có bằng đại học có khi đến làm lao công cho tay không bằng cấp.
Mấy năm trước về quê, ông anh, vốn học xong phổ thông, chẳng có bằng cấp gì, hỏi, chú Cua kiếm khá đô la bên Mỹ không. Ôi giời, em chỉ đủ ăn và cho các cháu học. Thôi, chú bỏ nước Mỹ đi, về làm kế toán cho doanh nghiệp của tôi đi, tôi trả lương cao hơn Mỹ. Anh em gần nhau, có họ hàng bên cạnh, có phải vui không?
Kể vài câu chuyện này để nói lên, vào đại học có tốt hay không, không bao giờ có câu trả lời. Nó đúng với người này, nhưng sai với người kia, ăn ở lĩnh vực này, nhưng lại lõm ở chuyên môn khác. Tuyệt vời bên Nga nhưng đi xa sang Mỹ chưa chắc đã kiếm đủ nuôi thân.
PayScale, một công ty nghiên cứu về thị trường, sau khi xem xét 900 trường đại học bên Mỹ, học sinh học môn gì, ra trường hưởng lương bao nhiêu. Thêm thông tin về tiền đã đầu tư lúc học, tiền trợ cấp của tiểu bang, cuối cùng cùng họ đã tìm ra tổng kết trong 20 năm sau khi tốt nghiệp thì học ở đâu lấy lại lời, ở đâu bị lõm.
Nhiều bậc cha mẹ và con cái đã phạm sai lầm khi chọn ngành nghề, nợ chồng chất phải trả, phụ huynh đứng tên món nợ than thấu trời xanh. Hiện nay nhiều trường đã có những dự toán về kinh tế, học 4 năm chi phí bao nhiêu, và ra trường với mức lương nào thì sau bao nhiêu năm hoàn vốn.
Là cha mẹ đưa con đi học nước người, muốn con thành đạt, đúng ý thích và khả năng của chúng, thì xin các bậc cao niên nên ngồi và tính toán sao cho kinh tế và có lợi nhất cho đứa trẻ. Cửa trường đại học chỉ là một hướng đi, không phải ai cũng thành đạt và giầu có.
Đầu tư cho con lập trình trò chơi, chẳng cần sang Mỹ như anh Hà Đông vẫn thành tỷ phú trong một ngày, nếu biết lối kiếm tiền trên internet.
Con bỏ học cũng đừng quá lo, may thì như Huyền Chíp được Stanford nhận, hơn thì biết đâu thành Bill Gates hay Steve Jobs, đời chả ai nói trước được điều gì. Nếu không, chạy theo xe bus của MU cũng sang London được.
Con không vào đại học chưa chắc là thảm họa. Không tin cứ về Ninh Bình hỏi anh Xuân Trường, bạn đồng niên của chú em út, tốt nghiệp lớp 12, nhưng xây chùa Bái Đính hàng chục ngàn tỷ. Hay như anh em nhà Cua, kiếm đủ ăn, lại còn khả năng thuê TBT Cua Times làm kế toán.
Còn email hỏi, anh Cua ơi, học bên Mỹ thì trường nào là tốt nhất, rẻ nhất, ra trường xin việc dễ nhất, lương lại cao nhất, có green card hay quốc tịch Mỹ nhanh nhất, thì Obama Cua cũng chịu.
Bạn hỏi, lão Cua già hay trẻ, có vợ hai chưa, may ra có thể xem xét :)
HM. 26-4-2014
Giải thích vài ví dụ trong bảng trên.
  • Fee vào Harvard khoảng >50K năm 2013, thu hồi vốn trung bình sau 20 năm khoảng 15,1%/năm
  • Đại học Virginia fee một nửa nhưng thu hồi vốn trung bình 17,6%, cao hơn Harvard
  • Ringling College of Art and Design – Nghệ thuật và  đồ họa với giá phí trên trời 170K/năm nhưng thu hồi vốn…âm 0,5%. Các trường nghệ thuật ít có lãi :!:
  • Obama nói không sai, theo tài chính dễ kiếm hơn vào con đường nghệ thuật.
 tqs post 28/4/2014

26 thg 4, 2014

Ngoảnh lại mùa xuân chín

Tác giả:Khuất Bình Nguyên tăng kích thước chữ

KD: Khốn khổ nhất là khi thơ cũng được “chính trị hóa”, khi ý thức hệ nhiễm vào máu các vị phê bình văn học, kể cả những vị “lão làng”. Cứ đọc thơ Xuân Diệu sau CM mà xem- như bài Ngói mới chẳng hạn, có “thơ” không?

Hàn Mặc Tử
Hàn Mặc Tử
Đã trăm năm trôi qua, kể từ khi Trăng sinh ra Hàn Mặc Tử. Ông vẫn còn là một trong những bí ẩn lớn nhất phả sương mờ huyền thoại vào câu chuyện văn chương của thời đại chúng ta. Câu chuyện về người một mình đã làm nên Mùa xuân chín.
Lúc sinh thời, Khi chiêm bao với hiện thực, Hàn Mặc Tử nói: “như có ma lực vô song xô tôi tới bờ huyền diệu”. Ma lực ấy là nỗi cô đơn và cuộc đời bất hạnh  đã đưa cảm hứng thi ca của ông có lúc đến được bến bờ huyền diệu để viết ra những câu thơ và bài thơ tình ý giản dị mà trong sáng  và tinh khiết nhất của phong trào Thơ Mới 1930- 1945, của thi ca thế kỷ 20. Tự nhận về mình nỗi khổ đau cay đắng, Hàn Mặc Tử dâng hiến cho đời những vần thơ cô đơn về tình yêu và mùa xuân trong sáng nhất.
Có một vị học giả nổi tiếng hay chữ và để tóc bờm sư tử từ khi còn trẻ đến lúc về già đã đưa ra nhận định đầy kinh viện sau đây: “Trong khoảng trên dưới một chục năm, Hàn Mặc Tử đến từ cổ điển lãng mạn tiến nhanh sang tượng trưng siêu thực, góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa thi ca Việt Nam”. Câu văn này được người ta đưa vào đầu sách, nhân dịp in lại Gái Quê năm ngoái.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử. Đánh giá và bình chọn các thi sỹ của phong trào Thơ Mới 1930-1945, cho đến nay chưa ai làm rành mạch mà tinh tế bằng nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh. Nhưng dường như trong trường hợp Hàn Mặc Tử, Hoài Thanh chưa thật dứt khoát với bản thân mình. Ông để lại nhiều dấu chấm lửng cho hậu thế. Hoài Thanh bảo “Gái quê nhiều bài có thể là của ai cũng được”. “Xuân như ý rõ ràng là tập thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử”. Có lúc lại nói: “trong thi phẩm Hàn Mặc Tử, Duyên kỳ ngộ là trong trẻo hơn cả”. Nặng nhất, nhà phê bình hạ một câu: “Thơ Đường luật với những câu… cho đến Gái quê, Thơ điên, Xuân như ý và các tập khác, lời thơ thường vẩn đục”.
Ngay cả thi sỹ lớn Chế Lan Viên, người bạn thơ thân yêu nhất của Hàn Mặc Tử, vào cuối năm 1987, trong tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử được làm lần đầu tiên sau khi nước nhà thống nhất, mặc dầu đã đề nghị giao cho nhà xuất bản văn học treo một giải thưởng Thơ gọi là giải Hàn Mặc Tử cho thi sỹ có tài mà đang gặp tai ương. Nhưng lời giới thiệu của Chế Lan Viên thật dè dặt biết chừng nào. Ông rào trước đón sau một cách kỹ càng: “In Tử có dễ đâu, cách mạng (cứ gọi thế cho tiện ) phải đấu tranh với chính mình dữ lắm thì từ hai năm trước, trước Đại hội Đảng Liên Xô và Đại hội Đảng ta đổi mới tư duy, Nhà xuất bản Văn học phải dũng cảm lắm mới đưa Tử vào kế hoạch in chứ…Tuyển Tập của Nguyễn Tuân, Tản Đà, Thế Lữ, Xuân Diệu, còn bị rầy rà. Sao mà tiền chiến lắm thế, cái cũ lắm thế”…
Đôi lúc không khỏi chạnh lòng khi Chế Lan Viên cố gắng tìm mối dây liên hệ của Hàn Mặc Tử với cách mạng. Nó âm thầm và xa xôi như sóng ở biển Quy Nhơn những đêm tối trời lặng gió. Sau một nửa thế kỷ Hàn Mặc Tử ra đi với vầng trăng cô đơn của ông, câu chuyện vẫn còn nhiều ẩn ức đến vậy. Tập Gái Quê, in năm 1937 lưu lạc giang hồ đến năm ngoái, 2012 cả trong nước và hải ngoại mới  “phục chế” được bản… gần như nguyên gốc để in 1000 cuốn.
Giữa tháng 7-2013 tôi lang thang theo thói quen chẳng để làm gì ở những cửa hàng sách cũ phố Đinh Liệt, khi vào một gian ánh sáng lúc tỏ lúc mờ  trong cùng của một trong số đống sách cũ ấy, bỗng nhìn thấy Gái Quê bìa trắng chữ xanh mới phát hành được nửa năm nằm tại một xó xỉnh ít người để ý đến. Không khéo nó lại bị… thất truyền mất thôi. Chao ôi! Mấy chục năm trời ở ngay  cái thế giới hiện đại này, một tác phẩm thi ca cũng phải trải qua một cuộc đời bể dâu như vậy.
Và đến nay, các tác phẩm của Hàn Mặc Tử cũng chưa được sưu tầm để in ra đầy đủ. Nói gì đến giải thưởng thi ca. Cũng sau nửa thế kỷ Hàn Mặc Tử đi về cõi âm, tôi càng thương cho Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử khi người ta trách mắng về một chuyện tình mà Chế Lan Viên vì yêu quý bạn mình và đề cao người ta mà đã viết ra…Thế giới tinh thần của Hàn Mặc Tử đâu có cần chuyện đó. Học cách nói của Chế Lan Viên. Tên tuổi và thi ca của Tử người đời còn nhớ mãi. Kẻ kia ai nhớ làm gì.
Sách Luận ngữ ở bên Tàu, tại thiên Nhan Uyên có viết: “Một lời nói ra, xe bốn ngựa khó mà đuổi kịp”. Những kẻ hậu sinh đành phải thất lễ với vị học giả đầu bờm sư tử trên kia. Cái mà Hàn Mặc Tử để lại cho đời, cho thi ca thế kỷ 20 có phải là bản thân những tượng trưng, siêu thực xa xôi ấy hay không? Cái mà thi sỹ để lại cho đời cũng chẳng thể diễn tả “tiến nhanh sang tượng trưng siêu thực” một cách suôn sẻ, thảnh thơi như vậy. Bởi lẽ nếu không có tài thơ của Hàn Mặc Tử trên cõi đời này thì mấy thứ chủ nghĩa văn chương ấy vẫn sống lồ lộ ở phía trời Tây tự thuở nào rồi.
Con người đau đớn vật vã đến cùng cực trên từng dòng thơ được viết ra từ máu ở cái giới hạn cuối cùng là 28 tuổi ấy, đâu mà thảnh thơi tiến nhanh như thế. Hoài Thanh đã tự nhắc nhở lòng mình chê hay khen sau khi Hàn Mặc Tử qua đời đều là bất nhẫn, chắc ông phải dằn lòng đến mức nào khi viết rằng: “một nhà chuyên môn nghiên cứu những trạng thái kỳ dị của tâm linh khi xem tập Máu Cuồng và Hồn Điên sẽ lượm lặt được nhiều tài liệu hơn một nhà phê bình văn nghệ”. Nhưng có một sự thực ngược lại. Một số bài thơ hay nhất, trong sáng nhất của Hàn Mặc Tử không phải nằm trong Gái Quê hay Xuân như ý mà lại ở Thơ điên.
Trong Thi Nhân Việt Nam, công trình xứng danh anh hùng đoán giữa trần ai mới già, đã chọn Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư  nhiều bài nhất. Nhiều thứ hai là Hàn Mặc Tử cùng với Quách Tấn, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Nguyễn Bính… Hàn Mặc Tử để lại cho thế kỷ 20 và hậu thế những bài thơ hay xuất sắc, nhiều câu thơ hay đặc biệt.
Tình Quê, Bẽn lẽn trong Gái Quê. Mùa xuân chín, Đây thôn Vỹ Dạ, Những giọt lệ, Cô Liêu, Đà lạt trăng mờ trong Thơ điên( Đau thương ), Ave Maria trong Xuân như ý, Chơi giữa mùa Trăng- Thơ văn xuôi v.v… Có ai đó khi bàn về thơ Exênhin đã nói rằng: “Thơ chỉ cần thiết khi người ta buồn”. Nỗi buồn là thánh đường bất tử của Thi ca nhiều thời đại, là vẻ đẹp của loài người trên con đường dài đi tìm hạnh phúc. Nỗi buồn cùng với nỗi cô đơn là hai người bạn đồng hành dịu dàng mà xót xa tỏa bóng cho những câu thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử. Lúc ban đầu, chỉ là một lý do hết sức đời thường như bao chàng trai trẻ mới chớm độ trưởng thành.
                                    Ngày mai tôi bỏ làm thi sỹ
                                    Em lấy chồng rồi hết ước mơ.
Nhưng bỏ làm thi sỹ sao được. Trời đã chọn kiếp làm thơ. Cái bản thể phận người của thi sỹ bâng khuâng gửi hồn đi một nửa. Một nửa còn sót lại chỉ dại khờ giữa cô đơn như một bể sâu tưởng là hữu hạn mà thực là vô hạn ở cõi yêu thương.
                                    Người đi một nửa hồn tôi mất
                                    Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
Nỗi buồn của Hàn Mặc Tử khác với các thi sỹ của phong trào Thơ Mới cùng thời đại. Nó được pha vào ánh trăng, được gói vào vải trăng, được trở thành  “người trăng ăn vận toàn trăng cả”. Có lúc trăng trên trời đối xứng với ngọn nến nơi hạ giới. Buồn thanh cao như một khúc Đường Thi.
                                    Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt
                                    Khép phòng đốt nến, nến rơi châu.
Ở phương Đông, khi người ta đã trót làm thi sỹ thì dường như trong đời ai cũng một lần đến với trăng; Nhưng ít ai lại được sinh ra từ trăng, được hòa hồn vào trăng như Hàn Mặc Tử. Một miệng trăng. Say trăng. Dìm hồn xuống vũng trăng. Ngủ với trăng. Cô liêu trăng.Trăng ngậm đầy sông chảy láng lai. Rượt trăng. Ta lượm lá trăng làm chiếu trải. Và Chơi trên trăng.
                                    Ta đi trong ánh sương mờ
                                    Tìm con trăng lạc ngoài bờ bên kia.
Thi sỹ quên cả bản thân mình để cứu Trăng. Nhảy ùm xuống giếng vớt trăng lên. Dường như Hàn Mặc Tử muốn giành trăng cho riêng bản thân mình, như một sự khát khao vô vọng cho tình yêu cuộc sống, hạnh phúc lứa đôi mà chưa bao giờ ông có được trên cõi đời này. Không diễn tả được bằng hình ảnh và ý niệm. Hàn Mặc Tử chỉ còn cách kêu lên như gọi trăng thành khúc nhạc vừa tin yêu trìu mến của cậu bé lên mười, vừa có dư vị  dâng lên của diệu huyền khát vọng.
                                    Trăng, trăng trăng là trăng, trăng, trăng.
Chơi giữa mùa trăngtràn ra ánh trăng siêu hình mà thanh tịnh tinh khí của hạo nhiên khiến thi nhân ngả vạt áo ra bọc lấy ánh trăng mãi mà không hết.Thi sỹ Hàn Mặc Tử như muốn giành lấy vầng trăng tươi sáng cho riêng bản thân mình. Tôi đọc Hàn Mặc Tử, thấy người thi sỹ trong vẻ đẹp tràn trề của ánh trăng. Vượt qua sự cay nghiệt của định mệnh để tỏa sáng.
Nhưng Hàn Mặc Tử để lại cho đời không phải là vầng trăng khổ đau của cuộc đời ông. Ông trang trọng dâng lên một Mùa xuân chín. Đó là bài thơ hay nhất của ông. Là hồn thơ đích thực, một sáng tạo riêng của ông cho vẻ đẹp của mùa xuân bất tử. Mùa xuân chín là bài ca ca ngợi vẻ đẹp thuần phác, cổ điển mà đầy thơ mộng và tươi sáng của cảnh sắc nghìn năm làng quê và tâm hồn Việt.
Với Hàn Mặc Tử, mùa xuân là một sự khải huyền giữa trời đêm mà không ai biết. Cái giây phút xuân trở về mách bảo cho thi nhân như là phép lạ.
                                    Chàng ơi, chàng ơi sự lạ đêm qua
                                    Mùa xuân tới mà không ai biết cả.
Và Xuân đầu tiên, một sớm mai trời cao rộng quá, gió căng hơi ấm của mùa xuân gấm vóc  ”mùi thơm ngây dại sóng con người”. Cái ý niệm Thơ ”mùa xuân chín” là phát hiện riêng đầu tiên của thi sỹ họ Hàn. Kỳ lạ thay, Gái Quê đã được nhà thơ gọi tên bằng ba thứ xuân:”Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự”. Con người mà có lúc nhà thơ tả thực chẳng khác gì nhà văn Vũ Trọng Phụng tả thị Mịch lúc lội ao ngấn nước hớt bèo.
                                    Ống quần vo xắn lên đầu gối
                                    Da thịt trời ơi trắng rợn mình.
Đến hai bài thơ Mất duyên Duyên muộn, cái từ xuân chín đã được gọi tên ”Từ ấy xuân em càng chín ửng” đến sự quay trở lại khi những lượt Thu về em thấy xuân, nhưng ” xuân em chín từ năm ngoái’ mất rồi.
Chỉ có hơn hai chục năm trời sống trên cõi đời này và chừng mười năm cầm lấy sự nghiên bút của kiếp làm thơ, Thi sỹ Hàn Mặc Tử giành những phần đẹp nhất và thanh khiết nhất cho gái quê. Gái Quê, Một đêm nói chuyện với gái quê, Đời phiêu lãng gửi một gái quê làng tôi khi ra đi với cái mộng chưa thành…Rồi như một biểu tượng đằm thắm và đẹp đẽ nhất của Đời Thơ Hàn Mặc Tử, gái quê hiện hình trong dáng vẻ bao cô thôn nữ hát trên đồi với một không khí sột soạt tà áo biếc trong nắng vàng của đôi mái nhà tranh có giàn thiên lý đưa bóng xuân sang. Ngày mai, ngày mai trong đám xuân xanh ấy có kẻ sẽ theo chồng bỏ cuộc chơi, để lại một trời xuân xa vắng mà thi sỹ vào lúc nào đó như người khách phương xa giữa đường gặp lại mùa xuân chín . Sực bâng khuâng nhớ đến làng quê. Nhớ buổi xuân sang vừa mới tới dạo nào và gái quê được gọi bằng từ chị ấy huyền diệu, chẳng hiểu năm nay còn gánh thóc dọc bờ sông trắng nắng chang chang nữa hay không?Chị ấy với kẻ theo chồng trong đám thôn nữ kia có phải là một hay không? Thi nhân không biết nữa? Chỉ biết rằng người ấy là gái quê   mùa xuân chín. Lời thơ trong sáng, tình ý giản dị ấy lại được thắp lên trong tập thơ điên và tỏa sáng mãi trên thi đàn Việt nam cùng với tên tuổi Hàn Mặc Tử. Rồi cuộc đời này cứ đi xa, đi xa mãi. Những thế hệ người Việt nối tiếp nhau đi tìm hạnh phúc của mình, đường xa ngoảnh lại vẫn còn thấy mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử giữa lòng thế kỷ 20. Gái quê và mùa xuân chín đã trở thành nhân vật văn chương đặc sắc ở lại cùng chúng ta với bao xao xuyến và hoài niệm.
Tôi xem phim Hàn Mặc Tử. Ngạc nhiên chẳng thấy gái quê đâu cả. Chỉ thấy chuyện tình lãng mạn, toàn những thiếu nữ thị thành đài các kiêu sa. Rồi lại đọc hồi ức của Nguyễn Văn Xê. Người chứng kiến những giây phút cuối cùng của Hàn thi sỹ ở nhà thương Quy Hòa mà cảm thấy xót xa. Con người bé nhỏ của Hàn Mặc Tử bị bệnh tật khủng khiếp dày vò đã đành. Nhưng cô đơn, thiếu tình thương của người thiếu nữ còn làm ông tội nghiệp xiết bao. Người ta bày đặt ra cho một em gái chừng tuổi hơn mười ở xa không biết để Hàn Mặc Tử tưởng tượng ra làm thơ mà cũng không xong. Duyên Kỳ Ngộ viết ra cho nàng Thương Thương chỉ là những cảnh giả tưởng của tiếng suối reo, của chàng, nàng chung chung vô tình vô cảm. Còn đâu phong vị đậm đà của gái quê và mùa xuân chín nữa. Quần Thiên Hội viết chưa xong cũng thế. Nhàn nhạt, nhàn nhạt cả toàn bài. Chỉ còn nỗi đắng cay tội nghiệp của hồn thi sỹ trong tiếng suối reo.
                                    Xin đừng vẩy bàn chân trong giếng ngọc
                                    Hỡi giai nhân người lụa bến Tầm Dương.
Những vần thơ cuối cùng được chính ông chép ra trước lúc tàn hơi chỉ còn cơ hội gửi tặng cho Nguyễn Văn Xê và một người khác tên Trung cũng ở trại phong Quy Hòa. Trớ trêu thay, cái người tên là Trung ấy đã mau chóng dùng những bản chép thơ của thí sỹ để … làm cái sự trần tục nhất trên đời này. Chẳng có tao nhân mặc khách thanh lịch nào cả. Chỉ còn một chút nguôi ngoai khi những con dân  chúa đã sức dầu thơm và làm phép cho Người. Sáu thân kiếp không quen biết tụ họp nhau lại đại diện cho thế gian dưới gầm trời này đưa ông về nơi nước Chúa. Một vị thánh tông đồ tử vì sự bất tử của thi ca.
Sau nhiều năm hòa bình, mùa hạ năm 2008 tôi mới có dịp dừng lại ở Quy Nhơn Bình Định thăm Hàn Mặc Tử.
Một mình lang thang trên bãi biển Quy Hòa khi trời sắp đổ về chiều. Cả một bãi cát dài đẫm nước đón những con sóng sẫm màu hối hả từ biển khơi xa. Không một bóng người. Trở lại đi thăm cái xóm buồn bã người phong, mỗi gia đình có nếp nhà nhỏ đến mức chỉ như một cái am. Họ đang loay hoay nhóm lửa cho bữa cơm chiều. Vẫn một hoàng hôn ngơ ngác khói như buổi còn người thi sỹ gửi phận bạc đâu đó vô hình ở chốn xa xôi.Vội trở về Ghềnh Ráng, nơi có phần mộ yên nghỉ của Nguyễn Trọng Trí -Hàn Mặc Tử. Từ đồi cao nhìn ra bờ vịnh Quy Nhơn cong như cái lược. Tượng đức mẹ phủ bóng trắng tinh khiết hai tay đưa ra phía trước như phân trần điều gì trên mộ Francois Trí. Cứ ngỡ đó là mẹ Juetta đã chăm sóc Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa với lời nói dịu dàng: ”mau đưa tay cho mẹ đỡ con xuống” khi nhà thơ mới vào nhập viện. Lại tưởng Juetta là ”gái quê”nào đó đã lùi vào dĩ vãng của một mùa trăng.
Sáng ngày hôm sau, người ta đưa tôi đi thăm hai tháp chàm xây bằng gạch đỏ cổ xưa giữa một sân cỏ tươi non dưới nắng trời mùa hạ. Bước vào trong tháp, thấy hai biểu tượng của đàn ông và đàn bà bằng đá xanh. Một bên tay trái đứng sừng sững oai nghiêm như cột nhà. Một bên  tay phải nằm uy nghi đường bệ. Người vào khói hương khấn vái không dứt trước hai sức mạnh huyền diệu của âm dương đã ở đây không biết tự bao giờ. Than ôi; loài người từ cổ xưa đi cùng trời cuối đất, từ mông muội đến hiện đại bây giờ cũng chỉ để đi tìm sự say đắm vụng về của hai linh vật ấy mà thôi. Hai vẻ đẹp sinh ra loài người.
Bước ra khỏi tháp giữa nắng trời xanh của miền Trung xa lắm, lại ngậm ngùi thương nhớ Hàn Mặc Tử. Nhớ mung lung câu nói của một nhà hiền triết. Người không tham gia quan hệ hôn nhân chỉ là người một nửa. Cả cuộc đời ngắn ngủi của ông ra đi trong cái mộng chưa thành, chưa bao giờ được hưởng trọn vẹn một tình yêu thanh khiết. Sự bất tử của bên này chiếc lược biển Quy Nhơn được tạo dựng phải đầy đủ âm dương. Còn phía bên kia, nơi Hàn Mặc Tử nằm lại chỉ  là cô lẻ đầy mộng mị. Nhưng sự cô lẻ ấy trở thành bất tử theo cách riêng của nó. Các thế kỷ và con người Việt vẫn đi lên phía trước không dừng. Nhưng khi ngoảnh lại mãi mãi thấy mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử tỏa sáng. Bởi vì thời gian đã trở thành đại lượng không đổi. Cái đại lượng được giới hạn bởi khoảng không chật hẹp huyền bí bên trong những tòa tháp cổ màu gạch đỏ. Cùng với mùa xuân đã chín trong thơ Hàn Mặc Tử như là những biểu hiện sinh động của quy luật muôn đời nơi bờ biển Quy Nhơn.
Trên đường dài gian truân, khách phương xa nào không còn hy vọng nữa, xin một lần gặp Mùa xuân chín để tìm lại yêu thương và khúc nhạc ân tình của một người Trăng đã sinh ra
————post 26/4/2014

Một câu thơ tình tình nhất thơ . . . tình !


Tác giả: Đào Dục Tú
KDCâu thơ tình nhất là đâyDuyên duyên nợ nợ tình tình / Đây đây đó đó, mình mình ta ta . 
Hi…hi… Hẳn là tác giả đã phải trải nghiệm lắm, “lên bờ xuống ruộng” lắm với ca dao, với thơ tình, và với mình với ta, mới rút ra được, chỉ là những câu  lục bát tù mù…, mà chứa chất bao nhiêu điều không “tù mù”. Đó là duyên nợ giữa “mình với ta”. Nó thấm thía lắm nỗi nhớ vừa mơ hồ vừa hiện hữu, đau đấy mà lại hạnh phúc đấy. Chạm đến đấy mà cũng như không thể chạm được…
Cảm ơn anh Đào Dục Tú  :P
Thơ tình kim cổ đông tây phong phú vô cùng, tùy “chuẩn thẩm mỹ” tuyển chọn của mỗi cá nhân, khó tính hay khó chọn nhất do nguồn tư liệu sách vở thiếu, cũng có thể chép tay được vài ba cuốn sổ kỷ niệm là chuyện bình thường. Thời chiến tranh gian nan là thế mà trong hành trang tinh thần của nhiều anh lính trẻ đi chiến trường “bê ngắn” “bê dài” còn có sổ lưu niệm của bạn gái chép thơ chép ca từ bài hát, huống chi thời bình đã xấp xỉ bốn mươi năm.
Ảnh Thảo Nguyên
Với người viết, câu thơ tình thuộc loại “tình nhất thơ tình” không phải một câu thơ Nga hay Pháp- hai nền văn học do “nguyên nhân lịch sử” rất gần với nhiều thế hệ độc giả người Việt hiện đại, với những thi sĩ “trên cả tuyệt vời” như Pu-skin, Lec-mông-tốp, Ê-xê-nhin, A-ra-gông, Ê-lu-a v.v..vv. . . Cũng không phải một câu thơ chữ Hán thâm hậu của tiền nhân, mặc dầu “các cụ nhà mình” để lại nhiều câu “cực chuẩn”.
Chẳng hạn, ví như câu nghe nói của cụ Nguyễn Giản Thanh- danh Nho xứ Kinh Bắc cũ “đồng hương của mình”: ” Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách – Sắc bất ba đào dị nịch nhân”. Diễn nôm nghĩa là mưa không phải khóa cửa, khóa cổng vẫn có khả năng lưu giữ chân khách- người đẹp, mỹ nhân không phải là sóng, nhưng dễ dàng nhấn chìm. . .( chết) người. Câu thơ tôi chọn là một câu ca dao hình như chưa có trong tuyển tập của cụ Nguyễn Văn Ngọc: Tác giả hai tập Ca dao Tục ngữ Việt Nam đồ sộ in ra từ trước Cách Mạng Tháng Tám
Yêu em từ thuở lên ba
Mẹ bồng ra ngõ hái hoa em cầm
Với một suy lý thông thường, ai chả biết việc đời “yêu em từ thuở lên ba” là không thể hiện hữu, là “thậm vô lý”. Yêu. . .từ thủa còn thơ dại đến thế có họa là người ngoài . . . hành tinh, một ngày bằng mấy trăm năm hỡi người. . . như ý ca từ trong ca khúc “Ca dao em và tôi” của nhạc sĩ An Thuyên được những người đặc biệt đa cảm đa tình yêu thích, cao hơn ,”sủng ái”- yêu quý nhất.
Thế nhưng sao người đọc, người nghe câu thơ thuộc hàng bình dị này lại chả ai lưu tâm đến cái “hạt nhân phi lý” đó. Người ta chấp nhận sự thật mà tưởng như không thật, chấp nhận hữu lý ngay trong cái tưởng như vô lý chỉ bởi một lẽ hiển nhiên. Xưa nay chuyện tình duyên lứa đôi trai gái, chuyện nên vợ nên chồng ” anh này với ả nọ” vẫn mãi mãi như, . . . hình như là tiền định, vẫn mãi mãi như là duyên nợ từ. . . kiếp nào, khó hiểu, khó giải thích rõ ràng là “chuyện thường”.
Mặc dù, oái oăm thay, trêu ngươi thay “ông tơ bà nguyệt” lại thường làm cái việc “úp vung méo nồi tròn”, “úp vung tròn nồi méo” nên duyên đời thường chỉ là duyên nợ phù sinh! Đã chấp nhận tình duyên như là duyên kiếp, duyên nợ “không sao dùng luận lý thông thường giải thích được”, “hình như mình yêu người từ kiếp trước người ơi”, thì “Yêu em từ thuở lên ba” có gì là phi lý, thậm chí là chuyện hữu lý bậc nhất trên đời.
Cổ kim không thiếu những đôi tình nhân tưởng yêu nhau từ tiền kiếp, biết nhau từ tiền kiếp dù rằng đấy chỉ là “có duyên không nợ”; những mối giao tình, thâm tình tri âm tri kỷ đã thành cổ điển, thành điển cố văn chương đông tây kim cổ.
Cổ nhân đưa ra lời bình nghị bằng . . . thơ thật ý vị “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ- Vô duyên đối diện bất tương phùng”? Có lương duyên với nhau, xa nhau ngàn dặm, vẫn gặp nhau (dù chỉ là gặp trong ý tưởng, trong . . .mơ). Còn đã vô duyên ư; không tri âm không tri kỷ ư, chẳng thà đừng “đối diện”, giáp mặt; gần nhau đấy mà ngàn trùng xa cách.
Nói một cách văn vẻ, sự nối kết giữa hai tâm hồn, sự đồng điệu “cùng nhịp đập” giữa hai trái tim mới là đáng kể. Sợi tơ trời ấy nói là vô ảnh vô hình cũng đúng, mà bảo là có thực hữu hình cũng đúng, bởi nó quyết định mọi hành xử tình cảm của con người trần thế kia mà!
Khoảng cách không gian địa lý chưa bao giờ là nhân tố thuận nghịch số một của duyên tình, nhất là thời buổi “sang Mỹ cũng chỉ mất một ngày bay”. Cũng chưa bao giờ là chướng ngại, chưa thời nào là trở ngại “đáng kể nhất”, quyết định số phận tình yêu như người đời thường dễ nhầm tưởng, ngộ nhận. Tự nhiên nhớ tới bài thơ tình tứ tuyệt của tác giả Phan Trác Hiệu (không biết giờ đây người đồng liêu- cùng cơ quan, bậc đàn anh về tuổi đời, ở đâu, vui buồn sướng khổ ra sao):
“Trong tình yêu nỗi cách xa – Như cơn gió tràn qua ánh lửa – Gió thổi bùng ngọn lửa to cháy đỏ- Hoặc dập vùi tia lửa nhỏ mong manh”. Nếu như ngọn lửa tình yêu bị dập vùi vì nỗi cách xa, dù rằng chuyện đời ấy có là. . . phổ quát ở đời chăng nữa thì cũng chỉ chứng minh một điều: Tình yêu thực tế quả nhiên “tự cổ chí kim” đời nào cũng thế, còn xa mới theo kịp tình. . . trong “ca dao em và tôi”. Trong ca dao thôi nhé! Em và tôi trong . . .nhạc trữ tình thôi nhé !
Hình ảnh người mẹ bồng con ra ngõ hái hoa chẳng có gì xa lạ, chẳng có chi ấn tượng tân kỳ nếu không muốn nói quen đến mòn con mắt. Thế nhưng trong cuộc sống thanh bình thường nhật “tâm an thân tự an”- khát vọng của người Việt trải nhiều đời giặc dã chiến tranh ở đất nước này, nên hình ảnh đó trở thành mỹ cảm và đậm đà thi tứ lắm!
Chữ “Hảo” là tốt là đẹp- một bên chữ “nữ”, một bên chữ “tử” cũng tượng hình, biểu ý người phụ nữ bồng con. Hình ảnh ấy chỉ làm hiển lộ hơn cái ý thơ, ý tưởng lạ đấy và quen đấy, thực đấy mà “siêu thực” cũng đấy: “Yêu em từ thuở lên ba”. Và những ai dù sống trong sinh cảnh đậm mầu thời hiện đại a- còng này, dù được “phủ sóng toàn phần” thời hậu hiện đại, mà trong tâm cảm vẫn chấp nhận sự thật tưởng không. . . thật, là duyên tình của người đời đẹp nhất, hình như vẫn mãi mãi là duyên tiền kiếp, duyên tiền định, thì người viết đoan chắc họ sẽ thấy câu ca dao tôi dẫn trong bài tạp cảm này là câu thơ tình tình nhất thơ. . . ..tình.
Có người họa hai câu thơ ấy bằng hai câu lục bát tù mù vu vơ . . . .xẩm chợ
Duyên duyên nợ nợ tình tình 
Đây đây đó đó, mình mình ta ta . / .
post 26/4/2014

Trên con đường hòa gii dân tc

Trần Văn Chánh Theo Viet-studies


 Sinh thời, vào năm 2005, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi nhắc lại chiến thắng nhân dịp kỷ niệm ngày 30.4 năm đó, đã từng viết mấy câu chí tình chí nghĩa: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. 
     Ngày nay, sau 39 năm kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, bài học rút ra được từ hai nhân vật lịch sử Dương Văn Minh- Võ Văn Kiệt có lẽ không gì lớn hơn là bài học về hòa giải hòa hợp dân tộc. Nhưng muốn thật sự hòa giải, cần loại bỏ ngay khuynh hướng cường điệu khía cạnh chiến thắng của ngày 30.4 lịch sử, mà chú trọng hơn vào khía cạnh hòa giải hòa hợp dân tộc, và phải coi việc hàn gắn vết thương chiến tranh qua thái độ hòa giải hòa hợp dân tộc như một thứ trách nhiệm lịch sử tự nhiên phải làm chứ không có tính cách ban phát sự hòa giải cho phía thua cuộc. Nếu khiêm tốn nhìn thẳng vào sự thật, chắc ai cũng biết rằng dân tộc của chúng ta chỉ là nước nhỏ lạc hậu, lại bị chi phối bởi những thế lực, âm mưu chính trị của một số cường quốc khác, nên khi chiến thắng đừng tự hào quá đáng, cũng như không có gì xấu hổ khi thua cuộc để phải mặc cảm kéo dài, trong điều kiện cả hai bên thực chất đều đứng chung trong gọng kiềm khắc nghiệt của lịch sử mà nhiều việc mình không thể chủ động được một cách hoàn toàn. Còn về những sự mất mát do chiến tranh gây ra, cũng là mất mát chung, không đau buồn thì thôi chứ vui vẻ gì cứ tự hào mãi?  
Ý tưởng nhân hậu này vừa nêu lên đã được hầu hết mọi người dân Việt cả trong lẫn ngoài nước, không phân biệt thành phần lý lịch hay xu hướng ý thức hệ, coi như bản tuyên ngôn ngắn gọn có ý nghĩa sâu sắc về tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, vốn là một trong những yêu cầu quan trọng tiên quyết và bậc nhất để kiến thiết xứ sở. Bởi một lẽ đơn giản, đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết. Ngoài ra nó còn thể hiện sâu sắc tình tự dân tộc, coi chiến tranh đổ máu là chuyện bất đắc dĩ và phần lớn đều do những gọng kiềm lịch sử khắc nghiệt gây nên chứ không ai là người Việt Nam máu đỏ da vàng mà lại muốn như thế.  
     Cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt ngày 30.4.1975 lùi xa vào dĩ vãng đã tròn 39 năm. Với bằng ấy thời gian, bên cạnh niềm tự hào đương nhiên của “bên thắng cuộc”, trong lương tâm mỗi người vẫn còn đọng lại không ít những niềm trăn trở, suy nghĩ, từ đó thấy cần đánh giá lại vấn đề một cách toàn diện hơn, cũng như cần đi sâu vào những góc cạnh chi tiết tế nhị hơn, liên quan đến một số sự kiện hoặc con người cụ thể, trong bối cảnh lịch sử hết sức đặc thù của dân tộc. Ở đây, và trong những khoảnh khắc thời gian này, chúng ta muốn nhắc đến nhân vật lịch sử Dương Văn Minh, người thuộc “bên thua cuộc” của chiến tuyến đối lập, nhưng nếu xét trên phương diện quyền lợi chung của cả dân tộc thì ông lại là người bạn, người đồng chí chân tình của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Chắc chắn vì thế mà sau 1975, hai ông vẫn giữ mối liên lạc thân thiết khá thường xuyên, theo cách quý trọng lẫn nhau giữa những người quân tử cùng lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục đích tối thượng.
     Trong chiều hướng suy nghĩ cởi mở như trên, dần dần ai cũng phải thừa nhận, một trong những nhân vật lịch sử thuộc phe bại trận nhưng có vai trò quan trọng, gắn liền với ngày 30.4 lịch sử, có lẽ là ông Dương Văn Minh, người đảm đương chức vụ tổng thống chỉ trong vòng 3 ngày trước khi chế độ cũ Sài Gòn bị tan rã.
     Các tài liệu đã được phổ biến từ nhiều năm nay, đại khái đều ghi chép: 15 giờ chiều ngày 28.4.1975, sau khi có quyết định của lưỡng viện Quốc hội trong tình hình khẩn cấp, tướng Dương Văn Minh làm lễ nhậm chức Tổng thống, cử ông Nguyễn Văn Huyền làm Phó tổng thống, ông Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng. Tổng thống Dương Văn Minh bổ nhiệm một số bộ trưởng và người phụ trách quân đội, cảnh sát, trong đó chỉ định ông Bùi Tường Huân, Giáo sư Đại học Huế (gốc dân sự, không phải tướng tá) làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng, như một cách để chứng tỏ chính phủ của mình không muốn cuộc chiến tranh tiếp diễn.
     Theo cựu dân biểu Dương Văn Ba (Những ngã rẽ, hồi ký, chưa xuất bản), đêm 28.4.1975, có hai đại tá phi công lái hai máy bay trực thăng phục vụ tổng thống đậu trên nóc dinh Độc Lập, đến gặp Tổng thống Dương Văn Minh đề nghị đưa ông và tất cả những người trong bộ tham mưu Tổng thống và gia đình bay ra Đệ Thất Hạm Đội. Ông Minh trả lời: “Hai em có thể yên lòng lái máy bay ra Đệ Thất Hạm Đội, bất cứ ai có mặt ở đây muốn đi theo thì có thể ra đi. Phần tôi, tôi nhất quyết không đào ngũ bỏ chạy; không thể nào bỏ dân chúng Sài Gòn, không thể nào bỏ miền Nam như con rắn mất đầu”.
     Sáng sớm ngày 29.4.1975, Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền đã cử 4 người gồm Nguyễn Văn Diệp (Tổng trưởng), Nguyễn Hữu Hạnh (nhà thầu), Tô Văn Cang (kỹ sư, cán bộ tình báo Z22), Nguyễn Đình Đầu vào trại David tiếp xúc với đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về việc ngưng bắn. Tiếp đến, khoảng 15 giờ (có tài liệu nói 19 giờ) cùng ngày, Tổng thống Dương Văn Minh lại cử một phái đoàn do Luật sư Trần Ngọc Liễng cầm đầu cùng đi với Linh mục Chân Tín và Giáo sư Châu Tâm Luân vào Trại David, cả ba người được ông Võ Đông Giang, Phó trưởng phái đoàn phía Cách mạng ra tiếp. Ông Liễng đã thông báo với phái đoàn về chủ trương “không chống cự” của Tổng thống Dương Văn Minh.
     Ngày 30.4.1975, lúc 6 giờ sáng, sau khi nghe chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh quyền Tổng tham mưu trưởng (tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng khi ấy đã bỏ trốn) và tướng Nguyễn Hữu Có đến báo cáo về toàn bộ tình hình quân sự, ông Minh (cùng các ông Hạnh và Có) đến Phủ Thủ tướng (số 7 Thống Nhất, nay là đường Lê Duẩn) gặp Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và một số người trong nội các mới lập, họp bàn và quyết định không nổ súng và giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu phụ trách soạn thảo bản tuyên bố này.
     Đến 9 giờ 30 ngày 30.4.1975, Đài phát thanh phát lời tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh: “Đường lối của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc”; “yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Cộng hòa ngưng nổ súng, và ở đâu thì ở đó”; “Chúng tôi chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam để thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào”.
     Hai giờ sau, lúc 11 giờ 30, xe tăng của quân giải phóng vào Dinh Độc Lập, đưa ông Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
     Có quan điểm khá phổ biến cho rằng ông Minh tuyên bố đầu hàng đơn giản chỉ vì hoàn toàn thất thế, không còn cách nào khác. Nhưng theo ông Lý Quý Chung (bộ trưởng Bộ Thông tin trong nội các Dương Văn Minh, tác giả Hồi ký không tên), và nhiều nhân vật thân cận khác, tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng thống không có ý để thương thuyết với phe cách mạng vì đã thấy không còn khả năng thương thuyết; cũng không có ý để tiếp tục chiến tranh vì lâu nay ông vốn chủ trương hoà bình, chấm dứt chiến tranh.
     Ngày nay, nhìn kỹ lại diễn biến các sự kiện, đa số người ta đều thừa nhận việc Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các của ông quyết định “không chống cự”, sau đó tuyên bố “đầu hàng vô điều kiện” là hành động thức thời, tránh cho nhân dân và chiến sĩ của cả hai phe không bị đổ máu thêm vô ích, tài sản quốc gia không bị hủy hoại, góp phần kết thúc sớm cuộc chiến tranh một cách êm đẹp. Đó là nghĩa cử anh hùng của một người thật sự yêu nước, thương dân, có phần nào thầm lặng chứ không phô trương khoe mẽ nổi đình nổi đám.
     Ý kiến coi ông Dương Văn Minh là người có công đối với đất nước đã được cố thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định trong một lần trả lời phỏng vấn của tuần báo Quốc Tế(Bộ Ngoại giao) nhân dịp 30.4.2005, về một câu hỏi liên quan: “Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập… có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ”. Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt giải thích: “Đại tướng Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28.4.1975, ngày mà một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn. Nếu ông Minh để cho các tướng dưới quyền ông "tử thủ", chúng ta vẫn chiến thắng, nhưng Sài Gòn khó mà nguyên vẹn, và còn biết bao sinh mạng và tài sản của người dân mình nữa.... Phải ở chiến trường, và vào đúng giờ phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này”.
      Sau ngày 30.4.1975, ông Minh được về nhà (98 đường Hồng Thập Tự, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3) sống một cuộc sống bình dị, từ chối mọi sự giúp đỡ vật chất của chính quyền mới. Năm 1983, được Chính phủ chấp thuận, ông sang Pháp chữa bệnh và thăm con, khi đi chỉ xin mang theo một ít đồ cổ trong nhà. Ông không nhờ vả gì Chính phủ Pháp, mặc dù đã nhiều lần được sự gợi ý rất nhiệt tình.
     Theo sự tiết lộ của ông Hồ Ngọc Nhuận (trong tập hồi ký Đời, chưa xuất bản), người có những hoạt động gần gũi cả với ông Dương Văn Minh lẫn ông Võ Văn Kiệt, thì trong một chuyến đi thăm chính thức Algérie với tư cách thủ tướng, ghé ngang Paris trên đường về nước, ông Kiệt có yêu cầu Tòa đại sứ Việt Nam tại Pháp tìm địa chỉ ông Minh để đến thăm. Trong cuộc gặp, Thủ tướng Kiệt có ngỏ ý mời ông Minh về nước nhưng ông từ chối vì chưa có sự thống nhất ý kiến giữa các con ông trong gia đình. Sau đó, qua sự tác động và sắp xếp của Hồ Ngọc Nhuận, nhằm mục đích tăng cường hòa giải giữa người Việt thuộc các thành phần khác nhau, trong cũng như ngoài nước, ông Kiệt còn kín đáo gởi thư và cử người thân tín sang gặp ông Minh tiếp tục đặt vấn đề, nhưng vì nhiều lý do lắt léo phức tạp, ông Minh cũng không về lại quê hương được trong lần đó, mà cuối cùng đã từ Pháp sang Mỹ ở với người trưởng nữ của ông cho đến khi qua đời vào tháng 8 năm 2001, thọ 85 tuổi.
     Cụ thể, từ nay trở đi, nên bớt những cuộc lễ nào mà có nhắc lại những kỷ niệm không vui của thời kỳ chiến tranh đau khổ đã rơi vào dĩ vãng quá xa, và loại trừ hết mọi sự phân biệt về lý lịch, thành phần, dưới mọi hình thức, một cách thực chất chứ không chỉ hời hợt bề ngoài.   
      Đã có một số tín hiệu mới đáng mừng như vậy rồi. Con đường hòa giải hòa hợp dân tộc khá gập ghềnh vì nhiều lý do ngoắt ngoéo tế nhị của lịch sử gần đây đã có thêm những bước tiến cụ thể rất đáng ghi nhận. Chẳng hạn, về cuộc chiến đấu chung bảo vệ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam những năm 1974, 1988 của binh sĩ cả hai bên chiến tuyến. Trong đó, riêng trận đánh hi sinh dũng cảm của 74 chiến sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ Hoàng Sa tháng 1 năm 1974 có thời gian dài bị làm mờ nhạt, thì nay, sau gần 40 năm hòa bình lập lại, do sự diễn biến thực tế của tình hình và của nhận thức ngày càng tiến bộ, cởi mở, người ta đã bắt đầu công khai thừa nhận, thể hiện rõ nhất qua “Thư kêu gọi ủng hộ chương trình Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, công bố ngày 10.3.2014 vừa rồi. Các nhà đương cuộc sau thời gian dài dè dặt tiện tặn cho “nhích từng chút” sự thật lịch sử, nay đã mạnh dạn nhìn nhận sự thật khách quan một cách công khai bằng giấy tờ hẳn hoi. 
      Tuy trễ vẫn còn hơn không. “Ai muốn chép công ta chép oán/ Công riêng ai đó oán ta chung”, và nếu chịu xét cho cùng, việc ghi lại công ơn những chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc của cả hai bên chiến tuyến trước đây cũng là hình thức chép lại cái “oán ta chung” mà chịu giảm nhẹ đi phần nào cái “công riêng ai đó”, thứ công riêng được lặp đi lặp lại mãi mà chẳng lợi ích thiết thực gì cho việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc để cùng nhau bảo vệ, xây dựng đất nước.
                                                                                                                                        16.4.2014
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay, số 446, tháng 4.2014
tqs post 26/4/2014