25 thg 6, 2013

Bút ký của NGUYỄN VĂN DŨNG
Đảo Lý Sơn - Ảnh: skydoor.net
Đảo Lý Sơn – Ảnh: skydoor.net
Mùa hè năm 1965, tôi nhận sứ vụ lệnh về dạy học ở trường Trần Quốc Tuấn – Quảng Ngãi. Biết tôi thích ngao du sơn thuỷ, đám đệ tử thân thiết khao thầy một chầu du ngoạn Lý Sơn.
Hồi ấy, qua các em tôi chỉ biết Lý Sơn là “Vương quốc của tỏi”, là nơi biển trời lung linh quyến rũ. Không may hôm lên đường gió to, biển động. Chiếc tàu hải quân chạy lòng vòng bên ngoài không sao vào được bờ. Thế rồi chiến tranh ngày càng ác liệt, thầy trò ly tán, Lý Sơn cũng theo gió bụi mà nhạt nhoà dần trong tâm tưởng tôi. 
Gần đây, có dịp tìm hiểu thêm mới hay Lý Sơn không chỉ là “Vương quốc của tỏi”, không chỉ là “Đảo ngọc” lung linh mời gọi, mà còn gắn liền với hơn 400 năm lịch sử oai hùng, là điểm tựa tiền tiêu – nơi xuất phát những binh đội Bắc Hải vượt biển ra Hoàng Sa – Trường Sa khẳng định chủ quyền và bảo vệ biên cương tổ quốc. Thế là tôi quyết định theo đoàn cứu trợ ra Lý Sơn.
Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền 24 km, diện tích 10 km2, gồm 03 xã, khoảng hơn 20 ngàn dân. Lý Sơn có 2 đảo. Xã An Vĩnh và An Hải thuộc Đảo Lớn, xã An Bình thuộc Đảo Bé. Trận bão số 9/2009, Lý Sơn là tâm điểm bị tàn phá nặng nề nhất, trong đó xã An Bình của Đảo Bé gần như tan hoang. Chúng tôi chọn cứu trợ Đảo Bé. Người ta nói Đảo Bé là vùng đất của “tám không”: không điện, không nước (mùa đông dùng nước mưa, mùa hè phải mua nước ngọt từ Đảo Lớn), không đường, không quán ăn, không nhà trọ, không thông tin liên lạc, trường học lèo tèo, trạm xá thoi thóp… Duy chỉ một cái có, đó là tấm lòng. Quà cứu trợ cho các gia đình nạn nhân xê xích nhau từ 20 triệu đến 500 ngàn đồng, nhưng tuyệt nhiên không hề thấy cảnh kiện cáo, phân bì nhau như nhiều vùng khốn khó khác chúng tôi từng đi qua. Cái đảo nhỏ chỉ bằng bàn tay, loanh quanh một vòng là hết; đi tới đâu chúng tôi cũng nhận được sự chào mời rộng mở, và những đôi mắt biết cười. Vậy đó – tấm lòng. Có phải nhờ thế mà họ trụ được giữa sóng gió trùng khơi!
Buổi chiều, chúng tôi trở lại Đảo Lớn bắt đầu cuộc khám phá Đảo Ngọc. Lý Sơn là dấu tích của núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm trước. Năm ngọn núi lớn chiếm hơn nửa diện tích đảo như nâng Lý Sơn lên từ biển xanh, trông xa xa, Lý Sơn như con đại bàng vỗ cánh giữa trời nước mênh mông.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là Lý Sơn quá đẹp. Không mênh mông như Phú Quốc, không huyền bí như Côn Đảo; Lý Sơn nhỏ nhắn và sinh động, hoang dã và cao sang, mịt mù và gần gũi. Phía đông Lý Sơn là những ghềnh đá dựng đứng với vô số hang động, trong đó có Chùa Hang vào loại danh thắng độc đáo; phía tây Lý Sơn là những bãi cát mênh mang, mời gọi. Biển Lý Sơn có màu xanh chi lạ – nó xanh màu ngọc bích. Tôi chỉ gặp loại màu xanh này hai lần trong đời, một lần ở vùng biển Seattle phía Tây – Bắc nước Mỹ, và một lần ở Địa Trung Hải hồi tôi đến thăm quê hương Napoléon… Một vị bô lão cho biết, thuở xưa Lý Sơn xanh thẳm rừng nguyên sinh. Hèn chi người ta gọi Lý Sơn là “Đảo Thần Tiên”, chắc không phải chỉ vì trên núi còn dấu vết bàn cờ tiên, mà vì trú xứ của quí chư tiên thì hẳn là nơi non bồng nước nhược.
Buổi chiều tha thẩn ngắm hoàng hôn, buổi tối nhâm nhi cốc “rượu dú” chờ trăng mọc, lòng lâng lâng khinh khoái… là niềm hạnh phúc dễ gì có được giữa cái cõi thế quá nhọc nhằn này. Còn với những “tâm hồn ăn uống”, hãy tin tôi đi, Lý Sơn có đủ các loại hải sản quí hiếm chẳng nơi nào có được: đồn đột, vích, đồi mồi, cá thu, cá mú, cá dìa, mực nang, mực ống, ốc xà, ốc lờ, ốc bàn tay, ốc tai tượng… cùng với các loại gỏi tỏi, gỏi cá đặc sản, ai có dịp thưởng thức sẽ hương vị để đời.
Đứng trên ghềnh đá bờ Đông vác mặt nhìn ra biển khơi, tưởng như nghe được hơi thở của Hoàng Sa – Trường Sa. Biển mênh mông, sâu thẳm, sóng tung bọt trắng bờ. Rõ ràng đây là loại bãi biển chỉ dành cho cánh nam nhi đại trượng phu: chí khí, niềm tin, khát khao, và những chuyến đi hùng tráng.
Ngày 28/4/2007, tỉnh Quảng Ngãi khai trương tuyến “Du lịch biển đảo Lý Sơn”. Vậy là đã hơn hai năm, nhìn quanh vẫn chưa thấy dấu hiệu gì của du lịch Lý Sơn: vẫn con “đường liên xã” lở lói, chật hẹp, nhộn nhạo đủ thứ thập loại chúng sinh; vẫn những ngôi nhà lụp xụp, chen chúc; vẫn những bãi tắm lổn ngổn rác; vẫn chẳng có công trình nghỉ dưỡng nào ra trò… Xây dựng đảo ngọc Lý Sơn thành điểm du lịch là xu thế tất yếu. Nhưng phải làm sao vượt khỏi trình độ làm du lịch kiểu chỉ đón được khách một lần. Và phải thấy cho được những hiểm họa do ngành kinh doanh không khói này gây ra. Đó là môi trường thiên nhiên bị huỷ hoại, truyền thống văn hóa dần biến mất; do không có qui hoạch tổng thể, mạnh ai nấy làm, nên không lâu sau “Đảo Ngọc” biến thành như mâm đồ chơi của con trẻ; và phải định hướng cho được du lịch Lý Sơn sẽ là loại hình du lịch gì: sòng bạc, ăn chơi, rập rờn, du hí…hay là du lịch lịch sử, lễ hội, tâm linh và nghỉ dưỡng; đặc biệt (đây mới là điều đáng quan tâm nhất) không thể để cho những di tích lịch sử vốn là phần hồn của Lý Sơn bị xâm hại.
Mà trên đất Lý Sơn, những di tích lịch sử thì nhiều lắm; ấy là những cứ liệu xác thực và sinh động nhất về chủ quyền của dân tộc với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là Âm Linh Tự với bia “Chiến sĩ trận vong” – nơi thờ phụng vong linh những chiến sĩ Hoàng Sa, là đình làng An Vĩnh – nơi làm lễ xuất quân bảo vệ biển đảo, là những ngôi mộ gió – nơi chôn vọng các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa chết mất xác trên biển; là những miếu thờ, lễ hội, tế lễ, những câu chuyện kể, những bài tráng ca nao lòng…
Rõ ràng, Lý Sơn gắn liền với giai đoạn lịch sử mở mang bờ cõi và khẳng định chủ quyền của các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn. Nhiều tài liệu lịch sử ghi rõ, vào nửa đầu thế kỷ 17, các Chúa Nguyễn đã tổ chức “đội Hoàng Sa”, tuyển dân binh từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra khai phá quần đảo Hoàng Sa: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo”… Tài liệu còn ghi rõ: “Nếu đi từ xã An Vĩnh (Lý Sơn) bằng thuyền về phía Đông Bắc thì sau ba ngày ba đêm sẽ tới Hoàng Sa. Vùng đảo này các núi linh tinh có hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia đi một ngày hoặc vài ba canh thì đến; trên núi có chỗ có suối nước ngọt, có đảo có bãi cát vàng dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn. Các sản vật tự nhiên ở quần đảo này gồm có yến sào, đồi mồi, hải cẩu… có thứ ốc vân tai to như chiếc chiếu và chim có hàng ngàn hàng vạn, thấy người thì vây quanh, không tránh…”. (Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn – 1776).
Đến Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… đời nào cũng đều nỗ lực quản lý vùng biển đảo rộng lớn trên Biển Đông, nhất là với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt từ thời Minh Mạng, triều đình thành lập hẳn một đội thủy quân quy mô, ra đảo làm nhiệm vụ đo đạc thuỷ trình, vẽ bản đồ và dựng bia chủ quyền: “Tháng giêng năm Ất Hợi (1815) sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét đo đạc thuỷ trình, cắm mốc chủ quyền và canh giữ biển đảo…” (Đại Nam Thực Lục chính biên).
Gần đây người ta còn tìm thấy một sắc chỉ của vua Minh Mạng được dòng họ Đặng ở Lý Sơn cất giữ suốt 175 năm, qua 6 đời, tại nhà thờ Đặng tộc. Đó là tờ lệnh, phái một đội thuyền gồm ba chiếc, với 24 lính thuỷ, ra canh giữ Hoàng Sa, ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15, tức năm Ất Mùi – 1835: “Giao cho Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn những thanh niên khoẻ mạnh và giỏi nghề bơi lặn để gia nhập đội thuyền, giao cho Đặng Văn Siểm lo kham việc đà công (người dẫn đường), giao cho Võ Văn Công phụ trách hậu cần”.
Thế đấy, một thời gian dài lịch sử, năm nào trên đất Lý Sơn cũng đều có con em ưu tú của các dòng họ Phạm, Võ, Nguyễn, Đặng, Lê, Dương, Trần, Trương “lãnh chiếu vua ban” ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước.
Do biển khơi sóng gió khó dò, lại chỉ bằng phương tiện ghe thuyền thô sơ, nên thường đó là những cuộc ra đi không có ngày trở lại.
Hoàng Sa trời nước mênh mông,
Người đi thì có mà không thấy về.
Bởi thế trước khi đội quân Hoàng Sa giong buồm ra khơi, người dân Lý Sơn đắng lòng làm lễ tế sống những chiến binh là con em mình. Người ta gọi đó là “lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”. Lễ tế được tổ chức dịp tiết thanh minh, tại Âm Linh Tự – nơi ngày nay trở thành di tích lịch sử vô giá. Đồ tế lễ gồm chiếc thuyền mã bằng bè chuối, hình nhân thế mạng, gạo, muối, củi lửa, và các vật dụng khác y như hành trang của người chiến binh Hoàng Sa. Lễ tế được tiến hành uy nghiêm và thành kính. Sau cùng, người ta thả hết đồ tế lễ xuống biển, để người chiến sĩ yên tâm lên đường vì tin rằng đã có người thế mạng mình. Đã 300 năm qua, người dân Lý Sơn vẫn duy trì “lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” mỗi đầu xuân như một truyền thống hào hùng, là niềm tự hào và biết ơn của con dân đảo đối với tổ tiên.
Khắp trên đảo Lý Sơn ngày nay còn cả hàng ngàn ngôi “Mộ gió” – nơi chôn vọng các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa chết mất xác trên biển. Thuở ấy, hành trang của mỗi chiến binh Hoàng Sa, ngoài lương thực cho sáu tháng hành quân, còn có một đôi chiếu, bảy đòn tre, bảy sợi dây mây, và một thẻ bài có khắc tên họ, bản quán, phiên hiệu, để khi phải hy sinh thì đồng đội bó xác vào chiếu rồi thả xuống biển. Nếu may mắn, người trong bờ khi vớt xác sẽ biết tung tích của người hy sinh.
Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn,
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây.
Nhưng thường là không may. Đó là trường hợp sau sáu tháng đội quân Bắc Hải không trở về, cũng không ai tìm thấy xác. Ở nhà, người thân cho người lên Giếng Tiền, lấy đất sét, nhào nhuyễn, rồi nặn thành tượng người chết với đầy đủ các bộ phận y như người thật. Xong, vị chủ lễ lập đàn cúng chiêu hồn, gọi linh hồn người chết nhập vào tượng đất. Sau cùng, người ta tiến hành nghi thức an táng như một đám tang bình thường – cũng khâm liệm với quần dài, áo the, khăn xếp, cùng quan quách đầy đủ; cũng hạ huyệt, cũng đắp mộ. Với sự hỗ trợ của hương khói và lễ nghi thiêng liêng huyền bí, gia đình, người thân tin rằng dưới phần mộ ấy là xác thân của con em họ. Ngày giỗ, người thân cũng ra mộ thắp hương, cầu nguyện; dịp thanh minh cũng đi tảo mộ như bao ngôi mộ khác. Theo các vị bô lão thì mộ gió đầu tiên ở Lý Sơn cách nay 200 năm là mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh cùng 24 chiến binh của hải đội Hoàng Sa. Với tốc độ và kiểu cách phát triển như hiện nay, không biết rồi đây số phận của những ngôi mộ gió ấy sẽ như thế nào? Có còn ai xem đó là di tích văn hoá, lịch sử, bởi vì sâu trong lòng nó cũng là xác thân của bao anh hùng đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc?
Sẽ thiếu sót nếu như viết về Lý Sơn mà không nhắc chi đến con người Lý Sơn. Về “Người Lý Sơn”, chỉ cần nói một câu: Người Lý Sơn sinh ra giữa biển, lớn lên trong biển, trưởng thành sống và chiến đấu trên biển, già thao thức cùng biển, chết quay đầu về biển. Cũng có thể nói ngắn gọn hơn: Người Lý Sơn đậm vị biển, mạnh như bão biển, tâm hồn lộng gió biển. Bởi thế, không lạ gì khi ta gặp trong đời thường, người Lý Sơn cao lớn và rắn rỏi, phóng khoáng và tốt bụng, can trường và thuỷ chung. Hôm đi thăm đình làng An Hải, chiếc honda của chúng tôi trở chứng giữa đường – chắc là hết xăng. Bỗng từ sau xẹc tới một quí ông Lý Sơn vạm vỡ, sôi nổi: “Qua đây. Đây thôi mà”. Tôi nghĩ chắc nhà ông ta có bán xăng lẻ nên dắt xe theo, vừa vào sân quí ông Lý Sơn bèn phán tiếp: “Để xe đó, cứ lấy xe tui mà đi. Không sao”. Hoá ra là thế…
Người Lý Sơn vốn là hậu duệ của những trang hảo hán vượt biển khai phá Lý Sơn từ hàng trăm năm truớc. Cũng từ hàng trăm năm trước, dưới thời các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn, họ là những chiến binh ra Hoàng Sa – Trường Sa xác lập chủ quyền và bảo vệ biên cương tổ quốc. Họ đã chiếm Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa, rồi bây giờ khoanh vùng lưỡi bò tuyên bố nọ kia. Ngày nay, mỗi lần ra biển, Người Lý Sơn không chỉ đối mặt với sóng gió ba đào mà còn cả với tàu “lạ” cướp phá. Nhưng Người Lý Sơn vẫn bền gan bám biển. Không phải chỉ vì miếng cơm manh áo, cũng không phải vì không biết sợ, mà trên hết là vì niềm kiêu hãnh và tự trọng của con dân một nước Việt anh hùng. Suốt 400 năm lịch sử, con dân Lý Sơn vẫn luôn là những chiến sĩ kiên cường vì chủ quyền và độc lập dân tộc như thế. Điều ấy chưa đủ cho chúng ta nghiêng mình kính phục Người Lý Sơn hay sao?
A, còn thêm một đặc điểm nữa của Người Lý Sơn, đó là biết ước mơ. Buổi chiều đến thăm một trong những danh nhân của Lý Sơn – anh Nguyễn Văn Tùy. Anh nổi tiếng thế giới về khả năng “ăn tươi nuốt sống”; từ giun, dế, rắn, rít, cả cá độc, cóc độc, rắn độc, nhện độc… nói chung bất cứ con gì anh cũng đều ăn tươi nuốt sống được cả. Rất nhiều phóng sự đầy đủ về anh, kể cả chi tiết nhờ ăn tươi nuốt sống mà anh có thêm khả năng linh giác tuyệt vời; duy điều này tuy cũng vào hàng quan trọng không kém thì các nhà báo đã chẳng quan tâm, rằng anh còn là một nghệ sĩ đàn cò, và là tay mandoline số dách. Sau gần hai giờ đàm đạo đủ thứ chuyện trên đời, tôi xin anh một câu hỏi cuối cùng: “Nếu được quyền ước, thì anh mơ ước điều gì?”. Một thoáng trầm tư, anh nói: “Tôi mơ có một chiếc cầu nối liền Lý Sơn với đất liền, và ước mơ đất nước mình giữ vững chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa”. Tôi lạnh người… Thế đấy, như bao thứ quí giá khác lỡ đánh mất, nếu chí ta vẫn còn nghĩ đến, lòng ta vẫn còn mơ về, thì thế tất sẽ còn ngày tìm lại được.
Đã gần nửa thế kỷ từ lần đầu tôi lỡ chuyến thăm Lý Sơn. Bởi thế tôi định đặt tên cho bài viết này là “45 năm giấc mơ Lý Sơn”. Nhưng rồi vì một sự cố bất ngờ khiến tôi đổi ý: Buổi sáng cuối cùng trên bến cảng đợi tàu cá về lại đất liền, tôi gặp một cô gái Lý Sơn. Nàng – dong dỏng cao, đôi mắt sâu thẳm, xa vắng, và buồn vời vợi. Đó là đôi mắt tôi từng gặp trong suốt bốn ngày lăn lộn trên đất Lý Sơn. Nhưng tôi không hiểu nổi cái gì trong những đôi mắt ấy làm mình xao xuyến đến vậy. Nay tình cờ gặp nàng, tôi bỗng ngộ ra… Lý Sơn là ốc đảo biệt lập, là điểm tựa tiền tiêu, là nơi đầu sóng ngọn gió, là nơi xuất phát những đoàn hùng binh bảo vệ biên cương tổ quốc. Lịch sử của Lý Sơn là lịch sử của những chuyến ra khơi, là lịch sử của những tháng năm mỏi mòn chờ đợi, trông ngóng: tin tức từ đất liền, chồng con từ đoàn tàu đánh cá, những chiến binh hải đội Hoàng Sa… Nếu chọn một địa điểm thích hợp trên đất nước mình để đặt tượng đài Hòn Vọng Phu, tôi cho rằng đó phải là Lý Sơn. Nhưng trên núi Thới Lới hiện nay không có Hòn Vọng Phu nào cả. Phải chăng vì Lý Sơn đã có một hình tượng khác sinh động hơn, biểu cảm hơn, đó là ĐÔI MẮT.
Mãn mùa tu hú kêu thanh,
Cá chuồn đã vãn sao anh chưa về
.
Chờ đợi và chờ đợi – từ ngày này sang ngày khác, từ đêm này sang đêm khác, từ tháng này sang tháng khác, từ năm này sang năm khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác…. không bao giờ thôi chờ đợi. Chờ đợi – được kết tinh thành máu, thành ý, thành khí, thành thần, thành gien… di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ đời này sang đời khác, làm nên nét đặc trưng của Người Lý Sơn: đôi mắt sâu thẳm và đau đáu chờ mong. Vâng. Đó là lý do vì sao tôi quyết định đổi tên bài viết này thành ĐÔI MẮT LÝ SƠN.
N.V.D
(25/02-2010). TQS post ngày 25.6.2013
About these ads

21 thg 6, 2013

Mãng cầu xiêm - Thần dược trị ung thư?
TP - Việc một trường đại học ở Hàn Quốc công bố công khai nghiên cứu mới đây về mãng cầu xiêm khiến cả thế giới giật mình. Theo nghiên cứu này, mãng cầu xiêm có thể trị ung thư. Đây là loại quả rất phổ biến ở Việt Nam.
Tính mạng của chúng ta lâu nay được phó thác cho các biện pháp chữa trị hiện đại. Trong ảnh: Chăm sóc bệnh nhân bị ung thư tại
            BV Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu
Tính mạng của chúng ta lâu nay được phó thác cho các biện pháp chữa trị hiện đại. Trong ảnh: Chăm sóc bệnh nhân bị ung thư tại BV Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.


Mãng cầu xiêm diệt tế bào ung thư cao gấp 1 vạn lần so với hóa chất phổ biến nhất hiện nay
Khi phóng viên Tiền Phong đặt câu hỏi với một số chuyên gia về ung thư có tiếng và nhà hóa học nhiều năm nghiên cứu các hợp chất thiên nhiên ở Việt Nam, họ đều có chung câu trả lời: Có nghe nói, nhưng chưa có bất kỳ quan tâm riêng nào về học thuật đến mãng cầu xiêm. Đăng ký làm việc với Cục Khoa học Công nghệ&Đào tạo của Bộ Y tế, lãnh đạo cục cũng tỏ ra thận trọng và đề nghị gửi bộ câu hỏi để nghiên cứu trước.

Trước làn sóng của các tiến bộ y khoa, loài người gần như dần trở nên lãng quên các phương thức và sản phẩm chữa bệnh truyền thống. Thế nhưng, tại Mỹ - một trong những trung tâm tây y lớn nhất thế giới, mấy chục năm qua đang âm thầm tìm hiểu giá trị chữa bệnh thần kỳ của các sản phẩm thiên nhiên.
Một trong những minh chứng điển hình là họ lao vào khám phá khả năng chữa bệnh ung thư của một loại hoa quả rất phổ biến ở các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam, cây và quả mãng cầu xiêm.
Mãng cầu xiêm là một loại cây thấp, chiếm rất ít diện tích đất. Tại Brazil, nó được gọi với tên graviola. Vùng châu Mỹ La Tinh gọi nó là soursop và các nước nói tiếng Anh cũng lấy tên soursop để gọi quả nhiệt đới thần kỳ này.
Theo chị Huyền, người từng chuyên bán mãng cầu xiêm ở Dịch Vọng, Từ Liêm (Hà Nội), thứ quả to này có thịt màu trắng, vị chua lẫn ngọt, có hột tách ăn dễ dàng, có thể ép ra làm đồ uống hoặc ăn trực tiếp. Giá bán hiện thời ở Hà Nội dao động ở mức 25.000-30.000 đồng/kg.
Khám phá
Từ lâu, mãng cầu xiêm được lưu truyền trong dân gian như là một thứ quả chữa được nhiều bệnh, trong đó có khả năng làm tiêu tan các khối u. Nhưng cơ sở khoa học của nó thì hầu như chưa ai có, dù nhiều người biết nó có thể là tác nhân kháng khuẩn hữu hiệu, chống nhiễm khuẩn và nhiễm nấm, điều hòa cao huyết áp, dùng để tẩy giun và chống các ký sinh trùng đường ruột. Thậm chí, nó còn được cho là có khả năng chống suy nhược, mệt mỏi, và rối loạn thần kinh.
 Người ta ngày nay càng bị lệ thuộc vào các liệu pháp tây y trong khi các giá trị chữa bệnh truyền thống ít được quan tâm hơn 
Lương y Vũ Quốc Trung
Chiết xuất từ các thành phần cây mãng cầu xiêm cho thấy, chúng không gây buồn nôn, giảm cân hay rụng tóc; chúng có tác dụng bảo vệ hệ miễn dịch, phục hồi nhanh các nhiễm khuẩn nặng.

Đáng chú ý, tất cả các thành phần của mãng cầu xiêm đều được cho là hữu ích, từ lá, rễ, cùi trong quả, và hạt. Từ hàng thế kỷ nay ở Nam Mỹ, chúng được sử dụng để chữa hàng loạt chứng bệnh nói trên, trong đó có cả các bệnh liên quan tim, hen, và viêm khớp.
Nghiên cứu đầu tiên thuộc về Viện Ung thư Quốc gia Mỹ và được thực hiện từ năm 1976. Kết quả cho thấy, cả lá và cọng mãng cầu xiêm đều chứa các hoạt chất có khả năng tấn công hiệu quả và tiêu diệt các tế bào ác tính. Vì lý do nào đó, các kết quả thu được cũng bị ém nhẹm và không thấy công bố rộng rãi.
Từ đó, mãng cầu xiêm liên tục được thử nghiệm tại nhiều phòng thí nghiệm khác nhau. Con số được báo chí xác định đến nay là 20 cơ sở nghiên cứu độc lập đã can dự vào hoài nghi bí ẩn và hấp dẫn này. Kết quả thật bất ngờ, hầu như tất cả các nghiên cứu độc lập ấy đều khẳng định tác dụng chống ung thư rõ rệt. Mặc dù chưa có các nghiên cứu đối chứng, chưa thực hiện các phép kiểm tra chuyên môn gọi là kiểm tra mù (hay mù đôi).
Các nhà nghiên cứu đều nhận định thành phần tự nhiên trong mãng cầu xiêm có thể tiêu diệt tới 12 loại tế bào ung thư, trong đó có ung thư đường ruột, vú, tiền liệt tuyến, phổi, và tuyến tụy. Một nghiên cứu tại Đại học Purdue gần đây nhất cũng đưa ra kết luận tương tự
Giấu kín
Câu hỏi đặt ra là khi các nghiên cứu về đặc tính chống ung thư của mãng cầu xiêm được tiến hành dồn dập, tại sao nhiều người lại không hay biết? Tại sao các chuyên gia ung thư, các bệnh viện không khuyến cáo bệnh nhân sử dụng sản phẩm này?
Từ lâu mãng cầu xiêm được lưu truyền trong dân gian như là một thứ quả chữa được nhiều bệnh, trong đó có khả năng làm tiêu tan các khối u
Từ lâu mãng cầu xiêm được lưu truyền trong dân gian như là một thứ quả chữa được nhiều bệnh, trong đó có khả năng làm tiêu tan các khối u.


“Câu trả lời đơn giản là tính mạng của chúng ta lâu nay được phó thác cho các biện pháp chữa trị hiện đại”, lương y Vũ Quốc Trung nói. Cũng theo ông Trung, người ta ngày càng bị lệ thuộc vào các liệu pháp tây y, trong khi các giá trị chữa bệnh truyền thống vừa ít được quan tâm hơn vừa bị không ít người hành nghề y học cổ truyền làm mất uy tín lĩnh vực thực sự còn nhiều huyền bí này. Ông Trung từng là chuyên gia công tác trong ngành sinh học hiện đại thuộc Bộ Lương thực trước đây.
Khoảng chục năm trở lại đây, nhiều công ty dược âm thầm cố gắng tổng hợp hai thành phần có tác dụng chống ung thư hiệu quả trong cây mãng cầu xiêm. Nếu hai thành phần ấy được phân lập, sẽ là cơ hội kiếm hàng tỷ đô-la Mỹ lợi nhuận. Tuy nhiên, có một bức tường vô hình hầu như không cơ sở nghiên cứu nào có thể vượt qua. Kết quả là, không ai bảo ai, tất cả đều mặc định ém nhẹm toàn bộ nghiên cứu của mình.
Thành phần chống ung thư trong mãng cầu xiêm là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, không phải qua quá trình điều chế hay tổng hợp nào cả. Theo luật liên bang ở Mỹ, các sản phẩm thiên nhiên như thế không được cấp bằng sáng chế. Như vậy, hầu như không công ty nào được bảo vệ khi nghiên cứu của họ được công bố, nếu họ không có bằng độc quyền.
Đột phá
Vì lý do đó, các nghiên cứu đều bị các công ty ém nhẹm. May mắn thay, một nhà khoa học tham gia nghiên cứu quyết định tiết lộ bí mật này vì lý do đạo đức nghề nghiệp. Trước tiên, ông tiếp cận với các công ty nghiên cứu độc quyền về quả thần kỳ ở vùng Amazon
Nắm được thông tin này, các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học Y tế Mỹ bắt tay ngay vào tìm hiểu nguồn cơn. Họ đã ngạc nhiên về những gì được phát hiện trong phòng thí nghiệm. Nhưng kết quả nghiên cứu cũng lại bị giấu nhẹm và đã gây cơn giận dữ trong công chúng Mỹ.
Chỉ cho đến thời gian gần đây, khi Tạp chí các Sản phẩm Thiên nhiên công bố nghiên cứu của Trường Đại học Cơ đốc giáo của Hàn Quốc, bí mật của các nghiên cứu mới dần được làm sáng tỏ. Kết quả ở Hàn Quốc còn bất ngờ hơn khi các nhà nghiên cứu nhận định, bằng việc làm chậm sự tăng trưởng của tế bào ung thư, thành phần trong mãng cầu xiêm có tác dụng ức chế tế bào ung thư rất mạnh. Hiệu quả của nó cao gấp 10.000 lần so với adriamycin, sản phẩm hóa trị liệu đang được dùng phổ biến trên thế giới hiện nay.
Gần 40 năm kể từ nghiên cứu đầu tiên ở Viện Ung thư Quốc gia Mỹ trôi qua, bí ẩn các nghiên cứu mới được phô bày. Mãng cầu xiêm do nhiều nông dân ở miền trung và miền Nam nước ta trồng đã có mặt ở khắp các nơi trong cả nước. Nhưng đến giờ, chúng ta vẫn chưa có được sản phẩm bào chế từ mãng cầu xiêm vốn đang xuất hiện khá nhanh và nhiều ở Mỹ như một công cụ điều trị và ngăn ngừa ung thư.
Số báo ngày mai, Tiền Phong sẽ trích giới thiệu một báo cáo đặc biệt của Viện Khoa học Y tế Mỹ giải thích vì sao mãng cầu xiêm có thể tạo ra cuộc cách mạng mới trong cuộc chiến chống ung thư.


Quốc Dũng
post từ báo tiền phong ngày 21.6.2013

Đinh Văn Hạnh- Bài thơ của Đàm Phi Vũ

  ĐVH
Anh Thế vừa post một bài khá lý thú. Định “còm” vào bài của anh luôn. Nhưng thấy đây là vấn đề có vẻ nhạy cảm, đành dài dòng lạm bàn và đẩy sang anh, như trút một phần trách nhiệm, nếu có gì sơ sẩy. Mệt lắm. Nói về chồng vợ thiên hạ có hẵn cả hàng thiên lý thuyết. Nhưng có lẽ câu khái quát dễ chấp nhận hơn cả: Vợ chồng là duyên nợ. Duyên là may mắn tất yếu. Nợ thì như một liên kết qua lại không th...ể né, nhưng nó dễ thương, đáng thương… chứ không như những bản hợp đồng sinh ra là để hạn chế tranh cãi. Bởi vậy, cái duyên nợ vợ chồng cũng là sự sắp đặt của tạo hóa vậy. Không dám nói nhiều, biết đâu gặp tai bay vạ gió. Xin chép tặng anh (và mọi người) một bài thơ của ông bạn già Đàm Phi Vũ (ở Vũng Tàu), khóc vợ khi ông đã ngoài 70, phải tiễn biệt người bạn tri kỷ, người vợ yêu thương. Xin quý vị cùng lắng đọng và chiêm nghiệm:

Mấy chục năm trời ta cứ ngỡ
Ta và em một đôi
Chiều nay em đi rồi ta mới biết
Ta và em một chiếc bẻ làm đôi
Ta một nửa và em một nửa
Ôi, em một nửa của ta không còn nữa
Ta chỉ còn một nửa của ta thôi…

TQS post từ Facebook của ĐVH ngày 21.6.2013

20 thg 6, 2013

CHUYỆN NGƯỢC ĐỜI TRONG GIÁO DỤC

Bài đọc liên quan:

Về mặt triết học, như tôi đã viết, tư hữu và quyền lực là bản chất của muôn loài, từ thực vật đến động vật, trong đó có con người. Cái cây, ngọn cỏ muốn sinh tồn rễ và táng cây cũng phải chiếm lĩnh một không gian bên dưới và bên trên mặt đất để kiếm ăn mà sống, huống hồ con người. Một thực thể sống nửa thánh thiện, người, và nửa ác quỷ, con. Ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng cho ta thấy rõ điều này.

Chính vì thế mà, không ở đâu trên thế giới này chấm dứt được tình trạng tha hóa và tham nhũng, chỉ có ít hoặc nhiều do thể chế chính trị góp sức nó tăng hoặc giảm mà thôi.

Nên chuyện tha hóa có nguồn gốc từ bản chất của con người. Ở người dân không có quyền lực, tha hóa sẽ làm cho họ phá vỡ lớp vỏ đạo đức mà bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội đã dày công hun đúc tạo nên nhân cách của họ. Khi tha hóa đủ sức bào mòn lớp vỏ đạo đức nhân cách này, một người bình thường sẽ không còn là người nữa, mà là con.

Khi là con, một người bình thường sống theo bản năng động vật. Bốn bản năng sinh tồn của động vật có cả nghĩa đen và nghĩa bóng của nó - ăn, ngủ, quan hệ tình dục và giải quyết những gì gọi là chất thải có độc hại với cơ thể, còn tồn đọng sau khi đã ăn vào, tiêu hóa và chuyển hóa.

Bình thường, việc ăn uống của con người là thuốc để dinh dưỡng và nuôi sống một cơ thể cường tráng chứa đựng một tinh thần minh mẫn. Khi tha hóa, một con người bình thường ăn bất cứ cái gì có thể ăn được, kể cả thịt đồng loại - mồ hôi, nước mắt và kể cả máu của người khác. 

Lúc tha hóa, ăn uống được xem là thuốc độc và cũng là chất thải cho bản thân và cho gia đình họ. 

Hai hoạt động bản năng còn lại cũng vậy, tồi tệ hơn cả việc ăn uống và thải ra. Họ không chỉ ngủ và quan hệ tình dục với người trăm năm mà ngủ lang chạ với bất kỳ ai, kể cả hãm hiếp con ruột của mình.

Nhưng khi là một con người có chức quyền trong xã hội, tha hóa được mô tả thăng hoa lên một cấp cao hơn - gọi là tham nhũng. Không có quyền lực thì không được gọi là tham nhũng, mà chỉ gọi là tha hóa đạo dức và nhân cách sống.

Về mặt xã hội học, chỉ có những tầng lớp tinh hoa - elite - thì mới được dùng từ tham nhũng. Hay nói cách khác, tham nhũng chỉ có ở những con người ưu tú. Họ có quyền lực, có mưu sâu, kế hiểm để nắm vận mệnh quốc gia dân tộc. Nhưng khi lớp vỏ đạo đức nhân cách của họ mỏng, không đủ sức chịu đựng với những cám dỗ của quyền lực ở đời, để bản năng động vật trổi dậy phá vở, và họ trở thành kẻ tham nhũng.

Lúc tham nhũng, mọi hành động không chỉ vượt qua vỏ dày đạo đức và nhân cách, mà còn lách qua kẻ hở hoặc ngồi trên luật pháp để thực hiện bốn bản năng động vật, nhờ vào tầng lớp ưu tú sở hữu được quyền lực, mà không ai chạm tới được. 

Ăn và thải của tham nhũng được nâng lên một bậc cao ngang tầm với tầng lớp ưu tú. Chất độc lúc họ ăn và thải ra không chỉ độc với bản thân và gia đình họ như một người bình thường, mà còn độc cho cả môi trường giáo dục và xã hội.

Hai hoạt động bản năng còn lại của tham nhũng còn ghê gớm hơn nhiều. Lang chạ với kẻ thù của những con người ưu tú được xem là họa mất nước. Nên tham nhũng mới được xem là giặc nội xâm.

Do vậy mà, vấn đề phòng và chống tham nhũng là vấn đề không chỉ tạo ra một con người có lớp vỏ đạo đức nhân cách cao, mà còn đòi hỏi một nền chính trị tốt có cấu trúc vững vàng. Một nền chính trị tốt có cấu trúc vững vàng là một nền chính trị có chế độ tản quyền cao, chứ không phải một nền chính trị có chế độ tập quyền cao như ở Việt Nam hiện nay. 

Vì mọi quyền hành hiện nay trong chế độ ở Việt Nam đều tập trung vào trong tay của tầng lớp ưu tú của đảng cầm quyền. Nên tham nhũng ngày càng nặng nề, nhưng với cái cách phê và tự phê, cùng nhau bỏ phiếu tín nhiệm trong đảng như vừa qua, thì xem như một hành động bất lực với tham nhũng. Ai đâu dại gì phải tự chặt đi cánh tay của mình? Đó là lý do tại sao việc phòng chống tham nhũng thất bại.

Song, tất cả những điều trên là đối với người trưởng thành, do điều kiện khách quan của nhà trường, gia đình và xã hội tác động vào để điều kiện chủ thể bị tha hóa hoặc tham nhũng tùy theo tầng lớp thấp cao trong xã hội.

Đối với trẻ con thì khác, nhân tri sơ tính bổn thiện, đó là nguyên lý và là xuất phát điểm của tâm lý con người. Nếu trẻ sống trong một môi trường gia đình tốt. Nhà trường không dạy cho học sinh tha hóa. Xã hội không có những tấm gương tha hóa và tham nhũng, thì chắc chắn trẻ sẽ không hoặc ít tha hóa.

Vì trẻ con và ngay cả người bình thường không phải là người có chức quyền, cũng không là thành phần ưu tú của xã hội, nên trẻ con và người bình thường không thể tham nhũng, mà chỉ có thể tha hóa. Khi người lớn tha hóa, để trẻ con bắt chước.

Nhưng trẻ con có thể là thành phần ưu tú của tương lai nắm vận nước, nên trẻ con cần những tấm gương tốt hiện thực ngay trong đời sống của chúng. Cha mẹ, anh chị, ông bà chiếm 80% thời gian sống gần gủi và lớn lên của một đứa trẻ. Nhà trường, xã hội và bạn bè chiếm 20% sống và gần gủi với trẻ trước khi vào đời. Nhưng tỷ lệ này đảo ngược lại khi trưởng thành.

Một đứa trẻ có đạo đức và nhân cách tốt khi vào đời làm việc trong một môi trường toàn tha hóa và tham nhũng, nó sẽ bị xem là một kẻ tâm thần, nếu nó không biết thoát ra khỏi môi trường ấy để tạo dựng một môi trường riêng thực sự trong sạch, ắt nó phải phá vỡ đạo đức và nhân cách của mình để hòa tan với tha hóa và tham nhũng.

Trẻ con không cần dạy phòng và chống tham nhũng như cái đề án 137 thí điểm giáo dục, mới vừa được ký quyết định để đưa vào chương trình học phổ thông trung học, và lồng ghép vào chương trình các cấp học từ năm học 2013 - 2014. 

Trẻ con chỉ cần dạy khái niệm, định nghĩa thế nào là thoa hóa, thế nào là tham nhũng. Không cần dạy cả một chương trình đồ sộ vì người lớn có chức quyền làm bậy. Sau khi có khái niệm đúng, tự cuộc sống sinh động quanh trẻ sẽ giúp trẻ hiểu và thực hành đúng những gì nó học. Tự cuộc sống quanh trẻ sau khi bước vào đời, đời sẽ minh chứng cho trẻ cái nào nên giữ, cái nào nên từ bỏ. Đó là quy luật bàn tay vô hình trong cuộc sống.

Cái cần để tha hóa và tham nhũng giảm thiểu là chế độ chính trị minh bạch và tản quyền cao, để kiểm soát tốt mọi hành vi của quan lại triều đình sai trái. Không thể đánh tráo khái niệm từ chuyện tham nhũng của người lớn có chức có quyền, thành trò đem trẻ ra làm cái sọt rác, để thí nghiệm hết thế hệ này đến thế hệ khác như 70 năm qua.

Người cần dạy phòng chống tham nhũng là thành phần ưu tú trong xã hội đang nắm lấy vận mệnh quốc gia và dân tộc. Vì tham nhũng chỉ có ở tầng lớp này. Như vậy, cái đề án 137 có phải là sự ngược đời của nền giáo dục Việt Nam hiện nay không?

Tôi đã từng viết, đất nước mình hòa bình và thống nhất rồi, dân không ai muốn giành quyền lãnh đạo, mà dân chỉ muốn có cơm ăn áo mặc, đêm ngủ không gặp ác mộng vì cơm áo gạo tiền. Nên ngành giáo dục Việt Nam hiện nay không cần sáng kiến hay tối kiến làm gì nữa để tốn tiền của dân, chỉ cần đem nền giáo dục khai phóng của Việt Nam Cộng Hòa áp dụng thì nước Việt sẽ hùng cường, văn hóa Việt sẽ phục hồi. Nều không, tình trạng không chỉ văn hóa giáo dục mãi suy đồi, mà còn mãi tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong kinh tế chính trị như ông phó thủ tướng bảo rằng, khó khăn khi tái cơ cấu vì không có nhân lực.

Asia Clinic, 10h28' Chúa nhựt, 16/6/2013. Bác sĩ Hồ Hải. Post ngày 20.6.2013

17 thg 6, 2013

Triết học nhẹ nhàng của Trịnh Công Sơn


 
Dưới đây là một bài viết về âm nhạc Trịnh Công Sơn qua cái nhìn tinh tế, thấu hiểu của John C. Schafer – một người Mỹ mà qua con đường nghiên cứu và tiếp xúc văn hóa đã trở về với văn hóa Việt.
John C. Schafer
Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn
Đạo Phật với Trịnh Công Sơn là hơi thở là triết học làm cho con người yêu đời hơn chứ không phải là lãng quên sự sống.
Đạo Phật đến với Ông qua nếp sống gia đình, và rồi đi vào âm nhạc của ông ngày càng sâu sắc hơn qua sự trải nghiệm thăng trầm giữa cuộc đời này.
Trịnh Công Sơn có viết: “Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được”. Bài này sẽ trình bày rằng thứ “triết học nhẹ nhàng” này chính là triết học Phật giáo.
Trong Tứ Diệu Đế của đạo Phật, chân lý đầu tiên là khổ đế. Khổ đế là một đề tài rất phổ thông trong nhạc Trịnh Công Sơn: Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người, ông đã hát trong Gọi tên bốn mùa. Cuộc đời đầy khổ và buồn vì không có gì trường cửu cả. Theo Kinh Kim Cương, Tất cả các pháp hữu vi là “như sương mai, như ánh chớp”. Đây là một ý niệm mà Trịnh Công Sơn đã nhắc đi, nhắc lại trong nhiều lời ca của mình. Giống như con chim ở đậu cành tre và một con cá . . . trong khe nước nguồn, không ai trong chúng ta là những người định cư vĩnh viễn, tất cả đều là những người ở trọ trần gian này. Trong khi tạm cư ở chốn trần gian này chúng ta tìm chỗ ẩn náu trong tình yêu, nhưng rồi tình yêu cũng mất đi.
Tình yêu như tất cả mọi sự khác đều vô thường như Trịnh Công Sơn đã viết trong bài Đóa hoa vô thường và nhiều bài ca khác. Các bài tình khúc của Trịnh Công Sơn là những lời tuyên bố siêu hình rằng những đổ vỡ tình yêu không phải là những chông gai nho nhỏ trên con đường đời đẹp đẽ vô song. Các bài tình khúc của Trịnh Công Sơn, như Hoàng Phủ Ngọc Tường nói, là những “bài kinh cầu bên vực thẳm”. Các bài ca này là những lời nhắc nhở cho chúng ta về lẽ vô thường.
Một đề tài Phật giáo khác trong nhạc Trịnh Công Sơn là thuyết luân hồi. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi / Để một mai tôi về làm cát bụi, ông hát trong Cát bụi. Hay Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô, trong Rừng xưa đã khép. Trong các ca khúc của mình Trịnh Công Sơn có vẻ đồng ý với đạo Phật rằng “Hiện tại là hình bóng của quá khứ và tương lai là hình bóng của hiện tại”.
Trịnh Công Sơn cũng tỏ ra chấp nhận thuyết luân hồi của nhà Phật trong những câu mà Trịnh Công Sơn đã làm nhòa nhạt biên giới giữa đi và về, như trong bài Phôi pha: Có những ai xa đời quay về lại / Về lại nơi cuối trời. Nếu chết là để đi đến tái sinh thì khi ta ra đi nghĩa là ta trở lại. Nhìn sống và chết cũng như nhìn nước chảy trên sông và tự hỏi nước đang ra đi hay nước đang trở về. Đó là ý của Trịnh Công Sơn trong Gần như niềm tuyệt vọng: Những ngàn xưa trôi đến bây giờ / Sông ra đi hay mới bước về.
Theo đạo Phật không có cái ta trường cửu nhưng mà có một chút gì trong cái ta đã mất được tiếp nối trong cái ta tái sinh. Quá trình này thường được so sánh như khi ta thắp một cây nến từ một cây nến khác, có cái ra đi và cũng có cái trở lại, một cõi đi về như Trịnh Công Sơn đã viết trong bài ca cùng nhan đề.
Một ảnh hưởng khác của Phật giáo trong ca khúc của Trịnh Công Sơn là sự mập mờ và siêu lý luận của các câu văn. Nhạc, lẽ dĩ nhiên là tiếng nói của con tim không phải là của lý trí nhưng sự xác định này cũng chưa đủ dể giải thích tại sao Trịnh Công Sơn có vẻ như không muốn làm cho lời ca rõ ràng. Tôi nghĩ rằng đây là ảnh hưởng của Phật giáo, rằng người ta không thể chỉ ngồi mà lý luận để đi đến một sự bình an cho tâm hồn, rằng ý niệm giác ngộ vượt qua biên giới của ngôn ngữ và lý luận.
Cái mập mờ danh tiếng của Trịnh Công Sơn là do sự phá bỏ biên giới giữa các điều mà chúng ta thường xem là khác biệt, một phương pháp mà Cao Huy Thuần gọi là “đối hợp”. Trịnh Công Sơn hay dùng lối văn đối nghịch, một nghệ thuật ngôn ngữ hay dùng để nhấn mạnh sự khác nhau của hai điều, nhưng ngược lại, Trịnh Công Sơn hay đem đối nghịch làm trùng hợp như trong các câu này: Tình không xa nhưng không thật gần; Không xa đời và cũng không xa một người; Một phố hồng một phố hư không.
Trịnh Công Sơn giống như một nhà thiền sư phủ nhận rằng tuyết thì trắng, quạ thì đen, với mục đích nói lên rằng muốn giác ngộ thì phải tránh xa cái đối lập giữa “có” và “không” để thành một tổng thể hài hòa. Lời ca của Trịnh Công Sơn giống như các công án trong Phật giáo, chẳng hạn như công án nổi tiếng nói về lắng nghe tiếng vỗ của một bàn tay, và cũng giống như công án, bài hát của Trịnh Công Sơn không thể giải thích được bằng đầu óc.
Khi nói về triết lý trong nhạc Trịnh Công Sơn chúng ta cũng cần nói tới ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh nữa. Các bạn thân của Trịnh Công Sơn xác nhận rằng, ông cũng như một số đông các nhà trí thức miền Nam vào cuối thập niên năm mươi và đầu thập niên sáu mươi, rất bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa hiện sinh.
Thái Kim Lan bảo rằng: ở Huế hồi đó nhiều người nói về lo âu (angst), hư vô (nothingness), nôn mửa (nausea) và nỗi hoài công phi lý của Sisyphus. Nguyễn Văn Trung hồi đó mới từ Bỉ về, theo Bửu Ý là “nòng cốt” của các cuộc tranh luận về triết lý tại Huế. Nguyễn Văn Trung viết nhiều bài về hiện sinh và đăng trong tạp chí Đại Học, do ông làm chủ nhiệm.
Các bạn của Trịnh Công Sơn bảo rằng ông rất ham đọc sách của Camus về huyền thoại Sisyphus. Các bạn này cũng bảo Trịnh Công Sơn rất thích các phim trong đó có tài tử James Dean đóng vai của một người lưu lạc cô đơn. Chúng ta thấy hình ảnh chàng cô đơn này trong nhiều bài của Trịnh Công Sơn trong đó có bài Dã tràng ca. Trong bài này Trịnh Công Sơn muốn so sánh mình với Sisyphus, qua một hình ảnh đã được Việt Nam hóa là con dã tràng suốt ngày “xe cát biển đông” trong Nghe thân lưu đày.
Trong cuốn Huyền thoại Sisyphus, Camus nói: trong cái thế giới phi lý này, chúng ta thường hay bị quyến rũ bởi hai cách trốn thoát: một là tự vấn thân xác, hai là tự vẩn triết lý, tức là nuôi dưỡng niềm hy vọng rằng mình sau này khi chết đi sẽ được lên chốn thiên đàng vĩnh cửu. Theo Camus, chúng ta phải từ chối hai con đường giải thoát này và phải chọn một con đường khác: con đường chống đối thế giới phi lý này giống như nhân vật Sisyphus trong huyền thoại vậy.
Ông Nguyễn Văn Trung đã giải thích thuyết của Camus theo một cách khác. Ông viết về tự vẫn triết học như thế này: “Hy vọng một đời khác, hoài niệm một quê nhà sau tù đầy là một cách phủ nhận tình trạng phi lý khác, mà không chấm dứt được phi lý. Camus gọi những giải pháp thoát ly đó là một tự vẫn triết lý (Suicide philosophique)”. Nguyễn Văn Trung cho rằng, theo Camus, chúng ta phải chấp nhận rằng “Tù đày chính là quê nhà”.
Rất có thể Trịnh Công Sơn đã bị ảnh hưởng của Camus qua cách giải thích của Nguyễn Văn Trung. Giáo sư Trung đã Việt Nam hóa lý thuyết về lưu đày và thiên đàng vĩnh cửu của Camus. Lời giải thích của Nguyễn Văn Trung đã làm lẫn lộn hoài vọng về một cõi thiên đàng trong kiếp sau với hoài vọng về quê nhà.
Trịnh Công Sơn quả thật đã bị lôi kéo từ hai dòng lực tù đày và quê nhà. Nhiều đêm muốn đi về con phố xa / Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà, ông đã hát trong Lời thiên thu gọi. Nhưng vì đã được uốn nắn trong một nền văn hóa mà trong đó tình yêu quê nhà đóng một vai trò rất mạnh, Trịnh Công Sơn đã không do dự chọn quê nhà. Ông đã hát Chân đi xa trái tim bên nhà, trong Có nghe đời nghiêng và Tìm thấy nỗi nhớ từ mỗi chiếc lá / Góc phố nào cũng thấy quê nhà trong Tình yêu tìm thấy.
Do đó ta thấy Trịnh Công Sơn không chấp nhận sự nổi loạn chống lại thế giới phi lý như Camus đã cổ võ. Trịnh Công Sơn không thể nào chọn lưu đày làm nơi quê nhà. Tù đày theo Trịnh Công Sơn không phải là sự nổi loạn hiện sinh mà là sự nhìn nhận của một người con Phật trước nỗi khổ và tính cách tạm bợ của cuộc đời: Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây Trịnh Công Sơn hỏi trong Phúc âm buồn. Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này.
Hiện sinh khuyến khích cá nhân đứng lên một mình để chống lại xã hội và văn hóa. Phật giáo, ngược lại, dạy thuyết vô ngã, dạy rằng không có gì khác biệt giữa ta và tha nhân, rằng mọi sự mọi việc trên đời đều hỗ tương ảnh hưởng vào nhau. Tôi tin rằng Trịnh Công Sơn có ý nói đến thuyết vô ngã trong các bài ca của ông. Ông có nói đến “phụ người” như trong bài Ru em nhưng cái buồn của ông thật ra cũng là cái buồn của nhân thế. Yêu em yêu thêm tình phụ / Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ (Ru em). “Từ bi” có nghĩa là tâm từ (maitri) và tâm bi (karuna), hai đức hạnh mà theo Phật giáo mình nên tu dưỡng.
Lúc mới bắt đầu sự nghiệp, Trịnh Công Sơn cũng như nhiều thanh niên trí thức khác tại miền Nam, thích bàn luận về thuyết hiện sinh. Triết lý nói chung và thuyết hiện sinh nói riêng hồi đó là một đề tài rất phổ thông trong giới trẻ. Các bài hát đầu của Trịnh Công Sơn đã đáp ứng được nguyên vọng này của giới trí thức miền Nam. Phật giáo và hiện sinh quả thật có gần nhau ở một vài điểm. Cả hai đều tin rằng con người phải đối diện với cái chết và với ý niệm hư vô trước khi có thể thực sự sống một đời sống đích thực.
Trịnh Công Sơn lúc mới vào nghề nổi tiếng vì đã “chịu chơi” với thuyết hiện sinh nhưng theo tôi Trịnh Công Sơn đã sáng tác nhạc của mình dựa trên các đề tài của Phật giáo. Nếu hồi đó ít ai để ý tới cái tính cách Phật giáo trong các bài của ông, có thể là vì Phật giáo và hiện sinh gặp nhau ở một vài điểm và người ta chỉ để ý đến khía cạnh hiện sinh mà thôi. Tuy nhiên lý do chính vì sao Trịnh Công Sơn vẫn tiếp tục thành công trong một thời rất dài là vì những ưu tư có tính cách rất Phật Trịnh Công Sơn đã gởi gắm trong lời ca của mình.
Nghe nhạc Trịnh Công Sơn đối với nhiều người Việt cũng gần giống như nghe một câu kinh. Nhạc Trịnh Công Sơn khó hiểu nhưng lời ca của ông có khả năng xoa dịu những tâm hồn bị dao động.
Theo Văn Hóa Phật Giáo. Post ngày 17.6.2013

Sức mạnh của khoảng trống

Tháng Sáu 17, 2013
 
 
 
 
 
 
i
 
Rate This
Quantcast

Phạm Trần Lê
tre em 1Có một câu chuyện kể có một người cha mua cho con trai mình một trái bóng bay đẹp . Cậu con trai vui sướng cầm trái bóng đi bên cha nhưng chẳng may lỡ tay tuột mất sợi dây khiến trái bóng bay vụt đi. Thấy con tiếc nuối, đau khổ nhìn theo trái bóng bay xa dần, người cha an ủi : “Đừng buồn con ạ, cha sẽ mua cho con một trái bóng khác”. Lát sau, cậu bé vui vẻ vơi trái bóng mới, không còn nghĩ ngợi gì tới trái bóng đã mất nữa. Câu chuyện kết thúc với lời bàn rằng, đó là một người cha giàu có, nhưng đứa con của ông rồi sẽ nghèo túng về tinh thần.
Trong ánh mắt của đứa trẻ nhìn theo trái bóng bay xa dần có một bầu trời phóng nhiệm. Đó là khi đứa trẻ có thể bắt đầu có những cảm nhận mơ hồ nhưng rất trực quan về sự rộng lớn của thế giới, từ đó nhận ra sự hữu hạn của bản thân mình. Thế nhưng, người cha của cậu bé đã vô tình phá vỡ không gian phóng nhiệm này.
Can thiệp một cách vô thức vàcó hệ thống
Người cha ấy cũng như đa số người lớn chúng ta thường sợ hãi trước sự trống trải trong tâm tưởng và gán cho nó ý nghĩa tiêu cực. Chúng ta xua đuổi nó bằng cách tự làm bận rộn bản thân mình với những suy nghĩ tính toán lấp đầy trong tâm trí. Tương tự như vậy, chúng ta tìm cách xua đuổi sự trống trải khỏi đầu óc con trẻ, lấp đầy tâm trí của chúng bằng những món đồ chơi. Mà nếu để ý ta thấy rằng hầu hết các món đồ chơi – từ búp bê bé xinh tới chiếc ô tô bằng nhựa nho nhỏ – đều chỉ nhằm thu nhỏ không gian trong tâm trí đứa trẻ, tạo cho nó cảm giác mình đang xâm chiếm và làm chủ không gian riêng một cách tuyệt đối.
Tạo hóa đã ban cho con người bản năng thiên tính là cảm giác nhàm chán, nhằm giúp ta vượt thoát ra khỏi những không gian giả tạm chật hẹp. Bởi vậy, dù món đồ chơi có tinh xảo đến đâu thì đứa trẻ sớm muộn sẽ cảm thấy nhàm chán và không còn thỏa mãn với không gian hẹp mà món đồ chơi xinh xắn mang lại. Sự trống trải xâm nhập tâm trí nó, ngầm nhắc nhở rằng ở ngoài kia là một không gian rộng lớn hơn, thật hơn, tự nhiên hơn, mà sớm muộn nó phải đối diện và tìm cách thích nghi. Thế nhưng, người lớn không cho con trẻ cơ hội được thích nghi với không gian rộng lớn xa lạ ấy. Họ xua đi nỗi nhàm chán và nỗi trống trải trong đứa trẻ bằng cách tiếp tục mua về những món đồ chơi mới, cái sau cuốn hút hơn cái trước.
Cứ như vậy, đứa trẻ trở nên nghiện cảm giác lấp đầy tâm trí. Tới một ngày kia nó chủ động tự làm bận rộn tâm trí của mình với những cám dỗ từ trò chơi điện tử, phim hoạt hình, sách comic và manga, v.v. Mặc dù các ông bố bà mẹ vẫn có thể tạo cơ hội để trẻ tìm thấy những khoảng trống (hay khoảng lặng) cần thiết, được khơi gợi trong những cuốn sách văn học phù hợp với lứa tuổi của mình. Nhưng sách văn học vốn khó cuốn hút trẻ như những thứ cám dỗ khác, và không phải ông bố bà mẹ nào cũng có thói quen chọn lọc sách đọc cho con hoặc đọc sách cùng con.
Ở góc nhìn tổng quát hơn, có thể thấy việc người lớn can thiệp vào khoảng trống trong tinh thần trẻ em là một quá trình vô thức và mang tính hệ thống. Ngay từ khi đứa trẻ chớm hình thành nhận thức, người lớn luôn tìm cách đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ một cách nhanh chóng nhất. Mỗi khi đứa trẻ gặp phải áp lực từ một khoảng trống trong tâm tưởng, nó sẽ đưa ra một đòi hỏi nào đó mà thường thì đơn thuần chỉ nhằm giành được sự quan tâm từ người lớn để xua đi khoảng trống mà nó đang phải đối diện.
Thế nhưng một đứa trẻ luôn được đáp ứng các đòi hỏi sẽ dễ nhàm chán với những gì mình đang có, và giải pháp để nó đối phó với sự nhàm chán ấy là tiếp tục cầu viện những sự trợ giúp từ bên ngoài. Tâm trí của đứa trẻ bị bế tắc trong những chuỗi đòi hỏi liên tục và mất đi khả năng vượt qua khoảng trống một cách tự thân. Đứa trẻ sẽ dễ trở nên chán nản, dẫn tới bỏ cuộc trước các vướng mắc, bế tắc trong cuộc sống. Nó cũng sẽ không đủ lòng kiên nhẫn để trải nghiệm các sự vật một cách thấu đáo, và điều này làm hạn chế năng lực thấu hiểu, đồng cảm với con người và các sự vật xung quanh.
Kiến tạo không gian để vượt qua khoảng trống
Tự thân vượt qua khoảng trống chính là một phần trong quá trình phát triển tự nhiên của mỗi con người. Nó là sự tự định vị bản thân mình nhằm vượt qua sự bối rối và hẫng hụt ban đầu khi phải đối diện với khoảng trống. Vào khoảnh khắc trái bóng của cậu bé trong câu chuyện bay vút lên không trung, hay khi một đứa trẻ nào khác đánh mất món đồ chơi yêu thích, hoặc đơn giản khi nào chúng gặp điều gì đó không vừa ý – một cú ngã khi đang chơi đùa chẳng hạn – đó là khi chúng đối diện với một thực tế mới mà chúng chưa quen trải nghiệm, một không gian xa lạ với đầy những biến hóa nằm ngoài những gì đã quen biết. Ngay trong khoảnh khắc bối rối ấy, bản năng tự nhiên của con người trỗi dậy thúc đẩy đứa trẻ tự định vị bản thân, đối diện với không gian xa lạ trước mặt, và tìm cách tương tác với nó nhằm đạt được một vị thế hài hòa cân bằng.
Song hành với việc tự định vị bản thân là tiến trình tự lấp đầy khoảng trống bằng cách xây dựng cho mình một không gian nội tâm phong phú riêng. Khi đứa trẻ lắng nghe câu chuyện cổ tích, hay khi chơi cùng những món đồ chơi, đó là khi chúng đang hình thành trong tâm trí những không gian nội tâm, với các sự vật giả tưởng và xúc cảm cá nhân gắn với những sự vật ấy. Đây là một quá trình vừa tự xây, vừa tự khám phá, và liên tục được bồi bổ từ những thông tin thu nhận được trong thực tế đời sống, mà ẩn trong quá trình đó là hình dung của đứa trẻ về bản thân nó trong thế giới.
Một thế giới nội tâm khỏe khoắn lành mạnh đòi hỏi hai yếu tố. Một là nó đủ độ phong phú để giúp đứa trẻ vượt qua áp lực từ khoảng trống mà không cần đến sự trợ giúp từ bên ngoài, đặc biệt là những can thiệp quá độ từ người lớn. Hai là nó không quá méo mó xa rời thực tế, mà phản ánh được những quy luật căn bản của đời sống, bao hàm những giá trị cần thiết như lòng yêu cái thiện, sự trung thực, lòng dũng cảm, v.v. Trong thế giới nội tâm ấy, khoảng trống không nhất thiết bị loại trừ, thậm chí cần có những khoảng trống không bao giờ nên vượt qua. Chúng chính là yếu tố giúp nuôi dưỡng ý thức cầu tiến vươn lên, những khát vọng hoài bão chinh phục các mục tiêu chưa đạt tới.
Khả năng tự tạo lập không gian một cách phong phú trong nội tâm để tự định vị mình trước những hoàn cảnh mới là chìa khóa để trẻ vững bước vào đời. Đồng thời, nó cũng là cơ sở để trẻ thấu hiểu và đồng cảm với thế giới.
Cây cầu bắc tới sự đồng cảm
Khác với quan điểm của nhà giáo dục Phạm Toàn cho rằng cần tạo ra năng lực đồng cảm ở trẻ em trước khi hướng dẫn chúng tưởng tượng về các sự vật1, người viết bài này cho rằng năng lực đồng cảm là hệ quả của năng lực hình dung ra các không gian. Nếu chúng ta không hình dung ra những không gian liên quan tới một đối tượng, thì không thể có sự đồng cảm thực sự với đối tượng đó.
Cảm xúc của chúng ta về một cá nhân nào đấy không thể được khơi dậy đơn thuần từ những thông tin về tuổi tác, nguyên quán, nghề nghiệp, v.v, mà phải từ thân phận của người ấy, hay nói cách khác là vị thế của người đó trong không gian2, bao gồm các không gian vây bọc bên ngoài đối tượng (địa điểm, thời gian, bối cảnh, v.v) và không gian nội tâm bên trong nhân vật. Và để có những xúc cảm thấm thía hơn, chúng ta phải xâm nhập được vào khoảng trống trong tâm can họ, để biết được họ đã nỗ lực vượt qua áp lực từ khoảng trống ấy như thế nào. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều các tác phẩm văn học hay điện ảnh thường tạo ra mối đồng cảm gắn kết giữa công chúng độc giả với nhân vật bằng cách đẩy nhân vật vào giữa những khoảng trống đầy bất trắc và phải tìm mọi cách, mọi nỗ lực để vượt qua khoảng trống ấy nhằm tìm ra chỗ đứng của mình trong thế giới.
Bởi vậy, yếu tố làm toát lên thần thái của những cậu bé đánh giày, bà lão nhặt phế liệu, và cũng là điều khơi dậy xúc cảm thấm thía trong chúng ta, không hẳn là ở những mô tả về sự vất vả nhọc nhằn hay những lo toan thường nhật của nhân vật, mà đôi khi lại chính là niềm vui, niềm hi vọng nhỏ bé đơn sơ của họ lóe lên sau những nỗ lực bền bỉ dồn nén. Hay yếu tố làm toát lên thần thái một người mẹ chưa chắc nằm ở những nỗ lực kiên trì chăm lo cho con cái mỗi ngày, mà đôi khi lại gói trọn trong một nét cười thoáng qua trên khóe mắt chớm có nếp nhăn.
Thời khắc con người đối diện với khoảng trống của số phận và chớm vượt qua nó bằng sức mạnh tinh thần cũng chính là lúc phẩm chất người được toát lên mạnh mẽ nhất, và khiến chúng ta đồng cảm hơn hết. Đó cũng là lý do khiến những bản nhạc không lời, tuyệt chẳng có câu từ nào, chỉ đơn thuần gợi lên ấn tượng mơ hồ về vị thế của chủ thể trong các dạng không gian, thời gian, nhưng vẫn có thể để lại trong lòng người nghe sự lắng đọng da diết.
Trả lại khoảng trống cho các em 
Bạn đọc có thể hỏi làm sao trẻ em có thể cảm nhận được những sắc thái tinh tế nói trên? Câu trả lời là, năng lực cảm nhận của trẻ em tinh tế hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Chẳng thế mà trong vô số những lữ khách đi qua ga tàu điện ngầm ở New York, người dành sự quan tâm đáng kể đầu tiên tới bài biểu diễn của nghệ sỹ violon tài danh Joshua Bell là một em bé 3 tuổi3.
Để tạo điều kiện giúp trẻ em phát huy và phát triển năng lực cảm nhận, hãy trả lại cho các em những khoảng trống để các em tự định vị mình và thích nghi với các môi trường khác nhau. Khi trẻ đối diện với áp lực từ khoảng trống trong tâm tưởng và đưa ra các đòi hỏi, không nên đáp ứng những đòi hỏi này ngay tức khắc. Sự bao bọc dỗ dành này của người lớn nhằm giúp trẻ đi đường tắt quay về trạng thái an toàn ban đầu sẽ chỉ khiến đứa trẻ trở nên bị động và nảy sinh tâm lý phòng thủ, tự tạo ra rào cản cho mình trong cuộc sống. Có chăng, người lớn chỉ nên cùng trò chuyện, thúc đẩy trẻ vượt qua cảm giác hẫng hụt tạm thời bằng cách tiếp tục khám phá, tìm kiếm, nhận biết những điều tích cực trong một không gian rộng mở hơn.
Chẳng hạn, thay vì hứa hẹn mua bóng mới cho con, người cha trong câu chuyện có thể trò chuyện với con về những sự vật xung quanh trái bóng, những tán cây xanh, nóc nhà rêu mốc, những ô cửa sổ bí ẩn, về một em bé vô danh nào đó trong tưởng tượng nhặt được trái bóng sẽ trân trọng và trở thành bạn thân của trái bóng ra sao, v.v. Mục đích chính của những lời trò chuyện ấy từ người cha không nhằm an ủi em bé, mà chủ yếu kích thích trí tưởng tượng của con trẻ, tạo ra thói quen kiến tạo không gian trong tâm tưởng ở mọi tình huống, điều sẽ giúp em tự lực vượt qua khoảng trống trong những lần tiếp theo.
Khi mà những món đồ chơi đã mất đi ánh hào quang long lanh ban đầu và trở nên nhàm chán, người lớn không nên tìm cách lấp đầy khoảng trống trong trẻ bằng cách mua tiếp những món đồ chơi mới, mà hãy cùng trẻ chơi với những món đồ chơi cũ, trò chuyện và gợi mở để trẻ xây dựng một không gian mới trong tâm tưởng, trong đó các đồ vật tưởng chừng như cũ kỹ nhàm chán được trẻ phân công cho những vai diễn mới, qua đó tạo ra một hệ thống những xúc cảm mới từ những đồ chơi cũ.
Đọc sách cùng con trẻ là biện pháp tuyệt vời để giúp trẻ thoát ra ngoài cái tôi cố hữu, tự hình dung bản thân trong những không gian bên ngoài mình, sống trong những cuộc đời khác, tâm thế khác, giúp hình thành trong các em cái nhìn sâu và rộng hơn trước mọi sự vật. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên đặt thật nhiều câu hỏi về không gian, thời gian của các đối tượng mà các em có thể quan sát trong đời thực, hình dung suy nghĩ, xúc cảm của các nhân vật và yêu cầu các em biểu đạt những xúc cảm này. Việc biểu đạt không nhất thiết bằng ngôn từ mà có thể bằng ngôn ngữ tạo hình, ví dụ có thể yêu cầu các em nói về ấn tượng sâu đậm nhất đối với một sự vật nào đó, và yêu cầu vẽ lại đúng theo ấn tượng mà các em hình dung. Không gì kích thích trí tưởng tượng và năng lực tự định vị bản thân ở trẻ em hơn việc diễn đạt bằng hình vẽ, màu sắc trên trang giấy trắng.
Cuối cùng là dạy trẻ gắn kết bản thân mình với thế giới. Khi đứa trẻ trong trạng thái buồn chán, hoặc tỏ thái độ cố thủ trong thế giới riêng của mình và không muốn giao lưu, kết nối với bên ngoài, thì hãy tìm cách mở rộng thế giới của các em. Hướng dẫn các em tập thể dục, chăm sóc người thân, hoặc làm những việc nhà trong gia đình. Đây đều là những cách thức hiệu quả giúp tăng cường năng lực tự định vị bản thân, sự nhận biết cuộc sống một cách khách quan hơn. Dạy trẻ cảm nhận những tín hiệu trong lành của đời sống, như hơi thở của chính mình, hơi thở của người thân, để giúp các em sống trong tâm thế tự chủ, cảm thấy rõ hơn sự hiện hữu của bản thân mình và mối gắn kết với không gian xung quanh.
Chúng ta thực hiện điều này và lắng nghe mỗi ngày. Khi trong từng lời nói, câu chào, những hành vi sinh hoạt thông thường nhất, có những chuyển biến tích cực về sắc thái biểu cảm; khi những tương tác hằng ngày trở nên tự nhiên hơn, giảm đi những ràng buộc ước lệ; khi những thay đổi trong đời sống được thích nghi bằng tinh thần đối diện và khám phá thay vì lảng tránh, cố thủ, thì đó là căn cứ rõ ràng cho thấy các em đã gắn kết và thích nghi tốt hơn với thế giới xung quanh mình.

Post từ Blog HDTG

  Ai tìm ra chữ quốc ngữ

( Đỗ Xuân Đạm )

Đã đóng lại bài viết về hai cụ Hàn Thuyên và Alexandre De Rhodes mà trong lòng cứ mãi lấn cấn vì vẫn chưa làm rõ được chữ Quốc ngữ ra đời ở đâu, năm nào và còn những ai thực sự đã có công với chữ Quốc ngữ?
Điều đó làm tôi tịt mạch mấy tháng nay không viết thêm được bài nào nữa.
Để thoát khỏi tình trạng bế tắc đó, đành bỏ thời gian lục tìm tứ tung để thoả mãn cái tật gàn dở của mình.
Và đây là điều tôi tìm ra,

Chữ Quốc ngữ ra đời năm 1622 trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, do công của người giáo sĩ Bồ Đào Nha
Francisco De Pina (1585-1625), tại xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn.
Francisci De Pina là giáo sĩ tiên phong đến Đàng Trong năm 1617, nhờ thông thạo tiếng Nhật và chữ Hán, ông dễ dàng học nói tiếng Việt, học đọc chữ Nôm, nhưng thấy các giáo sĩ khác gặp khó khăn trong việc học chữ Nôm nên đã dựa vào bảng mẫu tự La Tinh, ông Nguyễn Đình Đảng thời cho rằng là dựa vào từ mẫu tự Rô-Măng, tôi thiển nghĩ mẫu tự Roman cũng từ nguồn gốc Latin mà ra, để ghi âm tiếng bản xứ.
Năm 1624, sau khi đã xếp đặt thành hệ thống, có cả phần tóm lược về văn phạm, ông mở lớp dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ muốn đến truyền giáo tại Việt nam, ông cũng tự viết bài giảng bằng thứ chữ này để trực tiếp truyền đạo, nhưng không may, tháng 12 năm 1625 ông bị chết đuối ở cảng Đà nẵng.
Sau cái chết của Pina những giáo sĩ đã học tiếng Việt với Pina tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống chữ viết nầy là giáo sĩ Gaspar De Amaral (1549-1646) – tác giả tự điển Việt-Bồ, giáo sĩ Antonio Barbosa (1594-1647) – tác giả tự điển Bồ-Việt, giáo sĩ Alexandre De Rhodes (1591-1660) – tác giả tự điển Việt-Bồ-La tinh.
Trong đó chỉ có một mình A.D.Rhodes là người Pháp (ông sinh ở vùng Avignon)
Đúng như TS. Nguyễn Tường Bách đã nhận định:
“Mục đích ban đầu của chữ quốc ngữ là để cho các nhà truyền giáo nói được tiếng Việt và giao tiếp với cộng đồng tôn giáo của mình bằng chữ viết. Về sau, khi các nhà cai trị người Pháp đến Việt Nam, họ cũng không kham nổi chữ Hán lẫn chữ Nôm. Giải pháp thuận tiện của người Pháp là buộc mọi người Việt Nam phải sử dụng chữ quốc ngữ và có lẽ đó cũng là lý do tại sao vai trò của Alexandre de Rhodes được nêu bật.
Vì là sản phẩm của bọn Tây di, nên chữ quốc ngữ bị giới sĩ phu tẩy chay.
Chữ nôm còn bị chê là nôm na mách qué, thời cái thứ chữ do bon Bạch quỉ chế ra này các cụ có mà thèm để mắt!
Sau đó nó còn là công cụ của thực dân Pháp trong việc cai trị.
Lại vì nó mà cả một nền Nho học với bao công lao dùi mài kinh sử trở thành vô dụng nên thứ chữ này càng bị khinh ghét.
Nhưng sự tiện dụng và sức sống mãnh liệt của chữ quốc ngữ càng ngày càng lộ rõ, càng thắng thế.
Năm 1915 vua Duy Tân bãi bỏ chế độ thi cử cũ ở Bắc kỳ.
Năm 1918 vua Khải Định bãi bỏ thi cử cũ ở Trung kỳ.
Năm 1919 vua Khải Định chính thức đóng cửa các trường dạy chữ Nho.
Ngày 18-9-1924 Merlin, Toàn quyền Đông dương ký nghị định đưa chữ quốc ngữ vào dạy trong 3 năm đầu bậc Tiểu học.
Nền Nho học cáo chung, chữ Quốc ngữ lên ngôi.
Nào có gì lạ cái chữ nho 
Ông nghè, ông cống cũng nằm co 
Sao bằng đi học làm ông Phán. 
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò 
(Chữ Nho) – Tú Xương
Người Bồ Đào Nha khai sinh ra chữ Quốc ngữ, người Pháp ép dân ta dùng chữ Quốc ngữ.
Nhưng truyền bá và trau chuốt cho chữ Quốc ngữ được như ngay hôm nay công lớn nhất phải thuộc về những người tiên phong tiêu biểu như: Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh… cùng với họ một đội ngũ tân học ngày càng đông, nhiều tài năng, đầy nhiệt huyết và dũng cảm.
Những người con ưu tú đó đã được nhớ ơn, được tôn vinh bằng những tên đường trong đô thị.
Vậy mà trong những người đi đầu ấy, có một người hình như bị bỏ quên.
Một người có tư cách sáng chói, có trí thông minh và chí tự học siêu việt, từ thân phận một thằng nhỏ 8 tuổi chưa biết chữ kéo quạt tại trường Thông ngôn Yên phụ-Hà nội, năm 14 tuổi đã đỗ thủ khoa lớp thông ngôn của chính trường này, là người Việt đầu tiên được gia nhập Hội Nhân quyền Pháp, người đầu tiên xuất bản tờ báo bằng chữ quốc ngữ ờ Hà nội, tờ Đại nam Đăng cổ tùng báo, người đầu tiên dịch các tác phẩm văn học Pháp sang tiếng Việt, người đầu tiên dịch truyện Kiều sang tiếng Pháp, người đứng đơn xin mở trường Đông kinh nghĩa thục (Cụ Lương Văn Can làm hiệu trưởng), người chống quân chủ lập hiến kiểu bù nhìn đòi thành lập nền Cộng hoà, người mà trong lời tựa bản dịch Tam quốc chí đã viết “Nước Nam ta mai sau này hay, dở cũng là ở chữ quốc ngữ”, người 2 lần từ chối Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp, người mà lúc chết trên thuyền độc mộc ở sông Sê-băng-hiêng, Sê-pôn – Lào, hai tay vẫn cầm cây bút và quyển sổ với phóng sự đang viết dở dang “Một tháng với những người tìm vàng”.
Người tự cho mình là người man di hiện đại.
Một người mà người Pháp đánh giá là thiếu tính tự ti của dân nhược tiểu.
Người đó là Tân Nam Tử Nguyễn Văn Vĩnh.
Một người xuất chúng và có công lớn với nền văn hoá hiện đại của nước nhà như thế mà mãi tới năm 1999 tên người mới được đặt cho một con đường ở phường 4 quận Tân Bình.
Còn tại Hà nội quê ông thời vẫn chưa có con đường nào mang tên ông…
Sài gòn 12-5-2013
ĐXĐ.
post ngày 17.6.2013

14 thg 6, 2013

Vẻ đẹp tàn tạ — Hà Nội Tháng Sáu

BLOG CỦA VƯƠNG TRÍ NHÀN NGÀY 12-06-2013
Tác giả: Vương Trí Nhàn
1/6
   Hoa phượng. Hoa phượng đỏ, khắp thành phố ngoảnh về phía nào cũng thấy phượng. Phượng kết thành tấm thành mảng và dầy mãi lên như một niềm oan nghiệt.
Tại sao hoa phượng đỏ trong mùa hè, lại làm cho lòng cảm động. Bởi mùa hè nồng nóng thế, mà sao vẫn đẻ ra một thứ hoa đẹp như thế? Cuộc đời càng buồn, thì trời đất càng đẹp, nó là hiện thân cái câu mà chúng ta vẫn nói — cuộc sống chỉ có một lần.
    Quên làm sao được hoa phượng trong những buổi chiều. Anh có biết không, khi ấy mặt trời đã tắt, mọi thứ như tối sầm lại, vậy mà phượng vẫn sáng bừng lên. Màu đỏ của phượng bây giờ như một cái gì ma quái — Làm sao lại có một thứ màu sắc kỳ dị như vậy nhỉ? Phượng lấy sắc đỏ ở đâu ra ? Hay phượng là cái phía bung ra bất cần của cuộc đời, phượng là một cái gì rất nghệ sĩ — tôi nghĩ vậy.
   Sao năm nào, trời đất cũng đẹp, và hình như càng trưởng thành, thì người ta càng thấy trời đất đẹp hơn.
    Không phải tôi không yêu thiên nhiên. Tôi chỉ sợ thiên nhiên đánh thức trong tôi những khao khát sống. Thà cứ bắt tôi đứng giữa cuộc đời bình thường, những người đàn bà tham lam, những người đàn ông hèn hạ, những bông hoa tả tơi nhàu nát tôi lại còn thấy dễ chịu – khi ấy tôi cảm thấy cuộc sống là vừa phải. Đằng này lại là cái thiên nhiên của hoa phượng chói chang.
2/6
     
    Con người hiện đại khác con người trước kia có lẽ là ở chỗ nó uyển chuyển hơn. Nó biết đầu hàng. Nó biết chịu đựng. Nó không xa lánh mọi chuyện. Nó nhập cuộc, dù thấy đời nhầy nhụa nhớp nháp cũng nhập cuộc. Và sau tất cả những cay đắng ấy, nó vẫn tìm cách thể hiện mình.
    Người nghệ sĩ mới tham gia vào những vấn đề chính trị rồi lại đứng tách ra để mà phán xét.
   Trong lời giới thiệu những nhân vật như Voznhesenski, Evtouchenko… bao giờ cũng thấy người ta nói tới hai mặt ở họ: cái hay và cái dở, cái thật và cái giả, ánh sáng và bùn lầy!
    Chúng tôi khổ vì chúng tôi là những thanh niên, tức những người ở vào cái thời gian tập làm chủ mình. Nếu chúng tôi đã lớn tuổi, đã yên bề vào một vị trí nào đó, thì chúng tôi sẽ cam chịu.
   Đằng này không phải thế. Chúng tôi ở vào cái tuổi tự do. Nhưng ai dám bảo đã có đủ điều kiện để người ta sử dụng cái quyền đó một cách tốt nhất.
8/6
     Tôi vừa kính phục những người khắc khoải và bất mãn, vừa ghê sợ. Bởi trái tim chịu được dày vò, đó là một trái tim phải lớn lắm, phải khỏe lắm. Tôi không có một trái tim như thế .
   Níetzsche hay nói tới các siêu nhân nghĩa là những kẻ vượt lên con người thông thường. Shakespeare chẳng hạn.
    Trong nhà viết kịch người Anh, người ta bắt gặp bao nhiêu cuộc đời bao nhiêu số phận. Ông là tổng số của những kẻ đó.
Những người bình thường đơn giản hơn nhiều.
     Song đó là chuyện của các thế kỷ trước.
     Nay là lúc ở con người bình thường cũng có không có bao nhiêu chuyện, bao nhiêu vấn đề được đặt ra. Thành thử lại có thể nói không có con người nào là  bình thường. Con người nào cũng đặc biệt, rất đặc biệt.
      Nói theo thuật ngữ văn học, tôi ngỡ phân tích cho kỹ lưỡng, con người bình thường nào cũng là con người điển hình, cũng mang những đặc điểm của giới anh ta, xã hội mà anh ta sống.
     Như là một cá nhân, tôi quằn quại xem có thể làm thế nào, để tìm đường cho mình, thấy những lẽ phải của mình, để mình có thể yên tâm. Hầu như chả ai có thể giúp được tôi, tôi kinh sợ.
     Hình như ở một quyển sách nào đó, có nói đến khái niệm Tôi, bây giờ,…
      Một câu thơ nào đó, bắt đầu bằng mấy chữ: Tôi, bây giờ… Chỉ có thế mà thỉnh thoảng nghĩ lại, cứ giật mình. Đó là một cảm giác thường trực phải có. Tôi, bây giờ, cảm giác của thay đổi, cảm giác của một người từng trải, đã có những ê chề.
9/6
    Nói với chị Yên, em không biết mua bán thế nào. Trông cái gì cũng thấy giả dối.
– Đến tôi cũng không biết mua, chứ không phải chỉ có cậu. Mua cái gì cũng phải lâu, cũng phải chọn, nhìn qua loa đã mua là y như về vứt đi.
  Cái tình trạng này bao trùm từ chuyện đời thường tới chuyện chính trị.
 20/6
    Đến nhanh quá cái vẻ sớm tàn của hoa phượng.
  Ngày nào, cách đây, độ một tháng, hoa phượng nở. Bấy giờ phượng vồng lên những cánh mập mạp. Có một lần, tôi thấy một đứa trẻ cầm một cành phượng, nặng trĩu những hoa là hoa. Thế mà, chưa đầy một tháng phượng đã héo tàn rã rượi, chỉ còn bám hờ trên những cành lá xanh. Màu đỏ thẫm lại. Cả những con người những sự việc cũng thế , chóng nở, chóng tàn, mà khi tàn thì day dứt mãi.
23/6
    Sao mà cuộc đời đẹp một cách đáng sợ, đẹp đến làm ta bàng hoàng. Bão xa ở đâu không biết, đây chúng tôi đang sống những ngày hè tuyệt vời. Thành phố như một vùng ven biển. Nắng rất trong. Gió rất nhẹ nhưng gió lúc nào cũng có. Gió mơn man trên da người. Gió như sự có mặt của hạnh phúc.
… Đi đến đâu, tôi cũng gặp những biểu tượng của lòng ham sống. Người tràn ra đường, những cô gái rất đẹp, một cô bé nào cái cúc áo trên cùng không cài để ngỏ he hé cái cổ măng tơ. Những em bé lôi nhau ra đường chơi bóng, chơi một thứ trò chơi gì đó, phải cõng nhau rồi ném bóng cho nhau. Một cụ già mặc áo dài vào thư viện đọc sách chữ Hán. Một đôi thanh niên nam nữ đèo nhau, bàn tay người con gái tìm bàn tay người con trai, hai bàn tay nắm lấy nhau, trên một chiếc xe đạp. Và em tôi, đứa em kém tôi 13 tuổi, nay cũng đã bước vào tuổi yêu đương. Nó cũng có bạn gái đến nhà, cũng thương nhớ, ngần ngại.
post 14.6.2013

FDA CẢNH BÁO THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

Tình hình lừa đảo trong y học ngày càng tinh vi khi các nhà kinh doanh nghĩ ra trò thực phẩm chức năng để lừa người tiêu dùng. Gần đây một số người bệnh của tôi đã vì quảng cáo đa cấp của các nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng điều trị bá bệnh. Cuối cùng tiền mất tật mang. Câu chuyện FDA cảnh báo về những loại thực phẩm chức năng đã được thông báo từ cuối tháng 3/2010. Nhưng vì quá bận tôi chưa có dịp thông tin đến mọi người. Danh sách của nó khá dài và khá nhiều bà con tự tìm hiểu khi bị quảng cáo cho mình nhé.

Hôm nay sau một ngày làm việc cực nhọc với bao nhiêu vấn đề từ 8h00 AM đến 16h00 PM, để xả stress tôi viết vài dòng ngắn về thực phẩm chức năng để bà con được rõ là Thực phẩm chức năng là trò bịp của những tay kinh doanh chuyên đánh vào trình độ dân trí thấp và kẽ hở của pháp luật để moi tiền người dân kém hiểu biết, nhẹ dạ cả tin. Hầu hết những sản phẩm này đều với những lời quảng cáo rổn rảng như quảng cáo xà phòng, nước tương hay mì ăn liền. Nhưng về mặt khoa học các sản phẩm này hầu như chưa được kiểm nghiệm một cách khoa học và được kẽ hở của pháp luật tạo ra nền tảng là loại thuốc không cần kê toa của bác sĩ. Điều này đã tạo sân chơi rất rộng để chúng hoành hành trong chiến dịch lừa đảo khách hàng.

Có 2 câu nói rất bình dân và khoa học cần đưa cho bà con để có thể tự lo mình là: “Ăn là thuốc. Biết ăn thì thức ăn là thuốc chữa bệnh. Không biết ăn thì thức ăn sẽ trở thành thuốc độc gây bệnh”. Đặc biệt câu sau:  “Ăn sáng là ăn cho mình, ăn trưa là ăn cho bạn và ăn tối là ăn cho kẻ thù.” Ý của câu này là sáng dậy, trước khi làm việc, cơ thể cần năng lượng đầy để làm việc. Nên ăn sáng rất cần thiết như xăng đổ đầy xe để nổ máy lăn bánh. Ăn trưa là để bù thêm năng lượng để làm việc cho phần còn lại trong ngày. Còn với buổi tối, chỉ cần ăn nhẹ hoặc không cần ăn, vì khi nghỉ ngơi không cần nhiều năng lượng. Nếu ăn tối nhiều là ăn thuốc độc để gây ra những tình trạng rối loạn chuyển hóa đường, đạm và mỡ cho cơ thể và hậu quả của chúng.

Vấn đề thực phẩm chức năng cũng đã được báo trong nước đưa lên hồi tháng 01/2010. Bà con cẩn thận không nên tin bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào. Vì không biết là họ có làm thực chất từ cây cỏ và có kiểm nghiệm khoa học về giá trị lâm sàng hay không? Hay là chỉ là một hỗn hợp những hóa chất màu, mùi được mua từ chợ hóa chất Kim Biên của Sài Gòn, rồi sau đó được các sở khoa học công nghệ các tỉnh lẻ vo tròn bóp méo, hoặc tự đi quảng cáo mà chưa được cấp phép và công nhận để làm hại khách hàng?

Chúc mọi người sáng suốt và không bị bịp.

Asia Clinic, 18h45' ngày 13/5/2010