31 thg 8, 2015

UỐNG RƯỢU VỚI NGUYỄN DU
Vẫn chén vẫn be mà ông thì đi vắng
Vào núi Hồng săn nai hương?
Sang Trường Lưu hát giao duyên cùng phường vải?
Cô gái quán Tiểu Khê mời tôi uống rượu
Một chén một be đợi ông về.
Tôi đợi đến tận khuya
Nghe câu Kiều bạc tóc
Mình thương mình xa xót
Hoa lê rụng cuối vườn
Ông vẫn đi cùng thập loại chúng sinh
Khóc thương từng con chữ
Con chữ như phận người
Lập lòe trong cỏ
Con chữ như tên nỏ
Bắn vào nỗi u mê
Ông vẫn đi
250 năm không nghỉ
Nàng Kiều sống cùng ông
Hương cuối mùa thơm mãi
Sông Tiền Đường vẫn chảy
Sóng động bến Giang Đình
Vẫn còn đó Thúc Sinh
Vẫn còn đây Từ Hải
Gã bán tơ sống lại
Mụ Tú Bà hồi sinh
Giật mình mình lại thương mình
Thương cây bút bị đòn roi bao đận…
Vẫn quán Tiểu Khê tôi đợi ông đến sáng
Nghe tiếng ông văng vẳng:
“Có rượu cứ nghiêng bầu” (*)
Hình như tiếng ông phát ra từ pho tượng
Còn ông vẫn đi
Đi mãi
Chẳng cúi đầu
Be rượu cạn lúc nào
Chén rượu cạn từ lâu
Bao giờ
Dù có
Mai sau…
Hà Nội, 30.8.2015
NGUYỄN TRỌNG TẠO.
_______
(*) Thơ chữ Hán của Nguyễn Du: “Hữu tửu thả tu khuynh”
(Ảnh: Nguyễn Trọng Tạo đọc thơ dưới tượng Nguyễn Du, khai mạc Ngày thơ VN lần thứ nhất tại Tiên Điềnt, 2003)

   
CƯỜI 1, KHÓC 3 ( Nguyễn Quang Trung Tiến)
Mới đây, một bộ sách ảnh hoành tráng về Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám năm 1945 và một phóng sự của VTV phát tối hôm qua đưa ảnh này lên với nội dung là hình ảnh lễ bàn giao ấn kiếm của vua Bảo Đại chiều 30/8/1945 tại Ngọ Môn Huế cho Chính phủ CM lâm thời (sic!).
Khốn nỗi, đây là hình ảnh tại Đà Lạt ngày 3/3/1952 khi Pháp bàn giao lại ấn kiếm cho Quốc trưởng Bảo Đại, người đứng đầu Chính phủ Quốc gia VN do Pháp dựng lên từ năm 1949. 
Quốc gia VN do Pháp dựng lên từ năm 1949.
Khốn khổ cho lịch sử quá!
Mình đã thông qua anh em trong nghề là Ngô Vương Anh và Nguyễn Thạch Hải gọi cho những người bé cái nhầm biết mà điều chỉnh lại cho hợp nhẽ, nếu không thì quả là tai họa.
Hic!
Huế, 31/8/2015.

27 thg 8, 2015

· 
NHÂN MÙA VU LAN, NHỚ NHỮNG KỶ NIỆM VỀ CHA:
CHIẾC GIÁ SÁCH
Kỉ vật cuối cùng cha để lại cho con
Chiếc giá sách đơn sơ, bình dị
Chiếc giá sách con vô cùng yêu quý
Đã đi theo con suốt cả cuộc đời
Chiếc giá đóng bằng thứ gỗ thường thôi
Dựng vừa đủ dăm ba hàng sách
Con tra cứu, soạn bài, viết lách...
Giá sách lúc nào cũng ở bên con
Sau giá sách là đôi mắt yêu thương
Dõi theo con từng giờ, từng phút
Đóng giá sách cho con cha gửi gắm bao điều mong ước
Con tự nhủ thầm: Đừng phụ lòng cha !
Bây giờ đây cha đã đi xa
Nhìn giá sách con ứa trào nước mắt
Nhìn giá sách trái tim con quặn thắt
Giá sách trở thành lời di huấn thiêng liêng.
Mai Văn Hoan
Đây là chiếc giá sách bố tự tay đóng cho Mai Văn Hoan năm MVH mới ra trường (1971).
Hà Văn Thịnh, Đại học Tổng hợp Huế.

 Nỗi buồn lịch sử
· 
Bài này viết ngày 27.7.2015 nên quên mất... Mãi đến hôm nay, Nguyễn Phước, tức Tôn Thất Hướng, Sử K5, báo, mới biết là vừa đăng ở Văn hóa Quảng Nam ngày 26.8.2015.
Cảm ơn Nguyễn Phước và đưa lên đây để mọi người đọc, ngẫm... Có khác vài chỗ so với bản gốc đăng ở Tạp chí. Cũng là lẽ thường tình...
NỖI BUỒN LỊCH SỬ
BUỒN vui là chuyện của muôn đời, nhưng có lẽ, nỗi buồn của hàng triệu triệu người trong nhiều nhiều năm trời về cái sự không đáng lại là chuyện bất công, vô lý: Đó là việc hàng bao nhiêu năm nay, hàng ngàn bài viết cứ than mãi hoài về việc học sinh chán sử nước nhà mà vẫn không thể nào đổi thay, chẳng hề thấy bất kỳ bóng dáng nào của niềm hy vọng nhỏ nhoi... TRÁCH thì có không ít lẽ để bàn nhưng làm thế nào để mai này, bớt buồn đi và cái sự nhiếc móc lẫn nhau ít hơn, lại là điều không mấy dễ dàng. Viết để tìm một “giải pháp” đôi khi chỉ là một cách khác của an ủi và làm dịu hơn những tiếng thở dài...
SỰ PHI THƯỜNG CỦA LỊCH SỬ DÂN TỘC
Trong hơn 5.000 năm có lẻ của lịch sử loài người từ khi có chữ viết, với nhiều ngàn dân tộc, hàng ngàn nhà nước, qua biết bao tai ương, thử thách – cho đến nay chỉ còn lại 193 quốc gia, tính theo số thành viên hiện có trong Liên Hợp Quốc. Như thế để thấy rằng, vượt qua được những hiểm họa ngặt nghèo để ngày nay có quyền là một trong 193 ấy chẳng hề dễ chút nào.
Sâu và cận cảnh thêm một chút, sẽ thấy hầu như chẳng có dân tộc hay quốc gia nào như Việt Nam: Thời gian, công sức giữ nước nhiều hơn cả những tháng ngày chỉ chăm lo dựng nước, xây nước.
Làm sao có thể tình thấy một mẫu hình tương tự trong truyền thuyết của loài người: Thành Gióng phải đánh giặc khi mới tròn 3 tuổi? Ông cha xưa thật thâm thúy và tinh tế khi hàm ý, ngầm định rằng, dân tộc VN vừa MỞ Nước đã phải đương đầu ngay với họa ngoại xâm!
Cũng không thể tìm thấy bất kỳ đâu một dân tộc phải chịu ánh thống trị suốt 1.117 năm (tính từ khi Triệu Đà thôn tính Giao Chỉ, 179 B.C. đến năm 938, với sự kiện Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, lập nên nước Đại Việt tự chủ, tự cường), nhưng không thể bị đồng hóa – không biến mất trên bản đồ thế giới. Chỉ cần nhìn vào “bức tranh” chẳng hề xa xôi lắm: Dân tộc Mãn Châu với hàng triệu người, từng thống trị người Hán suốt gần 300 năm (1644-12.2.1912) với triều đại Mãn Thanh, nhưng giờ đây chỉ còn chưa đến 1.000 người nói tiếng Mãn, mới thấy được cái “khả năng” đồng hóa của văn hóa Hán – buộc dân tộc khác phải tự Hán hóa, khủng khiếp đến mức nào!
Nhìn lên bản đồ, chỉ xét về địa – chiến lược (Geo-strategy), sẽ thấy hình thể của láng giềng phương Bắc như một tảng đá khổng lồ với điểm giữa của “tảng đá” đó đè lên phần cao nhất của đất nước hình chữ S. Chính vì thế, sau mỗi lần đánh bại kẻ thù, ông cha ta lại phải tiếp tục “gồng” mình lên để sao cho chiến tranh “rửa hận” của kẻ thua trận không xảy ra – hoặc giả, nhún nhường chịu đựng để cái nền thắc thỏm của hòa bình, yên ổn ấy, càng lâu càng tốt sao cho nội lực có đủ thời gian để phục hồi, sự chịu đựng có đủ cơ hội để tiếp tục thích nghi để đương đầu với thử thách mới mà, ai cũng hiểu, chẳng chóng thì chầy, lại đến, như là định mệnh...
Giặc phong kiến phương Bắc còn đó lại thêm giặc từ phương Tây, giặc của “xun đột hệ tư tưởng” chiến tranh lạnh...
Thế nhưng, giống cách nói của truyền thuyết, dường như Đấng Tạo Hóa càng yêu quý người Việt thì càng muốn thử thách bản lĩnh dân tộc bằng những tai ương. Dân tộc Việt Nam đã trở thành dân tộc thuộc địa đầu tiên đánh bại một đế quốc phương Tây bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lẫy lừng. Tiếp đó, lại một lần nữa, đánh bại cường quốc số một thế giới – Hoa Kỳ (dĩ nhiên, cách thắng – thua cũng còn lắm chuyện phải bàn), cho đến nay và, nhiều năm nữa, vẫn chỉ chịu thất bại một lần, duy nhất, ở Việt Nam!...
Trong khuôn khổ một bài viết không thể nói nhiều hơn về những nhọc nhằn, đau đớn, mất mát, chịu đựng, hy sinh mà các thế hệ cha ông đã VIẾT bằng máu của mình thành lịch sử. Nhưng chừng đó có thể là đã đủ để nhấn mạnh rằng lịch sử dân tộc Việt Nam thật đáng tự hào; vậy, tại sao lớp trẻ lại thờ ơ – nếu không muốn dùng các từ như chán, không thích?...
NHỮNG CÁI SAI CỦA "NGƯỜI LỚN"
Năm 1981-1982, tôi được vinh dự tham gia viết Lịch sử xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Nói là “tham gia” nhưng thực chất tôi viết từ đầu đến gần... hết cuốn sử dày trên 200 trang, cố TS Lê Đình Phúc chỉ viết 15 trang.
Chỉ đến khi đó, tôi mới biết rằng không phải chỉ có Nghệ Tĩnh quê hương tôi là anh hùng mà hình như(!) người Quảng Nam còn anh hùng, dũng cảm hơn. Bằng chứng rõ nhất là sau nhiều chuyến đi điền dã, tôi tự thấm rằng, Điện Bàn là một trong hai huyện (cùng với Củ Chi) có nhiều liệt sĩ nhất trong cả nước; Điện Thắng là quê hương của anh hùng – liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi – thần tượng của biết bao thế hệ trẻ trai; Mẹ Thứ là người phụ nữ vĩ đại nhất (theo cách đánh giá của riêng tôi) trong thời chống Mỹ...
Ngoài chuyện anh dũng trong chiến tranh, người Quảng Nam còn ý vị và sắc sâu vô cùng về văn hóa. Chẳng hạn, có một câu đố: “Ôm cục thịt nạc/ Đút vô cục thịt lỗ/ Tay thì bợ cổ/ Tay lại vỗ trôn/ Lỗ mũi hụm tròn/ Sướng ơi là sướng!”/ Đố là cái gì?
Bạn hãy khoan vội phát huy trí tưởng bở mà nghĩ lung tung. Đó là người ta nói chuyện lấy đũa tre đâm thủng trái dừa rồi ôm quả dừa bằng cả hai tay mà thưởng thức đó…
Trở lại chuyện chiến tranh.
Thử hình dung là chỉ một xã Điện Thắng thôi mà đã sinh ra đến hai biểu tượng kỳ vĩ trong số không nhiều những tên tuổi lớn nhất của thời đại!
Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là cả học sinh lẫn các thầy cô giáo (mà tôi đã tiếp xúc trong những năm đó) đều dường như không quan tâm lắm đến các nhân vật anh hùng cũng như lịch sử?
Cái đầu óc dẫu khờ dại của một thầy giáo mới 25 tuổi nhưng cũng đủ cho tôi cảm nhận lờ mờ rằng, lỗi đầu tiên thuộc về những người viết sử trong SGK, sau đó là người dạy sử, hệ thống truyền thông...
Hãy thử điểm qua vài nét chính về các lỗi lầm.
1. SGK lịch sử từ lớp 4 đến 12 hiện nay trình bày lịch sử không giống như những gì đã diễn ra mà giống với lịch sử chính trị - nghĩa là chỉ ca ngợi một chiều mà không thấy, không chịu nhận ra rằng lịch sử vĩ đại, đáng nhớ là bởi nó luôn có những sai lầm, những nỗi đau. Chẳng một ai chấp nhận nổi cái sự “thật” ta thắng, không sai, không thua suốt 30 năm chiến tranh với Pháp, Mỹ.
2. “Người ta” không chịu hiểu rằng, trong lịch sử, không phải càng nhiều con số địch chết, địch mất là tốt mà phải là những con số điển hình mang đủ “trọng trách” gánh vác ý nghĩa của sự kiện. Việc bắt học sinh tụng niệm các con số khô khan chỉ là sự đày ải trí nhớ phi sáng tạo, gián tiếp gieo rắc ảo ảnh của cách tìm đến với lối mòn nhàm chán, tẻ ngắt.
3. Bắt học sinh nhai đi, lặp lại bao nhiêu con số nhưng đến khi thi (như đề thi THPT 2015 vừa qua), đáp án chẳng cần bất kỳ số liệu nào là can cớ làm sao? Dạy một đằng, học một nẻo rồi thi theo cách vô lý như thế thì làm sao bảo lớp trẻ YÊU cho được “người tình” lịch sử quay quắt, khó lường?
4. SGK chỉ trình bày lịch sử chiến tranh – cách mạng mà QUÊN mất rằng lịch sử văn hóa – mới là phần chính, cái NÔI để hình thành nhân cách, tình cảm của con người. Những số liệu ta thắng địch thua, ta tài địch kém chỉ là sự ảo tưởng nông cạn của tri thức: Tính một chiều của lịch sử luôn đồng nghĩa với điều không thật – không phải như thế. Sao có thể yêu và tin vào cái có vẻ là thật?
5. Môn học luôn bị coi thường trong cái thang bậc mà sự mặc định hóa của “cuộc đời” luôn cho rằng giả dối là sống thoát, tiền là trên hết đã đẩy thế hệ trẻ vào những toan tính thực bởi lịch sử là quá khứ nên luôn ảo, quá xa với đời thực, nên ít cần – thậm chí, khỏi cần!
GIẢI PHÁP Ở ĐÂU?
Viết lại, viết đúng toàn bộ SGK là yêu cầu bắt buộc. Hãy thử đọc một cuốn sử của người Mỹ hay học giả phương Tây thì sẽ thấy vì sao sử ta ít ai thích đọc: Sử của người ta sống động, gay cấn, phức tạp như chính cuộc đời, còn sử ta thì nhàm nản, khô cứng, đơn điệu biết chừng nào.
Hãy mạnh dạn thay đổi ngay từ mục đích viết sử: Chúng ta muốn thổi hồn dân tộc vào trái tim những đứa trẻ hay muốn chính trị hóa, đóng cái khung vô hình về nhận thức để cho lũ trẻ chỉ nghe Đảng nói, tin Đảng, cho dẫu “cuộc đời đâu biết thế” (Trịnh Công Sơn)?
Phải mạnh dạn thừa nhận rằng các nhà nước Văn Lang, Âu Lạc chỉ là những nhà nước sơ khai vì CHƯA tìm thấy chữ viết thì không thể có luật pháp. Nếu ngay từ đầu mà học sinh tiếp xúc với những điều nói dzậy mà không phải vậy thì chẳng khác gì làm cho lũ trẻ chán ngay: Mở đầu lịch sử có vẻ không đúng thì làm sao tin những chương sử sách sau này là thật?
Những “bài học” sai thì dứt khoát phải bỏ. Ví dụ, GS Phan Huy Lê đã thừa nhận Lê Văn Tám là không thật sao vẫn còn đó sự ngợi ca? Tại sao vẫn cứ say sưa kể chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh trong khi biết chắc chắn rằng đề thi của vua ra chẳng khác gì thi công chức thời nay? “Voi chín ngà”... lấy đâu ra dưới biển? Nếu đề thi là “mực chín ngà, ba ba chín cựa, cá ngựa chín hồng mao” thì ai là người thắng?...
Tại sao không mạnh dạn coi môn sử là môn bắt buộc – chính trong các chương trình để học sinh tôn trọng ngay từ trong vô thức? Tại sao không làm MỀM lịch sử, uyển chuyển hóa nó thành những bài học nhẹ nhàng – kết cấu phức hợp với văn hóa – văn học để dễ đi vào lòng người? Lịch sử - Văn hóa là môn học để hun đức tinh thần yêu nước, tình cảm uống nước nhớ nguồn, cái nôi về văn hóa mà “suốt đời” – cả xã hội chỉ nghĩ là học cho vui thì không chán mới là chuyện lạ...
Năm nay, thi THPT – ĐH có một chuyện cười ra nước mắt: Cả Hội đồng thi chỉ duy nhất một thí sinh đăng ký thi môn sử! Một phần mấy ngàn thế hệ trẻ coi lịch sử là điều đáng quên, cũng đồng nghĩa rằng nguồn cội, giống nòi, dựng nước, giữ nước..., chẳng có chút giá trị gì so với nhu cầu mà cuộc đời này đòi, xã hội này… muốn?
Một nhà hiền triết có nói rằng một trong những điều làm cho người khác con vật là ý thức về cội nguồn, truyền thống, quá khứ của giống nòi, tiên tổ... Có lẽ là ông ấy đã sai?...
Huế, 27.7.2015.

Đừng chỉ nhìn cuộc đời này bằng đôi mắt

Tác giả: Thiên Long, sưu tầm
KD: Một câu chuyện sâu sắc với những triết lý nhân văn cảm động. Nhìn cuộc đời bằng đôi mắt chưa đủ, mà cái chính nhìn bằng cái tâm ngay thẳng, lương thiện, tử tế.
Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ 
———–
Trong một bệnh viện nọ có hai bệnh nhân ốm nặng được xếp chung một phòng. Người đàn ông trên chiếc giường ở sát khung cửa sổ duy nhất của căn phòng được phép ngồi dậy 1 giờ đồng hồ mỗi ngày. Người bệnh thứ hai ở gần đấy phải nằm hoàn toàn. Họ thường nói chuyện với nhau, kể cho nhau nghe chuyện vợ con, gia đình, nghề nghiệp và những khó khăn trong cuộc sống…
đôi mắt, mù lòa, cuộc đời,
 
 Đừng chỉ nhìn cuộc đời bằng đôi mắt
Mỗi buổi chiều, khi người đàn ông ở chiếc giường gần cửa sổ được phép ngồi dậy, anh ấy ngồi đó, mắt hướng ra ngoài cửa sổ và kể cho người bạn cùng phòng về cuộc sống đang diễn ra bên ngoài ô cửa nhỏ. Người này kể, người kia nhắm mắt tưởng tượng. Cứ thế họ cùng tìm thấy niềm vui nho nhỏ mỗi ngày.
Đó cũng là khoảng thời gian hạnh phúc mà người đàn ông ở chiếc giường bên kia được hưởng, thế giới được mở ra sống động với anh: “Ô cửa sổ nhìn ra một công viên bên một dòng sông thơ mộng. Nơi có những chú vịt, chú thiên nga đang nhẹ nhàng lướt mình trên mặt nước,nơi có những em bé đang nô đùa rộn rã tiếng cười, nơi mà các cặp tình nhân tay trong tay, ngập tràn hạnh phúc. Ở nơi đó, muôn hoa rực rỡ sắc màu và còn thấy được cả đường chân trời ửng đỏ trước cảnh hoàng hôn…”
Ngày lại ngày qua đi. Một buổi sáng, y tá mang nước rửa mặt đến cho hai bệnh nhân. Và thật buồn… cô phát hiện ra người đàn ông trên chiếc giường gần cửa sổ đã chết. Anh ra đi, một cách nhẹ nhàng và bình yên trong giấc ngủ của mình.
Vô cùng đau buồn, cô gọi nhân viên bệnh viện đến mang xác anh đi. Một không khí nặng nề bao trùm căn phòng. Sau đó, người đàn ông còn lại ngỏ ý muốn được lại gần cửa sổ. Cô y tá kéo chiếc giường của anh sát lại bên cửa sổ. Sau khi chắc chắn anh đã thoải mái, cô để anh lại một mình.
Một cách chậm chạp và khó khăn, anh tự mình di chuyển bằng khuỷu tay, đến sát bên cửa sổ, nhướn người để nhìn ra bên ngoài. Nhưng thật bất ngờ! Tất cả những gì mà anh có thể nhìn được qua ô cửa sổ chỉ là một bức tường trống trơn!
Khi y tá quay lại, anh hỏi thăm cô về người bạn cùng phòng, người vẫn hằng ngày mở ra một thế giới tươi đẹp và nên thơ cho anh ta qua những lời kể.
Cô y tá cho biết người đàn ông đó bị mù. Nghe xong, anh đã lặng đi, một sự xúc động khôn tả dấy lên trong lòng. Chuyện trên đời thật khó đoán, thế sự như nước chảy mây trôi. Đến một ngày nào đó, ai ai rồi cũng sẽ biến mất khỏi thế gian này, điều duy nhất còn ghi dấu lại:
Quan trọng không phải là những thứ bạn mang theo bên mình, mà là những gì bạn đã đóng góp.
 
Quan trọng không phải là những thứ bạn nhận được mà là những gì bạn đã cho đi.
 
Quan trọng không phải là những thành công bạn đã có được trong đời, mà là ý nghĩa thật sự của chúng.
 
Quan trọng không phải là những thứ bạn học được, mà là những gì bạn đã truyền lại cho người khác.
 
Quan trọng không còn là năng lực của bạn, mà chính là tính cách – là những gì bạn cư xử với mọi người xung quanh.
 
Quan trọng đâu chỉ là bạn sẽ được mọi người nhớ đến trong bao lâu, mà là họ nhớ gì về bạn.
 
Quan trọng không phải là bạn quen biết thật nhiều người, mà là bao nhiêu người sẽ đau xót khi mất bạn trong đời.
Vậy thì, bạn ơi, hãy đừng chỉ nhìn cuộc sống bằng đôi mắt, mà hãy dùng trái tim yêu thương của bạn. Bởi vì chỉ có tình yêu thương mới đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống. Người ta có thể quên tất cả những gì bạn đã nói, đã làm. Nhưng người ta sẽ không bao giờ quên cảm giác mà bạn đã đem lại cho họ.
————-post từ trang kd

26 thg 8, 2015



QUA LỆ CHI VIÊN

-----------------------
"Hoa thường hay héo,cỏ thường tươi"
Năm trăm năm trước,tiên sinh từng dạy thế
"Nước chảy khôn đòi trôi bóng núi"
Nghìn sau bóng núi bóng tiên sinh.
Con đường hoạn lộ ngẫm mà kinh
Ngẩng mặt biết thiên văn
Cúi đầu tường địa lý
Một ngọn bút bằng trăm ngàn binh sĩ
Mưu tính như thần mà không tránh được hàm oan.
Bây giờ qua Lệ chi viên
Mưa vẫn máu,gió gào đao kiếm
Đao kiếm vô tình,vô chung,vô thuỷ
Máu anh hùng nhuộm đỏ giang sơn!
Đốt nén nhang,xin nghìn lạy tiên sinh
Dẫu lịch sử đã minh oan người mệnh bạc
Ta vẫn muốn làm một điều gì khác
Trước tấm lòng rực sáng sao khuê!


Bài học từ việc Việt Nam ‘chọn bạn’ cực đoan

26.8.2015
Tác giả: Hoàng Ngọc
KD: Ngạn ngữ Pháp có câu: “Anh hãy nói cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ hiểu anh là ai”  :D
——————-
“Bài học thực tế là có thể chọn bạn, nhưng không “nhất biên đảo” một cách cực đoan. Thậm chí có thể chọn bên trong một cuộc chơi “thăng bằng” một cách có ý thức, thăng bằng nhưng có thể lệch pha. Ngày nay dễ làm điều này hơn hồi ấy.”
Đọc thêm:
Việt- Mỹ: Cơ duyên ít biết và sự trớ trêu của lịch sử
.
LTS: Lịch sử Việt Nam qua 70 năm hình thành và phát triển, từ một nước thuộc địa nhỏ bé ở Đông Nam Á chưa ai biết tới, nay đã có quan hệ với toàn bộ các nước trong Liên Hiệp Quốc, và đặc biệt có quan hệ đối tác chiến lược, hoặc đối tác toàn diện, với 5 nước lớn trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Đó là kết quả của nền ngoại giao Hồ Chí Minh, mà trong giai đoạn đầu (1945-1946) Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo.
Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9 và cũng là bảy thập kỷ Ngoại giao Việt Nam, Tuần Việt Nam phỏng vấn Đại sứ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, hiện là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế xung quanh những vấn đề ngoại giao của Việt Nam.
Hòa đàm Paris, Quốc khánh, Cách mạng tháng 8, Ngoại giao, Kháng chiến chống Pháp, Kháng chiến chống Mỹ, Đổi mới, Nhất biên đảo
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường
Có lúc “nhất biên đảo” cực đoan
Thưa ông, nhìn lại cả một quá trình thì Ngoại giao Việt Nam qua 70 năm hình thành và phát triển có thể chia làm mấy giai đoạn?
Nếu phân tích theo lối cổ điển, có thể chia lịch sử ngoại giao Việt Nam 70 năm qua theo 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1945-1946: Ngoại giao góp phần bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng. Ngoại giao Hồ Chí Minh phát huy cao độ sức mạnh của một dân tộc vừa được giải phóng khỏi ách đô hộ thực dân và phong kiến, cũng như sự khôn khéo sách lược và nghệ thuật ngoại giao, làm cho chính quyền non trẻ tồn tại giữa 5 thế lực nước lớn và 30 vạn quân đội nước ngoài. Giai đoạn này đem lại những bài học kinh điển về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, chuyển hướng chủ trương mau lẹ, lúc lùi, lúc tiến, hóa giải xung đột cục bộ, làm cho “đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”, gõ các cánh cửa hòa bình, làm cho đối phương chập chững, tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng cách mạng cho cuộc kháng chiến chống xâm lược không thể tránh khỏi.
Giai đoạn 1947-1954: Đấu tranh chống thực dân Pháp trở lại xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc và khẳng định các quyền cơ bản của Việt Nam – những điều này Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 nêu ra nhưng chưa được quốc tế công nhận. Hai đại sự: mở cánh cửa ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, từ đó ra thế giới, tác động vào phong trào phản chiến ở Pháp, đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva 1954 về chấm dứt chiến tranh Đông Dương. Làm cho các nước lớn trên thế giới công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam.
Hòa bình lập lại năm 1954, tranh thủ viện trợ và giúp đỡ quốc tế xây dựng kinh tế miền Bắc. Từ 1964 đến 1975, Việt Nam bước vào cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, chống đế quốc Mỹ xâm lược, ngoại giao góp phần tập hợp lực lượng quốc tế ủng hộ Việt Nam, hình thành một trong ba mặt trận (chính trị, quân sự, ngoại giao).
Đàm phán Paris là một thành tựu quan trọng bậc nhất của ngoại giao Việt Nam. Ngoài sự khôn khéo và kiên định, các nhà đàm phán Việt Nam đã làm được công việc phi thường, đó là  chuyển biến thắng lợi quân sự, chính trị, phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam và phản chiến ở Mỹ thành kết quả trên bàn đàm phán.
“Hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ giữa các nước lớn và trong sự dính líu trực tiếp của tất cả các nước lớn ở bán đảo Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng việc xử lý quan hệ với các nước lớn. Người nhận ra rằng, để đương đầu với các nước lớn hơn ta về nhiều mặt, ngoại giao đóng một vai trò rất quan trọng.
Trong quan hệ với các nước lớn, Người chủ trương phải hiểu được các nước lớn, dù là đồng minh hay đối thủ, biết được mối quan tâm và chiến lược cơ bản của họ, hiểu bản chất và vận hành nội trị và ngoại giao từng nước lớn, quan hệ hợp tác và đấu tranh giữa các nước lớn cùng những giới hạn của các mối quan hệ đó. Chỉ khi “biết người” như vậy thì ngoại giao Việt Nam mới có thể độc lập tự chủ, nhưng vẫn mềm dẻo linh hoạt, mới có thể thực hiện những nhân nhượng có nguyên tắc và lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương…” – Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã viết như vậy về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kỷ niệm 125 sinh nhật Người. 
Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, ta đã có phần say sưa với chiến thắng, chậm nhận thức những chuyển biến vô cùng phức tạp trong chính trị nước lớn, cuộc cạnh tranh chiến lược của tam giác Mỹ-Xô-Trung, và âm mưu thâm độc của tập đoàn Pol Pot – Khơme Đỏ được thế lực nước lớn ủng hộ gây ra xung đột biên giới tây-nam.
Không phải ta không thấy, nhưng không thấy hết sự phức tạp của tình hình, nên đã thực hiện “nhất biên đảo” (ngả theo một bên – PV) một cách cực đoan. Về tổng thể đã bị các thế lực đối địch dùng đủ các loại xung đột để kiềm chế ta, làm cho ta không phát huy được đà thắng lợi của các sự kiện đỉnh cao năm 1973 và 1975. Từ chủ động chiến lược rơi vào thế bị động chiến lược.
Sẽ có không ít ý kiến bàn luận về vấn đề ấy của các năm 1975-1979, nhưng phải đánh giá tình hình từ bản thân lịch sử, từ hiệu quả và hậu quả của chủ trương đối ngoại để rút ra các bài học cho hiện tại và tương lai. Thực tiễn kiểm tra chân lý. Bài học thực tế là có thể chọn bạn, nhưng không “nhất biên đảo” một cách cực đoan. Thậm chí có thể chọn bên trong một cuộc chơi “thăng bằng” một cách có ý thức, thăng bằng nhưng có thể lệch pha. Ngày nay dễ làm điều này hơn hồi ấy.
Từ năm 1986 đến nay là giai đoạn ngoại giao phục vụ hòa bình xây dựng đất nước, phục vụ đổi mới và hội nhập quốc tế. Từ năm 1995 là một giai đoạn quan trọng; từ năm 2011 ta đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó, việc hình thành tư duy và nhận thức mới về tình hình thế giới và đường lối chính sách đối ngoại là thành tựu hết sức quan trọng.
Từng giai đoạn đó có những đặc điểm gì, thưa ông?
 
Ngoại giao Việt Nam trong 70 năm qua góp phần thực hiện bốn nhiệm vụ lớn:
Giai đoạn 1945-1946: Bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng. Hồi đó đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp lãnh đạo Bộ ngoại giao.
Giai đoạn 1947-1975: Phục vụ cho đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đàm phán ký kết các thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình 1954, 1973 và Hiệp định Paris về Campuchia năm 1991. 
Phục vụ đắc lực nhiệm vụ hòa bình xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào việc đổi mới tư duy nhận thức về thế giới và tư duy đối ngoại.
Hòa đàm Paris, Quốc khánh, Cách mạng tháng 8, Ngoại giao, Kháng chiến chống Pháp, Kháng chiến chống Mỹ, Đổi mới, Nhất biên đảo
Sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam đã được ký kết ngày 27/1/1973. Ảnh tư liệu/ Dangcongsan.vn
Lỡ bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ cuối những năm 1970
Trước giai đoạn Campuchia là mấy năm sau hòa bình lập lại trên đất nước Việt Nam. Trong giai đoạn này ngoại giao Việt Nam đã thất bại trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng vì Việt Nam quá cứng nhắc trong việc đòi hỏi bồi thường chiến tranh từ phía Mỹ 3,25 tỷ đô la, do Tổng thống Nixon đã hứa trong bức công hàm gửi cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau khi ký hiệp định Paris, và đến khi Việt Nam chịu từ bỏ điều kiện này (giữa năm 1978) thì Mỹ không còn quan tâm đến Việt Nam nữa, và Việt Nam đã phải ký Hiệp ước Hữu nghị với Liên Xô, và, theo nhiều người, đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc Trung Quốc tấn công Việt Nam đầu năm 1979. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Hồi đó thế giới chia làm hai cực, hai phe. Bối cảnh quốc tế ấy chi phối và ràng buộc chính trị thế giới cũng như chính sách đối nội, đối ngoại của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nếu nắm được bản chất sự việc, có chiến lược đúng đắn và sách lược khôn khéo thì vẫn có thể tránh được xung đột và chiến tranh.
Năm 1977, chính quyền Carter ở Mỹ chủ động thăm dò bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Nhưng về phía Mỹ, quan hệ với Việt Nam không cấp thiết, không phải là vấn đề ưu tiên. Cơ hội chỉ diễn ra trong năm 1977. Khi xung đột biên giới Tây-Nam nổ ra và Đặng Tiểu Bình đi Mỹ hô sẵn sàng lập “NATO phương Đông”, thúc đẩy liên kết với Mỹ ngăn chặn Liên Xô mở rộng ảnh hưởng ra châu phi, Mỹ Latinh và châu Á dưới khẩu hiệu chống “đại bá toàn cầu”, chống “tiểu bá khu vực”, cơ hội đã không còn.
Mặt khác, ta vừa ra khỏi chiến tranh, còn nặng cơn “hội chứng Mỹ”, Mỹ càng nặng cơn “hội chứng Việt Nam”. Không dễ thay đổi nhận thức để một bước chuyển hóa từ quan hệ nặng tính thù địch trong chiến tranh sang bình thường hóa quan hệ. Nhưng căn bản, Trung Quốc đã chủ động thúc đẩy bàn cờ chính trị châu Á, lợi dụng vấn đề Campuchia để tập hợp lực lượng, bao vây cô lập Việt Nam. Ta “nhất biên đảo” với Liên Xô, thì cũng gặp khó khăn theo, khi nước lớn này sa lầy chiến lược trong các cuộc chiến tranh cục bộ, lại bị lôi kéo vào cuộc chạy đua vũ trang, bị kiệt quệ và “chảy máu”, mà hậu quả thì sau này ta đã biết.
Khi Liên Xô không thể cáng đáng các cuộc xung đột cục bộ ở các khu vực và cuộc chiến tranh trực tiếp Afghanistan, phải “buông” các đồng minh, ta gặp khó khăn, nhưng kịp thời chuyển hướng chiến lược. “Cùng tắc biến, biến tắc loạn, loạn tắc thông”. Sự tan rã của thế giới lưỡng cực tạo ra môi trường quốc tế đa dạng hóa. Chúng ta đã kịp thời nắm lấy quyền chủ động chiến lược và làm nên lịch sử, mở ra thời kỳ đổi mới, cải cách, hội nhập quốc tế.
(Còn tiếp)
> Đón đọc Phần 2, Ngoại giao Việt Nam chuyển biến từ “ý thức hệ” sang “lợi ích” ra sao, những vấn đề gì đặt ra với Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
————-
Thứ tư, 26/8/2015 | 06:11 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|Print

Dấu hiệu sớm của đột quỵ

Giảm cảm giác, nói ngọng, nuốt nghẹn, sặc, tê da khu trú một số vùng... có thể là những triệu chứng ban đầu của đột quỵ. 
Theo tiến sĩ Lê Đức Hinh, Chủ tịch hội thần kinh học Việt Nam cho biết, đột quỵ não là hình thái lâm sàng của bệnh lý mạch máu não và nguyên nhân có thể do nhồi máu não hoặc chảy máu não. Bệnh phần lớn xảy ra ở người cao tuổi, đặc biệt là người từ 60-65 trở lên, đôi khi cũng gặp ở người trẻ tuổi. 
Điều quan trọng nhất là phát hiện bệnh sớm, xử trí kịp thời, như thế có nhiều hy vọng giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ tử vong, hạn chế để lại di chứng tàn tật lâu dài. Tỷ lệ biến chứng theo thống kê thế giới, cứ 100 người sống sót qua cơn đột quỵ thì vẫn có khoảng 1/3 bệnh nhân có thể mang di chứng. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể để lại di chứng vận động như liệt tay, chân, nửa người; rối loạn ngôn ngữ, đặc biệt cảm xúc ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. 
tanghuyetap2-7186-1440490330.jpg
Người bị tăng huyết áp cần được theo dõi và điều trị tốt, tránh tai biến dẫn đến đột quỵ. Ảnh minh họa: N.P. 
Tiến sĩ Hinh cho biết, cố gắng khi xuất hiện dấu hiệu cho thấy một người có khả năng bị đột quỵ thì nên đưa đến cơ sở y tế cấp cứu gần nhất. Dấu hiệu cảnh báo trước, cả thầy thuốc và người dân đều có thể phát hiện được. Một người đang bình thường đột ngột thấy yếu một tay, một chân, cơ thể; tự nhiên nói líu ríu, mất thăng bằng hoặc đột nhiên có rối loạn về ý thức. Đây là những dấu hiệu khả nghi.
Thực tế, cần phải phân chia bệnh thành 2 nhóm triệu chứng. Thứ nhất là loại rõ ràng, người bệnh có các biểu hiện như mất ý thức, liệt hoàn toàn, mất cảm giác, đại tiểu tiện không tự chủ... Thứ hai là loại không rõ ràng. Tuy nhiên triệu chứng ban đầu nhiều khi rất đa dạng, một số bệnh nhân đôi khi chỉ thấy tê bì khu trú một số vùng, giảm cảm giác, nói ngọng, nuốt nghẹn, sặc ...
"Nếu một người cử động mất thuần thục, mặt méo lệch đi, một người từ trước đến nay vẫn khỏe rồi bất chợt ngã xuống, mất ý thức... thì cần đến cơ sở y tế cấp cứu ngay. Những dấu hiệu này có thể hơi tản mạn, chỉ xuất hiện 1-2 biểu hiện hoặc kết hợp các dấu hiệu đó", tiến sĩ Hinh cho biết. 
Điều trị:
Người bệnh có thể được tiêm tiêm truyền các thuốc làm tiêu các cục máu đông, tùy trường hợp có thể can thiệp khác giúp bệnh nhân qua giai đoạn hiểm nghèo. Tiếp sau đó phải điều trị phục hồi chức năng và dự phòng về mặt lâu dài, có vậy mới có nhiều hy vọng giúp bệnh nhân đỡ bị hậu quả tàn tật.
Những người dễ bị đột quỵ
- Người già.
- Người có nhiều yếu tố bệnh tật như đái tháo đường, tăng huyết áp, đặc biệt khi người đó ở trong hoàn cảnh đặc biệt như thời tiết thay đổi, sinh hoạt không điều độ, xúc động...
- Người trẻ tuổi đôi khi cũng có thể gặp.
Dự phòng:
Khi đã xảy ra tai biến thì khó mà tránh được di chứng dù đến sớm và được xử lý tốt mà chỉ có thể giảm thiểu di chứng. Trường hợp may mắn không chết thì cũng để lại di chứng, có ca không điều trị được, nặng có thể rơi vào trạng thái thực vật, hôn mê sâu, thậm chí dẫn đến tử vong.
Cũng vì thế, vấn đề cần chú trọng ở đây là kiểm soát, dự phòng, quản lý huyết áp, dự phòng không để tai biến xảy ra. Những người có nguy cơ bị tai biến là tăng huyết áp không được theo dõi và điều trị tốt, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, suy tim nặng, người ít vận động hoặc bị liệt (nguy cơ hình thành huyết khối), người có bệnh lý van tim hoặc theo dõi và dùng thuốc chống đông không đều...
Các trường hợp đã có cơn đột quỵ não, trước hết cần thực hiện chế độ điều trị theo quy định. Ngoài thuốc men, cần kết hợp chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi, giải trí và tập luyện theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.
Việc tập chạy bộ phụ thuộc vào sức khỏe và khả năng của từng người khác nhau. Tốt nhất là hàng ngày nên đi bộ khoảng 30 phút, nhưng không nên đi vào lúc quá sớm hoặc sau ăn tối. 
Ngoài chế độ thuốc men, bệnh nhân đã bị đột quỵ não không nên dùng những thức ăn khó tiêu, nhiều mỡ, nhiều đường; không nên dùng bia, rượu, nước uống có nhiều đường (bao gồm cả đường hóa học); không nên ăn quá no và cần chú ý uống đủ nước hàng ngày, tránh táo bón. 
Đề phòng tránh cơn đột quỵ não do bệnh mạch máu não, trước hết cần thăm khám sức khỏe định kỳ, phát hiện những yếu tố, nguy cơ gây bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn lipid máu… Điều trị các bệnh đó nếu có theo chuyên khoa đồng thời chú ý đến chế độ dinh dưỡng, lao động, tập luyện, sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí…
Phương Trang
 
 
Ý kiến bạn đọc ()
Bố tôi có đầy đủ các triệu chứng trên và ông đã qua đời ở tuổi 67 sau 3 năm nằm liệt giường. Bố tôi còn có đặc điểm là ăn rất mặn và lười di chuyển, không bao giờ tập thể dục. Mong bà con cô bác lưu ý những đặc điểm trên để tự điều chỉnh lối sống cho phù hợp, dính vào đột quỵ thì khổ lắm, bị đi bị lại và thường để lại di chứng là bị liệt, khổ cả người bệnh lẫn người nhà và rồi cuối cùng cũng khó qua khỏi! 
Duy Tuấn - 2 giờ trước