28 thg 3, 2014

Thơ thiền sư Thích Nhất Hạnh
Hoàng Hưng giới thiệu
photo(1)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh















Hãy gọi đúng tên tôi

Đừng bảo ngày mai tôi đã ra đi
Bởi vì chính hôm nay tôi vẫn còn đang tới
Hãy ngắm tôi thoát hình trong từng phút từng giây
Làm đọt lá trên cành xuân
Làm con chim non cánh mềm chiêm chiếp vui mừng trong tổ mới
Làm con sâu xanh trên cuống hoa hồng
Làm gân viên ngọc trắng tượng hình trong lòng đá

Tôi còn tới để khóc để cười
Để ước mong để lo sợ
Sự xuất nhập của tôi là hơi thở
Nhịp sinh diệt của tôi cũng là tiếng đập một lần của hàng triệu trái tim

Tôi là con phù du thoát hình trên mặt nước
Và là con chim sơn ca mùa xuân về trên sông đón bắt phù du
Tôi là con ếch bơi trong hồ thu
Và cũng là con rắn nước trườn đi
Tìm cách nuôi thân bằng thân ếch nhái
Tôi là em bé nghèo Ouganda, bao nhiêu xương sườn đều lộ ra, hai bàn chân bằng hai ống sậy
Tôi cũng là người chế tạo bom đạn
Để cung cấp kịp thời cho các dân tộc Á Phi.

Tôi là em bé mười hai
Bị làm nhục nhảy xuống biển sâu
Tôi cũng là người hải tặc sinh ra với một trái tim chưa biết nhìn biết cảm
Tôi là người đảng viên cao cấp, cầm quyền sinh sát trong tay
Và cũng là kẻ bị coi là có nợ máu nhân dân đang chết dần mòn trong trại tập trung cải tạo

Nỗi vui của tôi thanh thoát như trời Xuân, ấm áp cỏ hoa muôn lối
Niềm đau của tôi đọng thành nước mắt, ngập về bốn đại dương sâu.

Hãy nhớ gọi đúng tên tôi
Cho tôi được nghe một lần tất cả những tiếng tôi khóc tôi cười
Cho tôi thấy được nỗi đau và niềm vui là một
Hãy nhớ gọi đúng tên tôi
Cho tôi giật mình tỉnh thức
Và để cho cánh cửa lòng tôi để ngỏ
Cánh cửa Xót Thương.

photo
Phi cóc tính

Quả vị đầu tiên mà ta tu chứng
Là quả vị phi cóc tính

Nếu bạn bỏ cóc vào đĩa
Chỉ trong vài giây
Cóc sẽ nhảy ra.
Nếu bạn bắt cóc bỏ vào đĩa trở lại
Trong vài giây
Cóc sẽ lại nhảy ra.

Giữ cóc trong đĩa
Thật là khó.

Bạn và tôi
Chúng ta đều có Phật tính trong tâm
Đó thật là một niềm an ủi.

Nhưng bạn và tôi
Chúng ta cũng có cóc tính trong tâm
Vì vậy cho nên
Quả vị tu chứng đầu tiên của chúng ta
Là  đạt tới
Phi cóc tính


Cúc cu đúng hẹn

Cúc cu đúng hẹn, đồi lên ấm
Điện thoại reo vang giữa núi đồi
Mưa xuân nhẹ hạt đất tâm ướt
Hạt đậu năm xưa hé miệng cười

Người đã tới thăm, trăng một túi
Lá tía tô gọi hạt mồng tơi

Rậm lục thưa hồng chuông gợi bước
Chân hôn mặt đất mắt ôm trời
Ngàn xưa một thoáng, mùa tuôn dậy
Tuyết cũng màu xanh, nắng cũng tươi.


Trái ý thức chín rồi

Tuổi trẻ tôi
Trái mơ xanh
Vết răng của em
Gây thành thương tích nhỏ
Những chân răng rúng động
Và nhớ hoài nhớ hoài

Nhưng từ thuở yêu em
Cánh cửa tôi mở rộng trước gió
Thực tại kêu gào cách mạng
Trái ý thức chín rồi
Cánh cửa
Không thể nào còn khép lại

Lửa
Lửa cháy tràn thế kỷ
Loang lổ núi rừng hoang
Gió thét ngang tai
Bão tuyết bên trời quằn quại
Vết thương mùa đông
Vết thương mùa đông nằm nhớ lưỡi thép lạnh
Bồn chồn, trăn trở,
Nhức nhối,
Thâu đêm.


Uyên nguyên

Himalaya là dãy núi nào?
Trong tôi có một ngọn hùng phong đỉnh vươn cao trời mây khói
Hãy đến cùng tôi dưới chân hùng phong không tên gọi
Ngồi trên những tảng đá xanh không tuổi
Lặng nhìn thời gian xe từng sợi tơ óng ánh dệt thành bức lụa không gian

Sông Cửu Long chảy nơi đâu?
Trong tôi có một trường giang cuồn cuộn, không biết đã bắt nguồn từ chốn thâm sơn nào
Ngày đêm nước bạc phăng phăng cuốn về nơi vô định
Hãy cùng tôi tới thả thuyền trên dòng hung mãnh
Để cùng tìm về chung đích của vũ trụ bao la

Andromeda là tên của đám mây sao nào?
Trong tôi có một tinh hà chuyển vận âm thầm muôn triệu tinh cầu sáng chói
Hãy cùng tôi bay, rách lưới không gian, đường mây mở lối,
Tiếng đập cánh của anh sẽ gây chấn động tới mỗi vì sao xa

Homo sapiens là tên giống sinh vật nào?
Trong tôi có một chú bé tay trái vén màn đêm, tay phải cầm một bông hoa mặt trời làm đuốc
Hai mắt bé là hai vì sao, tóc bé bay cuồn cuộn như mây trên khu rừng già giông bão
Hãy cùng tôi tới hỏi bé tìm chi và đang đi đâu?
Đâu là uyên nguyên? đâu là quy xứ? đường về có những ngã nào?
Ô hay, bé chỉ mỉm cười
Bông hoa trên tay bé
Bỗng trở thành một mặt trời đỏ chói
Rồi bé một mình lững thững đi tới giữa những vì sao.


Lanka

Ngàn năm sóng biếc ôm chân đảo
Rào rạt thâm sâu lòng đại dương
Đàn trẻ chân không trên cát mịn
Da thơm biển mặn, gió căng buồm…

Dừa cao rợp bóng nuôi hương đất
Chuối mít xoài thơm vẫn ngọt ngon
Mưa dội đèo cao nghe gió gọi
Bước chân của Bụt vẫn chưa mòn

Nắng lên rực rỡ ngày khai hội
Trống nhịp bàn chân sóng nhạc tuôn
Tay mềm nghiêng dáng nâu thôn nữ
Gợi ý tiền thân Bụt xuống trần.


Cẩn trọng

Qua ngõ vắng
Lá rụng đầy
Tôi theo con đường nhỏ
Đất hồng như môi son bé thơ
Bỗng nhiên
Tôi cẩn trọng
Từng bước chân đi
tqs post 28/3/2014

27 thg 3, 2014

TRIẾT LÝ CỦA SỰ CÂN BẰNG

Nguyễn Quang Vinh
Chúng ta thường rất nhầm, khi bỗng trong cuộc đời mình có sự cố, có một sự hẫng hụt, lại mong tìm kiếm điều gì đó lớn hơn, vĩ đại hơn, cao hơn, để cân bằng lại cuộc sống.


Nhưng bạn ơi, trong khi bạn khổ đau, bạn thất vọng, bạn cay đắng, bạn suy sụp có thể trong hạnh phúc, có thể trong làm ăn, có thể tay trắng, có thể tan nát cõi lòng, đôi khi chỉ một bạn tay của người thân, của bè bạn đặt lên vai bạn đúng lúc, lau nước mắt bạn giữa đêm khuya, đưa vòng tay ấm áp ôm lấy bạn, đôi khi chỉ cần như thế thôi bạn đã có thể lấy lại được sự cân bằng, có thể đủ sức mạnh để tiếp tục bước đi, tiếp tục sống, tiếp tục vươn tới...
Cân bằng với tâm trạng nặng nề, với lo toan bề bộn, với sự suy sụp khốn cùng, đôi khi chỉ cần một thứ vô lượng, vô lượng như cái lông ngỗng thôi, như trong clip này, sự cân bằng vô lượng của cái lông ngỗng mà có vẻ như đỡ được cả một thế giới.
Hãy quý trọng những điều bé nhỏ, bình dị và vô lượng trong cuộc đời ta, vì chính nó sẽ cứu rỗi được bạn.
Triết lý sống qua tài năng của một cô gái thể hiện, đạt đến đỉnh của đỉnh, đạt đến sự tinh tế vô cùng vô tận, đạt đến độ thượng thừa...
Hãy xem bạn nhé....Tôi tặng bạn những chữ này cùng clip.
tqs post 27/3/2014

26 thg 3, 2014


Những chiều xuân xưa, tìm đâu cho thấy ?


Tác giả: Đào Dục Tú

KD: Thỉ tìm trong hồi ức mỗi người, và tìm trong Tạp cảm của tác giả Đào Dục Tú- sẽ thấy thôi   :D
Tôi có một người anh họ bên ngoại vốn là cựu học sinh “hai cấp liền” trường đầu bảng Chu Văn An của thủ đô; năm nay đã vượt cột mốc nhân sinh ” cổ lai hi”. Trước đây nhà bác tôi ở trong làng Yên Phụ, men theo bờ dậu dâm bụt quấn dây cúc tần vàng óng, xuôi mấy chục bước chân xuống bến có cái cầu nho nhỏ như cầu ao làng, là thấy sen, thấy bèo, thấy. . .mênh mênh mang mang mặt nước hồ Tây.
Sau, vào thời bao cấp lên tới đỉnh điểm đói ăn rách mặc, anh em tứ tán, ông kéo bầu đàn thê tử liều mạng vào “hòn ngọc viễn đông”, những mong đổi đời, làm lại cuộc đời. Mỗi lần đi công tác phía Nam ghé thăm ông anh, tôi thường được/ bị nghe than thở quanh đi quẩn lại vẫn cái ý rằng sống ở đây ồn ào tốc độ chóng mặt, rằng người trôi theo dòng đời như dề lục bình trôi sông, chẳng có gì đáng để nhớ cả .
Có bữa rượu vào lời ra, ông văn vẻ cao giọng nghe hơi bị. . .cải lương: “Chú ơi tôi sống không ký ức. Ký ức của tôi chấm hết trang cuối ở làng Yên Phụ rồi còn đâu! “Có lần ông tâm sự: ở cái xứ không nắng dầu nắng dãi chói chang từ lúc mở mắt thì lại là những cơn mưa bất chợt xối xả như hắt nước vào mặt, nên chú có biết tôi thèm, tôi ước ao khao khát cái gì không ? Đơn giản lắm. Gió bấc với mưa phùn. Gió lạnh, mưa bụi bay .Chấm hết !”
Đã lâu không “áo gấm về làng trong phố” vì ” chả còn ai ruột thịt ngoài ấy nữa”, ông anh tôi giầu có đi Mỹ thăm con thăm cháu như đi chợ đâu biết rằng, đất Bắc ngày xưa tháng giêng là tháng ăn chơi vắt sang tháng hai “trồng đậu trồng cà” làm mầu nhàn nhã, nay khí hậu đỏng đảnh thất thường nên đã không ít năm gần như mất trắng cảnh gió bấc với mưa phùn đẹp như mơ đẹp như thơ, mặc dù quê ta thời ấy quá nghèo, nghèo rơt mồng tơi luôn.
Ăn cơm mới nói chuyện cũ, nhớ tới cái nghèo thời đó, thời sổ gạo tem phiếu thực phẩm, trẻ con phiếu nhân dân (lại nhân dân!) ghi chữ N, mỗi tháng một lạng đường, nửa lít xì dầu. . .nhiều lúc giật cả mình. Trời thương nên mới bình an vô sự, cả nhà qua đạn bom chiến tranh và thiếu khó kinh khủng khiếp! Nhà tôi nuôi ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn “chủ lực” bằng sổ gạo mậu dịch cộng với vài tạ khoai tây (trồng trên ruộng khoán 5 %) để gậm giường, khoai bi- bằng hòn bi, nuôi bạn lớn (nói lái), khoai to như quả trứng gà trở lên nuôi người!
Bữa nào đong gạo nấu cơm, đụng bàn tay thấy lon sữa bò lọc cọc dưới đáy thùng tôn là . . .thở hắt ra.. Hai vợ chồng ,ba đứa con,một mẹ già ,sáu khẩu ăn, nhà hết gạo gần như nỗi lo thường trực . Thời buổi người làm ra hạt thóc củ khoai mà ngày giáp hạt bà con trong họ ngoài làng nhiều nhà cũng rơi vào cảnh ” chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” như cụ Tú thành Nam đời nảo đời nào ca thán, huống chi nhà cán bộ ăn gạo sổ hầu như ai cũng thiếu.
Gia đình tôi cũng như hầu hết mọi nhà thời đó, “thức ăn không có chất đạm” thừa mứa như bây giờ nên lấy gạo- nói cách khác, cơm tẻ làm chủ soái. Mỗi bữa đong chừng. . . năm bơ sữa bò gạo mậu dịch để kho lâu hết chất, được cái no nước nở tung, nồi cơm đầy có ngọn, thằng con mười bốn tuổi bê lặc lè. Gạo không ngon nhà đông con.. . ăn khỏe bữa nào cũng cạo sạch cả cháy.
Hết gạo biết vác rá vay ai. Ngày lo ăn đêm lo ngủ bởi chuột chạy trên xà nhà như giặc; nhiều khi bực quá phải lấy gậy chọc chọc mái ngói cũng chẳng ăn thua, chỉ được một chốc một lát, vừa nhắm mắt thiu thiu mơ mơ màng màng thì chuột lại phá bĩnh. Thời nghèo thiếu, túng bấn, chuột cũng không kiềng không nể mặt người !.
Thế nhưng đổi lại, môi trường sống làng quê thời đó còn nhiều phần trong trẻo lắm. Những chiều xuân xưa ông anh họ tôi nhớ từ Sài Gòn, vẫn còn “nguyên bản” lắm. Trời xám mầu thiếc cũ, mưa xuân bay phơi phới trên cánh đồng lúa chiêm đang thì con gái xanh mướt mát, mưa phủ bụi áo em gánh nước giếng đung đưa đường làng lát gạch nghiêng đỏ sậm mầu thời gian. . . Thi vị như “thơ Anh Thơ” bức tranh quê thời. . .tiền chiến !
Thời ấy, tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” ( mọi sự đời,sự người chỉ biết qua thông tin một kênh, còn có gì để “hoặc”) ánh mắt thế hệ chúng tôi vẫn nhiều phần hồn hậu trong trẻo lắm. Chiều chiều,hết tám giờ vàng ngọc ở các cơ quan báo nói (Đài phát thanh) báo viết (báo hình chưa có), xuất bản , ngồi đối ẩm hoặc tam tứ ẩm trong các quán rượu thuốc(rượu mầu như nước củ nâu nhuộm vải) trên đường Nguyễn Du hoa sữa, có anh muộn vợ vẫn còn tơ tưởng đến những mối tình giăng gió giăng mưa thơ Nguyễn Bính ” Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay- Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy. . .”
Tiếc thay, chỉ chưa đầy một phần tư thế kỷ sau, do quản lý đất đai không bừa bãi thì lỏng lẻo, do tốc độ đô thị hóa “vô tri vô sách” vô quy hoạch và ” công nghiệp hóa nông thôn “(thực chất là sức người cộng một phần sức điện làm tiểu thủ công) vô kế hoạch, thậm chí nhiều nơi còn vô chính phủ nữa, nên làng tôi cũng như nhiều làng quê vùng châu thổ sông Hồng biến dạng ghê gớm quá !
Không ai không thấy quê mình giầu có hơn xưa. Cũng tự nhiên thôi, nước nổi thuyền nổi, các nước láng giềng xung quanh người ta còn tiến triển như ngựa phi nước đại , chả lẽ ở thời hội nhập toàn diện này một phần tư thế kỷ dân mình “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mà đời sống kinh tế, mức sống người dân, lại không “nâng cao một bước” hay sao ?.
Nhưng ta chỉ khác người,ví như khác Nhật Bản chẳng hạn (là nghe nói thế) người ta siêu hiện đại giầu kinh tế ,mạnh khoa học công nghệ song vẫn giữ được môi sinh tử tế, văn hóa đàng hoàng. Nói chơi, thì người ta cũng phải qua ba bước tiền, trung, rồi hậu tư bản chứ bỗng dưng đi thẳng tới hâu công nghiệp hay sao ? Loáng thoáng thấy cảnh quan chùa chiền, khu nghỉ dưỡng ,khu du lịch sinh thái xứ người, nhát là dịp lễ hôi cổ truyền Nhật Bản hiện hình trên màn ảnh nhỏ vô tuyến truyền hình nhà nước, thấy mừng cho người ta và chạnh buồn cho mình quá
Những người hoài cổ, hiếu cổ của tôi ơi ! Những chiều xuân xưa in đậm ký ức văn chương người Việt ” Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay- Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” (Nguyễn Bính), “Mưa đổ bụi êm đềm trên bến vắng- Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi” (Anh Thơ), , . đẹp cô liêu quạnh quẽ, những chiều xuân quê nguyên bản Việt đại loại như thế muốn giữ lại đâu đó như một sinh cảnh du lịch văn hóa làng cổ Việt, còn có ở đâu không vùng châu thổ sông Hồng?
Có lẽ những hình ảnh nên thơ nên nhạc “Gửi gió cho mây ngàn bay”(ca từ Đoàn Chuẩn) chỉ còn trong tâm cảm người đời đang đi tới hay đã được trời cho vượt qua cái ngưỡng nhân sinh thất thập, bát thập. Những chiều xuân nay mưa không đổ bụi trên dãy ao xuân xanh mướt rau cần, xanh ngắt tre trúc, mưa như có như không mơ hồ chẳng đậu trên má người thôn nữ phớt hồng mầu đào phai quý phái trong tiết xuân se lạnh.
Mưa xuân có. . . nhớ mùa thì về bay chao chát theo làn gió bấc trên nóc những ngôi nhà tầng xám ngắt nhâp nhô, trên nhiều vùng quê môi sinh bị đủ thứ ngoại lực ,nhân lực xâm hại thành trơ lì, vô cảm, lạnh lùng. Đâu phải chỉ có quê tôi :trên trời không chim,dưới nước không cá, mặt đất thiếu vắng cảnh quan tối thiểu nhất là “dặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì” (Du Tử Lê).
Vùng quê ấy, tiếc nhớ quá, mới ngày nào còn mát mắt một mầu lục diệp của “trên đồng cạn dưới đồng sâu”,của vườn tược cây cối và nhịp sống trữ tình thư thái an bình đầy thơ mộng của những người dân quê thuần hậu trong bốn lũy tre xanh thân thuộc ngàn đời của xứ Kinh Bắc xưa . Đã đành không ai hồ đồ nghĩ kéo lui đà tiến hóa, nhưng sao trong lòng nhiều lúc chỉ muốn kêu lên lời thành ngữ thời a- còng :”Bao giờ cho đến ngày xưa !” / .

Công bố việc mở rộng thành phố Quảng Ngãi

Đăng ngày: 25/03/2014; 771 lần đọc
Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng và Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa trao Nghị quyết 123 của Chính phủ cho các địa phương.
Sáng 25-3, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 12/12/2013 của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sơn Tịnh, huyện Tư Nghĩa để mở rộng địa giới hành chính thành phố Quảng Ngãi và thành lập phường Trương Quang Trọng thuộc Tp.Quảng Ngãi. Việc sáp nhập này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Quảng Ngãi; tạo đà để xây dựng thành phố Quảng Ngãi cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại 2 vào năm 2015.
Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa cho rằng, trong những năm qua, thành phố Quảng Ngãi đã chuyển mình rất nhanh, phát triển vượt bậc và đến nay đã sử dụng 99,3% diện tích tự nhiên và 65,8% diện tích dành cho phát triển đô thị, vì vậy để phát triển bền vững toàn diện, xứng tầm là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội của tỉnh thì việc việc mở rộng địa giới hành chính của thành phố Quảng Ngãi là điều tất yếu, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
 
Để phát huy mạnh mẽ ý nghĩa, mục đích của việc điều chỉnh địa giới hành chính, Chủ tịch yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện: Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi nhanh chóng ổn định tổ chức, bộ máy ở các cơ quan, đơn vị, không để xảy ra tình trạng gián đoạn, nhất là chậm trễ trong việc giải quyết công việc của tổ chức và công dân liên quan đến điều chỉnh địa giới hành chính.
 
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn; đông thời cải tạo, chỉnh trang các khu đô thị cũ kết hợp xây dựng các khu đô thị mới hiện đại. Việc đầu tư phát triển đô thị gắn kết với các đô thị vệ tinh và vùng phụ cận.
 
 
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch; đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa; quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp. Nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương nhằm thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư, thực hiện quy hoạch, kế hoạch,…
 
nb25032014-11.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa phát biểu tại buổi Lễ
 
Theo Nghị quyết 123, thành phố Quảng Ngãi mở rộng thêm 13 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Thị trấn Sơn Tịnh, 09 xã Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Tịnh An, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Tình Kỳ (huyện Sơn Tịnh) và 03 xã Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa).
 
 
Sau khi điều chỉnh, thành phố Quảng Ngãi có 23 đơn vị hành chính cấp xã (09 phường, 14 xã), với tổng diện tích tự nhiên trên 16.015 ha (tăng 4,31 lần), dân số hơn 260.252 nhân khẩu (tăng 2,27 lần). Huyện Sơn Tịnh còn lại trên 24.341 ha diện tích tự nhiên, 95.597 nhân khẩu và 11 xã. Huyện Tư Nghĩa còn lại trên 20.536 ha diện tích tự nhiên, 128.333 nhân khẩu và 15 đơn vị hành chính cấp xã.
 
tqs post 26/3/2014

21 thg 3, 2014

Tư Bản Nào Mà Không…Hoang Dã?

Alan Phan
“Không phải tính hiếu kỳ đã giết con ngỗng đẻ trứng vàng, mà lòng tham vô độ vượt qua giới hạn của lý trí bình thường – It was not curiosity that killed the goose who laid the golden egg, but an insatiable greed that devoured common sense – E. A. Bucchianeri”

Gần đây một danh từ được dùng khá nhiều trong những phê phán và dự đoán về kinh tế là “tư bản hoang dã” hay “man rợ” hay “thân hữu”, “bè nhóm” (crony) hay “mafia” hay “xanh, đỏ, tím vàng” tùy theo cảm xúc. Tựu trung, danh từ ám chỉ sự tham lam vô độ, không kiểm soát được, kèm với thói tật luôn luôn muốn thao túng kinh tế tài chánh từ sau hậu trường của những nhóm lợi ích và giới tài phiệt trong xã hội.

Đối ngược với “tư bản hoang dã” là tư bản pháp trị, với cơ chế thị trường dù tự do nhưng vẫn mang nhiều phong thái xã hội, dân chủ của các nước Tây Phương. Phần lớn các chuyên gia kinh tế đồng ý là dù mô hình này chưa hoàn thiện, nhưng đây là một định chế “tư bản’ chấp nhận được với đa số người dân.

Thực ra, vì bị khóa miệng về chuyện chánh trị khi ở Việt Nam (ông già Alan chỉ là khách), nên tôi thường ậm ừ cho qua chuyện. Trong suy nghĩ cá nhân, tôi vẫn cho rằng hành xử của các nhóm lợi ích và tài phiệt trong một xã hội, tùy thuộc phần lớn vào định chế chính trị của quốc gia đó.

Nói thẳng ra, con người, dù có nhận mình là tư bản hay xã hội hay nhãn hiệu nào khác, luôn luôn hành động dựa trên lợi ích cá nhân của mình. Tư bản có nghĩa là “tiền” và bất cứ những ai tham tiền đều là “nhà tư bản”. Dĩ nhiên, mức độ “tư bản” hay lòng tham đều khác biệt tùy theo cá nhân. Như những thằng đàn ông, có đứa mê gái 24/7, có đứa chỉ sơ sơ (golf hay quán nhậu hấp dẫn hơn), có đứa bị định hướng sai, chỉ thích trai. Tại tất cả các quốc gia, từ phát triển đến nghèo đói, số người thực sự không tham tiền có lẽ không nhiều hơn 5% (con số phỏng đoán của ông già Alan, hoàn toàn không kiểm chứng được).

Một lần, tôi được một người bạn vì bận việc khẩn cấp gia đình, nhờ coi giùm những học sinh lớp mẫu giáo của cô ta cho đến hết giờ, khoảng 25 phút. Tôi biết mình không cách gì kiểm soát hơn 20 “lũ thứ ba” (nhất quỷ, nhì ma…), nên tìm ra một giải pháp sáng tạo. Tôi móc tờ giấy 100 đô la trong túi, để trên bàn và nói,” em nào mà ngồi im lặng nhất, không nói hay làm gì trong 25 phút tới sẽ được thưởng 100 đô la này”. Lớp học im như tờ, và sau cùng, 5 em (chỉ mới 6, 7 tuổi) ngồi “thiền” giỏi nhất, chia nhau mỗi em 20 đô la.

Nghĩ tới lui, có lẽ giải pháp này của tôi đang được Bộ Ngoại Giao Mỹ và Tòa Bạch Ốc lấy làm cốt lõi cho chánh sách đối ngoại của họ.

Trở lại chuyện tiền, như tôi đã nói nhiều lần trong các bài viết, “tư bản” không phải là một chủ nghĩa, một định chế hay một triết lý sống. Tư bản không cần ai phải cổ võ, phải tuyên giáo, phải cải tạo. Tư bản không cần lập đảng, tìm lãnh tụ, tụ họp cảnh sát công an. Tư bản nằm trong thâm tâm của mọi người, vì thực ra, lòng tham cố hữu luôn luôn hiện diện, dù nhiều khi bị che mờ bởi những cố gắng của xã hội qua tôn giáo, văn hóa, giáo dục, gia đình… Nhiều người phải an phận, không dám “tham” vì không đủ khả năng cạnh tranh hay vì lười biếng hoặc thiếu may mắn trong việc tìm gặp cơ hội. Nhưng ngay cả những con “vượn” lớn lên trong rừng rậm vẫn có thể cảm nhận giá trị của đồng tiền…nhất là những lợi ích mà đồng tiền đó đem lại.

Và lòng tham, nếu không có một định chế chính trị kiềm hãm, thì nó sẽ “hoang dã”, sẽ “man rợ”, sẽ “mafia” , sẽ thành “phe phái”. Một nền chính trị “hoang dã” sẽ tạo ra một nền kinh tế “hoang dã”.

Trên chuyến bay về Mỹ lần rồi, có chút thì giờ, tôi ngồi coi cuốn phim “12 Years A Slave” vừa đoạt giải Oscar năm nay. Câu chuyện thực của Solomon Northup, một nhạc sĩ da đen sống tự do ở Boston, bị bắt cóc và bán làm nô lệ cho các chủ đồn điền ở miền Nam nước Mỹ, khoảng 150 năm trước. Nếu muốn hiểu về ác độc của tư bản Mỹ, bạn nên coi những hoàn cảnh mà Northup phải chịu đựng cùng với nhóm nô lệ da đen, trong khi các ông chủ da trắng luôn miệng trích Kinh Thánh để giải minh tội lỗi của mình.

Một chút ngạc nhiên là dù rất hoang dã 150 năm về trước, định chế chánh trị của Mỹ vẫn có chút “pháp trị”. Northup đã được trả tự do sau khi nhà cầm quyền qua tòa án tại miền Nam kiểm chứng anh không là nô lệ. Và ân nhân anh ta là Sir Bass, một “thế lực thù địch” tại xã hội này; dù phát ngôn chống đối mạnh mẽ hệ thống nô lệ, đã không bị công an mời lên “làm việc”. Ở một quốc gia khác, có thể đã không ai biết đến chuyện của anh chàng Northup này.

Xã hội nào rồi cũng phải đổi thay. Định chế chánh trị độc tài của Pak Chung Hee ở Hàn Quốc trong thập niên 60’s rồi cũng bị phá hủy, nhường chỗ cho một Hàn Quốc hiện đại ngày nay. Sau 150 năm, văn hóa Mỹ đủ rộng mở để bầu một người da đen làm Tổng Thống. Các định chế xã hội lạc hậu của Đông Âu đã nẩy mầm một trục xoáy tự do mới cho người dân. Mùa xuân Á Rập đang tàn phá cái “cũ” để thế hệ mới có thể xây dựng một nền văn minh mới.

Dù đổi thay là một quá trình đau đớn cho nhiều thành phần xã hội, nhưng bà mẹ nào mà không vất vả trong thời kỳ thai nghén?

Tại các quốc gia mà chính trị “hoang dã” còn tiếp tục, thì tư bản sẽ vẫn còn hoang dã. Mọi hoang tưởng về lòng tham con người và lợi ích cá nhân theo những quan điểm “xã hội” sẽ kéo dài sự sống của các động vật hoang dã. Và đây cũng là điều mà các chính trị gia và các giới tài phiệt, qua những nhóm lợi ích, đang mong muốn.
Alan Phan
tqs post ngày 21/3/2014